(TVPLO) – Hoạt động xét xử luôn mang lại hiệu quả cao trong công tác tuyên tuyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, có tác dụng trực tiếp đến những người tham dự hoặc theo dõi phiên tòa, tạo ra sự quan tâm của đông đảo quần chúng nhân dân, giúp người dân dễ hiểu, dễ nhớ các quy định pháp luật. Qua đó, nâng cao ý thức pháp luật của nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, đề cao tính răn đe (trừng trị) và tính giáo dục, thuyết phục ở mỗi phiên tòa xét xử .
Hoạt động xét xử luôn mang lại hiệu quả cao trong công tác tuyên tuyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, có tác dụng trực tiếp đến những người tham dự hoặc theo dõi phiên tòa, tạo ra sự quan tâm của đông đảo quần chúng nhân dân, giúp người dân dễ hiểu, dễ nhớ các quy định pháp luật. Qua đó, nâng cao ý thức pháp luật của nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, đề cao tính răn đe, nghiêm trị và tính giáo dục, thuyết phục ở mỗi phiên tòa xét xử .
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của giáo dục trong quá trình hình thành nhân cách con người. “Hiền dữ đâu phải là tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên”.
Thấm nhuần tư tưởng của Người, công tác giáo dục pháp luật luôn được xác định là một nội dung quan trọng nhằm phát huy vai trò hiệu lực của pháp luật trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đồng thời hình thành cho con người ý thức tôn trọng, tuân thủ pháp luật, trở thành những công dân tốt, có ích cho gia đình và xã hội.
Trong hoạt động tư pháp, xét xử được coi là khâu trung tâm có vai trò quyết định. Hoạt động xét xử bao giờ cũng gắn với việc Tòa án nhân danh Nhà nước ra một quyết định, một bản án bảo vệ lợi ích Nhà nước, tổ chức xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, giáo dục công dân tuân thủ pháp luật. Tòa án có thể thực hiện việc giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức, nhưng tập trung nhất và quan trọng nhất vẫn là giáo dục qua hoạt động xét xử.
Hoạt động xét xử là quá trình tác động có mục đích, có tổ chức, có chủ định và có kế hoạch của các chủ thể giáo dục như Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư, Thư ký Tòa án, Giám định viên, đến các đối tượng được giáo dục, gồm những người tham gia tố tụng và những người tham dự phiên tòa, nhằm hình thành ở họ ý thức pháp luật, trạng thái xúc cảm, tình cảm pháp luật đúng đắn, là cơ sở cho hành vi, ứng xử phù hợp với yêu cầu của pháp luật liên quan đến bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT).
Giáo dục pháp luật qua hoạt động xét xử được ghi nhận trong Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014. Cụ thể, bằng hoạt động của mình, “Tòa án giáo dục cho mọi người ý thức tôn trọng pháp luật, rèn luyện thói quen tuân thủ pháp luật, cần làm cho mọi người tin rằng bất cứ sự vi phạm pháp luật nào cùng sẽ bị Tòa án và xã hội lên án, giáo dục mọi công dân ý thức tham gia vào hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm”. Giáo dục pháp luật qua hoạt động xét xử là hình thức giáo dục đặc thù nhất và quan trọng nhất của Tòa án; ở đó, Thẩm phán luôn làm cho mọi người thấy rằng bất cứ sự việc vi phạm pháp luật nào đều bị xử lý theo pháp luật.
Phát huy vai trò của công tác xét xử trong công tác bảo đảm TTATGT, những năm qua, Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) đã chỉ đạo TAND các cấp tăng cường xét xử công khai (trừ một số trường hợp do pháp luật quy định phải xử kín) các vụ án liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT. Đặc biệt có những vụ án đã được TANDTC đưa ra xem xét và ban hành thành án lệ.
Thực tiễn xét xử cho thấy, những năm qua các hành vi vi phạm TTATGT chủ yếu tập trung vào tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ; tội cản trở giao thông đường bộ; tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; tội đua xe, tổ chức đua xe trái phép và một số tội liên quan đến giao thông đường thủy, đường sắt. Theo thống kê của TANDTC, chỉ tính từ ngày 01/10/1018 đến ngày 30/09/2021, hệ thống Tòa án đã tổ chức xét xử 10.508 vụ án liên quan đến tội xâm phạm TTATGT với 10.880 bị cáo.
Thông qua hoạt động xét xử các vụ án liên quan đến hành vi vi phạm an toàn giao thông, có thể giúp cho những người tham gia tố tụng cũng như những người theo dõi phiên tòa hiểu sâu sắc và rõ ràng hơn về những quy định của pháp luật được áp dụng để giải quyết vụ án. Từ đó họ có thể tự đánh giá về hành vi và trách nhiệm pháp lý của mình, giúp hình thành ở họ những cảm xúc về sự công bằng nghiêm minh của pháp luật, tôn trọng các đại diện của công lý, giúp họ định hướng hành vi phù hợp với yêu cầu của pháp luật, giúp định hướng dư luận xã hội, nhờ đó mà phát huy tác dụng phòng ngừa riêng và phòng ngừa chung.
