(TVPLO) – Với thực tiễn hiện nay, việc loại bỏ hoàn toàn trách nhiệm của tòa án trong việc thu thập chứng cứ là chưa thuyết phục.
Tại kỳ họp thứ sáu vừa kết thúc mới đây, Quốc hội đã đưa ra thảo luận về dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Rất nhiều ý kiến đã tranh luận về quy định “tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ”, đặc biệt liên quan đến việc thu thập chứng cứ trong vụ án dân sự, hành chính.
Thật ra vấn đề này không mới nhưng lại là quy định mới so với luật hiện hành nên thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Một đề xuất táo bạo
Thực tiễn xét xử án dân sự hiện nay, rất nhiều trường hợp tòa án vẫn phải đi thu thập chứng cứ, mặc dù luật quy định đương sự có nghĩa vụ chủ động thu thập và giao nộp chứng cứ cho tòa án.
Sở dĩ có tình trạng trên là do Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định khi đương sự có yêu cầu hoặc khi xét thấy cần thiết thì tòa án sẽ thu thập chứng cứ.
Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) vào chiều 22-11. Ảnh: QH
Nếu không thu thập chứng cứ trong hai trường hợp trên thì rất có thể bản án được tuyên sau đó sẽ bị hủy. Điều này đã tạo ra áp lực cho các thẩm phán trong hoạt động xét xử án dân sự. Đó cũng là lý do mà phần lớn các thẩm phán khi được hỏi đều không mong muốn được giao quyền đi thu thập chứng cứ.
Trong khi đó, nhìn ra thế giới, tòa án các nước, nhất là các nước phát triển, không phải đi thu thập chứng cứnhiều như ở Việt Nam. Họ chủ yếu chỉ tiếp nhận, kiểm tra và đánh giá chứng cứ do các bên (mà thực tếthường là luật sư của các bên) giao nộp.
Do vậy, việc TAND Tối cao đề xuất quy định “tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ” là điều có thể hiểu được.
Có phù hợp với thực tiễn?
Tuy nhiên, nếu chỉ vì những lý do nêu trên mà đưa ra giải pháp loại bỏ hoàn toàn trách nhiệm thu thập chứng cứ của tòa án thì liệu đó có phải là một giải pháp thuyết phục?
Thực tiễn xét xử ở nước ta hiện nay cho thấy trong các biện pháp thu thập chứng cứ mà các đương sự thường yêu cầu tòa án tiến hành thì biện pháp yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ là phổbiến nhất. Trong đó phần lớn là do họ không thể tự mình đi thu thập chứng cứ.
Sở dĩ có tình trạng này là vì các cơ quan, tổ chức nắm giữ chứng cứ thường từ chối cung cấp vì lý do bảo mật thông tin của khách hàng hoặc các cơ quan, tổ chức này không có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu cho người không có liên quan.
Đơn cử như việc yêu cầu cung cấp số dư tài khoản hoặc sao kê tài khoản ngân hàng, Luật Các tổ chức tín dụng không cho phép, trừ khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Hay yêu cầu cung cấp bản sao báo cáo quyết toán thuế lưu giữ tại cơ quan thuế – Luật Quản lý thuế không cho phép, trừ khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền có yêu cầu…
Đây là những trở ngại khách quan do rào cản của luật chuyên ngành hoặc do thái độ không hợp tác của các cơ quan, tổ chức lưu giữ chứng cứ mà đương sự không thể tự khắc phục được, mặc dù Bộ luật Tố tụng dân sự đã quy định các cơ quan này phải có trách nhiệm cung cấp chứng cứ cho đương sự có yêu cầu.
Do đó, tòa án cần phải hỗ trợ đương sự trong các trường hợp nói trên.
Cũng từ đây mà nhiều đại biểu Quốc hội đã không đồng tình với đề xuất của TAND Tối cao về việc loại bỏhoàn toàn trách nhiệm thu thập chứng cứ của tòa án trong vụ án dân sự.
Đương sự thường yêu cầu tòa án yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ, bởi họ không thể tự mình đi thu thập chứng cứ vì cơ quan, tổ chức nắm giữ chứng cứ từ chối cung cấp.
Cần chế tài mạnh hơn với ai không cung cấp chứng cứ
Để bảo đảm tính khách quan và giảm gánh nặng chứng minh cho tòa án, pháp luật vẫn cần phải khẳng định nguyên tắc cơ bản của tố tụng dân sự là đương sự có quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình hoặc phản đối đối với yêu cầu của đương sự khác – như pháp luật hiện hành của nước ta và pháp luật nhiều nước trên thế giới đã quy định.
Bên cạnh đó, tòa án vẫn sẽ tham gia vào việc thu thập chứng cứ. Tuy nhiên, tòa chỉ hỗ trợ đương sự trong việc xác minh, thu thập chứng cứ khi họ thực sự gặp khó khăn, trở ngại khách quan mà không thể tự khắc phục được và có đơn yêu cầu tòa án thu thập chứng cứ.
