(TVPLO) – Trong phạm vi bài viết, nhóm tác giả tập trung phân tích hợp đồng mua, bán quyền đòi nợ của tổ chức tín dụng. Hợp đồng mua, bán quyền đòi nợ1 được xem là loại hợp đồng “cụ thể” của hợp đồng mua, bán tài sản (Điều 430 BLDS năm 2015), điểm đặc trưng thông thường giúp phân biệt hợp đồng mua, bán nợ khác với hợp đồng mua, bán tài sản chính là đối tượng của hợp đồng.
Vay tiền – Ảnh: MH
- Khái quát về quyền khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án
Quyền khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án là thuật ngữ được sử dụng kể từ khi pháp điển hóa BLTTDS, cụ thể từ BLTTDS năm 2004 cho đến nay, thuật ngữ này mới được sử dụng. Bởi giai đoạn trước đây, các học giả và văn bản pháp luật sử dụng thuật ngữ “tố quyền”2 hoặc “quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp”3 để chỉ cho quyền khởi kiện. Tựu trung lại, dù sử dụng với thuật ngữ nào thì về bản chất cũng đều là hành vi của một người được tiếp cận công lý, hay còn có thể hiểu là một năng quyền được công nhận cho các cá nhân và pháp nhân để yêu cầu các cơ quan tài phán bảo vệ những quyền, lợi hợp pháp của mình4.
Hiện nay, Điều 186 BLTTDS năm 2015 xác định “cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”. Theo đó, khi cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, họ có quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp nêu trên5. Chủ thể có quyền khởi kiện khi đáp ứng các điều kiện về năng lực pháp luật dân sự và năng lực pháp luật tố tụng dân sự và có cơ sở cho rằng, quyền, lợi ích hợp pháp của mình đang bị xâm phạm6. Trong đó, căn cứ xác định quyền, lợi ích hợp pháp của chủ thể thực hiện hành vi khởi kiện được xác định tại Điều 186 BLTTDS năm 2015. Nội dung này đã được BLDS năm 2015 khẳng định khi sử dụng năm lần thuật ngữ “quyền khởi kiện”. Vậy có thể khẳng định luật nội dung và luật hình thức có mối liên hệ khi xác định quyền khởi kiện, hay nói cách khác “chủ thể muốn có quyền khởi kiện phải đáp ứng điều kiện về năng lực pháp luật dân sự và năng lực pháp luật tố tụng dân sự7 và cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm bởi chủ thể khác”.
Từ những phân tích trên, các học giả khi nghiên cứu về quyền khởi kiện vụ án dân sự phần lớn đều tiếp cận dưới các khía cạnh bao gồm: (i) Chủ thể khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án; (ii) Điều kiện khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án, và hiểu quyền khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án được hiểu là khả năng mà ở đó cá nhân, cơ quan, tổ chức (sau đây gọi là chủ thể) thực hiện thông qua phương thức khởi kiện, yêu cầu giải quyết các tranh chấp về dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động (quan hệ pháp luật dân sự nói chung) được Tòa án nhân dân có thẩm quyền thụ lý, giải quyết theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự nhằm mục đích bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp8. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, nhóm tác giả lồng ghép, phân tích một số vấn đề về quyền khởi kiện vụ án dân sự của chủ thể mua nợ trong hợp đồng mua, bán quyền đòi nợ – một lĩnh vực “tương đối hẹp” trong tranh chấp về dân sự.
- Thời điểm xác lập quyền khởi kiện của chủ thể mua nợ trong hợp đồng mua, bán nợ
Như đã đề cập, chủ thể thực hiện quyền khởi kiện cần phải đáp ứng điều kiện luật định và về nguyên tắc, người khởi kiện nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 186 và Điều 187 BLTTDS năm 2015 thì Tòa án tiến hành trả lại đơn khởi kiện (điểm a khoản 1 Điều 192 BLTTDS năm 2015). Tuy nhiên, thực tiễn xác định quyền khởi kiện của chủ thể mua nợ trong hợp đồng mua, bán nợ hiện nay vẫn còn một số bất cập, ảnh hưởng đến quyền khởi kiện của chủ thể này.
