(TVPLO) – Nhằm đáp ứng nhu cầu am hiểu pháp luật của doanh nghiệp, với vai trò nhịp cầu nối của Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE) và Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) hỗ trợ, giúp cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp thành viên nói riêng tìm hiểu, nắm rõ và vận dụng các kiến thức pháp luật vào thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh. Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) dự kiến sẽ tổ chức toạ đàm chủ đề “Pháp luật về kinh doanh bất động sản&Du lịch nông nghiệp 4.0” vào ngày 30/09/2023 tới đây, nhằm bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh với những nội dung đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm…
Ảnh minh hoạ
Theo đó, Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) sẽ gửi công văn tổ chức Hội nghị đến các Sở Tư pháp các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên để phối hợp tổ chức hội nghị về pháp luật kinh doanh dành cho doanh nghiệp. Hội nghị “Nhằm nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”, nhằm tăng cường hợp tác và thúc đẩy các giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Đồng thời, thực hiện kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp năm 2023 của Bộ Tư pháp.
Chia sẻ về điều này, Giám đốc Trung Tâm TTLCC Hồ Minh Sơn cho biết trung tâm chúng tôi sẽ tổ chức triển khai thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, vai trò của các doanh nghiệp trong việc phát triển kinh tế – xã hội ở các địa phương. Qua đó, Ông Sơn kỳ vọng thông qua hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh dành cho doanh nghiệp sẽ kịp thời hỗ trợ và giải đáp những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, từ đó góp phần giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động, ngăn ngừa rủi ro trong các tranh chấp pháp luật từ quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp.
Có thể khẳng định, hội nghị bàn về tạo lập các điều kiện cần thiết phục vụ hoạt động thực thi pháp luật để giúp doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả, phòng chống rủi ro pháp lý, tăng cường năng lực cạnh tranh, góp phần nâng cao công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động thương mại. Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản nhằm hỗ trợ pháp lý cho cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung và DNNVV nói riêng. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành 1 chương trình riêng về hỗ trợ pháp lý cho DNNVV đến năm 2025. Hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đang được Chính phủ, bộ, ngành coi đó là yêu cầu rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Nhất là trong điều kiện cả hệ thống chính trị của đang dồn sức cho thúc đẩy, phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19
Trung tâm tư vấn pháo luật Toàn Tâm (TTLCC) sẽ giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp, hộ kinh doanh về các loại hợp đồng, đặc biệt các loại hợp đồng tín dụng, hợp đồng lao động. Với các rủi ro về pháp lý hiện rất tiềm ẩn đối với doanh nghiệp. Trong quá trình hoạt động, việc thực hiện các hợp đồng kinh tế nhưng thiếu hiểu biết về pháp luật khiến doanh nghiệp có thể phải trả giá rất đắt. Ông Hồ Minh Sơn, nhấn mạnh: “Nhiều doanh nghiệp ký kết hợp đồng kinh tế mà bản thân doanh nghiệp để các điều khoản mâu thuẫn, gây bất lợi hoặc thiệt hại cho mình nhưng lại không biết. Trong đó có thể kể đến, vì không rõ pháp luật, nhiều giao dịch ký kết tạo sơ hở cho kẻ xấu lợi dụng, gây tổn hại cho chính bản thân doanh nghiệp”. Vì vậy, cần trang bị thêm để các doanh nghiệp thấu hiểu về pháp lý trước khi thực hiện hoạt động kinh doanh. Ông Sơn khuyến nghị, cần có nhiều hơn nữa những buổi toạ đàm, tham vấn pháp lý để trao đổi để doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ bớt bỡ ngỡ khi có những vấn đề liên quan đến pháp lý.
Thị trường bất động sản có giá trị rất lớn và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế- xã hội
Khẳng định rằng, bất động sản đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của mỗi quốc gia, ngày càng chiếm tỷ trọng lớn và có ảnh hưởng to lớn đối với sự phát triển của nền kinh tế. Thị trường bất động sản là một thị trường đặc biệt, hàng hoá là bất động sản có giá trị rất lớn và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế- xã hội. Trong những năm gần đây, thị trường bất động sản ở nước ta, đặc biệt là thị trường nhà đất đã có những bước phát triển đáng kể, góp phần vào việc thúc đẩy kinh tế – xã hội của đất nước, làm thay đổi bộ mặt đô thị và nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá- hiện đại hoá.
Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) Hồ Minh Sơn phân tích một số mặt hạn chế, phát sinh nhiều vấn đề gây bức xúc trong xã hội. Cụ thể: Bất động sản nói chung, đặc biệt là nhà đất chưa được khai thác, sử dụng có hiệu quả, còn lãng phí, thất thoát lớn. Hiện tượng tiêu cực, tham nhũng liên quan đến bất động sản đang gây bất bình trong xã hội, làm giảm lòng tin của nhân dân; Thị trường bất động sản phát triển tự phát, thiếu lành mạnh, giao dịch ngầm vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Cung cầu về bất động sản bị mất cân đối, đặc biệt là nhu cầu về nhà ở của nhân dân và cơ sở sản xuất của các doanh nghiệp chưa được đáp ứng đầy đủ. Một số tổ chức, cá nhân lợi dụng để làm giàu bất hợp pháp. Tình trạng đầu cơ nhà đất, kích cầu ảo để nâng giá bất động sản làm cho thị trường “nóng, lạnh” thất thường, tạo ra nhiều cơn sốt giá nhà đất. Thông tin về bất động sản không đầy đủ, thiếu minh bạch và khó tiếp cận. Các thủ tục trong giao dịch bất động sản còn phức tạp, phải qua nhiều khâu trung gian, tốn nhiều thời gian, chi phí giao dịch cao, quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia giao dịch không được đảm bảo, còn có hiện tượng lừa đảo trong kinh doanh bất động sản và dịch vụ môi giới bất động sản…
Đông thời, Ông Sơn cho hay nhiều yếu tố quan trọng có tính quyết định cho việc hình thành và vận hành thị trường bất động sản như dịch vụ môi giới bất động sản, tư vấn, định giá bất động sản, dịch vụ quản lý bất động sản…Sự tham gia của các tổ chức tài chính, tín dụng, ngân hàng vào các giao dịch và thị trường bất động sản còn nhiều hạn chế cả về số lượng và nghiệp vụ, chưa đóng vai trò hậu thuẫn về vốn cho thị trường bất động sản phát triển.
Dưới góc độ pháp lý, Ông Hồ Minh Sơn cho biết hiện có các văn bản hướng dẫn Luật Kinh doanh bất động sản 2014 gồm các văn bản như sau: Thông tư 11/2022/TT-NHNN quy định về bảo lãnh ngân hàng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành; Nghị định 44/2022/NĐ-CP về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản; Nghị định 02/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Kinh doanh bất động sản; Thông tư 13/2017/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 07/2015/TT-NHNN quy định về bảo lãnh ngân hàng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành; Công văn 30/BXD-PLN năm 2017 hướng dẫn thực hiện Điều 56 Luật Kinh doanh bất động sản do Bộ Xây dựng ban hành; Thông tư 28/2016/TT-BXD sửa đổi Thông tư 10/2015/TT-BXD quy định việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư, Thông tư 11/2015/TT-BXD quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản; hướng dẫn việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản, việc thành lập và tổ chức hoạt động của sàn giao dịch bất động sản và quy định của Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư kèm theo Thông tư 02/2016/TT-BXD; Thông tư 11/2015/TT-BXD quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản; hướng dẫn việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản; việc thành lập và tổ chức hoạt động của sàn giao dịch bất động sản do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành; Công văn 1436/BXD-PLN năm 2015 thực hiện Luật Nhà ở 2014 và Luật Kinh doanh bất động sản 2014 do Bộ Xây dựng ban hành; Thông tư 07/2015/TT-NHNN Quy định về bảo lãnh ngân hàng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành…
Ông Hồ Minh Sơn chia sẻ luật kinh doanh bất động sản phải thể chế hoá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện đất nước theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Luật kinh doanh bất động sản phải quán triệt các quan điểm của Đảng về phát triển thị trường bất động sản ở nước ta theo hướng: Chủ động phát triển vững chắc thị trường bất động sản bao gồm cả quyền sử dụng đất, có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế; chăm lo giải quyết vấn đề nhà ở cho nhân dân, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia xây dựng và kinh doanh nhà theo hướng dẫn và quản lý của Nhà nước; từng bước mở thị trường bất động sản cho người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài tham gia đầu tư. Cùng với đó, luật kinh doanh bất động sản phải đảm bảo tạo môi trường pháp lý đầy đủ và đồng bộ để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh; thống nhất với các luật có liên quan đến bất động sản, đồng thời phù hợp với thông lệ quốc tế và lộ trình hội nhập của nền kinh tế nước ta.
Ngoài ra, luật kinh doanh bất động sản phải tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia thị trường bất động sản; tăng khả năng cung cấp hàng hoá bất động sản, nhất là nhà ở và các cơ sở sản xuất, kinh doanh; đảm bảo bình ổn thị trường theo quy luật cung cầu, đồng thời góp phần thực hiện chính sách xã hội. Luật kinh doanh bất động sản phải bảo đảm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bất động sản, quyền và nghĩa vụ của tổ chức và cá nhân hoạt động kinh doanh bất động sản; phân định quản lý nhà nước và quản lý kinh doanh đối với thị trường bất động sản; thực hiện cải cách hành chính và hội nhập kinh tế quốc tế, ông Sơn cho hay.
