(TVPLO) – Ra đời như một tất yếu của xã hội văn minh, pháp luật vừa là công cụ quản lý nhà nước vừa là nhân tố điều chỉnh các quan hệ xã hội. Xét đến cùng, pháp luật bắt nguồn từ con người, vì con người, hiểu cụ thể hơn là bắt nguồn từ đạo đức. Là gốc của nhân cách, cũng là gốc của pháp luật nên đạo đức vừa là mục tiêu vừa là động lực của pháp luật. Đã ra ‘pháp luật’ thì phải ‘có lý, có tình’, cái lý trước, cái tình sau. Nhưng cái ‘tình’ sau rất quan trọng để tìm hiểu mục đích, động cơ phạm tội mà ‘điều chỉnh’ cái ‘lý’ cho công bằng, nghiêm minh.
Cao Bá Quát (1808-1855), tự Chu Thần, người làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, nay thuộc Hà Nội, là người nổi tiếng văn hay chữ tốt, học rộng, biết nhiều. Năm 1831, đỗ cử nhân và được trao chức Hành tẩu-chức quan nhỏ ở Bộ Lễ. Vụ án Cao Bá Quát suýt bị tử hình vì chữa một loạt bài thi là một trong những vụ án đặc biệt nghiêm trọng trong lịch sử các vụ án khoa cử Việt Nam. Từ hôm nay nhìn lại cho thấy đó là một tòa án công minh, công tâm-một vết son trong ngành tư pháp truyền thống Việt Nam.
Năm 1841, thời vua Thiệu Trị, Cao Bá Quát được cử làm sơ khảo trường thi Thừa Thiên. Trong khi chấm bài thấy một số bài văn hay nhưng phạm húy, thương người trượt oan, quý người có tài mà không được trọng dụng, Cao Bá Quát cùng Phan Thời Nhạ bí mật lấy muội đèn làm mực chữa 24 bài từ trượt thành đỗ, trong đó có 5 thí sinh đỗ cử nhân. Trường thi ngày đó có hai loại giám khảo là quan Nội trường và quan Ngoại trường. Theo quy định, trong thời gian chấm thi, hai loại quan không được gặp nhau (tránh việc trao đổi, gửi gắm…). Thế nhưng do quý, nể và tin bạn, quan Nội trường Nguyễn Văn Siêu có trao đổi với quan Ngoại trường Cao Bá Quát về một trường hợp (thí sinh Trương Đăng Trinh-cháu ruột Đại thần Trương Đăng Quế, làm bài tốt nên cho đỗ). Cao thấy đúng và làm theo. Xong việc, Nguyễn Văn Siêu mời bạn ở lại uống rượu…
Tranh của QUANG CƯỜNG
Vụ việc bị phát giác, Bộ Lễ và Viện Đô sát điều tra. Cao Bá Quát khảng khái nhận tội: “Tôi thấy các bài hay nên làm vậy chứ không ai gửi gắm, dặn dò gì cả”. Án dâng lên vua, chiểu đúng luật, Cao Bá Quát, Phan Thời Nhạ mắc tội tử hình. Nguyễn Văn Siêu bị phạt trượng (đánh bằng gậy) và tội đồ (đi đày). Chủ khảo Bùi Quỹ và giám khảo Phan Văn Nhã, Trương Hảo Hợp bị giáng chức…
Nhiều nghiên cứu sử học chép nguyên văn lời phán của nhà vua trong Đại Nam thực lục (tập 6): “Chọn người tài giỏi là một điển lễ long trọng, bọn Quát dám làm trái phép như thế, khép vào tội nặng cũng đáng. Song ta nghĩ do sự khờ dại mà làm ra, chứ không có tình tiết gì khác, còn có thể khoan tha cho tội xử tử. Siêu cho Quát ngủ ở phòng của mình, tuy không có tình tiết gì, nhưng phép trường không thể hỗn tạp như thế được. Đáng lẽ ra cứ theo như luật mà trị tội, nhưng ta tạm gia ơn tha cho tội đồ mà chỉ cách chức, cho gắng sức làm việc để chuộc tội”. Trong Châu bản Thiệu Trị (tập 9) có ghi rõ Cao Bá Quát được giảm án từ “trảm quyết” (chém chết ngay) thành án “giảo giam hậu” (giam lại, đợi đến ngày thắt cổ). Nguyễn Văn Siêu được miễn đánh gậy… Về sau, án Cao Bá Quát được đổi sang “tống ngục”. Năm 1843, Cao được cho đi “dương trình hiệu lực” (theo đường biển ra nước ngoài lập công chuộc tội) đến Indonesia.
