(TVPLO) – Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo nhằm nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo; tạo hành lang pháp lý vững chắc và toàn diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo; tạo cơ hội cho nhà giáo yên tâm hoạt động nghề nghiệp và có những đóng góp tốt hơn cho Ngành, cho đất nước.
Tổng số nhà giáo trên cả nước hơn 1,4 triệu người. Ảnh minh hoạ
Cụ thể, ngày 14/10/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 5392/BGDĐT-NGCBQLGD về việc đăng tải dự thảo hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo trên cổng Thông tin điện tử của Chính phủ.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết, tính đến năm học 2020-2021, tổng số nhà giáo trong cả nước là 1.402.469 người. Trong đó, nhà giáo các cấp học mầm non, phổ thông, đại học là 1.318.510 (biên chế 1059.729, hợp đồng 48.662, ngoài công lập 123.996). Các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông có 1.190.443 nhà giáo (công lập 1.108.391, ngoài công lập 82.052; biên chế 1.059.729, hợp đồng trong các trường công lập 48.662). Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có 83.959 nhà giáo (37.235 nhà giáo trong các trường cao đẳng, 13.295 nhà giáo trong các trường trung cấp, 23.086 nhà giáo trong các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và có gần 10.343 nhà giáo thuộc các cơ sở khác có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp).
Được biết, dự kiến, sẽ lấy ý kiến, ban hành dự thảo Luật Nhà giáo rồi trình các cấp có thẩm quyền và trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ Sáu khóa XV (tháng 10/2024), thời gian có hiệu lực có thể là từ ngày 01/7/2025.
Tại dự thảo đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất 5 nhóm chính sách chủ yếu nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo. Đây là điều giáo viên cả nước rất mong chờ, khi Luật Nhà Giáo được xây dựng và ban hành vị thế nhà giáo được nâng lên, việc tuyển dụng, sắp xếp hệ thống trường học,… sẽ được thay đổi tích cực.
Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện đang đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo nhằm nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo; tạo hành lang pháp lý vững chắc và toàn diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo; tạo cơ hội cho nhà giáo yên tâm hoạt động nghề nghiệp và có những đóng góp tốt hơn cho ngành, cho đất nước.
Bên cạnh đó, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, biên chế sự nghiệp của ngành Giáo dục chiếm khoảng 70% tổng biên chế sự nghiệp của cả nước. Đội ngũ nhà giáo là lực lượng đông đảo nhất trong tổng số công chức, viên chức của tất cả các ngành/lĩnh vực, có vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước.
Chia sẻ về vấn đề này, ThS. Hồ Minh Sơn – Chủ tịch HĐQL Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC), Giám đốc Chi nhánh số 1 (Trung tâm tư vấn pháp luật tại TP.HCM), Đại diện Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống phía Nam phân tích mỗi quốc gia, mỗi nền giáo dục, đội ngũ giáo viên luôn được đánh giá là yếu tố cơ bản của quá trình giáo dục, là điều kiện tiên quyết để bảo đảm hiệu quả và chất lượng giáo dục. Thế nhưng, giáo dục đổi mới ngày nay, vai trò của đội ngũ giáo viên với tư cách là yếu tố quyết định chất lượng giáo dục đã được khẳng định không chỉ bằng lí luận chung mà bằng cả các kết quả nghiên cứu khoa học thực tiễn.
Theo ThS. Hồ Minh Sơn dẫn chứng hiện các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chính phẩm chất và năng lực của đội ngũ giáo viên tạo ra sự khác biệt về kết quả giáo dục giữa trường, giữa các vùng miền và giữa các quốc gia. Đặc biệt, giáo viên sẽ là lực lượng chuyển tải các yêu cầu và nội dung của chương trình mới vào nhà trường và đến với từng học sinh. Vì lẽ đó, có thể nói, cải cách giáo dục, hay nói rộng hơn là một nền giáo dục có thành công hay không thì yếu tố quyết định chính là đội ngũ giáo viên.