Quy định pháp luật về hợp đồng mua, bán nợ: Hợp đồng nói chung được hiểu là sự thỏa thuận giữa các bên nhằm xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự (Điều 385 BLDS năm 2015), và theo đó, hợp đồng mua, bán nợ được hiểu là sự thỏa thuận giữa bên bán nợ và bên mua nợ, trong đó bên bán nợ chuyển quyền sở hữu đối với quyền đòi nợ (và tài sản bảo đảm của khoản nợ nếu có9) cho bên mua nợ, còn bên mua nợ có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán nợ. Hoặc có thể hiểu đơn giản dưới góc độ quyền đòi nợ, hợp đồng mua, bán nợ là sự thỏa thuận giữa bên mua và bên bán, và theo đó, bên bán chuyển giao cho bên mua quyền đòi nợ đối với một chủ thể xác định. Khi tiếp cận hợp đồng mua, bán nợ có thể nhận thấy một số đặc điểm cơ bản, bao gồm: (i) Đối tượng của hợp đồng mua, bán nợ thực tế chính là quyền đòi nợ (hay còn gọi là quyền đòi nợ một chủ thể nhất định, nhằm yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả nợ và theo đó có thể phái sinh quyền khởi kiện vụ án dân sự nếu không bên nợ không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ trả nợ); (ii) Nội dung tại Điều 13 Thông tư số 09/2015/TT-NHNN ngày 17/5/2015 của Ngân hàng Nhà nước quy định về hoạt động mua, bán nợ của Tổ chức tín dụng, Chi nhánh ngân hàng nước ngoài10 (gọi là Thông tư số 09/2015/TT-NHNN) quy định một trong những nội dung cơ bản của hợp đồng mua, bán nợ chính là “Tên, địa chỉ của bên nợ và các bên liên quan (nếu có) tới khoản nợ”, và thực tế đối với việc xác lập hợp đồng mua, bán quyền đòi nợ trong lĩnh vực “vay tiêu dùng”, thì số lượng các bên nợ trong hợp đồng mua, bán nợ thực tế “rất lớn”11. Có thể hiểu đơn giản, bên bán và bên mua không xác lập riêng lẻ từng hợp đồng mua, bán quyền đòi nợ cho một chủ thể (là bên nợ) mà thay vào đó trong hợp đồng mua, bán quyền đòi nợ, bên mua, bên bán sẽ thỏa thuận giá trị của hợp đồng với rất nhiều chủ thể là bên nợ, ấn định bên nợ là một nhóm chủ thể chung và đính kèm một phụ lục danh sách kèm theo hợp đồng mua bán, chứ không xác định cụ thể từng bên nợ trên từng hợp đồng12.
Vấn đề pháp lý được đặt ra chính là xác định thời điểm xác lập quyền khởi kiện vụ án dân sự của chủ thể mua nợ đối với từng “bên nợ” trong hợp đồng mua, bán nợ.
Trước tiên, chúng ta cần xét dưới góc độ pháp luật thực định, chủ thể có quyền khởi kiện vụ án dân sự khi quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm13, nói cách khác, khi quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm thì chủ thể bị xâm phạm mới có khả năng “cầu viện công lý” tại Tòa án14. Vậy, chủ thể mua nợ chỉ có quyền khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án khi đã xác lập được tư cách “chủ nợ” đối với “bên nợ” và bên nợ không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Để xác định được vấn đề này, cần nghiên cứu các quy định của pháp luật hợp đồng về mua bán nợ. Điều 16 Thông tư số 09/2015/TT-NHNN quy định “1. Bên mua nợ có các quyền: a) Yêu cầu bên bán nợ cung cấp thông tin về khoản nợ được mua, bán (bao gồm cả thông tin liên quan đến hình thành, quản lý khoản nợ); b) Kế thừa đầy đủ các quyền của bên bán nợ đối với khoản nợ theo thỏa thuận, phù hợp với quy định của pháp luật; c) Yêu cầu bên bán nợ chuyển giao hồ sơ và hoàn tất các thủ tục để chuyển giao đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của bên bán nợ, phù hợp với thỏa thuận của các bên tại hợp đồng mua, bán nợ và quy định pháp luật; d)Yêu cầu bên bán nợ thực hiện đúng, đầy đủ các nghĩa vụ cam kết theo thỏa thuận; đ) Các quyền khác theo thỏa thuận và quy định của pháp luật”; và điểm h khoản 2 Điều 13 Thông tư này quy định một trong những nội dung cơ bản của Hợp đồng mua, bán nợ là “thời điểm bên mua nợ trở thành người thế quyền, nghĩa vụ đối với khoản nợ của bên bán nợ”.
