(TVPLO) – Xây dựng và phát triển các trường không vì lợi nhuận, đó cũng việc hướng tới mục tiêu có các trường đẳng cấp cao, trước nhất là lọt được vào tốp 200 của thế giới.
LTS: Giáo dục công lập và giáo dục ngoài công lập được ví như “đôi cánh” của hệ thống giáo dục quốc dân, cả hai cánh đều phải khỏe, cân đối thì giáo dục Việt Nam mới có thể phát triển bay cao, bay xa.
Thực tế hiện nay, “đôi cánh” ấy đang bị lệch, một lớn một bé, khi tỷ lệ giáo dục ngoài công lập còn thấp, Nhà nước cũng chưa có nhiều chính sách đột phá để phát triển giáo dục ngoài công lập.
Xoay quanh vấn đề này, nhân dịp Tết Canh Thìn 2024, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – hiện đang là Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Ảnh: Thùy Linh
Phóng viên: Thưa Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, ông đánh giá như thế nào về vai trò cũng như sự phát triển của hệ thống giáo dục ngoài công lập ở nước ta hiện nay, đặc biệt là ở giáo dục đại học?
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Chúng ta đang phấn đấu tăng quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục đại học, đểđưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp phát triển. Nước công nghiệp có nhiều tiêu chí, nhưng quan trọng nhất là cơ cấu lao động, nó quy định có phải là nước công nghiệp hay không. Hiện nay trong cơ cấu lao động xã hội của nước ta, tỷ lệ chưa được đào tạo kỹ thuật chiếm đại bộ phận, trình độ cao đẳng và đại học còn rất thấp, phải tăng lên vài ba lần như thế mới có thể là nước công nghiệp phát triển.
Ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học ở nước ta còn đang rất thấp, chỉ chiếm khoảng 0,27% GDP. Đã có nhiều kiến nghị tăng đầu tư của Nhà nước cho giáo dục đại học nhưng đây vẫn đang là bài toán khó chưa được giải quyết.
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương
Với thực tế đó, làm sao chúng ta có thể trông chờ vào ngân sách nhà nước để mở rộng quy mô giáo dục đại học. Thay vào đó, phải đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, mở rộng hệ thống các trường đại học ngoài công lập. Trong khi nguồn ngân sách có hạn thì càng phải dựa vào tiềm lực của xã hội, sự đầu tư của nhân dân, của các cá nhân, tổ chức.
Nghĩa là chúng ta sẽ tăng quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục bằng cách điều chỉnh cơ cấu các loại hình trường, theo hướng tăng số cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập.
Tại nhiều nước phát triển, tỷ lệ sinh viên trường ngoài công lập chiếm khoảng 70% tổng số sinh viên, còn nước ta hiện nay, tỷ lệ sinh viên ngoài công lập chỉ mới đạt khoảng 20%, một con số còn quá “khiêm tốn”. Theo đúng xu hướng phát triển là phải tăng tỷ lệ trường ngoài công lập lên cao hơn, điều này giúp giảm áp lực ngân sách nhà nước, đồng thời lại thực hiện được mục tiêu mở rộng quy mô giáo dục đại học, nâng cao chất lượng đào tạo.
Tỷ lệ trường công lập hiện nay là nhiều so với ngoài công lập. Việc thành lập mới các trường thì nói chung nên là trường ngoài công lập, nhất là trường không vì lợi nhuận. Những trường đại học công lập không phát triển được, nếu sáp nhập hoặc giải thể thì cũng không phải là cách giải quyết tối ưu, nên cho chuyển sang loại hình trường ngoài công lập không vì lợi nhuận, trên nguyên tắc bảo đảm cho sự phát triển và bảo tồn phần vốn đã đầu tư từ ngân sách nhà nước (hoặc thu hồi dần về cho quỹ phát triển giáo dục, hoặc góp vốn không chia lãi với trường không vì lợi nhuận).
Hiện nay, ở nước ta, tỷ lệ trường đại học công lập là nhiều so với trường đại học ngoài công lập. Ảnh minh họa: Phương Linh
Loại hình trường đại học ngoài công lập không vì lợi nhuận nên được khuyến khích nhiều nhất, nó vừa nhân văn lại vừa kinh tế nhất, lại phù hợp với đặc điểm của lĩnh vực này (không phải là nơi khai thác lợi nhuận tối đa để phân chia cho những người góp vốn).
