(TVPLO) – Trải qua 10 năm thi hành Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý, sử dụng đất đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng cho sự phát triển chung của toàn nền kinh tế – xã hội, đồng thời giúp bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức, thực thi Luật Đất đai đã phát sinh thêm nhiều vấn đề mới từ đó bộc lộ một số điểm thiếu xót, bất cập.
Ảnh minh hoạ
Có thể thấy, Pháp luật về đất đai là một lĩnh vực pháp luật có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống kinh tế – xã hội, điều chỉnh những quan hệ xã hội phức tạp, có liên quan trực tiếp đến nguồn tài nguyên quý báu của quốc gia, cũng là loại tài sản có giá trị lớn của cá nhân, tổ chức. Việt Nam có Pháp luật về đất đai trải qua nhiều thời kỳ phát triển, bắt đầu từ Luật Đất đai 1987, tiếp theo đó là Luật Đất đai 1993, Luật Đất đai 2003 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) và hiện hành là Luật Đất đai 2013. Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành gồm nghị định của Chính phủ, thông tư của các bộ…Điều này, tạo được hành lang pháp lý khá hoàn thiện điều chỉnh các quan hệ pháp luật về đất đai. Sau gần 10 năm thi hành Luật Đất đai vào năm 2013, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm, phát huy nguồn lực về đất đai trong phát triển kinh tế – xã hội. Đặc biệt là việc sử dụng đất đai có hiệu quả trong phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, phát triển nhà ở các đô thị.
Cụ thể, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV lần đầu cho ý kiến về Dự án Luật đất đai sửa đổi. Đây là dự án đặc biệt quan trọng, nhận được sự quan tâm lớn của dư luận xã hội và các đại biểu Quốc hội.Chia sẻ về việc này, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam Trần Công Phàn, Đại biểu Quốc hội khóa XV nhận xét Luật Đất đai là một điều luật khó cho nên Quốc hội đã phải cân nhắc, tính toán rất kỹ và đề cao tinh thần trách nhiệm. Theo đó, điều khó nhất khi tiến hành sửa đổi Luật Đất đai là việc sửa luật này liên quan đến nhiều đạo luật khác nhau, theo thống kê liên quan tới 112 đạo luật khác, có nhiều nội dung khi sửa Luật này thì kéo theo vấn đề phải sửa Luật khác. Vì vậy đây là vấn đề rất lớn, việc sửa đổi là hết sức cần thiết, liên quan đến lợi ích của tất cả các thành phần trong xã hội.
Ông Trần Công Phàn, nhấn mạnh: “Vừa qua, Trung ương đã ra Nghị quyết 18 là một cơ sở hết sức quan trọng, trong đó nêu lên 10 nội dung, chính sách lớn, nội dung mới là cơ sở chính trị quan trọng, thuận lợi cho ban sửa đổi và khi tiến hành sửa đổi Luật này là cụ thể hóa những chính sách, chủ trương đó. Việc sửa đổi Luật Đất đai tồn tại những vấn đề mà phải quyết tâm làm thì mới có thể sửa được”.
Tương tự, Tiến sỹ Hồ Minh Sơn cho rằng, Luật Đất đai năm 2013 đã tạo một bước chuyển biến mới trong chính sách đất đai sau gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới. Với hàng loạt các văn bản hướng dẫn thi hành từ Trung ương đến địa phương cho thấy Luật Đất đai đã được quan tâm đưa vào thực tiễn cuộc sống, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác quản lý và sử dụng đất đai. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, còn bộc lộ một số hạn chế, tồn tại, điển hình: có sự mâu thuẫn giữa pháp luật về đất đai với các Luật khác trong một số trường hợp, một số nội dung mặc dù đã có quy định trong Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành nhưng không khả thi vì chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn hoặc thực tiễn phát sinh những hành vi mà Luật Đất đai không quy định điều chỉnh gây khó khăn cho quá trình thực hiện quyền lợi của các chủ thể liên quan. Trong suốt thời gian qua, có nhiều người giàu lên nhờ đất, nhưng cũng có không ít người nghèo đi vì đất, thậm chí bị đi tù cũng vì đất…Tiến sỹ Hồ Minh Sơn cũng khẳng định không phải tự nhiên có tới hơn 70% số vụ tố cáo, khiếu nại đều thuộc về lĩnh vực đất đai trong thời gian vừa qua. Tại các kỳ họp Quốc hội, lĩnh vực đất đai luôn là vấn đề thu hút sự quan tâm của cử tri cả nước. Những vấn đề bức xúc trong việc giải quyết đơn thư liên quan đến đất đai chiếm tỷ lệ không nhỏ, nếu như chậm giải quyết thì cũng ảnh hưởng đến trật tự – an ninh xã hội. Vì lẻ đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2013 là điều luôn nhận được sự kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp.
