(TVPLO) – Dự thảo của TAND Tối cao đặt ra trách nhiệm của thân nhân bị đơn (chồng/vợ) trong việc cung cấp địa chỉ, thông tin bịđơn cho tòa án.
TAND Tối cao đang dự thảo Nghị quyết hướng dẫn một số quy định của pháp luật trong giải quyết vụ việc vềhôn nhân và gia đình (HN&GĐ), trong đó đáng chú ý là quy định liên quan đến việc giải quyết ly hôn.
Xác định trường hợp bị đơn cố tình giấu địa chỉ
Thực tiễn cho thấy trong các vụ án ly hôn, rất nhiều trường hợp vợ hoặc chồng không đồng ý ly hôn nên đã cố tình che giấu thông tin, dẫn đến việc xác định địa chỉ chính xác của người bị kiện để nộp đơn khởi kiện hay tống đạt các văn bản tố tụng gặp nhiều khó khăn. Từ đó, việc giải quyết vụ án bị kéo dài, gây ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như quyền lợi của một bên.
Hiện nay, Điều 192 BLTTDS năm 2015 (hướng dẫn bởi Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP) đã có quy định vềtrường hợp người bị kiện che giấu địa chỉ, trốn tránh nghĩa vụ đối với người khởi kiện thì thẩm phán sẽkhông trả lại đơn khởi kiện mà tiến hành thụ lý, giải quyết theo thủ tục chung.
Nay tại dự thảo Nghị quyết hướng dẫn một số quy định của pháp luật trong giải quyết vụ việc về HN&GĐ (lần 4.1) đã hướng dẫn cụ thể hơn, không chỉ trước khi thụ lý mà cả sau khi thụ lý vụ án.
Theo đó, trường hợp trong đơn khởi kiện, người khởi kiện đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú, làm việc của người bị kiện hoặc nơi vợ chồng thường xuyên chung sống thì tòa án phải nhận đơn khởi kiện.
Trường hợp sau khi thụ lý vụ án, tòa án không tống đạt được thông báo về việc thụ lý vụ án do bị đơn không còn cư trú, làm việc tại địa chỉ mà nguyên đơn cung cấp, nếu có căn cứ để xác định họ vẫn liên hệ với thân nhân nhưng thân nhân của họ không cung cấp địa chỉ, tin tức cho tòa án cũng như không thực hiện yêu cầu của tòa án thông báo cho bị đơn biết để gửi lời khai về cho tòa án thì coi đây là trường hợp bị đơn cố tình giấu địa chỉ, từ chối khai báo, từ chối cung cấp những tài liệu cần thiết.
Khi đó, tòa án đưa vụ án ra xét xử vắng mặt bị đơn theo thủ tục chung nếu đã yêu cầu đến lần thứ hai mà thân nhân của họ không cung cấp địa chỉ, tin tức của bị đơn cho tòa án cũng như không thực hiện yêu cầu của tòa án thông báo cho bị đơn biết.
Cần quy định thời gian thông báo địa chỉ
Nêu quan điểm, ThS Xa Kiều Oanh (Trường ĐH Luật TP.HCM) cho rằng dự thảo đã đưa ra cách thức giải quyết tương tự như trường hợp xét xử vắng mặt bịđơn theo điểm b khoản 2 Điều 227 BLTTDS năm 2015.
Cụ thể, gửi yêu cầu đến thân nhân của bị đơn đến lần thứ hai nhưng họ vẫn không cung cấp địa chỉ, tin tức của bị đơn thì tòa án sẽ tiến hành xét xử vắng mặt bị đơn. Nói cách khác, hệ quả của hai trường hợp: (i) Đã xác định được địa chỉ bị đơn nhưng bị đơn vẫn vắng mặt đến lần triệu tập hợp lệ lần thứ hai và (ii) không xác định được địa chỉ bị đơn dù đã gửi yêu cầu đến thân nhân của bị đơn lần thứ hai để yêu cầu cung cấp địa chỉ là giống nhau, đều tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục chung mà không đình chỉ việc giải quyết vụ án vì lý do không tống đạt được cho bị đơn.