Trên thế giới, loại hình trường không vì lợi nhuận đã phát triển từ lâu, các trường đại học nổi tiếng bậc nhất thế giới như Harvard, MIT, Stanford… đều là các trường không vì lợi nhuận. Thực tế đã chứng minh đây là loại hình có tiềm năng và tiềm lực phát triển rất cao.
Ở Việt Nam hiện nay, chưa có trường nào đúng nghĩa là trường đại học không vì lợi nhuận, trừ Trường Đại học Fulbright Việt Nam có yếu tố đầu tư nước ngoài.
Trước đây một số trường khi mới thành lập đã tuyên bố là trường không vì lợi nhuận, nhưng ít năm sau đều đã chuyển sang có phân chia lợi nhuận, phần lớn không phải vì những nhà sáng lập ấy đã thay đổi mục tiêu, mà do cơ chế quản lý nó thúc đẩy dẫn đến tình trạng như vậy, hoặc là thế hệ cán bộ sau không trung thành với tuyên ngôn của thế hệ trước, đó là chưa kể sự tác động từ chủ trương xóa bỏ các trường dân lập để thực hiện tư nhân hóa các trường này thành trường tư thục có phân chia lợi nhuận.
Đến nay cơ chế, khung pháp lý để xây dựng, phát triển loại hình trường không vì lợi nhuận vẫn chưa đầy đủ, chưa có một nghị định để hướng dẫn thực hiện, và nhiều điểm đã quy định cũng chưa được rõ ràng. Ví dụ, xếp trường không vì lợi nhuận vào loại trường tư thục, có chủ sở hữu tư nhân, trong khi đúng ra nó là trường dân lập và chỉ có sở hữu tập thể cộng đồng trường…
Chính vì vậy, cần nghiên cứu nghiêm túc, kỹ lưỡng vấn đề này, phải có định hướng, có giải pháp để “mởđường” cho các trường đại học không vì lợi nhuận hình thành và phát triển ổn định.
Phóng viên: Vậy mô hình trường đại học không vì lợi nhuận có ưu thế như thế nào, việc phát triển các trường đại học này ở nước ta hiện còn những khó khăn, vướng mắc nào, thưa ông?
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Khác với trường đại học vì lợi nhuận, trường đại học không vì lợi nhuận thuộc sởhữu chung của cộng đồng trường, khi có lợi nhuận đều được tích lũy để tăng vốn và tiếp tục đầu tư phát triển nhà trường chứ không phân chia lợi nhuận cho các cá nhân tham gia góp vốn.
Đây cũng chính là ưu thế của loại hình trường này, vì không bị “sức ép” về phân chia lợi nhuận nên trường có thể tập trung cao cho mục tiêu chất lượng và cũng có nguồn lực nhiều hơn để phát triển.
Các trường không vì lợi nhuận cũng có lợi thế trong việc huy động nguồn tài chính trong và ngoài nước, từcác cá nhân và tổ chức quốc tế. Các quỹ và các cá nhân không có mục đích kinh doanh khai thác lợi nhuận hiển nhiên sẽ hỗ trợ cho các trường không vì lợi nhuận. Đối với họ, các trường tư có phân chia lợi nhuận thì đã có các nhà tư bản kinh doanh lo cấp vốn, còn trường công lập thì đã có nhà nước mà họ đã tham gia nộp thuế rồi, không việc gì mà họ phải góp vốn cho người khác chia lãi hoặc nộp thuế thêm lần nữa.
Nói vậy không có nghĩa là ta phủ nhận hoạt động đầu tư vì lợi nhuận trong giáo dục. Bởi khi các cá nhân, tổchức đầu tư cho giáo dục thì dù vì lợi nhuận hay không vì lợi nhuận cũng đều đáng quý, đáng khuyến khích, bởi chính họ đang góp phần xây dựng và phát triển hệ thống giáo dục quốc dân, san sẻ gánh nặng ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục. Và thực tế, có nhiều nhà đầu tư thật sự rất tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, tận tâm cống hiến vì mục tiêu trồng người.