Tuy nhiên, không phải bất cứ khi nào các bên thỏa thuận thời điểm bên mua nợ cũng trở thành người thế quyền đối với khoản nợ của bên bán nợ đều đương nhiên được xem là chủ thể mang quyền đòi nợ. Mà theo đó, bên bán nợ phải có nghĩa vụ “thông báo bằng văn bản cho bên nợ và các bên liên quan những nội dung của việc bán nợ chậm nhất 5 ngày làm việc kể từ ngày các bên ký kết đồng mua, bán nợ hoặc sửa đổi, bổ sung hợp đồng mua, bán nợ. Trường hợp pháp luật có quy định khác hoặc theo thỏa thuận giữa bên bán nợ và bên nợ hoặc trong trường hợp cần thiết, bên bán nợ thông báo bằng văn bản việc bán nợ cho bên nợ trước khi ký kết hợp đồng mua, bán nợ” (điểm a khoản 2 Điều 17 Thông tư số 09/2015/TT-NHNN), kể từ thời điểm thông báo này, hợp đồng mua, bán nợ mới có hiệu lực trên thực tế.
Để lý giải quy định này, chúng tôi đề cập đến nguyên tắc xác lập quyền sở hữu nói chung, cụ thể: (i) theo quy định của luật đối với các trường hợp cụ thể; (ii) Nếu không có quy định cụ tể của luật về thời điểm xác lập quyền thì thời điểm này do các chủ thể thỏa thuận; (iii) Nếu các chủ thể không thỏa thuận thì đó là thời điểm tài sản được chuyển giao15. Theo đó, đối với hợp đồng mua, bán quyền đòi nợ, thời điểm xác lập quyền sở hữu đối với loại tài sản này được quy định là thời điểm bên mua nhận được các giấy tờ chứng minh quyền đòi nợ của bên bán (Điều 450 BLDS năm 2015).
Vậy, từ các quy định này khẳng định thời điểm bên mua nhận được các giấy tờ chứng minh quyền đòi nợ của bên bán (Điều 450 BLDS năm 2015). Hay có thể nói, việc xác định hợp đồng mua, bán nợ đã được hoàn thành hay chưa là một yếu tố quan trọng trong việc xác định khoản nợ đã chuyển giao cho bên mua nợ hay chưa. Trạng thái sở hữu của khoản nợ mới là cơ sơ để xác định thời điểm mà bên mua nợ có quyền quyết định đối với khoản nợ và chịu rủi ro đối với khoản nợ này16.
Về thời điểm xác lập quyền sở hữu của bên mua nợ trong trường hợp hợp đồng mua, bán nợ có “nhiều bên nợ”: Như đã đề cập, kể từ thời điểm bên mua nhận được các giấy tờ chứng minh quyền đòi nợ của bên bán thì bên mua quyền đòi nợ đã trở thành “chủ nợ”, và từ thời điểm này bên mua quyền đời nợ có quyền khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án nếu bên nợ không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ trả nợ.
Một trong những đặc điểm của hợp đồng mua, bán quyền đòi nợ trong hợp đồng vay tiêu dùng chính là có nhiều “bên nợ” chứ không xác lập với một bên nợ cho từng hợp đồng mua, bán quyền đòi nợ. Đơn cử như, Tổ chức tín dụng A xác lập hợp đồng mua, bán nợ với pháp nhân kinh doanh trong lĩnh vực mua bán nợ, theo đó: Hợp đồng mua, bán nợ thể hiện bên bán nợ chuyển giao quyền đòi tài sản đối với 100 bên nợ cho bên mua nợ với giá trị 01 tỷ đồng. Các bên tiến hành thỏa thuận chia thành ba giai đoạn mà bên mua nợ phải thực hiện nghĩa vụ trả tiền cho bên bán nợ. Bên mua nợ đã tiến hành thực hiện nghĩa vụ trả tiền cho bên bán nợ ở hai giai đoạn, và bên bán nợ đã thông báo chuyển giao quyền yêu cầu tới cho 100 bên nợ như đã kể trên. Vậy, liệu rằng khi đã thực hiện nghĩa vụ thanh toán ở hai giai đoạn thì bên mua nợ có quyền kiện đòi tài sản một số chủ thể trong 100 bên nợ kể trên không. Nếu căn cứ vào quy định của pháp luật về hợp đồng mua, bán quyền đòi nợ nói trên thì các quy phạm pháp luật liên quan đã giải quyết vấn đề này.