Tai nạn giao thông được xem là một trong những rủi ro lớn nhất đe dọa đến sinh mạng và sức khỏe của con người. Hậu quả của nó rất nặng nề, không chỉ ảnh hưởng về mặt tinh thần mà còn dễ dẫn đến nghèo đói, lạc hậu, bệnh tật bởi chiếm tỷ lệ lớn trong số vụ, số người tử vong là những trụ cột trong gia đình. Các vụ tai nạn giao thông không chỉ để lại nỗi đau tinh thần và gánh nặng kinh tế cho người thân của họ mà ngay chính người gây ra tai nạn cũng rơi vào hoàn cảnh khó khăn.
Vụ tai nạn xảy ra tại đường Võ Văn Kiệt, xã Đồng Sơn (TP. Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) khiến anh Đào Văn N (SN 1993), trú tại huyện Lục Ngạn tử vong là một ví dụ. Nguyên nhân do đối tượng Tăng Văn T (SN 1986), trú tại TP Bắc Giang sử dụng rượu bia, điều khiển ô tô va chạm với xe máy của nạn nhân. Từ khi xảy ra sự việc, T luôn ăn năn, hối hận vì hành vi của mình dẫn đến cái chết của anh N, khiến bao người không chỉ trong gia đình anh N mà còn cả gia đình T bị ảnh hưởng.
Ở một phiên tòa xét xử khác, bị cáo Đinh Ngọc Hải (SN 1976) ở Bắc Giang tỏ ra ngoan cố và không chịu thừa nhận hành vi phạm tội của bản thân. Theo hồ sơ vụ án, Hải đã điều khiển xe ô tô va chạm với một xe máy và lao vào người đi bộ ngược chiều khiến nạn nhân tử vong. Bằng những chứng cứ, tài liệu điều tra cho thấy Hải bỏ trốn để tránh trách nhiệm. Sự coi thường pháp luật đã khiến bị cáo phải trả giá đắt. Bản án chung thân là hình phạt mà Hải phải gánh chịu đối với hành vi vi phạm về TTATGT và hành vi mua bán trái phép chất ma túy.
Mỗi vụ án là một bài học, có những người khi đối diện với hậu quả do bản thân gây ra, họ mới biết mình đã sai đến đâu. Chỉ vì những chén rượu, ly bia đã khiến bị cáo Nguyễn Văn Q (SN 1978) ở Lạng Sơn phải trả giá bằng những ngày tháng trong lao tù. Trước đó, Q điều khiển xe mô tô chở vợ con đi chơi về nhà nhưng đã xảy ra tai nạn với người đi bộ. Vụ tai nạn khiến nạn nhân chấn thương sọ não, liệt vận động nửa người mức độ nặng; tỷ lệ tổn thương cơ thể là 88%.
Ngay sau khi tai nạn xảy ra, Cơ quan điều tra đo nồng độ cồn trong hơi thở của Nguyễn Văn Q là 0.680mg/l khí thở. Nguyên nhân ban đầu được xác định do bị cáo điều khiển phương tiện với tốc độ cao, không nhường đường cho người đi bộ qua đường. Nói lời sau cùng trước khi Tòa tuyên án, Q cúi đầu ăn năn: “Bị cáo bị ám ảnh rất nhiều bởi hình ảnh tai nạn thương tâm lúc đó, mong gia đình nạn nhân lượng thứ, mong luật pháp khoan hồng để bị cáo sớm trở về cộng đồng, chuộc lại lỗi lầm…”.
Sau mỗi vụ án là một bài học cho cả bị cáo, bị hại và những người tham dự phiên tòa. Đây cũng là lời cảnh tỉnh cho tất cả mọi người phải tuân thủ pháp luật khi tham gia giao thông.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả của hoạt động xét xử, trong thời gian tới, TANDTC tiếp tục chỉ đạo trong toàn hệ thống tăng cường xét xử công khai các vụ án liên quan đến hành vi vi phạm về bảo đảm TTATGT, để mỗi bản án xét xử đúng người, đúng việc, đúng tội, thể hiện tính nhân văn, nâng cao dân trí về pháp luật an toàn giao thông, phù hợp với quy định và điều kiện thực tế của từng địa phương, đơn vị. Đây cũng là hoạt động nhằm thực hiện thắng lợi các chủ trương, biện pháp nhằm kiềm chế, làm giảm tai nạn giao thông, trong đó có Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới.
Nhóm tác giả: Lâm Thanh-Nhật Minh-Thanh Trà
https://congly.vn/hoat-dong-xet-xu-gop-phan-nang-cao-y-thuc-ton-trong-phap-luat-406121.html