(TVPLO) – Thông thường do quen biết, tin tưởng nhau nhiều người thường giao dịch, thỏa thuận bằng miệng. Đến lúc phát sinh tranh chấp mới thấy vô số những rắc rối trong việc giải quyết quyền lợi các bên.Trong thực tế, giao dịch dân sự bằng miệng đang diễn ra rất phổ biến, vì tin tưởng, vì quen biết mà các bên lựa chọn giao kết hợp đồng bằng hình thức này. Tuy nhiên, không biết được rằng, giao kết hợp đồng bằng miệng dẫn tới nhiều hệ lụy, dễ nảy sinh tranh chấp, quyền lợi của các bên không được pháp luật bảo vệ thậm chí có nguy cơ mất luôn tài sản.
Ảnh minh hoạ
Chia sẻ về điều này, TS. Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC); Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) cho rằng trong thực tế, với những giao dịch đơn giản, không phức tạp, giá trị không lớn, lại tin tưởng nên người dân, doanh nghiệp chủ yếu thỏa thuận bằng miệng với nhau. Điều này, trở thành một thói quen với nhiều người, họ không biết rằng việc giao kết bằng hình thức này dẫn tới nhiều rủi ro và không đảm bảo hoàn toàn được quyền và lợi ích hợp pháp cho mình. Do vậy, hợp đồng miệng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nếu thỏa thuận miệng nên lưu giữ các chứng cứ như ghi âm, ghi hình, email, tin nhắn…
Cụ thể, ngày 07 tháng 9 năm 2023 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 59/2023/DSPT ngày 11 tháng 8 năm 2023 về việc “Tranh chấp hợp đồng dịch vụ”. Theo bản án dân sự sơ thẩm số 38/2023/DS-ST ngày 28 tháng 6 năm 2023 của Toà án nhân dân thành phố T bị kháng cáo. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 125/2023/QĐ-PT ngày 21 tháng 8 năm 2023. Theo đơn khởi kiện và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án nguyên đơn bà Dương Thị Thu P trình bày: Tôi Dương Thị Thu P có quen biết với bà Nguyễn Thị Kim D qua quá trình mua bán thuốc tân dược lâu năm, nên có tình cảm tin tưởng nhau, xem như chị em trong nhà. Năm 2016, bà D có nói chuyện với tôi rằng: Dung có đường dây đưa đi du học bằng con đường từ thiện. Qua trao đổi, bà D nói có 02 trường hợp: học Cao đẳng thì gói 30.000 USD, bao ăn ở 02 năm; học Đại học thì gói 60.000 USD, bao ăn ở 02 năm…
TS. Hồ Minh Sơn cho biết theo quy định, hợp đồng miệng chỉ được pháp luật dân sự thừa nhận trong các trường hợp không bắt buộc phải lập thành văn bản. Người tham gia giao dịch phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, trên tinh thần tự nguyện; mục đích, nội dung không trái pháp luật và đạo đức. Ví dụ như: mua bán những vật phẩm nhỏ lẻ, phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Về nguyên tắc, đây cũng được coi là hợp đồng và có hiệu lực bắt buộc thực hiện đối với hai bên, theo đó, hợp đồng giao kết bằng miệng trong một số trường hợp nhất định vẫn có hiệu lực pháp lý. Cùng với đó, các hợp đồng có sự điều chỉnh đặc thù như hợp đồng lao động, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hợp đồng ủy quyền… Bộ luật dân sự (BLDS) quy định những hợp đồng này chỉ có giá trị pháp lý khi giao kết bằng văn bản thậm chí đối với giao dịch liên quan đến bất động sản cần phải thực hiện công chứng hoặc chứng thực thì khi đó mới phát sinh hiệu lực pháp luật.
Theo TS. Sơn phân tích do nội dung giao dịch không đầy đủ và chi tiết, khi thực hiện giao kết hợp đồng miệng được các bên thỏa thuận một cách nhanh chóng, các bên chỉ thỏa thuận một số nội dung chính mà các bên không lường trước được các tình huống phát sinh có thể xảy ra khi thực hiện hợp đồng, cũng như việc bồi thường nếu có tranh chấp hay thiệt hại xảy ra. Khi giao kết hợp đồng bằng miệng sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy, xảy ra nhiều hậu quả pháp lý đặc biệt là nảy sinh tranh chấp, khi phát sinh tranh chấp rất khó chứng minh nội dung đã giao dịch trước đó để yêu cầu tòa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên. Khi tòa án yêu cầu cung cấp chứng cứ, các đương sự cũng không có giấy tờ gì để cung cấp. Nếu muốn khởi kiện mà đương sự lại không đưa ra chứng cứ, chứng minh thì việc khởi kiện không thực hiện được. Ngoài ra, thỏa thuận bằng lời nói nên giá trị chứng minh rất thấp, nếu khởi kiện ra tòa án, cũng sẽ rất khó chứng minh là đã có thỏa thuận đó cũng như các nội dung của thỏa thuận nếu một bên trong giao dịch phủ nhận.
