(TVPLO) – Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật, trong đó, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được dư luận đặc biệt quan tâm. Bên hàng lang Quốc hội, phóng viên báo Tin tức đã ghi nhận ý kiến của đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) về vấn đề này.
Thưa đại biểu, đại biểu kỳ vọng như thế nào về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét thông qua trong kỳ họp lần này?
Luật Đất đai là đạo luật cơ bản liên quan đến cuộc sống của người dân và sự phát triển của kinh tế đất nước. Huy động nguồn lực đất đai cho sự phát triển của đất nước là hướng đi quan trọng, đặc biệt là ở nước có trình độ phát triển trung bình như nước ta, cho nên sửa đổi đồng bộ Luật Đất đai với các luật liên quan trở thành giải pháp quan trọng để khơi thông nguồn lực, thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế – xã hội trong thời gian tới. Trong quá trình thảo luận vềLuật Đất đai thì cử tri cả nước đã tham gia tích cực vào góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với hơn 12 triệu lượt ý kiến đóng góp. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có nhiều ý kiến khác nhau, vì đây là bộ luật khó. Tôi kỳ vọng kỳ họp này, Quốc hội sẽ thông qua Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với những giải pháp đột phá.
Các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm đến hai nội dung cốt lõi của Dự thảo Luật Đất đai: Vấn đề hành chính đất đai và tài chính đất đai. Về hành chính đất đai liên quan tới liên quan đến các nội dung như: quy hoạch, thủ tục hành chính trong việc cấp chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất…
Về tài chính đất đai liên quan tới vấn đề giá đất, địa tô chênh lệch, kiểm soát giá của quyền sử dụng đất… Theo tôi, giá của quyền sử dụng đất đai rất quan trọng, vì liên quan đến sức cạnh tranh của nền kinh tế, do đó không phải giá đất càng cao càng tốt, không phải Nhà nước thu được càng nhiều càng tốt trong việc cho thuê hay chuyển giao quyền sử dụng đất, mà giá đất phải hợp lý để đảm bảo năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong cạnh tranh quốc tế.
Hiện nay vấn đề tranh chấp, khiếu kiện đất đai đang là những khiếu kiện hàng đầu, do đó, trong việc sửa đổi Luật Đất đai phải xuất phát từ nhu cầu thểchế hóa đường lối của Đảng; đồng thời, đảm bảo yêu cầu của thực tiễn cuộc sống, từ cuộc sống của người dân. Cụ thể, chúng ta không chỉ thể chế hóa Nghị quyết 18 của Trung ương, mà còn phải thể chế các Nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế xã hội, Nghị quyết về thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nghị quyết về phát triển du lịch; hội nhập… thậm chí là các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị về phát triển ngành, về phát triển doanh nghiệp… Do đó, cần tiếp cận một cách tổng thể trong quá trình xây dựng và sửa đổi dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Theo ông những nội dung nào trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) còn ý kiến khác nhau cần xem xét góp ý hoàn thiện?
Tôi đặc biệt quan tâm tới vấn đề giải tỏa, thu hồi đất hay chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhất là đất nông nghiệp chuyển sang sang công nghiệp, dịch vụ, phát triển đô thị. Hiện nay, Nghị quyết của Trung ương có yêu cầu Nhà nước sẽ thu hồi đất đối với những dự án phát triển kinh tế – xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng. Nhưng những dự án nào được coi là những dự án vì lợi ích quốc gia, công cộng thì đang còn nhiều ý kiến khác nhau.
Tôi cho rằng những dự án trọng điểm nằm trong quy hoạch phát triển ngành, vùng, phát triển quốc gia; những dự án đã được Quốc hội thông qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thông qua, Hội đồng nhân dân các cấp thông qua của chủ trương là những dự án đủ điều kiện vì lợi ích quốc gia, công cộng. Dù chúng ta thu hồi để đấu giá, đấu thầu để cho các doanh nghiệp triển khai, thì các dự án thì cũng không chỉ nhằm mục đích tạo lợi nhuận của doanh nghiệp mà còn tạo ra công ăn việc làm cho xã hội, đóng góp vào tăng trưởng, tạo ra nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Đặc biệt là vì những dự án có tính chất động lực sự phát triển của cả nước, cả vùng cho nên Quốc hội, Chính phủ Thủ tướng, Chính phủ mới phải thông qua chủ trương đầu tư. Do đó, tôi cho rằng, những dự án lớn, trọng điểm cho tất cả các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nhưng khi đã được Quốc hội, Chính phủvà Thủ tướng Chính phủ thông qua chủ trương đầu tư đều thuộc diện có thể được xem xét đưa vào diện mà Nhà nước thu hồi đất thu để đấu thầu, đấu giá, xây dựng các cái dự án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, hiện nay, dường như chúng ta có phần ưu tiên cho các dự án về phát triển công nghiệp, nhưng phát triển dịch vụ, thương mại, du lịch, hay trung tâm tài chính quốc tế còn chưa được quan tâm. Trong khi phát triển dịch vụ, thương mại, du lịch có vai trò không thua kém gì các dự án phát triển công nghiệp, vì Việt Nam đang trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trong đó, cơ cấu dịch vụ du lịch trong nền kinh tế nước ta đang là lĩnh vực tập trung phát triển vì đây là khu vực có khả năng tạo ra giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế.
