(TVPLO) – Trong suốt thời gian qua, các doanh nghiệp, làng nghề đã triển khai nhiều hoạt động, giải pháp nhằm để nâng cao năng lực tiếp cận kinh tế số. Trong xu hướng phát triển hiện nay, làng nghềphải xác định cần vừa duy trì kênh bán hàng truyền thống, vừa phát triển thương mại điện tử. Trong đó, có một số làng nghề đã nhanh nhạy và đạt được thành công bước đầu với kênh “online”, nhưng vẫn còn nhiều bỡ ngỡ, cần các hoạt động toạ đàm, trao đổi thông tin, hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị.
Việt Nam phấn đấu kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ ước đạt 5 tỷ USD vào năm 2025. Ảnh minh hoạ
Có thể thấy, thương mại điện tử là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số. Hiện tại, nhiều cơ sở công nghiệp nông thôn bán hàng chủ yếu qua các sàn thương mại điện tử. Cũng nhờ thương mại điện tử, nhiều cơ sở đã trụ vững qua đại dịch Covid-19.
Nhấn mạnh về điều này, ThS. Nhà báo – Luật gia Hồ Minh Sơn – Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLPIE), Chủ tịch HĐQL, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC), Đại diện Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống phía Nam, Giám đốc Chi nhánh số 1 (Trung tâm tư vấn pháp luật tại TP.HCM), nhấn mạnh: “Thông qua các hoạt động nhằm phát triển thương mại điện tử thì các doanh nghiệp sẽ tiếp cận và tận dụng hiệu quả hơn. Từ đó, kênh bán hàng truyền thống và thương mại điện tử khi kết hợp sẽ hỗ trợ trực tiếp cho nhau. Đặc biệt, với mặt hàng thủ công mỹ nghệ, thương mại điện tử không chỉ giúp tiếp cận khách hàng trong nước, mà còn tiếp cận cả thị trường nước ngoài”.
Việt Nam hiện có khoảng hơn 5.000 làng nghề và làng có nghề, trong đó có hơn 1.700 làng nghề truyền thống đã được công nhận. Các làng nghề hiện đang cạnh tranh khốc liệt cùng với sự ra đi của nhiều nghệ nhân cao tuổi. Để các làng nghề có thể duy trì sự tồn tại và phát triển bền vững, thương mại điện tử được cho là một hướng đi cấp thiết.
Qua đó, thị trường TMĐT đang ngày càng rộng mở với nhiều mô hình, chủ thể tham gia, các chuỗi cung ứng cũng đang dần thay đổi theo hướng hiện đại hơn khi có sự hỗ trợ từ số hóa và công nghệ thông tin. Đồng thời, các cơ sở công nghiệp nông thôn tại các làng nghề đang gặp nhiều khó khăn để xây dựng kênh phân phối mới nhằm vượt qua khó khăn, tiếp cận cơ hội mới từ nhu cầu thị trường trên cơ sở làm thay đổi thói quen mua hàng của người tiêu dùng, chuyển từ thói quen mua hàng truyền thống sang mua hàng qua TMĐT.
Chia sẻ thêm, ThS. Hồ Minh Sơn cho biết Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 645/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 15 tháng 5 năm 2020, Chính phủ đã đặt các mục tiêu tổng quát đến năm 2025 gồm: Hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng; Thu hẹp khoảng cách giữa các thành phố lớn và các địa phương về mức độ phát triển thương mại điện tử; Xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững; Mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa Việt Nam trong và ngoài nước thông qua ứng dụng thương mại điện tử; Đẩy mạnh giao dịch, thương mại điện tử xuyên biên giới; Trở thành quốc gia có thị trường thương mại điện tử phát triển thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á.
Qua đó, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã và đang làm thay đổi sâu sắc tư duy và hình thức hoạt động của mọi lĩnh vực trên thế giới. Không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới, các làng nghề Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng cũng đang đứng trước rất nhiều cơ hội và thách thức mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại. Đây là cơ hội để các cơ sở công nghiệp nông thôn ở các làng nghề thực hiện các giải pháp để vươn lên làm chủ công nghệ, tăng cường các hoạt động TMĐT, bán hàng trực tuyến, nâng cao giá trị các sản phẩm làng nghề, đảm bảo hiệu quả tối đa trong sản xuất kinh doanh, ThS. Hồ Minh Sơn chia sẻ thêm.
Cùng với đó, ứng dụng thương mại điện tử đã và đang là giải pháp được nhiều cơ sở công nghiệp nông thôn lựa chọn để mở rộng thị trường, tăng doanh thu, lợi nhuận. Trong thời gian qua, ngành công thương nói chung và các trung tâm khuyến công nói riêng đã có nhiều giải pháp hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động, như hỗ trợ xây dựng trang website, kết nối để đưa sản phẩm, dịch vụ lên các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước…
Theo ThS. Hồ Minh Sơn khuyến nghị trước tiên cần nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động thương mại điện tử, trong đó thực hiện nhiều nhóm giải pháp hỗ trợ, điển hình: đào tạo năng lực cho đội ngũ thực thi, nâng cao năng lực ứng dụng thương mại điện tử, cung cấp trực tuyến các dịch vụ công liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, hoạt động thương mại điện tử vẫn chưa thực sự phổ biến với các cơ sở này, nhất là cơ sở ở trong các làng nghề. Có nhiều nguyên nhân được chỉ ra, trong đó có yếu tố về nhận thức, hiểu biết của nhiều chủ cơ sở đối với thương mại điện tử vẫn còn hạn chế. Về hạ tầng, dịch vụ trong vận chuyển, thanh toán chưa thực sự thuận tiện với người dân ở các vùng nông thôn…
Thương mại điện tử sẽ giúp cơ sở sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp dễ dàng quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng, tăng cơ hội mở rộng thị trường. Để khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn đẩy mạnh triển khai ứng dụng các phần mềm trên nền tảng công nghệ mới của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0…
Song song đó, cần tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện chính sách, văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tạo điều kiện, khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động ứng dụng thương mại điện tử và các mô hình kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ số; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, phối hợp liên ngành trong đấu tranh chống các hành vi gian lận thương mại, buôn lậu, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại điện tử, ThS. Hồ Minh Sơn cho biết thêm.