Tương tự, theo quy định của pháp luật dân sự hiện hành, hợp đồng cũng là một trong những giao dịch dân sự, để hợp đồng có hiệu lực pháp luật thì hợp đồng cũng cần phải đáp ứng được các điều kiện có hiệu lực của một giao dịch dân sự. Đối với chủ thể, cần phải có năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự giao kết, chủ thể tham gia cần phải có sự tự nguyện, mục đích, nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội. Thêm vào đó, trong một số giao dịch cần tuân thủ đúng hình thức ví dụ như công chứng, chứng thực.
Căn cứ tại Điều 119, Bộ luật Dân sự 2015, quy định về hình thức hợp đồng: Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể; Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó. Vậy trừ các trường hợp giao dịch dân sự bắt buộc phải thể hiện bằng văn bản công chứng, chứng thực, đăng ký (hợp đồng mua bán nhà ở, hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất…) còn những loại hợp đồng khác thì hai bên có thể tự do lựa chọn hình thức hợp đồng phù hợp và tiện lợi nhất cho các bên. TS Hồ Minh Sơn dẫn chứng, căn cứ vào khoản 1 Điều 119 BLDS 2015 quy định giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Hợp đồng bằng lời nói (hay còn gọi là hợp đồng miệng) được công nhận theo quy định pháp luật.
Cũng theo TS. Sơn cho hay, xét về giá trị pháp lý, hợp đồng bằng lời nói hay hợp đồng bằng văn bản có giá trị pháp lý như nhau, trừ trường hợp pháp luật có yêu cầu về hình thức. Chẳng hạn trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó. Thế nhưng, hợp đồng miệng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong đó, là không đầy đủ nội dung giao dịch, có thể giao dịch đó thực hiện trong thời gian ngắn, các bên chưa thực sự chuẩn bị và nắm được các tình huống có thể phát sinh trong tương lai, các nội dung thỏa thuận còn hạn chế. Mặt khác, khó có bằng chứng chứng minh trong trường hợp có tranh chấp xảy ra vì “lời nói gió bay”.
Có thể thấy, rủi ro nữa là hợp đồng miệng khó xác định được nội dung cụ thể vì chủ yếu dựa vào niềm tin, chữ tín với nhau, việc giao kết hợp đồng miệng thì thường chỉ có hai bên và ít khi có người làm chứng. Song song đó, vì không có văn bản cụ thể nên các nội dung thỏa thuận không được ghi lại trong văn bản, các bên cũng chỉ thực hiện và không có giấy tờ gì lưu lại nên khi tòa án yêu cầu cung cấp chứng cứ, các đương sự cũng không có giấy tờ gì để cung cấp. Nếu muốn khởi kiện mà đương sự lại không đưa ra chứng cứ chứng minh thì việc khởi kiện không thực hiện được.
Cũng theo TS Sơn, trên thực tế, nhiều vụ việc tòa bác yêu cầu vì thỏa thuận miệng…Vì vậy, để hạn chế những rủi ro, điều đầu tiên là nên sử dụng hợp đồng văn bản. Còn nếu sử dụng hợp đồng miệng thì phải lưu ý nội dung của việc giao kết, thỏa thuận phải được đầy đủ. Dù là giao kết hợp đồng miệng nhưng hai bên cũng nên rõ ràng, thẳng thắn trao đổi với nhau về quyền và nghĩa vụ của các bên, các trường hợp xảy ra, về mức bồi thường thiệt hại hay một số vấn đề có thể phát sinh khi thực hiện hợp đồng. Nên có ghi âm, quay phim và người làm chứng khi thỏa thuận, thực hiện hợp đồng miệng. Đồng thời nên giữ lại các hóa đơn hoặc các giấy tờ có liên quan đến giao dịch bởi các giấy tờ trong quá trình giao dịch như thư từ, email, biên bản giao nhận hàng, biên bản giao nhận tiền sẽ là chứng cứ khi thực hiện khởi kiện. Tương tự, nên ưu tiên sử dụng hình thức bằng văn bản để tránh rủi ro.
Như vậy, với việc giao kết hợp đồng bằng miệng vẫn được thực hiện thường xuyên trong đời sống hàng ngày. Người tham gia giao dịch thường vì mối quan hệ quen biết, tin tưởng nên không lưu giữ lại những bằng chứng chứng minh về giao dịch. Tuy nhiên, đối với các giao dịch có giá trị lớn như bất động sản hay những hợp đồng đặc thù do BLDS điều chỉnh để đảm bảo quyền và lợi ích, các bên cần tuân thủ theo đúng quy định về nội dung, hình thức đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định pháp luật để tránh những rủi ro tiềm ẩn. Bởi những thoả thuận bằng miệng là một trong những loại giao dịch phổ biến nhất hiện nay, các tranh chấp thoả thuạn bày diễn ra một cách thường xuyên…Việc hiểu rõ các quy định của pháp luật sẽ giúp người dân có hành xử đúng đắn, hợp pháp.
Trần Danh – Kiên Cường