Do đó, chưa có Luật Nhà giáo nên hành lang pháp lý trong việc cải thiện cơ chế chính sách đặc thù về lương, bổ nhiệm, tuyển dụng, không phân biệt giáo viên công – tư,… chưa được nâng cao.
Cũng theo ThS. Hồ Minh Sơn nhận định thực trạng thiếu rất nhiều giáo viên nhưng ngành giáo dục lại không được chủ động tuyển dụng, bổ sung,…Bên cạnh còn có một trong những hạn chế khi chưa có Luật Nhà giáo.
Như vậy, việc xây dựng Luật Nhà giáo không chỉ xây dựng chế độ tiền lương mới cho giáo viên mà còn liên quan đến nhiều vấn đề khác, điển hình: Định danh, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quyền và nghĩa vụ nhà giáo; Tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo; Quy hoạch, đào tạo, phát triển nghề nghiệp nhà giáo; Đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo; Quản lý nhà nước về nhà giáo.
Ngoài ra, tại Việt Nam qua hệ thống văn bản đã ban hành cho thấy Đảng và Nhà nước luôn rất quan tâm đến vấn đề phát triển giáo dục nói chung và phát triển đội ngũ giáo viên nói riêng. Giáo dục luôn được coi là quốc sách hàng đầu. Mặt khác, quan điểm xây dựng và phát triển một đội ngũ giáo viên có chất lượng là chủ trương xuyên suốt trong quan điểm của nhà nước.
Tương tự, ThS. Hồ Minh Sơn cho rằng Nghị quyết 29 về đổi mới giáo dục có nêu: “Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục gắn với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng và hội nhập quốc tế. Từ đó, thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo. Tiến tới tất cả các giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, giáo viên, giảng viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải có trình độ từ đại học trở lên, có năng lực sư phạm. Giảng viên cao đẳng, đại học có trình độ từ thạc sỹ trở lên và phải được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Cán bộ quản lý giáo dục các cấp phải qua đào tạo về nghiệp vụ quản lý.
Theo dự thảo đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất 5 nhóm chính sách chủ yếu nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng sẽ giúp giải quyết nhiều vấn đề hiện đang bất cập. Tuy nhiên, ThS. Hồ Minh Sơn kiến nghị giáo viên không nên phân biệt công, tư bởi đều là nhà giáo. Trong đó, giáo viên công lập hiện có người là viên chức, lại có người giáo viên hợp đồng, còn phân biệt giáo viên công – tư, giáo viên nước ngoài,… dẫn đến khó khăn trong việc xác định các hợp đồng lao động, chế độ nhà giáo,…Vì vậy, cần thiết nên xây dựng Luật Nhà giáo, có thể tất cả các giáo viên sẽ được gọi chung thống nhất là nhà giáo, chế độ được phân biệt rõ ràng hơn, đầy đủ hơn. Đồng thời, xác định rõ ràng hơn khái niệm, trách nhiệm, quyền lợi, chuẩn nghề nghiệp, chuẩn chức danh,…của nhà giáo.
Song song đó, việc tuyển dụng giáo viên nên theo quy định chung nên thông qua nhiều tầng nấc, tuyển dụng khó khăn, mỗi năm tuyển dụng một lần, ngành giáo dục không thể tự chủ động bổ sung biên chế thiếu, khó luân chuyển giáo viên,…Xây dựng Luật Nhà giáo nên xác định trách nhiệm tuyển dụng, bổ sung biên chế làm sao để ngành giáo dục sẽ chủ động trong công tác nhân sự, việc thừa thiếu cục bộ giáo viên sẽ từng bước chấm dứt. Tiêu chuẩn nhân sự giáo viên có thể sẽ được giao cho ngành giáo dục, và có thể sẽ được phân cấp, phân quyền cho các trường trong việc tuyển dụng, tăng cường trách nhiệm, tính tự chủ cho các trường. Giáo viên luân chuyển từ vùng khó khăn, xa nhà về vùng thuận lợi có thể đơn giản hơn, ThS. Hồ Minh Sơn thẳng thắn chia sẻ.
