(TVPLO) – Có thể thấy, xu hướng lựa chọn ngành nghề của học sinh ngày càng thực tế hơn. Vì vậy, để tăng sức hút cho người học, bên cạnh sự nỗ lực của các trường Cao đẳng nói chung, trong đó có trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông (đơn vị đồng hành Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế – IMRIC, Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập – IRLIE) rất cần sự hỗ trợ của cộng đồng doanh nghiệp. Sự hỗ trợ này bao gồm các doanh nghiệp đặt hàng, bố trí việc làm, chế độ lương bổng và điều kiện làm việc tốt.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lành cùng Tiến sĩ Hồ Minh Sơn – Chủ tịch HĐQL Viện IRLIE, Viện trưởng Viện IMRIC, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm – TTLCC (thuộc Viện IRLIE) ký kết hợp tác, đồng hành trong việc kết nối giữa nhà trường với các doanh nghiệp thành viên Liên Viện
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ làm thay đổi phương thức sản xuất, cơ cấu lao động, quy mô nền kinh tế gắn với thị trường theo hướng toàn cầu hóa. Để phù hợp với xu thế phát triển, cùng với nguồn tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý…Theo đó, trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông luôn coi trọng chất lượng nguồn nhân lực là điều kiện quyết định đối với sự phát triển để thực hiện công tác đào tạo của mình.
Trong công cuộc đổi mới công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, Đảng và Nhà nước rất coi trọng việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra một trong ba khâu đột phá chiến lược là “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Sinh viên ngành điện công nghiệp thực hành với phần mềm mô phỏng các hệ thống điện trên máy tính trước khi thực hành với mô hình thật
Xác định điều này, năm học 2023 – 2024, trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông có chỉ tiêu tuyển sinh, đào tạo 592 học sinh, sinh viên ở 22 mã ngành nghề, với 3 cấp trình độ: Sơ cấp 04 ngành nghề, Trung cấp 10 ngành nghề và Cao đẳng 08 ngành nghề; trong đó có 03 ngành nghề trọng điểm quốc gia, 07 ngành nghề mũi nhọn của tỉnh.
Khẳng định rằng, nguồn nhân lực qua đào tạo hàng năm của nhà trường góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và vùng Tây Nguyên, thích ứng với thị trường lao động đòi hỏi các kỹ năng của cuộc CMCN 4.0. Nhà trường đã và đang thực hiện nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi của Chính phủ, địa phương và nhà trường để thu hút học sinh, sinh viên học nghề.
CĐ Cộng đồng Đắk Nông gắn đào tạo gắn với giải quyết việc làm
Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông là trường công lập duy nhất trực thuộc UBND tỉnh Đắk Nông mới được thành lập và đi vào hoạt động từ 8/2018 đến nay. Theo đó, nhà trường đã từng bước khẳng định quy mô tuyển sinh và chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Với quy mô đào tạo của nhà trường khoảng 1.000 học sinh, sinh viên mỗi năm ở các cấp trình độ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp, phù hợp với quy hoạch phát triển và nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực của thị trường lao động.
Cụ thể, nhà trường tập trung đào tạo những ngành nghề trọng điểm quốc gia và mũi nhọn của tỉnh. Trong đó trình độ Cao đẳng gồm 08 ngành nghề: Bảo vệ thực vật, Công nghệ ô tô, Công nghệ thông tin, Điện công nghiệp, May thời trang, Quản trị khách sạn, Hướng dẫn du lịch, Thú y; trình độ Trung cấp bao gồm 10 ngành nghề: Bảo vệ thực vật, Cắt gọt kim loại, Công nghệ ô tô, Công nghệ thông tin, Công tác xã hội, Điện công nghiệp, May thời trang, Quản trị khách sạn, Hướng dẫn du lịch, Thú y, Điện công nghiệp, cắt gọt kim loại, bảo vệ thực vật, thú ý, công tác xã hội, may thời trang, hướng dẫn du lịch, quản trị khách sạn; trình độ sơ cấp có 4 ngành nghề: Lắp đặt điện nội thất, May công nghiệp, Đồng – Sơn ô tô, Hàn điện.
Nhờ đào tạo theo định hướng phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và thích ứng với thị trường lao động đang biến động liên tục trong thời đại 4.0, lao động qua đào tạo ở các ngành nghề của nhà trường đều đảm bảo chất lượng chuẩn đầu ra. Với thời lượng 30% lý thuyết, 70% thực hành trên trang thiết bị đào tạo tại nhà trường và trực tiếp tại các doanh nghiệp, học sinh, sinh viên của đã được trang bị các kỹ năng nghề chuyên môn đúng với vị trí việc làm của doanh nghiệp, hình thành tác phong làm việc chuyên nghiệp… Đặc biệt, HSSV của nhà trường khi thực tập tại doanh nghiệp đều được doanh nghiệp trả lương, được doanh nghiệp đánh giá cao và sẵn sàng đón nhận các em vào làm việc sau khi tốt nghiệp.
Học sinh sinh viên nganh nghề Công nghệ ô tô thực tập tai Công ty CP Auto Bình Phước
Do vậy, CĐ Cộng đồng Đắk Nông đã trở thành địa chỉ tin cậy, đào tạo song hành gắn với giải quyết việc làm giúp các em yên tâm gắn bó, hiện thực hóa ước mơ nghề nghiệp đã chọn. Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lành, Hiệu trưởng nhà trường, nhấn mạnh: “Những năm gần đây, nhà trường đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng được những yêu cầu khắc khe của doanh nghiệp. Sự phối hợp tích cực đảm bảo lợi ích thiết thực giữa 3 bên: Nhà trường – Người học – Doanh nghiệp đã khẳng định công tác đào tạo gắn với doanh nghiệp, đảm bảo đầu ra cho người học là việc làm đúng đắn và có chiến lược lâu dài. Đồng thời, sự nỗ lực của nhà trường trong công tác tư vấn hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh sau THCS và THPT đã mang lại hiệu quả, kết quả tuyển sinh của nhà trường hàng năm đều tăng từ 10 – 20%”.