Dẫn chứng thêm, theo Điều 7 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 có quy định về chính sách của Nhà nước đối với đầu tư kinh doanh bất động sản như sau: Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế đầu tư kinh doanh bất động sản phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong từng thời kỳ và từng địa bàn; Nhà nước khuyến khích và có chính sách miễn, giảm thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tín dụng ưu đãi cho tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và dự án được ưu đãi đầu tư; Nhà nước đầu tư và khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào của dự án; hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật trong hàng rào đối với dự án được ưu đãi đầu tư; Nhà nước đầu tư và khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư dự án dịch vụ công ích đô thị, công trình hạ tầng xã hội trong phạm vi dự án đầu tư kinh doanh bất động sản; Nhà nước có cơ chế, chính sách bình ổn thị trường bất động sản khi có biến động, bảo đảm lợi ích cho nhà đầu tư và khách hang, Ông Sơn chia sẻ.
Song song đó, theo Điều 8 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định các hành vi bị cấm trong kinh doanh bất động sản bao gồm: Kinh doanh bất động sản không đủ điều kiện theo quy định của Luật này; Quyết định việc đầu tư dự án bất động sản không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; Không công khai hoặc công khai không đầy đủ, trung thực thông tin về bất động sản; Gian lận, lừa dối trong kinh doanh bất động sản; Huy động, chiếm dụng vốn trái phép; sử dụng vốn huy động của tổ chức, cá nhân và tiền ứng trước của bên mua, bên thuê, bên thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai không đúng mục đích theo cam kết; Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước; Cấp và sử dụng chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản không đúng quy định của Luật này; Thu phí, lệ phí và các khoản tiền liên quan đến kinh doanh bất động sản trái quy định của pháp luật, Ông Sơn dẫn chứng thêm.
Đánh thức tiềm năng du lịch nông nghiệp, nông thôn
Giá trị của du lịch nông nghiệp, nông thôn mang lại không chỉ đơn thuần là thu nhập cho người dân, lợi ích kinh tế cho địa phương, mà còn tạo ra những giá trị vô hình khác như định hình nền nông nghiệp xanh, bền vững; giữ gìn bản sắc văn hóa của nông thôn…Để loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn ngày càng phát triển, đóng góp nhiều cho xã hội, cần có những chính sách và chiến lược phát triển cụ thể, linh hoạt tại mỗi địa phương, để “đánh thức” và phát huy những sản phẩm du lịch mang lại những giá trị riêng biệt, bền vững.
Với những thành tựu đã đạt được, du lịch nông nghiệp, nông thôn đã trở thành ngành kinh tế tích hợp, đưa sản vật nông nghiệp, đặc trưng nông thôn trở thành tài nguyên phục vụ du lịch. Nói về việc tổ chức toạ đàm “Du lịch nông nghiệp 4.0”, ông Sơn cho rằng lợi ích kép trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn là điều không thể phủ nhận. Làm du lịch, đồng bào dân tộc thiểu số ở các bản làng xa xôi, heo hút, trở nên tự tin, năng động hơn.
Nhiều nét đẹp văn hóa của cộng đồng, làng xã được khôi phục, mở mang, trở thành sản phẩm du lịch. Cùng với nông, lâm, thủy sản, ngành nghề truyền thống, đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP… hình thành chuỗi sản phẩm du lịch khác biệt, tạo điểm nhấn đặc biệt trên hành trình du lịch trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn.
Hiện nay, nhiều địa phương đã làm rất tốt sự gắn kết phát triển du lịch với chương trình xây dựng nông thôn mới, đã thực hiện quy hoạch phát triển du lịch nông thôn đồng bộ với quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Phát triển du lịch nông thôn hướng đến khai thác, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, cảnh quan sinh thái để tạo ra những sản phẩm mới phù hợp với thị trường. Như vậy, phát triển dịch vụ phụ trợ du lịch, gắn phát triển hạ tầng du lịch nông thôn ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường; chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch nông thôn.
Ông Hồ Minh Sơn khẳng định tính đến thời điểm hiện tại, du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã bước đầu thu được những kết quả khả quan, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng tích cực; nâng cao vai trò, vị trí chủ thể của người nông dân trong chuỗi du lịch nông nghiệp, nông thôn. Thế nhưng, để du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững, cần đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng một số mô hình, điểm nhấn về du lịch nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh những chính sách được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Chính phủ ban hành, các địa phương cũng cần rà soát lại các cơ chế, chính sách của địa phương mình nhằm bảo đảm việc quản lý đất đai, đào tạo nguồn lao động nông thôn phù hợp để tạo dấu ấn riêng biệt trong phát triển du lịch, tăng cường bảo đảm vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các khu nghỉ dưỡng, dịch vụ du lịch…
Ảnh minh hoạ
Tin rằng, thông qua hội nghị các doanh nghiệp sẽ cùng trao đổi với các chuyên gia đối thoại trực tiếp…Các tình huống thực tế doanh nghiệp đưa ra được các chuyên gia tại hội nghị phân tích cụ thể, dễ hiểu và đúng với các quy định pháp luật hiện hành. Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm tổ chức các buổi toạ đàm với việc xác định đúng hướng đi, thực hiện nhiều giải pháp căn cơ, đồng bộ, tin rằng trong tương lai cộng đồng doanh nghiệp hoạt động kinh doanh luôn thượng tôn pháp luật để đem lại nhiều hiệu quả thiết thực./.
Văn Hải – Trần Danh