(TVPLO) – Gần đây, một số tổ chức cá nhân, doanh nghiệp đã gửi thư đến Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE) liên quan đến ATTTGT…Dưới góc độ pháp lý, Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) xin phúc đáp cụ thể sau:
Cảnh sát giao thông có được kiểm tra cốp xe, ví của lái xe?
Ảnh minh hoạ
Căn cứ Thông tư 32/2023/TT-BCA, có hiệu lực từ 15/9/2023, cảnh sát giao thông (CSGT) được phép kiểm soát 5 loại giấy tờ liên quan người và phương tiện, gồm: Giấy phép lái xe; Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, Bằng, Chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng; Giấy đăng ký xe hoặc bản sao chứng thực Giấy đăng ký xe kèm bản gốc Giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực (trong thời gian tổ chức tín dụng giữ bản chính Giấy đăng ký xe); Giấy chứng nhậnkiểm định, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, Giấy xác nhận thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định (đối với loại phương tiện giao thông có quy định phải kiểm định); Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và giấy tờ cần thiết khác có liên quan theo quy định.
Đồng thời, CSGT cũng sẽ kiểm tra các nội dung sau: Điều kiện tham gia giao thông của phương tiện giao thông; Hình dáng, kích thước bên ngoài, màu sơn, biển số phía trước, phía sau và hai bên thành phương tiện giao thông; điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng theo quy định; Thực hiện kiểm soát theo trình tự từ trước ra sau, từ trái qua phải, từ ngoài vào trong, từ trên xuống dưới.
Trong đó, việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn vận tải đường bộ (nội dung mới được bổ sung trong thông tư 32). Tính hợp pháp của hàng hóa, chủng loại, khối lượng, số lượng, quy cách, kích thước; đồ vật; số người thực tế chở so với quy định được phép chở và các biện pháp bảo đảm an toàn trong vận tải đường bộ.
Ngoài ra, kiểm soát nội dung khác có liên quan theo quy định của pháp luật. Vận tải đường bộ gồm vận tải hàng hóa và hành khách. Do đó, khi nói đến kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn vận tải đường bộ nghĩa là CSGT sẽ có quyền kiểm tra nội dung liên quan đến phương tiện, hàng hóa và hành khách.
Qua đó, thông thường CSGT chỉ kiểm tra phần bên ngoài của hàng hóa, còn muốn khám xét bên trong hàng hóa cần tuân theo Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Căn cứ theo Điều 128 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định, việc khám, kiểm tra các đồ vật được thực hiện trong trường hợp có căn cứ để cho rằng nếu không tiến hành khám ngay thì tang vật vi phạm hành chính sẽ bị tẩu tán, tiêu hủy.
Để có thể thực hiện khám xét phương tiện vận tải, đồ vật người thực thi công việc phải có quyết định bằng văn bản do người có thẩm quyền ban hành tiến hành kiểm soát, như: Trưởng phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội; Trưởng phòng cảnh sát trật tự; Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt; Thủ trưởng đơn vị cảnh sát cơ động từ cấp đại đội trở lên, trạm trưởng trạm công an cửa khẩu…
Do đó, hiện không có nội dung nào quy định CSGT được tùy ý kiểm tra ví, cốp xe, điện thoại hay vật dụng cá nhân của người điều khiển phương tiện. Đặc biệt, CSGT có quyền khám bên trong hàng hóa chỉ khi có căn cứ cho rằng nếu không khám ngay thì tang vật vi phạm hành chính sẽ bị tẩu tán, tiêu hủy. Đồng thời, người này còn phải báo cáo ngay cho thủ trưởng trực tiếp của mình và phải chịu trách nhiệm về việc khám xét phương tiện, đồ vật.
Cảnh sát giao thông có được gửi quyết định xử phạt về cơ quan?
Cảnh sát giao thông có quyền gửi quyết định xử phạt về cơ quan cán bộ, đảng viên, công chức vi phạm luật giao thông. (Ảnh: Minh Tuệ – VTC.VN)
Theo Điều 70 Luật Xử lý vi phạm hành chính, kể từ ngày ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản, trong thời hạn 02 ngày làm việc, người có thẩm quyền đã ra quyết định xử phạt phải gửi cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt, cơ quan thu tiền phạt và cơ quan liên quan khác (nếu có) để thi hành.
Căn cứ Chỉ thị 10/CT-TTg ngày 19/4/2023, Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh: Mọi cán bộ, đảng viên vi phạm giao thông phải được thông báo về cơ quan, đơn vị để xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, của từng ngành, cơ quan, đơn vị.
Trong quá trình xử lý các vi phạm giao thông phải tuyệt đối thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, tất cả các hành vi vi phạm giao thông phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Nghiêm cấm cán bộ, đảng viên can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm giao thông của các cơ quan chức năng; nghiêm cấm lực lượng chức năng “xuê xoa”, bỏ qua trọng xử lý vi phạm dưới mọi hình thức.
Cương quyết khởi tố, điều tra, xử lý nghiêm các vụ tai nạn giao thông có dấu hiệu tội phạm và đối tượng chống người thi hành công vụ theo đúng quy định của pháp luật.
Vì lẻ đó, nếu cán bộ, đảng viên vi phạm giao thông, cảnh sát giao thông có thể gửi quyết định xử phạt về cơ quan để xử lý theo quy định của Đảng, của từng ngành, cơ quan, đơn vị. Đối với cá nhân không phải cán bộ, đảng viên, công chức… cảnh sát giao thông thường không thực hiện việc gửi quyết định xử phạt về nơi làm việc của người vi phạm.
Theo Điều 70 Luật Xử lý vi phạm hành chính, quyết định xử phạt vi phạm hành chính được giao trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm và thông báo cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt biết.
Mặc dù vậy, trong trường hợp quyết định được giao trực tiếp mà cá nhân, tổ chức vi phạm cố tình không nhận quyết định thì người có thẩm quyền lập biên bản về việc không nhận quyết định có xác nhận của chính quyền địa phương và được coi là quyết định đã được giao.
Mặt khác, trong trường hợp gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm, nếu sau thời hạn 10 ngày, kể từ ngày quyết định xử phạt thuộc một trong các trường hợp sau thì được coi là quyết định đã được giao: Gửi qua đường bưu điện đến lần thứ 03 mà bị trả lại do cá nhân, tổ chức vi phạm cố tình không nhận; Niêm yết tại nơi cư trú của cá nhân, trụ sở của tổ chức bị xử phạt; Có căn cứ cho rằng người vi phạm trốn tránh không nhận quyết định xử phạt.
Với vai trò làm nhịp cầu nối của Viện IMRIC và Viện IRLIE, Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) thực hiện nhiều chương trình đổi mới góp phần nhỏ vào việc tuyên truyền về Luật an toàn giao thông đường bộ. Qua đó, để mỗi người dân, doanh nghiệp bên cạnh là tấm gương trong việc chấp hành luật giao thông còn là một tuyên truyền viên tích cực để cùng vận động bạn bè, gia đình, người thân chấp hành luật giao thông, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông và các hành vi vi phạm…
Thông qua việc tham vấn pháp lý theo quy định pháp luật, hứa hẹn góp phần nhỏ xây dựng nhà nước pháp quyền, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành và hình thành thói quen tuân thủ pháp luật bảo đảm trật tự, ATGT trong mọi tầng lớp nhân dân; Thông qua việc tham vấn pháp lý liên quan đến vi phạm trật tự, ATGT nhằm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, ATGT trong nhân dân.
Văn Hải – Trần Danh (CTV TVVPL thuộc Trung tâm TTLCC)