(TVPLO) – Bài viết “Một số hạn chế trong quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021 đối với bị cáo là người dưới 18 tuổi” doThS. Hoàng Thị Huyền Trang (Khoa Luật Hình sự, Đại học Luật, Đại học Huế) thực hiện.
Tóm tắt:
Người dưới 18 tuổi phạm tội là đối tượng rất dễ bị tổn thương về thể chất, tinh thần. Vì vậy, Bộ luật Tố tụng hình sựnăm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021 đã có 1 chương riêng về thủ tục tố tụng cho người dưới 18 tuổi, thể hiện sự quan tâm, chính sách nhân đạo của Nhà nước ta đối với đối tượng này. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, thiếu sót trong quy định đối với bị cáo là người dưới 18 tuổi. Bài viết phân tích một số hạn chế trong quy định của pháp luật tố tụng hình sự đối với bị cáo là người dưới 18 tuổi và đề xuất một số giải pháp hoàn thiện.
Từ khóa: người dưới 18 tuổi, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, tố tụng, bị cáo, hạn chế.
1. Đặt vấn đề
Trong hoạt động tố tụng hình sự, quyền con người là dễ bị vi phạm nhất[1], đặc biệt là quyền con người của người bị buộc tội[2]. Bởi vậy, việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị buộc tội nói chung, cũng như bị cáo là người dưới 18 tuổi được pháp luật tố tụng hình sự quy định chặt chẽ. Bị cáo là người dưới 18 tuổi là đối tượng chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tinh thần và rất dễ bị tổn thương nếu các quy định của pháp luật tố tụng hình sự cũng như các hành vi, hoạt động tố tụng và việc áp dụng pháp luật từ phía người có thẩm quyền tiến hành tố tụng còn có những hạn chế, thiếu sót. Do vậy, Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 đã có 1 chương riêng quy định về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi, thể hiện sự quan tâm, chính sách của Nhà nước, cũng như phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về quyền con người, quyền trẻ em. Bên cạnh đó, BLTTHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021 cũng đã có những thay đổi quan trọng trong việc bảo vệ người dưới 18 tuổi trong vụ án hình sự. Tuy nhiên, pháp luật tố tụng hình sự vẫn còn tồn tại một số hạn chế, thiếu sót đối với quy định về bị cáo là người dưới 18 tuổi. Vậy nên, cần hoàn thiện hơn nữa BLTTHS để bảo vệ tối ưu cho quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo.
2. Một số hạn chế trong quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021 đối với bị cáo là người dưới 18 tuổi
Thứ nhất, về hình thức xét xử vụ án hình sự có bị cáo là người dưới 18 tuổi.
BLTTHS có những quy định trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dưới 18 tuổi trong quá trình xét xử. Cụ thể, tại Điều 25 BLTTHS 2015 quy định: “… Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai….” và khoản 2 Điều 423 quy định: “Trường hợp đặc biệt cần bảo vệ bị cáo, bị hại là người dưới 18 tuổi thì Tòa án có thể quyết định xét xử kín”.
Tại điểm d khoản 1 Điều 7 Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC đã có quy định, khi xét xử vụ án hình sự có bị cáo, người bị hại là người dưới 18 tuổi thì trong một số trường hợp cụ thể phải xét xử kín: “Đối với những vụ án có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán thì Tòa án phải xét xử kín; đối với những vụ án khác có yêu cầu của người dưới 18 tuổi, người đại diện của họ hoặc để giữ bí mật đời tư, bảo vệ người dưới 18 tuổi thì Tòa án cũng có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai theo quy định tại Điều 327 của Bộ luật Tố tụng hình sự”.
Tuy nhiên, vậy trong những trường hợp khác ngoài quy định tại điểm d khoản 1 Điều 7 Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC mà việc xét xử công khai sẽ ảnh hưởng nặng nề, có khả năng làm tổn thương tâm lý của bị cáo là người dưới 18 tuổi và ảnh hưởng chung đến hiệu quả của công tác xét xử thì việc lựa chọn xét xử công khai hay xét xử kín là do tòa án quyết định. Như vậy, quy định tại Điều 25 và khoản 2 Điều 423 BLTTHS là những quy định mang tính tùy nghi, việc xét xử kín hay công khai đều do Tòa án quyết định dựa trên quy định có phần chủ quan và không có những tiêu chuẩn nhất định để xác định tính chất xét xử của vụ án. Do đó, cùng một vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi, có Tòa sẽ xác định cần xét xử công khai, nhưng cũng có Tòa sẽ cho rằng cần xét xử kín. Quy định này cũng mâu thuẫn với nguyên tắc bảo đảm giữ bí mật cá nhân của người dưới 18 tuổi ở tại khoản 2 Điều 414 BLTTHS 2015 là “Bảo đảm giữ bí mật cá nhân của người dưới 18 tuổi”.