Thế nhưng, dự thảo lại không quy định thời gian cụ thể trong bao lâu sau khi có thông báo lần thứ hai thì tòa án sẽ đưa vụ án ra xét xử vắng mặt bị đơn theo thủ tục chung.
Do đó, để hoàn thiện, ThS Oanh cho rằng thảo có thể sửa đổi bằng việc quy định: Trường hợp này, tòa án đưa vụ án ra xét xử vắng mặt bị đơn theo thủ tục chung nếu đã yêu cầu đến lần thứ hai và trong thời hạn bảy ngày kể từ ngày đưa ra yêu cầu mà thân nhân của họ không cung cấp địa chỉ, tin tức của bị đơn cho tòa án cũng như không thực hiện yêu cầu của tòa án thông báo cho bị đơn biết.
“Quy định như trên nhằm ràng buộc bị đơn, thân nhân của bị đơn về mặt thời gian. Có nghĩa là nếu qua thời gian bảy ngày kể từ ngày tòa án yêu cầu mà bịđơn, thân nhân của bị đơn không cung cấp địa chỉ của bị đơn thì chính bị đơn đã tự tước đi các quyền, lợi ích của mình trong giải quyết vụ án ly hôn” – ThS Oanh nói.
Bên cạnh đó, nếu không quy định thời hạn trong bao lâu thì thời gian giải quyết vụ án ly hôn sẽ trở nên kéo dài và cũng sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn.
Còn theo luật sư Phan Thanh Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM), việc dự thảo đặt ra trách nhiệm của thân nhân của bị đơn trong việc cung cấp địa chỉ, tin tức của bị đơn cho tòa án cũng làm phát sinh nhiều vấn đề. Đơn cử như dự thảo chưa làm rõ thân nhân của bị đơn là ai, hay nói cách khác dự thảo chưa xác định người nào được xem là thân nhân của bị đơn.
Đồng thời, dự thảo cũng chưa đưa ra được các tiêu chí để xác định khi nào thân nhân của bị đơn được xem là biết thông tin liên lạc của bị đơn.
“Dự thảo cần làm rõ những điểm này để tòa án không áp dụng tùy tiện khi giải quyết vụ án” – luật sư Tuấn nêu quan điểm.•
Một bản án xác định bị đơn cố tình giấu địa chỉ
Bản án số 72/2022/HNGĐ-ST ngày 2-6-2022 của TAND tỉnh Bắc Giang có nguyên đơn là anh M và bị đơn là chị L.
Theo đó, TAND tỉnh Bắc Giang đã tiến hành làm việc với ông N (cha của chị L) để giao thông báo thụ lý vụ án, yêu cầu ông N thông báo cho chị L biết về việc tòa án đang thụ lý vụ án HN&GĐ giữa anh M và chị L, yêu cầu ông N cung cấp địa chỉ cụ thể của chị L ở nước ngoài.
Ông N trình bày: Chị L vẫn thường xuyên liên lạc về gia đình. Tuy nhiên, tòa án đã yêu cầu đến lần thứ hai mà ông N vẫn không cung cấp địa chỉ, tin tức của chị L cho tòa án. Ông N cho biết đã thông báo nội dung về việc thụ lý vụ án cho chị L được biết và yêu cầu chị L gửi bản tự khai về cho tòa án nhưng cho đến nay tòa án vẫn không nhận được bản tự khai do chị L gửi về.
Nhận thấy đây là trường hợp bị đơn cố tình giấu địa chỉ, từ chối khai báo, từ chối cung cấp những tài liệu cần thiết. Vì vậy, tòa án xét xử vắng mặt chị L…
YẾN CHÂU
https://plo.vn/bi-don-vu-kien-ly-hon-giau-dia-chi-xu-ly-ra-sao-post770666.html