Xét dưới góc độ nghiên cứu, bên mua quyền đòi nợ cho dù có thỏa thuận thực hiện nghĩa vụ từng phần đối với bên bán quyền đòi nợ, nhưng như đã phân tích ở trên, bên mua quyền đòi nợ vẫn được quyền đòi nợ đối với bên có nghĩa vụ (bên nợ) để thu hồi nợ. Tuy nhiên, khoản 5 Điều 189 BLTTDS năm 2015 quy định, “kèm theo đơn khởi kiện phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm”. Vậy, câu hỏi đặt ra, chủ thể mua nợ làm thế nào để chứng minh được quyền khởi kiện vụ án dân sự về kiện tranh chấp hợp đồng tín dụng. Thực tế, một số Tòa án khi tiến hành thụ lý đơn khởi kiện vẫn còn nhầm lẫn và yêu cầu phải cung cấp được cụ thể những “chứng cứ” nhằm chứng minh bên mua quyền đòi nợ đã hoàn thành nghĩa vụ đối với bên bán quyền đòi nợ ví dụ như sao kê ngân hàng,…, dẫn đến gây khó khăn cho chính chủ thể mua quyền đòi nợ.
Chủ thể mua quyền đòi nợ có thể thực hiện chứng minh quyền khởi kiện của mình thông qua một số chứng từ như hợp đồng mua, bán nợ, phụ lục hợp đồng, biển bản xác nhận khoản nợ đã được mua bán. Chẳng hạn trong vụ án sau “Xét thấy về chủ thể ký kết hợp đồng: Ngày 28/12/2018, Công ty T và Công ty G ký kết Hợp đồng mua, bán nợ số: VPBFC-CE00-18-0006, Phụ lục Hợp đồng mua, bán nợ số: VPBFC-CE00-18-0006-PL-01 và Biên bản xác nhận khoản nợ đã được mua bán, có nội dung: Xác nhận khoản nợ đã được mua bán của khách hàng Lê Thị Tấn P đối với Công ty T phát sinh từ Hợp đồng tín dụng số: 20161110-0009708 ngày 07/11/2016 đã được chuyển giao cho Công ty G theo Hợp đồng mua, bán nợ số: VPBFC-CE00-18-0006”17. Cùng với đó, tại Thông tư 09/2015/TT-NHNN quy định về nội dung của hợp đồng mua, bán nợ phải có những nội dung chủ yếu – tức là Thông tư này bắt buộc một hợp đồng phải có những nội dung này, tuy nhiên thực tiễn có thể thấy, số lượng bên nợ trong hợp đồng mua, bán nợ nhiều, nếu lồng ghép các thông tin như “…d) Tên, địa chỉ của bên nợ và các bên có liên quan (nếu có) tới khoản nợ được mua, bán; đ) Chi tiết khoản nợ mua, bán: Số tiền vay, thời gian vay, mục đích giá trị ghi sổ của khoản nợ đến thời điểm thực hiện mua, bán nợ;…” (khoản 2 Điều 13) lại vô hình trung làm hợp đồng phức tạp. Chính vì thế, một giải pháp được sử dụng thay thế chính là thành lập các phụ lục hợp đồng, và về nguyên tắc “phụ lục hợp đồng có hiệu lực như hợp đồng” (khoản 1 Điều 403 BLDS năm 2015) và được các Tòa án hiện nay chấp thuận.
Kết luận
Từ những phân tích trên, chúng tôi cho rằng cần sớm có những quy định đặc thù liên quan đến hợp đồng mua, bán nợ. Cụ thể, pháp luật về hợp đồng mua, bán quyền đòi nợ cần có quy định cụ thể về thời điểm hoàn thành và chưa hoàn thành của hợp đồng mua, bán quyền đời nợ, từ đó nhằm thống nhất được thời điểm xác lập quyền sở hữu đối với quyền đòi nợ. Nếu trong trường hợp bên mua quyền đời nợ mới thực hiện một phần nghĩa vụ của hợp đồng, thì chủ thể này có quyền khởi kiện một/một số “bên nợ” không? Có quan điểm cho rằng “Hợp đồng mua, bán nợ đã hoàn thành khi bên mua nợ đã thanh toán đầy đủ số tiền mua nợ theo hợp đồng cho bên bán nợ và bên bán nợ dã chuyển giao toàn bộ quyền, nghĩa vụ của bản thân đối với khoản nợ cho bên mua nợ. Kể từ thời điểm này khoản nợ thuộc quyền sở hữu của bên mua nợ”18. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng quan điểm này chưa thực sự hợp lý. Đối tượng của hợp đồng mua, bán quyền đời nợ được xác định là quyền tài sản, cụ thể hơn là “quyền đòi nợ” đối với các “bên nợ” và các “bên nợ” được xác định với số lượng nhiều. Chính vì thế, chỉ cần thực hiện một phần nghĩa vụ thanh toán tiền thì vẫn cần phải xác định chủ thể mua nợ đã có quyền khởi kiện.