Thứ hai, về thẩm quyền của Tòa án gia đình và người chưa thành niên.
Căn cứ tại Điều 4 Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC quy định chi tiết việc xét xử vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên nếu đó là “ … Vụ án hình sự có bị cáo là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý và tội đặc biệt nghiêm trọng…”. Tại Điều 3 Công ước của Liên hiệp quốc về Quyền trẻ em quy định rằng: “Trong tất cả những hành động liên quan đến trẻ em, dù do hành động liên quan đến trẻ em; dù do các cơ quan phúc lợi xã hội công cộng hay tư nhân; tòa án; các nhà chức trách hành chính hay cơ quan lập pháp tiến hành thì lợi ích tốt nhất của trẻ em phải là mối quan tâm hàng đầu”. Như vậy, Tòa gia đình và người chưa thành niên được thành lập để đáp ứng cho việc Việt Nam đã tham gia phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em của Liên hợp quốc vào ngày 20/02/1990. Tuy nhiên, Điều 4 Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC quy định về thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên thì chỉ xét xử vụ án hình sự có bị cáo là người chưa thành niên (người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi) khi họ phạm tội nghiêm trọng do cố ý và tội đặc biệt nghiêm trọng. Còn đối với người chưa thành niên phạm tội có tính chất ít nghiêm trọng, nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng do vô ý lại không nằm trong phạm vi thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên.
Thứ ba, về việc bảo đảm quyền bào chữa cho bị cáo dưới 18 tuổi.
Khoản 1 Điều 77 BLTTHS năm 2015 quy định “Những người sau đây có quyền từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa:
- a) Người bị buộc tội;
- b) Người đại diện của người bị buộc tội;
- c) Người thân thích của người bị buộc tội.
Mọi trường hợp thay đổi hoặc từ chối người bào chữa đều phải có sự đồng ý của người bị buộc tội và được lập biên bản đưa vào hồ sơ vụ án, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 76 của Bộ luật này”.
Như vậy, quy định này dẫn đến cách hiểu rằng việc từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa của người đại diện người bị buộc tội dưới 18 tuổi, người thân thích của người bị buộc tội dưới 18 tuổi không cần có sự đồng ý của người bị buộc tội đó. Trong khi, không phải người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội dưới 18 tuổi đều bảo vệ quyền và lợi ích cho người bị buộc tội dưới 18 tuổi. Do đó, quy định này đã không bảo vệ tối ưu quyền bào chữa của người bị buộc tội dưới 18 tuổi mà trong đó có bị cáo.
Thứ tư, về việc tham gia của đại diện gia đình, nhà trường, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh trong quá trình tố tụng có bị cáo là người dưới 18 tuổi.
Theo Khoản 1 Điều 420 BLTTHS năm 2015 quy định về việc tham gia tố tụng của người đại diện, nhà trường, tổ chức: “Người đại diện của người dưới 18 tuổi, thầy giáo, cô giáo, đại diện của nhà trường, Ðoàn thanh niên, tổ chức khác nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động và sinh hoạt có quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng theo quyết định của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án”. Tuy nhiên trên thực tế, có không ít trường hợp bị cáo là người dưới 18 tuổi rơi vào hoàn cảnh thiếu sự quan tâm, chăm lo từ phía bố mẹ, gia đình; có những trường hợp các em sống lang thang, không được đến trường hoặc bỏ học, vì vậy việc yêu cầu đại diện từ gia đình của bị cáo, nhà trường nơi bị cáo học tập, sinh hoạt để tham gia tố tụng hỗ trợ, giúp đỡ cho bị cáo là người dưới 18 tuổi có những khó khăn, trở ngại và không đạt được hiệu quả trong việc áp dụng quy định[3].
Thứ năm, còn thiếu bộ phận chuyên trách về người dưới 18 tuổi trong cơ quan tiến hành tố tụng.