Nhận định thêm về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Tiến sỹ Hồ Minh Sơn cho biết là một trong những Luật hứa hẹn sẽ gỡ bỏ những nút thắt chồng chéo, khơi thông nguồn lực đất đai, giúp ổn định đời sống xã hội, tiếp thêm động lực cho thị trường bất động sản. Đặc biệt, sửa đổi luật là phải tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, phát triển cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, làm sao để các doanh nghiệp vừa và nhỏ được tiếp cận gần hơn về nguồn vốn. Bởi, nguồn vốn hiện đang là điều được cả cộng đồng doanh nghiệp bất động sản rất quan tâm. Với việc tiếp cận đất đai dễ dàng hơn đồng nghĩa các doanh nghiệp có thể có một loại tài sản thế chấp hữu hiệu trong trường hợp muốn vay vốn từ các tổ chức tín dụng.
Mặt khác, nếu không tiếp cận được tín dụng, thì nhiều doanh nghiệp sẽ mất đi cơ hội phục hồi sau đại dịch hoặc không thể mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, bỏ lỡ cơ hội đầu tư cho tài sản mới.Nghị quyết 18 của Trung ương Đảng đã thể hiện rất rõ mục tiêu, yêu cầu của việc sửa đổi Luật Đất đai lần này là phải tạo ra được một động lực đưa đất nước ta trở thành một nước có thu nhập cao. Đồng thời, nếu thực hiện mục tiêu này thì phải đưa nhiệm vụ trung tâm của việc sửa đổi luật là phải nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thúc đẩy phát triển cộng đồng doanh nghiệp, Tiến sỹ Hồ Minh Sơn tâm đắc.
Bước vào những ngày tháng đầu tiên của năm 2023, Tiến sỹ Hồ Minh Sơn còn trăn trở, nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng sẽ phải đối mặt với những khó khăn và thách thức mới. Do đó, vớiviệc sớm hoàn thiện sửa Luật Đất đai sẽ góp phần giải quyết được nhiều vấn đề đã và đang tồn đọng trên thị trường. Điều này, sẽ có sức ảnh hưởng lan tỏa mạnh mẽ đối với hệ thống pháp luật khác về kinh tế, sẽ thực sự khai phá những nguồn lực phát triển đất nước, thực sự tạo ra một môi trường thông thoáng, thủ tục hành chính đơn giản, đảm bảo sự an toàn cho người dân và doanh nghiệp khi tiến hành các hoạt động xuất kinh doanh.
Đất đai là nguồn tài nguyên đặc biệt của quốc gia, là một trong những nguồn lực to lớn của đất nước. Chính sách pháp luật về đất đai có tác động trực tiếp đến hầu hết hoạt động kinh tế, văn hóa – xã hội môi trường của đất nước cũng như ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp. Cơ hội phát triển của Việt Nam còn rất, cần phải sớm sửa đổi triệt để các bất cập (nếu có) của Luật Đất đai hiện hành. Tin rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai lần này luôn được người dân và doanh nghiệp đều đặt kỳ vọng để phù hợp với thực tiễn của nền kinh tế đất nước trong thời kỳ mới. Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn, các quy định sửa đổi cần đảm bảo được tính hợp lý khi áp dụng vào thực tiễn, với mục tiêu giải phóng nguồn lực đất đai phục vụ cho việc phát triển kinh tế – xã hội một cách hiệu quả.
Văn Hải – Huyền Hồ