Cũng biết rằng trong xã hội vẫn có người này người khác, không ít người tranh thủ khi nhân dân cần có nơi để cho con em đi học mà khai thác lợi nhuận ổn định và siêu ngạch, “kinh doanh” giáo dục, thương mại hóa việc dạy người, chạy theo số lượng để thu được nhiều tiền vào túi, thậm chí họ “nhờ vả” nhóm lợi ích trong lĩnh vực truyền thông để tung hô, ca ngợi; nhưng cũng có người tâm huyết thật sự với giáo dục, muốn tham gia góp sức với cộng đồng nòi giống, với lớp người cho mai sau…bằng cách thức đầu tư của mình. Không “quơ đũa cả nắm” và cũng đừng nhầm lẫn khi đánh giá, và tuyên truyền.
Còn so với các trường công lập thì trường đại học không vì lợi nhuận có ưu thế nhiều hơn về khía cạnh tựchủ. Và chỉ khi có quyền tự chủ thì trường đại học mới có thể chủ động đổi mới, sáng tạo và phát triển, từmọi phương diện về học thuật, nghiên cứu khoa học và chương trình giảng dạy…
Trong danh sách các trường thuộc đẳng cấp cao nhất của thế giới, ở nước Mỹ, nước Anh thì trường không vì lợi nhuận chiếm tỷ lệ cao nhất.
Theo đánh giá năm 2023 của Tổ chức quốc tế Time Higher Education, trong 10 trường đứng đầu thế giới (7 trường của Mỹ, 3 trường của Anh) thì trường không vì lợi nhuận chiếm 90%.
Theo đánh giá năm 2023 của U.S. News & World Report, trong 20 trường đứng đầu của nước Mỹ thì trường không vì lợi nhuận chiếm 95%, còn lại chỉ có 1 trường công lập.
Nghiên cứu mô hình trường không vì lợi nhuận của các nước, có thể nhận thấy bản chất của mô hình không vì lợi nhuận này rất phù hợp với tính chất, mục tiêu xã hội chủ nghĩa, nó hình thành sở hữu xã hội một cách tự nhiên, hợp quy luật phát triển trong lĩnh vực giáo dục – nơi mà hoạt động của con người mang tính chất xã hội cao. Loại hình trường không vì lợi nhuận góp phần đáng kể cho việc ngăn chặn thị trường hóa tràn lan đối với giáo dục.
Loại hình trường không vì lợi nhuận về cơ bản chính là loại trường dân lập mà trước đây ở Việt Nam đã phát triển một số trường ở các cấp, trong đó có nhiều trường đại học và cao đẳng, nhưng sau đó lại có chỉ đạo thực hiện tư nhân hóa các trường ấy. Khi tư nhân hóa ở các trường dân lập này đã từng xảy ra nhiều ý kiến tranh cãi, không thống nhất với nhau, nhiều người tâm huyết với giáo dục muốn đấu tranh giữ lại trường dân lập nhưng cuối cùng vẫn không giữ nổi vì sức ép của một số cơ quan…
Cho đến nay, còn lại 2 trường đại học dân lập cuối cùng cũng đang bị thúc để chuyển sang mô hình trường đại học tư thục vì lợi nhuận.
Chúng ta đã bàn luận về mô hình trường không vì lợi nhuận từ 15 năm trước, nhất là trước khi ban hành Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo. Nghị quyết của Trung ương và Luật Luật Giáo dục đại học đã chính thức hóa cho việc hình thành các trường đại học không vì lợi nhuận.
Thế nhưng, dù đã có Nghị quyết Trung ương, dù Luật Giáo dục đại học đã có hiệu lực nhưng đến nay vẫn chưa có nghị định và hướng dẫn việc phát triển các trường không vì lợi nhuận.
Cũng vì vậy, Việt Nam chưa có được các trường đại học không vì lợi nhuận theo đúng nghĩa. Ngay cả các trường dân lập thuộc hình thức sở hữu chung của cộng đồng, từng hoạt động không vì lợi nhuận cũng đã và đang bị ép chuyển thành các trường tư thục thuộc hình thức hữu tư nhân, hoạt động vì lợi nhuận.
Phóng viên: Nhắc đến các trường dân lập, vừa qua, Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 5/1/2024 của BộChính trị về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông cũng có đề cập đến mô hình trường này. Theo đó, Chỉ thị số 29 khi nói về giáo dục phổ thông có nêu: “có chính sách tháo gỡ việc phát triển mạng lưới trường, lớp dân lập, tư thục”. Dù phổ thông hay đại học thì về bản chất của giáo dục là giống nhau, thế nhưng, hiện nay mô hình trường đại học dân lập đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ hoàn toàn, ông có ý kiến gì về việc này?