Ngoài ra, có thể chỉ quy định chứng chỉ hành nghề đối với sinh viên ngoài ngành sư phạm. Có thể thấy, giáo viên học 4-5 năm tại trường sư phạm đã đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện để được giảng dạy, vấn đề dạy đạt hay không sẽ được trải qua quá trình tập sự và đánh giá hàng năm của hiệu trưởng. Mặc dù vậy, vì giáo viên là viên chức nên phải theo các quy định chung, theo nghị định 89/2021/NĐ-CP quy định, giáo viên cũng như viên chức khác phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, giống như giấy phép hành nghề. Với các chính sách được đưa ra tại tờ trình đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo, đối với chứng chỉ hành nghề chỉ áp dụng đối với sinh viên ngoài ngành sư phạm có nguyện vọng muốn trở thành giáo viên, đối với giáo viên đang công tác có thể sẽ không còn là yêu cầu bắt buộc như hiện nay, ThS. Hồ Minh Sơn phân tích từ tờ trình đề gnhij của Bộ GD&ĐT.
Có thể nói, tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam đều xác định rõ tầm quan trọng của đội ngũ nhà giáo trong việc đào tạo, dẫn dắt thế hệ trẻ và góp phần quyết định đối với tương lai đất nước, dân tộc. Về mặt quản lí Nhà nước, nhiều quốc gia đã có những bộ luật riêng dành cho nhà giáo với những quy định hết sức cụ thể nhằm quản lí một cách hiệu quả cũng như đảm bảo các quyền lợi cho đội ngũ giáo viên.
Các nghiên cứu về phát triển đội ngũ nhà giáo, về hệ thống chính sách đối với giáo viên là mối quan tâm không chỉ của các nhà khoa học mà còn của rất nhiểu tổ chức quốc tế lớn. Thực tế đã chỉ ra rằng, khiếm khuyết trong chính sách giáo dục của nhiều quốc gia là ở chỗ không có một khung chính sách nhằm tạo ra một hạ tầng cơ sở nhất quán trong tuyển sinh, đào tạo cùng các chương trình hỗ trợ liên quan đến mọi khía cạnh trong suốt cuộc đời dạy học của giáo viên
Công trình điển hình đã nghiên cứu khung chính sách nhà giáo có thể kể đến “Cơ sở khoa học của việc xây dựng Luật Giáo viên” (năm 2007). Theo đó, xuất phát từ tính chất, đặc điểm và những yêu cầu khách quan, việc ghép chung nhiều vấn đề của pháp luật về nhà giáo vào các luật khác đã cho thấy rõ sự bất hợp lý, làm cho pháp luật có những khoảng cách so với thực tế đời sống.
Nhấn mạnh về điều này, ThS. Hồ Minh Sơn thẳng thắn nhìn nhận có chế độ lương, phụ cấp riêng cho nhà giáo. Giáo viên là ngành đặc thù, chiếm số đông nhất trong các ngành nhưng hiện nay là viên chức nên chưa thể ban hành được chế độ lương, phụ cấp đặc thù ngành. Việc xây dựng Luật Nhà giáo sẽ giúp luật hóa những ưu tiên nhất định trong việc xây dựng chế độ đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo tương xứng với vị thế của ngành, nghề. Có thể khẳng định, khi có Luật Nhà giáo, khi đó sẽ có chế độ lương, phụ cấp đặc thù riêng cho nhà giáo.