Được biết, CĐ Cộng đồng Đắk Nông dù còn non trẻ nhưng không ít khó khăn, trở ngại trong công tác tư vấn trực tiếp, vì địa bàn rộng, khoảng cách các trường xa trung tâm, nhận thức người dân còn hạn chế….Vì lẻ đó, những thành tựu trong công tác tuyển sinh, đào tạo và giải quyết việc làm cho người học trong những năm qua đã bước đầu khẳng định được hướng đi đúng, sự nỗ lực của nhà trường trong tuyển sinh, đào tạo nguồn nhân lực trẻ có kỹ năng nghề tốt.
Doanh nghiệp tuyển dụng lao động tại Lễ trao bằng tốt nghiệp.
Dự kiến đến năm 2025, CĐ Cộng đồng Đắk Nông kỳ vọng trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực trong các lĩnh vực: nông – lâm nghiệp, kỹ thuật – công nghệ, du lịch, với phương thức đào tạo theo định hướng ứng dụng và thực hành, đa ngành, đa bậc học đáp ứng thị trường lao động của tỉnh Đắk Nông, Khu vực Tây Nguyên hướng đến thị trường lao động quốc tế.
Nhiều ưu đãi cho học phí cho học sinh học nghề
Đắk Nông là một trong những địa phương thuộc vùng Tây Nguyên còn gặp nhiều khó khăn trong công tác giáo dục nói chung, giáo dục nghề nghiệp nói riêng. Việc tuyên truyền, định hướng, phân luồng học sinh ở các trường THCS và THPT chưa được chú trọng nên học sinh chưa nắm bắt được các chế độ, chính sách ưu đãi khi học tại CĐ Cộng đồng Đắk Nông.
Qua đó, đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS, THPT là người dân tộc thiểu số ở thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc và miền núi theo quy định của cơ quan có thẩm quyền, ngoài chế độ miễn giảm học phí theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ; Chính sách nội trú theo Quyết định 53/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, còn được hưởng chế độ hỗ trợ miễn giảm 20% mức học phí, theo quy định tại Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh Đắk Nông ban hành ngày 28/10/2021.
Đồng thời, đối tượng học sinh là người dân tộc thiểu số ở các khu vực còn lại; người thuộc hộ nghèo được hỗ trợ với mức 60% tổng mức học phí phải đóng theo quy định; người thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ với mức 40% tổng mức học phí phải đóng theo quy định.
Trong khi đó, học sinh, sinh viên thuộc các đối tượng theo quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; người khuyết tật; người dân tộc thiểu số tại chỗ; người dân tộc thiểu số ở thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc và miền núi; người thuộc hộ nghèo được hỗ trợ tiền ăn với mức 1.000.000 đồng/người/tháng. Học sinh, sinh viên thuộc đối tượng người dân tộc thiểu số còn lại; người thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ với mức 600.000 đồng/người/tháng.
Sinh viên rạng rỡ trong màu áo tân khoa tại Lễ tốt nghiệp
Mặt khác, nhà trường còn có chính sách xét ở ký túc xá miễn phí cho các em HSSV ở xa; xét học bổng theo từng kỳ, từng năm học cho các em HSSV có kết quả học tập tốt và nhận được các chế độ về học bổng, khuyến học của nhà trường và của các doanh nghiệp những ngành nghề: Bảo vệ thực vật, Cơ khí và Điện công nghiệp.
Nói về công tác đào tạo nguồn nhân lực hiện nay, Tiến sĩ – Nhà báo Hồ Minh Sơn – Chủ tịch HĐQL Viện IRLIE, Viện trưởng Viện IMRIC, Giám đốc Trung tâm TTLCC cho biết giới trẻ hiện nhìn nhận về nghề nghiệp khác so với trước đây. Họ đã thực tế hơn nên xu hướng các em lựa chọn ngành học dễ tìm việc làm, thu nhập cao cũng là điều dễ hiểu. Song song đó, để thu hút người học, thay vì ngồi chờ thí sinh, các trường cần chủ động hơn trong việc truyền thông về hướng nghiệp; tăng cường liên kết nhiều hơn nữa với các tổ chức doanh nghiệp để gắn công tác đào tạo với thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo, mở rộng cơ hội việc làm cho người học. Từ đó, câu chuyện những ngành “khát” nhân lực nhưng lại tuyển sinh không đơn giản chỉ là do tâm lý chọn ngành hot của thí sinh hay văn hóa tuyển sinh của không chỉ trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông mà các trường khác...Nhằm tránh trường hợp nhiều ngành hot, nhưng ra trường chưa hẳn đã dễ kiếm việc làm. Tương tự, một số ngành xã hội cần nhưng không tuyển sinh được không chỉ nằm ở chỗ trường có quảng bá tốt hay không, có học bổng thu hút người học hay không mà còn rất cần dự báo của cộng đồng doanh nghiệp cho biết nhu cầu thị trường sắp tới cần những gì để từ đó khuyến khích toàn xã hội tham gia và học sinh có dữ liệu để tham khảo. Ngoài sự nỗ lực, chủ động của các trường, doanh nghiệp cũng cần có chính sách đồnghành, hỗ trợ kịp thời cho những ngành xã hội cần nhưng khó tuyển sinh để nhà trường đào tạo…
Hoàng Quý