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Trước đây, chúng ta đã có chủ trương đúng đắn là thành lập các trường dân lập, và trên thực tế đã từng có không ít trường tồn tại và hoạt động ở Việt Nam, nhưng rất tiếc sau đó lại có chủtrương xóa bỏ, chỉ còn lại các trường công lập và tư thục.
Giai đoạn cuối năm học 2005 – 2006, cùng với các trường tư thục, trong khu vực giáo dục đại học ngoài công lập vẫn có 19 trường dân lập.
Thế nhưng, năm 2006, đã có Quyết định của cơ quan có thẩm quyền chuyển toàn bộ 19 trường đại học dân lập qua loại hình đại học tư thục.
Triển khai Quyết định đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 20/2010/TT-BGDĐT ngày 16/7/2010 quy định nội dung, trình tự, thủ tục chuyển đổi trường đại học dân lập sang loại hình trường đại học tư thục.
Sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 45/2014/TT-BGDĐT ngày 17/12/2014 Quy định về việc chuyển đổi loại hình trường đại học dân lập sang loại hình trường đại học tư thục.
Đến nay, sau 18 năm có chủ trương không còn trường dân lập thì trên thực tế vẫn còn 2 trường đại học dân lập chưa chuyển sang tư thục mà tiếp tục bảo vệ mô hình dân lập. Nhưng theo tôi được biết, gần đây, hai trường này cũng đang tiếp tục bị gây sức ép rất lớn, yêu cầu phải chuyển đổi.
Điều này là bất hợp lý, bởi lẽ, luật pháp không cấm trường dân lập, mà trường dân lập thì không phải là trường của nhà nước, việc tồn tại hay giải thể, hay chuyển đổi loại hình là việc của cộng đồng trường, chứ cơquan quản lý nhà nước không nên quyết định thay hoặc gây sức ép để bắt phải chuyển sang cho tư nhân. Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao không đối xử công bằng giữa hai loại trường dân lập và tư thục?
Như đã phân tích ở trên, chủ sở hữu của trường đại học dân lập là cộng đồng nhà trường, tài sản của trường dân lập thuộc sở hữu tập thể của cộng đồng nhà trường. Những người xây dựng nên các trường đại học dân lập có thể đóng góp về tài sản, công sức, trí tuệ, và trường hoạt động không vì lợi nhuận.
Thế nhưng, khi chuyển sang trường đại học tư thục vì lợi nhuận, bản chất sở hữu đã thay đổi, việc phân chia lợi nhuận cho các cá nhân ở một trường đại học dân lập sẽ khó đảm bảo tính công bằng, nhất là với những người có đóng góp về trí tuệ, chính vì vậy, không ít trường dân lập sau khi bị ép chuyển đổi đã xảy ra mâu thuẫn nội bộ liên miên.
Vừa qua, một điều đáng mừng là Chỉ thị 29 của Bộ Chính trị đã nhắc đến loại hình trường dân lập với yêu cầu “có chính sách tháo gỡ việc phát triển mạng lưới trường lớp dân lập”. Tôi nghĩ tinh thần ấy của Bộ Chính trị là sáng suốt, đúng đắn!
Phóng viên: Vậy theo ông, trong thời gian tới, định hướng và giải pháp phát triển đối với các trường đại học ngoài công lập nói chung, các trường đại học không vì lợi nhuận và các trường đại học dân lập nói riêng là gì?
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Chúng ta có thể thấy ngay cả ở những nước giàu có thì Nhà nước cũng không thểđầu tư tối đa vào giáo dục để thỏa mãn nhu cầu học tập của người dân. Do đó, cần có sự chia sẻ chi phí từphía xã hội. Kinh nghiệm thế giới cũng như thực tế Việt nam hiện nay đòi hỏi Nhà nước phải kiên trì chủtrương xã hội hóa giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học.
Và một trong những giải pháp quan trọng là phải mở rộng quy mô hệ thống trường ngoài công lập.
Theo tôi hiểu, ngoài công lập thì bao gồm các trường dân lập (trong đó có trường không vì lợi nhuận – đó cũng là dân lập) và các trường tư thục (có phân chia lợi nhuận).