Bên cạnh đó, về quyền hạn và trách nhiệm của hiệu trưởng, nhà giáo quản lý. Việc tuyển dụng, bổ nhiệm vị trí đầu tàu cho các trường sẽ có nhiều thay đổi, tăng trách nhiệm cho ngành và hiệu trưởng các trường. Như vậy, có thể không cần phải giảm 10% biên chế nhà giáo, hiện cả nước thiếu hàng trăm ngàn giáo viên, nhưng quy định giảm 10% biên chế viên chức cào bằng dẫn đến ngành giáo dục thiếu nhưng vẫn phải giảm 10%, không tuyển dụng được biên chế vì chờ chính sách tinh giảm,…Nhà giáo là nghề đặc thù, giáo viên dạy theo số tiết quy định, giảm biên chế 10% cào bằng sẽ khiến tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng hơn, ThS. Hồ Minh Sơn phân tích.
Dịp này, ThS. Hồ Minh Sơn cho biết khi có Luật Nhà giáo, sẽ tăng cường quyền tự chủ hơn cho ngành giáo dục, cho các trường, việc xã hội hóa, huy động các nguồn lực cho giáo dục sẽ thuận tiện hơn.Việc mở rộng trường ngoài công lập cũng có thể thuận tiện hơn, giáo dục sẽ có cơ hội vươn mình và phát triển mạnh mẽ hơn. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng sử dụng pháp luật để quản lý đội ngũ giáo viên sẽ tạo được mặt bằng pháp lý và tạo ra tính cạnh tranh lành mạnh cho nhà giáo. Đề tài đã tiến hành hệ thống hóa và phân tích thực tiễn liên quan đến đội ngũ nhà giáo bao gồm các chủ trương chính sách của Đảng về xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, thực trạng đội ngũ và nhu cầu phát triển đội ngũ nhà giáo, các quy định pháp luật liên quan đến nhà giáo. Đưa ra các khuyến nghị đối với từng cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong việc quản lý, xây dựng và ban hành Luật Giáo viên (năm 2009).
Điển hình, trong tác phẩm Hệ thống giáo dục và Luật Giáo dục một số nước trên thế giới (2008), đã giới thiệu hệ thống chuẩn phân loại giáo dục quốc tế của UNESCO, khái quát về hệ thống giáo dục và Luật Giáo dục của một số nước như Liên bang Nga, Cộng hòa Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan trong đó giới thiệu toàn văn Luật Giáo viên của Trung Quốc và Đài Loan. Giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục giai đoạn 2010 – 2020, có ghi đến năm 2020 bao gồm một số đạo luật trong đó có Luật Nhà giáo và một số luật khác như: Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục mầm non, Luật Giáo dục phổ thông, Luật Giáo dục thường xuyên (GDTX)… sẽ được soạn thảo và Quốc hội ban hành. Đối với khung chính sách trong Luật Nhà giáo: Nhà giáo, vị trí vai trò, quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm của nhà giáo; tuyển sinh, đào tạo để trở thành nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng; Đãi ngộ, tôn vinh…; đào tạo, bồi dưỡng, phát triển chuyên môn nghề nghiệp nhà giáo.
Từ đó, cho thấy việc xây dựng trường học hạnh phúc là xây dựng văn hóa học đường lành mạnh và cũng là xây dựng văn hóa giáo dục. Mà văn hóa giáo dục là gốc của văn hóa quốc gia. Văn hóa quốc gia còn là còn dân tộc và đất nước. Nhà giáo làm Hiệu trưởng là người gieo mầm, lan tỏa hạnh phúc trong trường học hạnh phúc. Với việc xây dựng Luật nhà giáo là xây dựng sư đức, tạo cho nhà giáo hạnh phúc hơn và cống hiến nhiều hơn cho xã hội và đất nước.
Tin rằng, Luật Nhà giáo đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng được giáo viên chờ đợi nhằm cụ thể hóa quyền lợi, trách nhiệm cũng như chế độ đặc thù của ngành, nâng cao vị thế của nhà giáo trong thời gian tới.
Văn Hải – Trần Danh