(TVPLO) – Sự phân chia về tài sản dường như đồng nghĩa với việc cắt đứt tình thân. Dù pháp luật đã làm tròn trách nhiệm nhưng cuộc hơn thua giữa anh em ruột thịt dường như vẫn chưa kết thúc
Ngày 17-5-2024, tại TAND TP HCM, câu chuyện bi kịch của một gia đình được phơi bày. Hai anh em ruột, cùng lớn lên bên nhau, nay phải đối mặt trong cuộc chiến pháp lý. Ông D.H (51 tuổi) có mặt tại phiên tòa, trong khi anh trai ông – ông D.D (52 tuổi) vắng mặt. Nhà đất gần 200 m2 do mẹ để lại trở thành tâm điểm của cuộc hơn thua ruột thịt này.
Bi kịch quá khứ
Khi ông H. trình bày quan điểm của mình, khuôn mặt như nặng trĩu nỗi buồn. Những thước phim cũ kỹ vềngười mẹ kiên cường, tần tảo như sống lại qua từng lời kể.
Trong cảnh hỗn loạn giữa bom rơi đạn lạc những năm đầu thập niên 70, mẹ ông H., một thiếu nữ Sài Gòn, 25 tuổi, đã tìm thấy bến đỗ bình yên bên cha ông. Thế rồi bi kịch sớm ập đến, người mẹ phát hiện ra bà chỉlà người phụ nữ thứ hai, một bóng hồng thoáng qua cuộc đời của người đàn ông mà bà coi là tất cả. Cha ông H. có một người vợ hợp pháp cùng 7 người con.
Ông H. nói rằng nỗi đau chưa dừng lại tại đó. Khi mẹ mang thai ông thì người cha quay về với người vợ hợp pháp. Dù phải gánh chịu những mất mát và tủi hổ, mẹ ông vẫn một tay nuôi hai con thơ nên người. Năm 2009, mẹ ông mất, để lại căn nhà nhỏ trên mảnh đất gần 200 m2 cùng những điều chưa kịp trăng trối.
Hiện tại, ông H. và ông D. vẫn sống trong căn nhà này cùng gia đình của mình, nhưng mâu thuẫn giữa hai bên ngày càng sâu sắc. Ông H. quyết định khởi kiện để yêu cầu chia đôi tài sản.
Ảnh minh họa AI: Ý LINH
Ông D., dù vắng mặt trong phiên tòa nhưng thông qua những lời khai trước đó, cũng bày tỏ sự đau lòng và tiếc nuối không kém. Với ông D., căn nhà là minh chứng cho những năm tháng người mẹ đã sống với tất cảsức mạnh của mình để bảo vệ và nuôi dưỡng anh em ông. Nhưng ông D. cho rằng căn nhà – nơi gắn bó anh em họ suốt những năm tháng khó khăn và đau thương, vốn là tài sản chung của cả cha lẫn mẹ.
Quan điểm tranh luận giữa ông H. và ông D. không chỉ dừng lại ở vấn đề về nguồn gốc căn nhà mà sâu xa hơn là sự đan xen giữa những kỷ niệm, mất mát và cả nỗi oán trách âm thầm. Ông H. khẳng định căn nhà là tài sản riêng của mẹ, không có sự đóng góp từ cha và muốn chia đôi di sản này.
Ngược lại, ông D. cho rằng dù cha mẹ không có hôn thú, nhưng cả hai đã cùng gầy dựng nên ngôi nhà và mảnh đất này trong suốt thời gian sống chung. Tuy nhiên, vì lý do pháp lý, mẹ ông là người đứng tên trên giấy tờ. Vào tháng 1-2005, mẹ ông đã đồng ý chia cho ông một phần đất khoảng 90 m2. Ông D. đã trình ra lá đơn xác nhận nội dung này với chữ ký của UBND phường, như một minh chứng không thể chối cãi vềquyền sở hữu của mình trước tòa.