Lâu nay theo thực tế của Việt Nam, nhiều người đã hiểu xã hội hóa là phi nhà nước hóa, tức là để xã hội tham gia làm chứ không phải riêng nhà nước phải làm tất cả, bao cấp tràn lan, nói cách khác là không phải công lập, tức là bao gồm phát triển dân lập và tư thục. Cách quen rồi thường hiểu vậy. Nhưng có lẽ đúng hơn phải được hiểu xã hội hóa là mọi người trong xã hội cùng nhau làm, hình thành nên sở hữu xã hội; theo đó nó chỉ bao gồm các trường dân lập (không vì lợi nhuận) và không bao gồm các trường tư thục vì nơi ấy chưa hình thành sở hữu xã hội, trừ những trường có huy động vốn của thị trường chứng khoán.
Cho tới nay, chủ trương về xã hội hóa giáo dục thể hiện qua Nghị quyết 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ và Nghị quyết số 29/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đều rất chính xác. Tuy nhiên, các chính sách ban hành nói chung còn thiếu, thậm chí còn mâu thuẫn nhau.
Để huy động được đông đảo người dân tham gia, người dân mong đợi một hệ thống chính sách đồng bộ, ổn định và minh bạch. Tuy nhiên mong đợi đó còn chưa được đáp ứng.
Các quy định về yêu cầu cho việc hình thành trường đại học ngoài công lập rất không thực tế, vượt xa những yêu cầu như vậy đối với chính các trường công lập của nhà nước lập ra. Thí dụ: vốn điều lệ tối thiểu 1000 tỉđồng; diện tích đất xây dựng trụ sở không dưới 5 ha, đất bình quân ít nhất 25m2/sinh viên;…
Để khuyến khích sự tham gia của người dân vào việc phát triển giáo dục ngoài công lập, Nhà nước cần đưa ra những tiêu chí thực tế hơn, chí ít là cũng giống với các trường công lập mới được thành lập. Những tiêu chí đáng lẽ cần ưu tiên quan tâm ngay từ đầu là chất lượng đào tạo thế nào, sự minh bạch về công việc và tài chính…
Các trường đại học ngoài công lập, kể cả không vì lợi nhuận và có chia lợi nhuận, cần được giúp đỡ tạo điều kiện, như miễn giảm tiền thuê đất, miễn thuế thu nhập cho các trường dân lập không vì lợi nhuận và giảm thuế đối với các trường tư thục; được vay tín dụng ưu đãi, cải cách thủ tục hành chánh tối đa có thể để tạo điều kiện cho các trường được thành lập và hoạt động thuận lợi, giảm bớt chi phí.
Nhà nước cần kiểm tra, rà soát lại các quy định về vấn đề “chủ sở hữu” của các loại hình trường ngoài công lập, bảo đảm rõ ràng, minh bạch, dễ hiểu.
Hiện nay vẫn còn những nội dung dễ gây nhận thức khác nhau, trở thành nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng mất đoàn kết trong trường. Cùng với đó, cần làm rõ khái niệm về các loại hình trường đại học ngoài công lập, trong đó trường không vì lợi nhuận là trường dân lập (chứ không phải tư thục); các trường gọi là dân lập đều không phân chia lợi nhuận, tài sản chung đều thuộc sở hữu cộng đồng trường…Trường dân lập nói chung và trường đại học không vì lợi nhuận nói riêng có được chuyển đổi hay không, tại sao phải chuyển đổi và nếu được chuyển đổi thì việc chuyển đổi ấy theo quy định như thế nào? Đó là một vấn đề rất khoa học, không nên quy định tùy tiện sẽ gây nhiều rắc rối và hậu quả xấu. Cần có đề tài nghiên cứu về vấn đềnày, để trên cơ sở đó mà đề xuất, kiến nghị với Nhà nước.
Trước mắt, cần sớm có một nghị định để khuyến khích phát triển loại hình trường đại học không vì lợi nhuận. Tiếp theo là hoàn thiện hành lang pháp lý về loại hình trường này.
Xây dựng và phát triển các trường không vì lợi nhuận, đó cũng việc hướng tới mục tiêu có các trường đẳng cấp cao, trước nhất là lọt được vào tốp 200 của thế giới. Hiện nay, một số trường lớn của Việt Nam cũng mới được xếp vào tốp trên dưới 1000.
Có được các trường đẳng cấp cao giúp nâng vị thế của giáo dục đại học Việt Nam, đồng thời nâng cao và khẳng định được chất lượng đào tạo.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng!
Phạm Minh (thực hiện)
https://giaoduc.net.vn/can-som-hoan-thien-hanh-lang-phap-ly-cho-truong-dai-hoc-khong-vi-loi-nhuan-post240789.gd