(TVPLO) – Việc mặc định thời hạn chuẩn bị xét xử bao gồm cả thời hạn gia hạn mà vụ án không thuộc trường hợp có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan là không đúng.
Ngày 9-9-2024, VKSND Tối cao ban hành Văn bản số 3854/VKSTC-V9 giải đáp vướng mắc về kiểm sát việc giải quyết vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình.
Theo đó, VKSND Tối cao đã trả lời một số vướng mắc về việc thực hiện BLTTDS năm 2015 và các văn bản pháp luật khác liên quan đến việc giải quyết vụ việc dân sự tại tòa án.
Hình minh họa.
Vướng mắc về gia hạn thời hạn xét xử
VKSND tỉnh Lâm Đồng cho rằng hiện nay, việc gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm đối với các vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan theo khoản 1 Điều 203 BLTTDS năm 2015 chưa được hướng dẫn. Trên thực tế có tòa án mặc định thời hạn chuẩn bị xét xử bao gồm cả thời hạn gia hạn nên đương sự thường gửi đơn khiếu nại về việc chậm giải quyết vụ án.
Trả lời, VKSND Tối cao cho rằng khoản 1 Điều 203 BLTTDS năm 2015 quy định các trường hợp gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử là “vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan”. Sự kiện bất khả kháng và trở ngại khách quan được quy định tại khoản 1 Điều 156 BLDS năm 2015.
Cạnh đó, khoản 3 Điều 14 Nghị quyết 05/2012/NQ-HĐTP ngày 3-12-2012 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao có hướng dẫn về việc gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử (thế nào là vụ án có tính chất phức tạp, trở ngại khách quan, lý do chính đáng). Hiện nay, mặc dù Nghị quyết 05/2012/NQ-HĐTP đã hết hiệu lực nhưng nếu quy định về vấn đề này của BLTTDS năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) và BLTTDS năm 2015 không có điểm gì khác biệt thì vẫn có thể tham khảo để áp dụng.
Vì vậy việc mặc định thời hạn chuẩn bị xét xử bao gồm cả thời hạn gia hạn mà vụ án không thuộc trường hợp có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan là không đúng.
Cũng liên quan đến vấn đề gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, VKSND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng BLTTDS không quy định tòa án phải gửi quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử cho VKS. Vì vậy, VKS không có căn cứ để xác định toà án có vi phạm quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử không?
Theo VKSND Tối cao, VKS căn cứ ngày, tháng, năm tòa án thụ lý vụ án (theo thông báo về việc thụ lý vụ án) và khoản 1 Điều 203 BLTTDS để kiểm sát thời hạn chuẩn bị xét xử. Hết thời hạn chuẩn bị xét xử mà tòa án không ban hành một trong bốn quyết định quy định tại khoản 3 Điều 203 BLTTDS thì có thể trao đổivới tòa án để nắm được vụ án có được gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử không.
Trong danh mục 93 biểu mẫu trong TTDS (được ban hành kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao) không có mẫu quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nên tòa án có thể không ban hành quyết định riêng về việc này. BLTTDS không quy định tòa án phải thông báo cho VKS về việc gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử.
Do vậy, khi nghiên cứu hồ sơ vụ án để tham gia phiên tòa, kiểm sát viên kiểm sát việc tòa án thực hiện quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử, gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử (nếu có). Nếu có căn cứ cho thấy tòa án có vi phạm thì kiểm sát viên phát biểu nêu rõ tại phiên tòa. Nếu vi phạm là phổ biến thì VKS tổng hợp để kiến nghị bằng văn bản với tòa án.
Vướng mắc về thu thập chứng cứ
Cùng vướng mắc về thu thập, VKS tỉnh Lâm Đồng và Trà Vinh cho rằng Điều 22 Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSNDTCTANDTC ngày 31-8-2016 quy định trách nhiệm của tòa án khi thực hiện quyền yêu cầu của VKS như sau: “Trường hợp việc xác minh, thu thập chứng cứ theo yêu cầu của kiểm sát viên là không thể thực hiện được hoặc tòa án xét thấy không cần thiết thì chậm nhất là đến ngày hết thời hạn mở phiên tòa, phiên họp theo quyết định của tòa án, tòa án thông báo cho kiểm sát viên bằng văn bản và nêu rõ lý do”.
Tuy nhiên, thực tiễn có trường hợp tòa án không thực hiện yêu cầu của VKS hoặc thực hiện không triệt để nhưng không có văn bản thông báo lý do. Điều này dẫn đến kiểm sát viên bị động trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, đề xuất hướng giải quyết, báo cáo lãnh đạo duyệt trước khi tham gia phiên tòa.
VKSND Tối cao cho rằng nếu VKS nhận thấy do không xác minh, thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ nên không đủ cơ sở để giải quyết vụ án thì thực hiện theo khoản 5 Điều 23 Quy chế số 364/QĐ-VKSTC ngày 2-10-2017 về công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự. Cụ thể, kiểm sát viên tiếp tục tham gia phiên tòa, phát biểu quan điểm của VKS nêu rõ việc chưa có đủ cơ sở để giải quyết vụ án vì thiếu những chứng cứ mà kiểm sát viên đã yêu cầu tòa án xác minh, thu thập bổ sung.
Đối với việc tòa án không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ yêu cầu xác minh, thu thập chứng cứ của VKS nhưng không có văn bản thông báo lý do theo khoản 2 Điều 22 Thông tư liên tịch số 02/2016 thì kiểm sát viên kiến nghị ngay tại phiên tòa hoặc VKS tổng hợp để ban hành kiến nghị chung.
Vụ việc thuộc trường hợp này cần lưu ý xem xét kháng nghị ngay sau phiên tòa, VKS chủ động thực hiện quyền xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để quyết định kháng nghị nếu thấy cần thiết.
Đương sự có được đối đáp với kiểm sát viên
VKSND tỉnh Lâm Đồng còn vướng mắc khi theo Điều 262 BLTTDS, kiểm sát viên phát biểu ý kiếnsau khi người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, trước khi HĐXX nghị án. Như vậy các đương sự không được có ý kiến đối đáp với phát biểu này của kiểm sát viên là không bảo đảm quyền tranh tụng của các đương sự.
VKSND Tối cao trả lời như sau: Khoản 1 Điều 21 BLTTDS năm 2015 quy định “VKS kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự, thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự kịp thời, đúng pháp luật”. Nhiệm vụ, quyền hạn và trình tự, thủ tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của kiểm sát viên tại phiên toà do BLTTDS quy định và phải được thực hiện đúng.
Trong tố tụng dân sự, kiểm sát viên kiểm sát việc tuân theo pháp luật của tòa án, người tiến hành tố tụng của tòa án, người tham gia tố tụng và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự.
Kiểm sát viên không đại diện bảo vệ quyền, lợi ích của bên nào trong các bên tranh chấp nên không thực hiện tranh tụng với các bên, việc đối đáp của đương sự đối với phát biểu của kiểm sát viên là không cần thiết.
Cần nhận thức đúng khoản 1 Điều 247 BLTTDS về nội dung và phương thức tranh tụng tại phiên toà. Không phải kiểm sát viên có thực hiện hoạt động nêu tại Điều 247 BLTTDS thì tức là kiểm sát viên tranh tụng mà phải kết hợp với nội dung khác tại các Điều 248, 249, 260 và 261 BLTTDS để xác định đúng chủ thể tranh tụng.
Yến Châu
https://plo.vn/vksnd-toi-cao-giai-dap-nhieu-vuong-mac-quan-trong-ve-to-tung-dan-su-post809752.html