Không nhượng bộ
Câu chuyện quá khứ tiếp tục được làm rõ hơn khi tòa án nhắc đến những khoản nợ ngân hàng mà mẹ họchưa thanh toán hết. Mẹ của họ từng thế chấp mảnh đất để vay 200 triệu đồng xây dựng dãy phòng trọ và khoản nợ này vẫn còn dai dẳng.
Bấy giờ, không khí phiên tòa trở nên nặng nề hơn. Áp lực tài chính như gánh nặng lớn đè lên đôi vai của cảhai nhưng không ai muốn nhượng bộ. Ông H. cho biết sau khi mẹ qua đời, ông đã đồng ý để ông D. quản lý, thu tiền các căn nhà trọ này (gồm 16 phòng giá 650.000 đồng/phòng/tháng và 3 phòng giá 1 triệu đồng/phòng/tháng) và chịu trách nhiệm tiếp tục trả nợ cho ngân hàng. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian thì ông D. không trả nợ ngân hàng nữa mà xin gia hạn 12 tháng. Hiện tại, do khoản nợ vẫn chưa được thanh toán nên ngân hàng kiện đòi.
Ông D. cho biết ông nắm rõ khoản nợ ngân hàng mà mẹ đã vay. Tiền cho thuê trọ hằng tháng được khoảng 8 triệu, ông D. dùng để trả nợ ngân hàng và trả tiền điện, nước, tiền thuế nhà đất cho gia đình của cả hai thì cũng hết nhẵn.
Ông D. cho rằng ông H. vốn không biết gì về hoàn cảnh gia đình, còn đòi chia tài sản thừa kế khi mẹ vừa mất. Ông D. kể tiếp sau khi mẹ mất, gia đình ông H. mới dọn về sống cùng gia đình ông D. Trong khi đó, thời gian người mẹ bị bệnh ung thư, ông phải vay mượn một khoản nợ khác để chạy chữa và sau đó là làm đám tang cho mẹ.
Khi tòa án công bố hết những lời khai của ông D., không gian phòng xử án dường như ngột ngạt, căng thẳng hơn. Cả hai anh em họ đều dồn hết tâm tư, nỗi niềm vào phiên tòa. Cả ông H. và ông D. đều có lý do chính đáng để bảo vệ phần tài sản mà họ cho là thuộc về mình.
Nhưng phải chăng, không phải căn nhà, mảnh đất hay những khoản tiền đang là nguyên nhân khiến mối quan hệ của họ rạn nứt. Mà chính là sự thiếu giao tiếp, thiếu đồng cảm và niềm tin lẫn nhau. Qua thời gian, những biến cố cuộc sống đã dần làm phai nhạt mối dây liên kết ruột thịt vốn tưởng bền chặt. Cả ông D. và ông H. đều mang trong lòng những trách nhiệm chưa từng nói ra, những hy sinh mà mỗi người cho rằng mình đã gánh chịu nhiều hơn.
Khi HĐXX đưa ra phán quyết cuối cùng, một sự im lặng bao trùm cả phòng xử án. Mảnh đất được định giá hơn 8 tỉ đồng mà mẹ họ để lại được tòa án định đoạt chia đôi theo quy định của pháp luật, sau khi trừ phần trả nợ ngân hàng.
Ông H. cúi đầu, đôi mắt khẽ nhắm lại như trút bỏ một gánh nặng nhưng ánh mắt đầy suy tư đã nói lên rằng tình anh em đã bị tổn thương quá nhiều. Phía bên kia, ông D. lặng lẽ đón nhận phán quyết, nhưng trong lòng vẫn còn nhiều nỗi uất ức chưa được giải tỏa. Bấy giờ, sự phân chia về tài sản dường như đồng nghĩa với việc cắt đứt tình thân. Dù pháp luật đã làm tròn trách nhiệm nhưng cuộc hơn thua giữa anh em ruột thịt dường như vẫn chưa kết thúc.
TRẦN THÁI
https://nld.com.vn/chia-dat-dut-tinh-196240927203253889.htm