Việc tòa chủ động xác minh, thu thập chứng cứ chỉ nên thực hiện trong một số trường hợp.
Thứ nhất, cần xác minh tính xác thực hoặc làm rõ nội dung của tài liệu, chứng cứ mà đương sự đã cung cấp.
Thứ hai, tòa án cần xác minh, thu thập chứng cứ nhằm bảo đảm tính hợp pháp và khả năng thi hành án của bản án, quyết định của tòa án khi có căn cứ cho thấy việc chấp nhận yêu cầu của đương sự có khả năng xâm phạm đến trật tự công, xâm phạm lợi ích của Nhà nước hoặc quyền, lợi ích hợp pháp của người khác không phải là đương sự trong vụ án.
Ví dụ khi cần xác minh, thu thập chứng cứ về tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất khi đương sự có yêu cầu hoặc các bên có thỏa thuận về việc phát mại tài sản thế chấp để thu hồi nợ trong các vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng nhằm bảo đảm việc giải quyết phù hợp với quy định của Luật Đất đai.
Bởi thực tiễn đã có trường hợp thẩm phán không tiến hành xác minh mà ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên, cho phát mại tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất thuê của Nhà nước trả tiền thuê đất hằng năm. Trong khi theo Luật Đất đai, bên thuê không có quyền thế chấp quyền sử dụng đất trong trường hợp này, dẫn đến quyết định đó đã bị cấp giám đốc thẩm hủy.
Ngoài ra, để tăng cường hiệu quả cho việc thu thập chứng cứ của đương sự và của tòa án, cần phải có những sửa đổi trong hệ thống pháp luật nhằm tạo điều kiện cho đương sự hoặc luật sư của họ có thể tự thu thập chứng cứ từ các cơ quan, tổ chức mà không phải nhờ đến tòa án.
Đồng thời, phải có chế tài mạnh hơn đối với hành vi không cung cấp chứng cứ mà không có lý do chính đáng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ chứng cứ.
Bởi Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng có quy định về việc xửphạt hành chính đối với hành vi vi phạm này nhưng mức phạt quá nhẹ, chỉ cảnh cáo hoặc phạt tiền từ100.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với cá nhân và gấp đôi đối với tổ chức là không đủ sức răn đe.
Luật pháp các nước quy định ra sao?
Bộ luật Tố tụng dân sự của Pháp có quy định nếu trong quá trình tố tụng, một bên đương sự dựa vào một tài liệu do người thứ ba đang giữ, họ có thể yêu cầu thẩm phán thụ lý vụ kiện ra lệnh cấp cho họ tài liệu hoặc bản sao tài liệu.
Nếu xét thấy yêu cầu là chính đáng, thẩm phán sẽ ra lệnh cấp bản chính, bản sao hoặc trích tài liệu được yêu cầu, nếu không tuân theo có thể sẽ bị phạt tiền để cưỡng chế thi hành, nếu cần.
Tương tự, Bộ luật Tố tụng dân sự của Nga cũng quy định trường hợp những người tham gia tố tụng gặp khó khăn trong việc xuất trình chứng cứ, theo yêu cầu của họ, tòa án có thể yêu cầu cung cấp chứng cứ.
Những người có chức vụ hoặc công dân được tòa án yêu cầu cung cấp chứng cứ nhưng không có khảnăng cung cấp thì phải thông báo cho tòa án. Nếu không thông báo hoặc không thực hiện yêu cầu mà không có lý do chính đáng thì những người có chức vụ bị phạt tiền đến mức 10 lần lương tối thiểu, công dân bịphạt tiền đến mức năm lần lương tối thiểu, nếu họ không phải là những người tham gia tố tụng.
Còn Luật Tố tụng dân sự của Trung Quốc thì quy định đơn giản hơn, TAND điều tra, thu thập những chứng cứ mà đương sự và người đại diện của họ không thể thu thập được vì lý do khách quan hoặc những chứng cứ mà tòa xét thấy cần thiết cho việc xét xử. TAND có quyền thu thập chứng cứ từ các đơn vị, cá nhân có liên quan và những nơi này không được từ chối.
Có thể thấy pháp luật tố tụng của các nước không hoàn toàn loại bỏ quyền hạn cũng như trách nhiệm thu thập chứng cứ của tòa án trong các vụ án dân sự, dù trên thực tế tòa án của họ rất ít khi phải sử dụng đến quyền hạn này.
LS NGUYỄN CÔNG PHÚ, trọng tài viên, nguyên Phó Chánh Tòa Kinh tế TAND TP.HCM
https://plo.vn/co-nen-bo-hoan-toan-trach-nhiem-thu-thap-chung-cu-cua-toa-an-post764577.html#764577|zone-highlight-114|0