Hiện nay, việc xử lý vụ án hình sự có người dưới 18 tuổi phạm tội vẫn được xử lý như vụ án có người thành niên phạm tội, chưa có sự chuyên môn hóa đồng đều trong cơ quan tiến hành tố tụng đối với những tội phạm có độ tuổi đặc biệt này. Chỉ có trong hệ thống tòa án nhân dân thực hiện được việc chuyên môn hóa khi đã thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên, thể hiện sự tiến bộ trong việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người chưa thành niên trong vụ án hình sự, đáp ứng việc phù hợp với những quy định của pháp luật quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Tuy nhiên hiện nay, Tòa án nhân dân tối cao chỉ mới “thành lập 38 Tòa gia đình và người chưa thành niên tại các Tòa án nhân dân cấp tỉnh”[4]. Như vậy, vẫn còn nhiều tỉnh chưa có Tòa gia đình và người chưa thành niên trong cơ quan Tòa án. Bên cạnh đó, ở các cơ quan Công an, Viện kiểm sát, phía luật sư vẫn chưa có bộ phận, người chuyên trách được trang bị kiến thức, am hiểu sâu về người dưới 18 tuổi, cũng như kỹ năng cần thiết để làm việc có hiệu quả đối với các em.
3. Một số kiến nghị nhằm khắc phục hạn chế trong quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021 đối với bị cáo là người dưới 18 tuổi
Thứ nhất, cần có hướng dẫn cụ thể trong việc xác định hình thức xét xử phiên tòa có sự tham gia của người dưới 18 tuổi.
Xuất phát từ việc quy định chưa rõ ràng, việc xác định vụ án hình sự cần được xét xử “kín” hay “công khai” còn phụ thuộc nhiều vào ý chí chủ quan của người có thẩm quyền xét xử. Vậy nên, cần có một hướng dẫn cụ thể để xác định những vấn đề trên nhằm bảo đảm cho sự bảo mật thông tin của bị cáo là người dưới 18 tuổi, vừa phù hợp với nguyên tắc tố tụng của BLTTHS và các văn bản quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết. Quy định này nên sửa lại theo hướng: “Bị cáo, bị hại là người dưới 18 tuổi được xét xử kín, nhưng phải tuyên án công khai”.
Thứ hai, bổ sung thêm thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên.
Như đã phân tích, dựa vào tính chất tội phạm để xác định thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên là điều không cần thiết. Bởi trong vụ án hình sự có người dưới 18 tuổi phạm tội nên cần những người chuyên trách hiểu biết sâu về đối tượng này để làm việc một cách có hiệu quả, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người dưới 18 tuổi. Vì vậy, nên xóa bỏ sự phân biệt trong việc xác định thẩm quyền. Theo đó, mọi vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi đều thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên.
Thứ ba, trường hợp thay đổi hoặc từ chối người bào chữa phải có sự đồng ý của người bị buộc tội dưới 18 tuổi. Quyền của người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội chỉ có tính chất hỗ trợ, mà không được thay thế quyền của người bị buộc tội, bởi việc tôn trọng ý kiến cá nhân của họ là điều cần thiết, phù hợp với nguyên tắc tiến hành tố tụng đối với người dưới 18 tuổi được quy định tại khoản 4 Điều 414 BLTTHS năm 2015, đó là “Tôn trọng quyền được tham gia, trình bày ý kiến của người dưới 18 tuổi”. Vì vậy, ở khoản 1 Điều 77 BLTTHS năm 2015, nên bỏ đoạn “trừ trường hợp quy định tại khoản điểm b khoản 1 Điều 76 của Bộ luật này”, ở khoản 3 điều 77 BLTTHS năm 2015 thay từ “hoặc” thành từ “và”, cụ thể như sau: “Trường hợp chỉ định người bào chữa quy định tại khoản 1 Điều 76 của Bộ luật này, người bị buộc tội và người đại diện và người thân thích của họ vẫn có quyền yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa.
Trường hợp thay đổi người bào chữa thì việc chỉ định người bào chữa khác được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 76 của Bộ luật này.
Trường hợp từ chối người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng lập biên bản về việc từ chối người bào chữa của người bị buộc tội và người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội quy định tại điểm b khoản 1 Điều 76 của Bộ luật này và chấm dứt việc chỉ định người bào chữa”.
Thứ tư, thành lập các cơ quan chuyên trách khác. Để việc giải quyết các vụ án hình sự có người chưa thành niên phạm tội diễn ra thuận lợi hơn, cần phải tăng thêm số lượng Tòa gia đình và người chưa thành niên trên các tỉnh, thành phố.
Bên cạnh đó, ngoài việc thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên, cần có sự nghiên cứu để thành lập các bộ phận chuyên trách ở Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, đoàn luật sư để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên đạt hiệu quả một cách tối ưu. Bởi thực tế, hầu như điều tra viên, kiểm sát viên, luật sư đều không phải là những người được trang bị chuyên sâu để điều tra, truy tố, bào chữa với riêng đối tượng là người chưa thành niên. Vì vậy, để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên trong tố tụng hình sự, bên cạnh việc đã thành lập bộ phận chuyên trách về người dưới 18 tuổi ở Tòa án, chúng ta cần phải nghiên cứu thành lập các bộ phận chuyên trách về nhóm đối tượng này trong các Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, đoàn luật sư.
Trong tình hình xã hội hiện nay, khi tội phạm là người dưới 18 tuổi ngày càng gia tăng với những nguyên nhân khác nhau, việc hoàn thiện hơn nữa những quy định về bị cáo là người dưới 18 tuổi trong pháp luật tố tụng hình sự là điều hết sức quan trọng và cần thiết, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho nhóm đối tượng này khi tham gia tố tụng. Bên cạnh đó, bảo đảm cho mục đích giáo dục, phòng ngừa sự gia tăng tội phạm hoặc tiếp tục phạm tội của người dưới 18 tuổi.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
[1] Nguyễn Văn Tuân (2010). Các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là quốc gia thành viên và vấn đề nội luật hóa. Tạp chí Luật học, tr.44.
[2] Điểm đ khoản 1 Điều 4 BLTTHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021 quy định người bị buộc tội bao gồm: Người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.
[3] Nguyễn Thị Phương (2021). Các biện pháp tư pháp áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội. Truy cập tại: https://luatminhkhue.vn/cac-bien-phap-tu-phap-ap-dung-doi-voi-nguoi-chua-thanh-nien-pham-toi-.aspx.
[4] Vân Khánh, Mạnh Dũng (2020). Tòa án nhân dân tối cao đã thành lập 38 Tòa gia đình và người chưa thành niên. Truy cập tại: https://baodansinh.vn/toa-an-nhan-dan-toi-cao-da-thanh-lap-38-toa-gia-dinh-va-nguoi-chua-thanh-nien-20201106093522989.htm.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Quốc hội (2015). Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021.
- Tòa án Nhân dân tối cao (2018). Thông tư liên tịch số 02/2018/TT-TANDTC ngày 21/9/2018 quy định chi tiết việc xét xử vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên.
- Đại hội đồng Liên hiệp quốc (1985). Các quy tắc Bắc Kinh được thông qua theo Nghị quyết 40/33 ngày 29/11/1985. Truy cập tại: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Quy-tac-tieu-chuan-toi-thieu-ve-hoat-dong-tu-phap-doi-voi-nguoi-vi-thanh-nien-1985-275842.aspx.
- Nguyễn Văn Tuân (2010). Các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là quốc gia thành viên và vấn đề nội luật hóa. Tạp chí Luật học, tr.44.
- Vân Khánh, Mạnh Dũng (2020). Tòa án nhân dân tối cao đã thành lập 38 Tòa gia đình và người chưa thành niên. Truy cập tại: https://baodansinh.vn/toa-an-nhan-dan-toi-cao-da-thanh-lap-38-toa-gia-dinh-va-nguoi-chua-thanh-nien-20201106093522989.htm.
- Nguyễn Thị Phương (2021). Các biện pháp tư pháp áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội. Truy cập tại: https://luatminhkhue.vn/cac-bien-phap-tu-phap-ap-dung-doi-voi-nguoi-chua-thanh-nien-pham-toi-.aspx.
Some limitations in the regulations under the Criminal Procedure Code 2015
(amended and supplemented in 2021) for defendants under 18 years old
LLM. Hoang Thi Huyen Trang
Faculty of Criminal Law, University of Law, Hue University
Abstract:
People under the age of 18 committing crimes are very vulnerable to physical and mental harm. Therefore, the Criminal Procedure Code 2015 (amended and supplemented in 2021) has a separate chapter on procedural procedures for minors. It proves the concern and humanitarian policy of the Goverment of Vietnam for people under 18 years old. However, current regulations for defendants under the age of 18 still have some limitations and shortcomings. This paper analyzes some limitations in the Criminal Procedure Code 2015’s regulations for defendants under 18 years old. The paper also proposes some solutions to improve these regulations.
Keywords: people under 18 years old, the Criminal Procedure Code 2015, proceedings, defendants, limitations.
[Tạp chí Công Thương – Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 21 tháng 10 năm 2023]
https://kythuatchonghanggia.vn/tin-chuyen-de/mot-so-han-che-trong-quy-dinh-cua-bo-luat-to-tung-hinh-su-nam-2015-sua-doi-bo-sung-nam-2021-doi-voi-bi-cao-la-nguoi-duoi-18-tuoi-22872