(TVPLO) – Du lịch và nông nghiệp là hai ngành có mối quan hệ chặt chẽ và đều là ngành mũi nhọn được ưu tiên phát triển (Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị đã xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn…
Mô hình kinh tế trang trại kết hợp du lịch sinh thái hay du lịch sinh thái nông nghiệp là sự kết hợp của du lịch sinh thái và du lịch nông nghiệp hiện đang trở thành xu hướng phát triển hướng đến trách nhiệm với xã hội và lối sống thân thiện với môi trường…Dù với mục đích giải trí, thoả sự tò mò, nhưng du lịch sinh thái nông nghiệp đã thu hút được nhiều khách du lịch trong nước và quốc…Vì vậy, mô hình kinh tế trang trại kết hợp du lịch sinh thái đã được thúc đẩy nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch bền vững.
Hiện nay, trên thế giới có nhiều khái niệm về du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch bền vững, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái nông nghiệp. Trên cơ sở nghiên cứu và đánh giá thực tiễn hoạt động du lịch tại nhiều quốc gia, đã có nhiều mô hình du lịch khai thác yếu tố môi trường, văn hóa phát triển theo quan điểm bền vững, cộng đồng, sinh thái được triển khai.
Nhằm hỗ trợ các nông hộ, trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp, Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn (TTTVPLMS) sẽ phối hợp với Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại tổ chức toạ dàm khoa học “Phát triển du lịch trang trại nông nghiệp – Những vấn đề pháp lý liên quan” vào ngày 24/09/2024 tới đây.
Các diễn giả dự kiến tham luận tại toạ đàm gồm: Tiến sĩ Trần Anh Tuấn – Phó trưởng ban Ban phong trào cơ quan UBMTTQ Việt Nam – khoá VIII) sẽ trình bày về chủ đề “Trang trại nông nghiệp – Hoạt động du lịch&những vấn đề pháp lý liên quan”; PGS.TS Bùi Quang Hải – Nguyên phó vụ trưởng PT Vụ Đào tạo – Bộ VHTTDL trình bày chủ đề “Phát triển du lịch trang trại bền vững – Thực trạng và giải pháp”; ThS.LS Đặng Thị Ngọc Hạnh –BCH tỉnh hội Luật gia Thừa Thiên – Huế trình bày chủ đề “Những vấn đề pháp lý liên quan trong phát triển du lịch nông nghiệp”; TS Đoàn Mạnh Cương – Văn phòng Quốc hội trình bày chủ đề “Tháo gỡ khó khăn về chính sách đất đai cho phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn”; TS Bùi Đặng Dũng – Nguyên Phó chủ nhiệm UBTCNS Quốc hội trình bày chủ đề tài chính ngân sách nông nghiệp nôn thôn trong phát triển du lịch bền vững; ThS Lê Xuân Thăng – Nguyên PCT Hội nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam (VAPA) trình bày chủ đề “Xây dựng thương hiệu, nhận diện hình ảnh du lịch nông nghiệp, nông thôn”…
Có thể thấy, thông qua toạ đàm lần này, Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại muốn góp phần sức nhỏ vào việc phát triển du lịch sinh thái gắn nông nghiệp, nông thôn như loại hình du lịch, sản phẩm du lịch phục vụ du khách được dựa chủ yếu trên nền tảng của hoạt động, không gian sản xuất nông nghiệp với quan điểm phát triển bền vững về môi trường sinh thái và văn hóa, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên tham gia, đặc biệt là lợi ích của cộng đồng trực tiếp tham gia cung ứng sản phẩm du lịch nông nghiệp; khách du lịch được trải nghiệm, khám phá cuộc sống tại các vùng nông thôn và cảm thấy hài lòng; làm gia tăng các giá trị và thúc đẩy tiêu dùng các sản phẩm nông nghiệp thông qua du lịch.
Tại toạ đàm, chắc chắn các diễn giả, đại biểu, doanh nghiệp nông nghiệp, trang trại và nông hộ sẽ cùng nhau trao đổi về việc khai thác phát triển hoạt động du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp và nông thôn với các yếu tố sau:
Không gian tổ chức các hoạt động du lịch nông nghiệp (điểm đến): là đơn vị không gian cụ thể thuộc về các tổ chức lãnh thổ nông nghiệp như trang trại, đồng ruộng, rừng trồng; làng quê, thôn bản, làng chài, miệt vườn…Bởi, các điểm đến này luôn chứa đựng những giá trị văn hóa truyền thống, các lễ hội, làng nghề truyền thống, nền ẩm thực và các sản vật địa phương gắn với các yếu tố môi trường khí hậu, thổ nhưỡng đặc trưng…
Chủ thể cung ứng hoạt động du lịch nông nghiệp: cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu của hoạt động sản xuất nông nghiệp. Đây chính người dân, cộng đồng địa phương gắn với môi trường văn hóa, quy trình sản xuất, phương thức tập quán kỹ thuật canh tác, trồng trọt, chăn nuôi. Người dân địa phương sẽ là chủ thể gìn giữ và chia sẻ các giá trị văn hóa nông nghiệp với du khách.