Việc “5 cử nhân” được chấm đỗ trên, được vua ban lệnh Thị lang Bộ Hình cho thi lại với lời “dụ” nếu đúng văn khá, đáng đỗ sẽ phong cử nhân. Kết quả trong 5 người này, duy nhất cử nhân thứ 20 (Phan Văn Trị) bị trượt vì “bài phú trùng vần”. Thế cũng là hợp lý, tránh được kiện tụng, oan sai.
Nhìn từ hôm nay, có thể đưa ra những đánh giá sau:
Về phép thi cử, mục đích thi cử, như lời của vua là để chọn người tài, do vậy phải hết sức nghiêm túc (gọi là “điển lễ”, tức nghi thức mẫu mực) là đúng với phép nước, lòng dân. Chữa bài thi là vi phạm pháp luật nghiêm trọng, không chỉ là chuyện coi thường phép nước, dối trá, còn dẫn tới việc nguy hiểm là chọn nhầm tài năng cho đất nước, nên xếp vào tội lớn nhất là thỏa đáng.
Về phán quyết của vua, là người thay mặt pháp luật những phán quyết của vua vừa mang tính chân lý, quan trọng hơn là ở tinh thần đạo lý: Căn cứ vào mục đích của việc chữa bài chỉ do lòng tốt chứ không vị lợi. Do vậy, “khoan tha” từ “trảm quyết” thành “giảo giam hậu”, rồi cho đi “dương trình hiệu lực” là nhân văn.
Về hành vi của quan chấm thi, với quan Ngoại trường Cao Bá Quát, về lý là vi phạm pháp luật ở mức cao nhất nên chịu tội “tử hình” là đúng. “Tội phạm” nhận thức rõ hành vi vi phạm nhưng có lý giải lý do: “Thấy các bài hay nên làm vậy” là hoàn toàn cảm tính. Động cơ thương người, quý người tài là tốt (thuộc phạm trù đạo đức), nhưng hành vi “chữa bài” là sai (hành vi vi phạm pháp luật).
Bài học với hôm nay, một là, để xã hội “thượng tôn pháp luật” thì phải đưa vào nhà trường môn Giáo dục pháp luật từ sớm. Nhất là ở thời buổi hội nhập, sự giao lưu mở rộng càng yêu cầu con người phải hiểu biết pháp luật để ứng xử, để làm chủ mình không đi chệch ra ngoài pháp luật. Càng ở thời văn minh con người càng phải đặt lý trí lên trên hết.
Hai là, Cao Bá Quát thừa biết sự việc bại lộ hậu quả sẽ vô cùng tàn khốc nhưng vẫn cứ làm, chứng tỏ tuy là người tài, hiểu biết nhưng vẫn có lúc hành động theo cảm tính, nhất là khi có điều kiện, có thời cơ. Do vậy, luật pháp rất nên chú ý rộng lượng với những đối tượng như vậy (trong trường hợp vi phạm pháp luật). Ngày xưa gọi là “bản tính” (Giang sơn dễ đổi/Bản tính khó dời), ngày nay gọi là “bản năng”. Có bản năng tốt, bản năng xấu. Hiểu biết pháp luật cũng là cách rời xa bản năng để sống theo nguyên tắc của lý trí. Vì vậy việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật là công việc thường xuyên của xã hội văn minh!
PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ
https://www.qdnd.vn/phap-luat/pho-bien-giao-duc-phap-luat/goc-cua-phap-luat-la-cai-tam-791665