1 Thực tế, hợp đồng mua, bán nợ vẫn được xem là có cùng “nội hàm” với thuật ngữ hợp đồng mua, bán quyền đòi nợ. Tuy nhiên, đúng bản chất phải được xác định với thuật ngữ “hợp đồng mua, bán quyền đòi nợ” được “định danh” tại BLDS, đối với tên gọi “Hợp đồng mua, bán nợ” tuy vẫn được sử dụng tại một số văn bản chuyên ngành tuy nhiên việc sử dụng tên gọi này là chưa hợp lý.
2 Tham khảo tại: Nguyễn Mạnh Bách, Luật Tố tụng dân sự Việt Nam (Lược giải), Nxb. Đồng Nai, 1996, tr.10.
3 Điều 1 Pháp lệnh về Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự năm 1989.
4 Nguyễn Mạnh Bách, Luật Tố tụng dân sự Việt Nam (Lược giải), Nxb. Đồng Nai, 1996, tr.10.
5 Nguyễn Văn Tiến, Bàn về ủy quyền khởi kiện vụ án dân sự trong tố tụng dân sự, Tạp chí Tòa án nhân dân, https://tapchitoaan.vn/ban-ve-uy-quyen-khoi-kien-trong-to-tung-dan-su7980.html, truy cập ngày 08/01/2024.
6 Chúng tôi không đề cập đến năng lực hành vi dân sự và năng lực hành vi tố tụng dân sự là bởi lẽ, thực tế cần phải xác định quyền khởi kiện (năng lực pháp luật), còn đối với vấn đề năng lực hành vi dân sự và năng lực hành vi tố tụng là vấn đề “tự mình” hoặc ủy quyền cho chủ thể khác thực hiện hành vi khởi kiện. Vì thế, chúng tôi không đề cập đến.
7 Vũ Hoàng Anh, Quyền của nguyên đơn trong tố tụng dân sự Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, năm 2017, tr.09.
8 Đào Tấn Anh, Quyền khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án, Khóa luận tốt nghiệp, Trường Đại học Luật TP. HCM, năm 2023.
9 Điều 368 BLDS năm 2015 và Điều 12, 13 Thông tư số 09/2015/TT-NHNN.
10 Thông tư số 09/2015/TT-NHNN được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 18/2022/TT-NHNN ngày 26/12/2022, tuy nhiên những nội dung nhóm tác giả phân tích không sử dụng những sửa đổi này, vì thế nhóm tác giả không đề cập đến.
11 Đặc trưng của hợp đồng vay tiêu dùng chính là mức vay thường có giá trị nhỏ, chính vì thế khi xác lập hợp đồng mua, bán quyền đòi nợ trong lĩnh vực này thường bên bán sẽ bán với số lượng lớn quyền đòi nợ của nhiều “bên nợ”.
12 Thực tế, pháp luật không cấm việc xác lập riêng rẻ, xuất phát từ giới hạn phạm vi nghiên cứu là hợp đồng mua, bán quyền đòi nợ trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng, vì thế chúng tôi đưa ra nhận định trên.
13 Phương diện luật định trên chỉ có thể hiểu ở góc độ tương đối, chủ thể khởi kiện “cho rằng” quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, thực tế vẫn cần đến phán quyết của Tòa án để xem xét tính “hợp pháp” của yêu cầu đó.
14 Điều 4, Điều 186 BLTTDS năm 2015.
15 Nguyễn Văn Cừ, Trần Thị Huệ (Chủ biên), Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2015 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, 2017, tr.307.
16 Lương Khôi Nguyên, Pháp luật về hoạt động mua bán nợ của tổ chức tín dụng, Luận văn Thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, 2022, tr.56.
17 Bản án số 11/2023/DS-ST ngày 15/02/2023 V/v tranh chấp “Hợp đồng tín dụng và hợp đồng mua, bán nợ” của TAND tỉnh V.
18 Lương Khôi Nguyên, Tlđd (16), tr.73.
TRẦN VĂN THIẾT (Học viên Cao học, Trường Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG TP.HCM ) CN. ĐÀO TẤN ANH (Ban Thanh tra, Trường Đại học Kinh tế – Tài chính TP. HCM) NGUYỄN Ý QUYẾT (Học viên Cao học, Trường Đại học Luật TP.HCM )
https://tapchitoaan.vn/quyen-khoi-kien-cua-chu-the-mua-no-trong-hop-dong-mua-ban-quyen-doi-no10401.html