Các hoạt động của du lịch nông nghiệp cung ứng cho du khách: Các hoạt động phục vụ cho sự giao lưu, trải nghiệm, khám phá của du khách với cộng đồng như hoạt động giải trí ngoài trời (câu cá, săn bắt, tìm hiểu cuộc sống hoang dã, cấy lúa); trải nghiệm học tập (tham quan nhà máy, xưởng sản xuất sản phẩm đặc trưng của địa phương, lớp học nấu ăn, nghiên cứu cấy ghép, sản xuất cây trồng, vật nuôi…); hoạt động thư giãn (lễ hội, các màn trình diễn truyền thống); trải nghiệm cuộc sống người bản địa (homestay, các chương trình được hướng dẫn bởi người dân bản địa, mặc trang phục truyền thống, thưởng thức ẩm thực địa phương; mua sản phẩm được sản xuất trực tiếp tại điểm du lịch…). Những hoạt động này đòi hỏi sự sáng tạo, đầu tư chọn lọc và làm nên sự hấp dẫn của sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp.
Chia sẻ lợi ích giữa các bên tham gia hoạt động du lịch nông nghiệp: Lợi ích kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường phải đảm bảo hài hòa giữa người dân bản địa, công ty du lịch và các bên liên quan. Trong đó, điểm quan trọng nhất là mang du lịch nông nghiệp phải mang lại thu nhập trực tiếp và sinh kế cho người dân thông qua cung cấp dịch vụ cho khách du lịch (homestay, hướng dẫn, trình diễn, cung cấp dịch vụ, hàng hóa, nông sản được sản xuất tại địa phương phục vụ tiêu thụ tại chỗ…).
Vai trò cầu nối của các công ty lữ hành: Các công ty lữ hành đóng vai trò là cầu nối đưa khách du lịch đến với điểm đến, định hướng thiết kế sản phẩm du lịch nông nghiệp phù hợp với từng đối tượng khách hàng. Sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp chỉ được khai thác hiệu quả khi được nằm trong kế hoạch marketing sản phẩm từ khảo sát, xây dựng, quảng bá, bán, tổ chức thực hiện của các công ty lữ hành.
Hoạt động xúc tiến quảng bá, truyền thông điểm đến: việc xây dựng thương hiệu cho địa danh, sản phẩm nông nghiệp gắn với địa danh sản xuất sẽ góp phần rất lớn trong việc phát triển du lịch nông nghiệp.
Tin rằng toạ đàm với mong muốn, để mô hình bất động sản du lịch nông nghiệp phát triển mạnh mẽ, cũng như góp phần quan trọng vào nền kinh tế chung của quốc gia, các diễn giả sẽ làm rõ hơn phần nào về hành lang pháp lý, tạo cơ sở vững chắc trong việc vận hành. Đồng thời, hành lang pháp lý đầy đủ cũng là cơ sở để đảm bảo quyền và lợi ích của các chủ thể trong quan hệ này. Phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch trang trại, du lịch làng nghề sẽ mang lại lợi ích cho du khách du lịch và người dân địa phương, tạo ra cơ hội kết nối và nhiều trải nghiệm thực tế. Từ đó, tạo ra sự thúc đẩy phát triển kinh tế và du lịch ở những vùng quê giúp đảm bảo phát triển bền vững và bảo tồn môi trường tự nhiên. Bêncạnh việc giúp ổn định cuộc sống cho phần lớn dân cư nông thôn, còn là nền tảng cho phát triển kinh tế – xã hội và ổn định chính trị, tạo tiền đề để hiện thực hóa khát vọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp bằng việc xây dựng, phát triển mô hình kết hợp du lịch nông nghiệp, cần được hiện thực hóa bởi khung khổ pháp lý.
Toạ đàm cũng muốn góp phần vào chung tay xây dựng ngành du lịch và ngành nông nghiệp có sự phối hợp và triển khai xây dựng Chương trình chung về phát triển du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó chú trọng đến một số hoạt động như chính sách hỗ trợ tiếp cận vốn, công nghệ, đầu tư hạ tầng, bồi dưỡng tập huấn nhân lực cho một số điểm du lịch nông nghiệp; xây dựng và ban hành bộ tiêu chuẩn, xếp hạng, gắn sao cho các sản phẩm du lịch nông nghiệp chất lượng cao; xây dựng kế hoạch truyền thông thương hiệu cho sản phẩm du lịch nông nghiệp; chọn lọc đưa sản phẩm nông nghiệp được sản xuất tại địa phương, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, có tem nhãn bao bì mẫu mã riêng phục vụ khách du lịch…
Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn và Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại mong muốn góp phần nhỏ vào sự phát triển được các mô hình du lịch sinh thái nông nghiệp hiệu quả bằng hành động thiết thực của các cơ quan du lịch, nông nghiệp các cấp, cộng đồng địa phương và các tổ chức, cá nhân đầu tư khai thác nhất là bà con nông dân có được thu nhập tốt, sản phẩm du lịch góp phần vào xây dựng nông thôn mới bền vững, nâng cao…
(Thông tin xuất bản đặc san Khoa học Chính sách pháp luật và Kinh tế hộin nhập số T8)
Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn