(TVPLO) – Trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp thành viên và một số cá nhân đã gửi thư về Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC). Theo đó, các vấn đề cần tham vấn pháp lý xoay quanh việc quyền nuôi con sau ly hôn. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp thành viên thắc mắc việc doanh nghiệp đang khó khăn họ có thể bán tài sản đang thế chấp ở ngân hàng để duy trì phát triển doanh nghiệp có vi phạm pháp luật hay không?!
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Phan Đức Hiếu – Phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) đã tham vấn pháp lý như sau:
Quyền nuôi con sau ly hôn
Căn cứ vào Khoản 14 Điều 3 Chương I Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 (Số: 52/2014/QH13, ngày 19 tháng 6 năm 2014) nêu rõ: Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Tòa án là cơ quan duy nhất có trách nhiệm ra phán quyết chấm dứt quan hệ hôn nhân của vợ chồng. Về việc giành quyền nuôi con khi ly hôn được quy định trong Điều 81 Mục 1 Chương V Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau: Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan; Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
Theo quy định tại Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình 2014 có quy định cụ thể: Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn; Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ; Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Theo quy định tại Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014 cũng quy định: Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan; Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con; Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Như vậy, theo các quy định ở trên, vợ hoặc chồng sẽ không có quyền nộp đơn xin ly hôn nên nếu ngừoi vợ, hoặc chồng muốn ly hôn thì sẽ phải nộp đơn xin ly hôn tới Tòa án nhân dân có thẩm quyền. Đặc biệt, đây là quy định bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ khi ly hôn trong trường hợp chồng có hành vi bạo lực đối với vợ hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền và nghĩa vụ của vợ chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, mục đích hôn nhân không đạt được. Theo quy định tại Điều 82, con dưới 36 tháng mà chị có đủ các điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng 2 bé thì chị có thể giành được quyền nuôi cả 2 bé. Thế nhưng, nếu vợ hoặc chồng ở thời điểm muốn ly hôn màchưa có việc làm thì có thể tìm việc, hoặc có cam kết chứng minh vẫn có đủ điều kiện về kinh tế để có thể nuôi dưỡng cả các con chu đáo…
Bán nhà đang thế chấp ngân hàng như thế nào để không vi phạm pháp luật?
Việc thế chấp tài sản là nhà đất để vay vốn Ngân hàng trong giai đoạn hiện nay diễn ra rất phổ biến. Tuy nhiên, rất ít người hiểu được về tính hợp pháp của việc mua bán nhà đất đang thế chấp ngân hàng. Trong khi đó, họ rất cần biết về thủ tục mua bán nhà đang thế chấp này.
Căn cứ quy định tại Điều 320 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về nghĩa vụ của bên nhận thế chấp:Giao giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận, trừ trường hợp luật có quy định khác; Bảo quản, giữ gìn tài sản thế chấp; Áp dụng các biện pháp cần thiết để khắc phục, kể cả phải ngừng việc khai thác công dụng tài sản thế chấp nếu do việc khai thác đó mà tài sản thế chấp có nguy cơ mất giá trị hoặc giảm sút giá trị; Khi tài sản thế chấp bị hư hỏng thì trong một thời gian hợp lý bên thế chấp phải sửa chữa hoặc thay thế bằng tài sản khác có giá trị tương đương, trừ trường hợp có thỏa thuận khác; Cung cấp thông tin về thực trạng tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp; Giao tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp để xử lý khi thuộc một trong các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm quy định tại Điều 299 của Bộ luật này; Thông báo cho bên nhận thế chấp về các quyền của người thứ ba đối với tài sản thế chấp, nếu có; trường hợp không thông báo thì bên nhận thế chấp có quyền hủy hợp đồng thế chấp tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc duy trì hợp đồng và chấp nhận quyền của người thứ ba đối với tài sản thế chấp; Không được bán, thay thế, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 321 của Bộ luật này.
Cùng với đó, căn cứ quy định tại Điều 321 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền của bên thế chấp như sau: Được bán, thay thế, trao đổi tài sản thế chấp, nếu tài sản đó là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Trong trường hợp này, quyền yêu cầu bên mua thanh toán tiền, số tiền thu được, tài sản hình thành từ số tiền thu được, tài sản được thay thế hoặc được trao đổi trở thành tài sản thế chấp; Trường hợp tài sản thế chấp là kho hàng thì bên thế chấp được quyền thay thế hàng hóa trong kho, nhưng phải bảo đảm giá trị của hàng hóa trong kho đúng như thỏa thuận; Được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nếu được bên nhận thế chấp đồng ý hoặc theo quy định của luật. Do vậy, căn cứ theo quy định trên của pháp luật, thì việc mua bán nhà đất đang thế chấp tại ngân hàng sẽ được tiến hành đúng quy định của pháp luật nếu được sự đồng ý của ngân hàng.
Theo Điều 322 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì nghĩa vụ bên nhận thế chấp được quy định như sau: Trả lại các giấy tờ cho bên thế chấp sau khi chấm dứt thế chấp đối với trường hợp các bên thỏa thuận bên nhận thế chấp giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp; Thực hiện thủ tục xử lý tài sản thế chấp theo đúng quy định của pháp luật.
Căn cứ vào Điều 327 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì thế chấp tài sản chấm dứt khi thuộc vào một trong các trường hợp sau: Nghĩa vụ được bảo đảm bằng thế chấp chấm dứt; Việc thế chấp tài sản được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác; Tài sản thế chấp đã được xử lý; Theo thỏa thuận của các bên.
Căn cứ theo các quy định trên, bên thế chấp được quyền bán tài sản nếu được bên nhận thế chấp đồng ý. Vì vậy, quý doanh nghiệp cần thống nhất với bên cho vay ngân hàng để được bán quyền sử dụng đất có sự đồng ý của 3 bên, sau khi đã có sự thống nhất thì các bên thực hiện theo hợp đồng, sau đó ngân hàng sẽ trả lại các giấy tờ cho bên thế chấp sau khi chấm dứt thế chấp.
Văn Hải – Công Danh