Chúng ta đặt ra mục tiêu khu vực dịch vụ đến năm 2030 phải chiếm 50 % cơ cấu kinh tế của đất nước; khu vực du lịch phải chiếm đến 15% tổng GDP của nền kinh tế thì đây chính là khu vực phát triển có tính chất động lực của nền kinh tế và để tạo nên những thành quả như vậy cần có những dự án động lực, dự án trọng điểm cho từng vùng, từng địa phương và trong cả nước.
Đặc biệt, những dự án trọng điểm đó đã nằm trong quy hoạch rồi và đã được các cấp có thẩm quyền thông qua và các dự án này là nhằm thực hiện đường lối của Đảng về phát triển kinh tế – xã hội. Do đó những dự án này có thể đưa diện Nhà nước thu hồi đất và giao cho các doanh nghiệp theo các phương thức phù hợp.
Tuy nhiên, ở đây cũng có vấn đề là giá chuyển nhượng và địa tô chênh lệch. Theo tôi, chúng ta đã đề ra nguyên tắc là: giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải theo giá thị trường và địa tô chênh lệch phải đảm bảo phân bổ hài hòa giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Do đó, khi đã đảm bảo giá theo nguyên tắc thị trường và đảm bảo phân phối một cách hài hòa địa tô do có cái sự chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì sẽ đảm bảo được mục đích của Luật đất đai.
Mặt khác, vấn đề thỏa thuận bồi thường khi doanh nghiệp thu hồi đất hiện nay là vấn đề rất phức tạp, khó, do đó, Nhà nước đứng ra đảm nhận là phù hợp. Bởi vì ở đây có các chủ thể tham gia, phải đảm bảo hài hòa quyền lợi của nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Nếu chỉ doanh nghiệp với người dân đứng ra thỏa thuận thì rất là khó khăn nhưng Nhà nước với vai trò trung gian, chủ sở hữu đất đai đứng ra thu hồi sẽ đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp đồng thời đảm bảo lợi ích của của Nhà nước.
Cho nên việc mở rộng đối tượng thu hồi đất, mở rộng đối tượng là các dự án trọng điểm đã được các cấp có thẩm quyền quyết định theo quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội đều hội tụ đủ điều kiện là cái dự án tìm ích quốc gia, công cộng. Do vậy, khi chúng ta bổ sung trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) những đối tượng này sẽ tạo động lực to lớn, tháo gỡ được các cái vướng mắc về tiếp cận đất đai hiện nay trong thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Có nhiều dự án của doanh nghiệp có thị trường, có vốn nhưng không triển khai được do không tiếp cận được mặt bằng cho sản xuất kinh doanh và việc chậm trễtrong việc tiếp cận đất đai có khi kéo dài đến cả chục năm hoặc lâu hơn. Khi chúng ta tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực đất đai nhanh hơn thì có nghĩa chúng ta có thể thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhanh hơn theo đúng chủ trương của Đảng.
Thưa đại biểu, một trong những nội dung được nhiều người quan tâm trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là vấn đề tiếp nhận quyền sử dụng đất các nhà đầu tư nước ngoài. Ông đánh giá về vấn đề này như thế nào?
Một vấn đề cũng còn những ý kiến khác nhau, đó là việc các nhà đầu tư nước ngoài có thể nhận chuyển quyền sử dụng đất trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhưng mà đối với các cái dự án khác nằm ngoài khu vực đó như: dịch vụ, thương mại… thì không được trực tiếp nhận chuyển quyền sử dụng đất. Theo tôi quy định như vậy có phần chưa hợp lý, bởi vì thu hút đầu tư nước ngoài cũng nhằm mục đích phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, kể cảlĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, tài chính, du lịch… đều là dự án mà phục vụ mục tiêu quốc kế, dân sinh của đất nước và cần khuyến khích nhà đầu tư tham gia.
Vấn đề quan trọng nhất là giá đất phải đảm đảm bảo giá thị trường và địa tô chênh lệch được phân bổ một cách hợp lý thì sẽ tạo ra bước đột phá trong việc thông qua dự Luật đất đai (sửa đổi) đáp ứng mong đợi của toàn dân.
Trân trọng cảm ơn đại biểu!
Thu Trang/Báo Tin tức
https://baotintuc.vn/thoi-su/sua-luat-de-nang-cao-kha-nang-tiep-can-nguon-luc-dat-dai-cho-doanh-nghiep-20231101142305806.htm