Cũng theo ThS. Hồ Minh Sơn khuyến nghị đối với các cơ sở công nghiệp nông thôn, cần nâng cao nhận thức và trau dồi trình độ tin học, ngoại ngữ của đội ngũ quản trị và nhân viên thông qua việc thường xuyên đào tạo, cho nhân viên tham dự các khóa học. Tin học hóa hệ thống quản lý thông tin doanh nghiệp cũng là giải pháp quan trọng đối với sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp, tạo tiền đề để các doanh nghiệp tham gia vững chắc vào hoạt động thương mại điện tử. Ngoài ra, các cơ sở cũng cần xây dựng chiến lược kinh doanh trên mạng và phải có ít nhất một cán bộ quản lý thông tin đủ năng lực, trình độ làm nhiệm vụ quản lý và điều hành hệ thống thông tin phục vụ cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Song song đó, cần xây dựng kế hoạch nguồn lực phục vụ cho kinh doanh trên mạng như: đội ngũ quản trị mạng, đội ngũ bán hàng và tiếp thị trên mạng, nhà cung ứng, quan hệ đối tác…
Cùng với đó, các cơ sở công nghiệp nông thôn cần khôngngừng nâng cao chất lượng sản phẩm – tiêu chí hàng đầu quyết định đến hành vi mua sắm của người tiêu dùng cũng như khả năng giữ chân khách hàng; đầu tư hợp lý cho xây dựng cửa hàng trực tuyến, cải thiện chất lượng hình ảnh, thông tin trên các cửa hàng này; đẩy mạnh tiếp thị thông qua kênh truyền thông xã hội; chú trọng vào các dịch vụ chăm sóc khách hàng. Khi làm đồng thời các giải pháp đó sẽ góp phần thúc đẩy ứng dụng hoạt động thương mại điện tử ở các cơ sở công nghiệp nông thôn. ThS. Hồ Minh Sơn chia sẻ thêm.
Như vậy, các làng nghề xuất phát từ điều kiện thực tế của mình triển khai áp dụng các giai đoạn của thương mại điện tử. Đó là thông tin; sự hiện diện qua Website; mạng nội bộ; tự động hoá giao dịch và mạng extranet-thương mại điện tử tích hợp cấp độ cao. Đồng thời, cần phát triển liên kết trong nội bộ làng nghề với bên ngoài trong phát triển thương mại điện tử; tăng cường hỗ trợ của nhà nước cho thương mại điện tử tại các làng nghề; xây dựng môi trường thương mại điện tử hiện đại, đồng bộ. Vấn đề quan trọng là xây dựng thể chế đồng bộ cho phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam, ThS. Hồ Minh Sơn cho hay.
Dịp này, ThS. Hồ Minh Sơn chia sẻ thêm mặc dù các làng nghề Việt Nam đã tích cực nghiên cứu khả năng ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tự động hóa để gia tăng mức độ đồng nhất của sản phẩm và rút ngắn thời gian sản xuất trong thời gian qua. Điển hình, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh lụa ở làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông) đã thành lập nhóm bán hàng trên mạng xã hội như Zalo, Facebook… liên kết hơn 100 hộ gia đình trong làng nghề tham gia. Mặt khác, các hộ kinh doanh còn tận dụng nền tảng công nghệ để tư vấn, bán hàng trực tuyến. Trước đây, để giới thiệu sản phẩm làng nghề thì hầu hết các cơ sở cần nhờ vào hội chợ hoặc các chương trình kết nối của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, hiện nay nhờ ứng dụng thương mại điện tử thì các sản phẩm này có thể dễ dàng tìm kiếm thông qua internet và mạng xã hội. Về phía Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC), Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLPIE) sẽ tổ chức nhiều chương trình toạ đàm nhằm xúc tiến đầu tư, hợp tác với các đối tác nước ngoài như Hàn Quốc, Nga, Nhật, Mỹ, Canada và Úc. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tổ chức cuộc thi ảnh nghệ thuật các làng nghề Việt Nam ngay đầu năm 2023 để đưa các sản phẩm làng nghề đếnbạn bè trên thế giới…
Tin rằng, với việc phát triển mạnh mẽ hệ thống thanh toán điện tử, bảo đảm an ninh, an toàn trong giao dịch thương mại điện tử, khuyến khích đầu tư trong nước và nước ngoài trong lĩnh vực thương mại điện tử để lan toả các sản phẩm đến bạn bè trên thế giới…
Văn Hải