(TVPLO) – Sáng ngày 19/06/2024, Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE) đã nhận được yêu cầu tham vấn pháp lý liên quan đến Luật Giao thông đường bộ của các doanh nghiệp thuộc Câu lạc bộ Doanh nghiệp IMRIC – IRLIE.
Theo đó, Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) xin phúc đáp cụ thể sau: Khi cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe để kiểm tra nồng độ cồn, nếu lái xe từ chối sẽ bị xử phạt theo quy định. Đồng thời, việc kiểm tra nồng độ cồn đang được lực lượng CSGT triển khai một cách quyết liệt góp phần giảm thiểu tai nạn, nhưng ngoài CSGT thì công an xã không có quyền xử lý các vi phạm về giao thông một cách độc lập, đặc biệt là kiểm tra nồng độ cồn.
Không chấp hành đo nồng độ cồn, tài xế bị xử phạt bao nhiêu
Ảnh minh hoạ
Căn cứ theo quy định tại Điểm g Khoản 8 và Điểm g Khoản 10, Điều 6 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP: Xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ; Phạt tiền 6 – 8 triệu đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm: Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ.
Bên cạnh việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây: Thực hiện hành vi quy định tại điểm e, điểm g, điểm h, điểm i khoản 8 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 22 – 24 tháng. Do đó, người điều khiển xe máy không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của CSGT sẽ bị phạt tiền 6 – 8 triệu đồng. Bên cạnh đó, tài xế còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 22 – 24 tháng.
Căn cứ theo khoản 10 và Điểm h, Khoản 11, Điều 5 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định về xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ.
Phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ; Điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy; Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy của người thi hành công vụ.
Cùng với đó, phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung: Thực hiện hành vi quy định tại khoản 10 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 – 24 tháng. Căn cứ quy định trên, tài xế ô tô không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của lực lượng chức năng sẽ bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng. Ngoài ra, tài xế còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.
Căn cứ điểm b, khoản 9 và điểm e, khoản 10 điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP có quy định đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng không chấp hành đo nồng độ cồn, chế tài. Theo đó, trường hợp này tài xế sẽ bị phạt tiền 16 – 18 triệu đồng khi không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ. Ngoài việc bị phạt tiền, người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ từ 22 – 24 tháng.
Công an xã có được thổi nồng độ cồn?
Ảnh minh hoạ
Công an xã là lực lượng an ninh cấp cơ sở, thường được phân công làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn xã hội tại cộng đồng. Công an xã thường được chia thành nhiều nhóm công tác, phụ trách các nhiệm vụ từ bảo vệ trị an, xử lý các vụ việc vi phạm, cho đến tuyên truyền và giáo dục pháp luật tại địa phương.
Căn cứ quy định tại Nghị định 01/2008/NĐ-CP và các văn bản pháp luật liên quan, lực lượng công an xã không có quyền xử lý các vi phạm về giao thông một cách độc lập, đặc biệt là kiểm tra nồng độ cồn. Tuy nhiên, công an xã thể phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông để thực hiện các nhiệm vụ này.
Căn cứ các văn bản pháp lý còn hiệu lực thì chỉ lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) hoặc cơ quan chức năng có liên quan mới có quyền kiểm tra và xử lý vi phạm liên quan đến nồng độ cồn khi lái xe. Điều này được quy định rõ ràng trong Luật Giao thông đường bộ và các quy định pháp luật liên quan. Việc đo nồng độ cồn thường được thực hiện bằng cách sử dụng máy đo chuyên dụng và phải tuân thủ các quy tắc, quy trình đúng đắn.
Mặc dù công an xã không có quyền trực tiếp thổi nồng độ cồn, nhưng họ vẫn đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ lực lượng CSGT. Công an xã có thể giúp đỡ trong việc thiết lập các điểm kiểm tra, giữ trật tự và an ninh tại các khu vực kiểm tra nồng độ cồn, và hỗ trợ trong các tình huống khẩn cấp hay phức tạp.
Công an xã không có quyền trực tiếp thổi nồng độ cồn. Tuy nhiên, họ vẫn đóng vai trò hỗ trợ lực lượng CSGT trong việc đảm bảo trật tự, an toàn giao thông tại địa phương. Hiểu rõ quyền hạn và trách nhiệm của từng lực lượng chức năng sẽ giúp lái xe tham gia giao thông một cách an toàn hơn, đồng thời cũng sẽ tránh được các tình huống hiểu nhầm không đáng có.
Việc kiểm tra nồng độ cồn khi lái xe được quy định rõ ràng trong các văn bản pháp luật như Nghị định 100/2019/NĐ-CP và các quy định bổ sung, sửa đổi sau này. Người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt mức quy định sẽ chịu các hình thức xử phạt từ tiền phạt, tạm giữ giấy phép lái xe, đến tạm giữ phương tiện. Đảm bảo an toàn giao thông là nhiệm vụ quan trọng không chỉ của các lực lượng chức năng mà còn của tất cả mọi người. Việc kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nồng độ cồn giúp giảm thiểu tai nạn giao thông, bảo vệ tính mạng và tài sản của người tham gia giao thông.
Trong thời gian qua, Viện IMRIC thường xuyên phối hợp với Viện IRLIE giao Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) bên cạnh công việc chuyên môn thì luôn chú trọng nâng cao nhận thức về văn hóa giao thông đối với người dân nhất là cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp để cập nhật những kiến thức mới nhất về Luật giao thông đường bộ để tránh vi phạm và đặc biệt là kỹ năng lái xe một cách an toàn.
Trên tinh thần đó, cứ sau mỗi buổi hỗ trợ tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm sẽ rút kinh nghiệm và củng cố, bổ sung các nội dung phù hợp với thựctiễn để từ đó có kế hoạch xây dựng chương trình tuyên truyền pháp luật...
Viện IMRIC, Viện IRLIE và Trung tâm TTLCC luôn mong muốn tăng cường kết nối và phát triển mối quan hệ với các địa phương tổ chức các buổi toạ đàm khoa học về an toàn giao thông, đưa ra các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông, để người dân, doanh nghiệp nghiêm túc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Cùng với những kiến thức chuyên môn của Trung tâm TTLCC, công tác tuyên truyền pháp luật là nhiệm vụ quan trọng luôn được Viện IMRIC và Viện IRLIE đặc biệt quan tâm. Tin rằng, thôngqua buổi tuyên truyền, các doanh nghiệp thuộc CLB DN IMRIC – IRLIE nắm bắt được các thông tin cần thiết về Luật giao thông, hiểu thêm về những quy tắc, cách xử lý tình huống khi lái xe, cũng như khi tham gia giao thông đường bộ. Đồng thời, chấp hành nghiêm chỉnh để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người tham gia giao thông khác.
Văn Hải – Kiên Cường