(TVPLO) – Định hướng nghề nghiệp cho học sinh lớp 12 vô cùng quan trọng. Do vậy, được tổ chức hằng năm tại các trường Trung học Phổ thông trên cả nước. Với mục đích để học sinh có thể hình dung được chặng đường sắp tới cũng như lựa chọn ngành nghề trong tương lai sao cho vừa phù hợp với năng lực bản thân vừa đảm bảo điều kiện gia đình cho phép. Vì vậy, nhiều trường THPT có nhiều cách làm hay, tổ chức nhiều hoạt động hướng nghiệp để học trò có thêm kiến thức về ngành nghề mình dự kiến theo học…
Tiến sĩ Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện IMRIC tham dự buổi định hướng nghề nghiệp tại trường PTTH Lê Thánh Tôn, quận 7 (TP.HCM). Chụp lưu niệm cùng thầy Phan Hường – Hiệu trưởng
Việc hướng nghiệp cho học sinh lớp 12 giúp các bạn có thể tự tin để lựa chọn nghề nghiệp hay trường đại học sau khi tốt nghiệp lớp 12. Việc lựa chọn được đúng các ngành nghề sẽ giúp các bạn có thể phát triển được tối đa những khả năng và điểm mạnh của bản thân, có thái độ tích cực, đam mê và sẵn sàng học hỏi về chuyên môn mà mình đang theo đuổi, từ đó làm bàn đạp có nhiều cơ hội thăng tiến hơn trong công việc. Vì vậy, mà việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh lớp 12 cực kỳ quan trọng và bất kỳ ai cũng có thể nhìn nhận được mặt tích cực của việc tư vấn hướng nghiệp cho học sinh lớp 12.
Bà Nguyễn Thị Huyền thường xuyên tham dự, chia sẻ tại các chương trình định hướng nghề nghiệp cho học sinh lớp 12
Dưới góc độ viện nghiên cứu, phản biện khoa học, nhịp cầu nối, xúc tiến đầu tư…Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC), Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE), Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) Bà Nguyễn Thị Huyền – Phó Chánh Văn phòng Viện IMRIC chia sẻ học sinh nhiều trường sẽ rất vui khi được quan tâm tìm hiểu và định hướng chọn trường để gửi gắm tương lai. Chắc chắn các em sẽ được tư vấn thông tin cách thức xét tuyển, cách lựa chọn nguyện vọng, chương trình đào đạo, các ngành học được nhiều em theo học, chính sách học bổng…Có thể thấy, công tác tư vấn, hướng nghiệp cho HS lớp 12 được các trường THPT quan tâm thực hiện từ rất sớm.
BLĐ Viện IMRIC tham dự buổi toạ đàm “Ngưỡng của cuộc đời” tại trường Đại học Khoa học Huế
Trên thế giới, công tác giáo dục hướng nghiệp được hầu hết các nước phát triển quan tâm thực hiện và đạt được những kết quả tốt, góp phần quan trọng vào việc phát triển nguồn nhân lực đảm bảo cả về số lượng, cơ cấu và chất lượng. Việc phân luồng học sinh được thực hiện ngay sau cấp trung học cơ sở; công tác giáo dục hướng nghiệp được thực hiện trong chương trình giáo dục trong nhà trường ngay từ cấp tiểu học; các giáo viên đều tham gia quá trình hướng nghiệp và đồng thời có đội ngũ chuyên gia được đào tạo bài bản về tư vấn hướng nghiệp cho học sinh; nhà nước có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho sự phân luồng; các cơ sở đào tạo nghề, doanh nghiệp tham gia sâu vào hoạt động giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường.
Đối với nước ta, công tác giáo dục hướng nghiệp cũng được quan tâm khá sớm, Ngày 19/3/1981, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 126-CP về công tác hướng nghiệp trong trường phổ thông và sử dụng hợp lý học sinh các cấp phổ thông cơ sở và phổ thông trung học tốt nghiệp ra trường. Công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng đã được Nhà nước, các cấp, các ngành quan tâm và đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hướng nghiệp học sinh phổ thông trong thời gian qua còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế như chưa thực hiện hết chức năng, chưa tạo ra sự khác biệt về chất cả trên bình diện thái độ nghề nghiệp lẫn hiểu biết nghề nghiệp; đặc biệt là học sinh chưa phát triển được năng lực lựa chọn nghề nghiệp phù hợp dựa trên sự hiểu biết rõ năng lực của bản thân và hiểu biết những yêu cầu cốt yếu của nghề mình định chọn và chưa đẩy mạnh được phân luồng học sinh phổ thông đi theo luồng giáo dục nghề nghiệp.
Chuỗi hoạt động chia sẻ kỷ năng mềm cho các sinh viên tại Đại học Huế
Nhằm giảm áp lực cho học sinh lớp 12 trong việc lựa chọn ngành nghề sau khi tốt nghiệp, các trường THPT ngoài việc giảng dạy còn tổ chức nhiều hoạt động hướng nghiệp để học trò có thêm kiến thức về ngành nghề mình dự kiến theo học. Có thể thấy, sau khi tìm hiểu chi tiết về nghề ở một số trường Cao đẳng, trường nghề ở các trường, hứa hẹn một số em học sinh nhận thấy “đại học không phải con đường duy nhất” để theo đuổi ước mơ. Nếu không đỗ đại học, có thể đi học cao đẳng, miễn là được đào tạo chuyên nghiệp về lĩnh vực và có cơ hội thực hành ngay từ khi học.
Nghị quyết số 29/NQ-TW đặt ra yêu cầu: “Đối với giáo dục phổ thông, tập trung phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho học sinh…Bảo đảm cho học sinh có trình độ trung học cơ sở (hết lớp 9) có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở; trung học phổ thông phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng” .
Đoàn công tác Viện IMRIC. Tại Đại học Phú Xuân (Huế)
Nghị quyết số 44/NQ-CP của Chính phủ xác định: “Triển khai phân luồng và định hướng nghề nghiệp ở giáo dục phổ thông”. Luật Giáo dục 2019 quy định: “Hướng nghiệp trong giáo dục là hệ thống các biện pháp tiến hành trong và ngoài cơ sở giáo dục để giúp học sinh có kiến thức về nghề nghiệp, khả năng lựa chọn nghề nghiệp trên cơ sở kết hợp nguyện vọng, sở trường của cá nhân với nhu cầu sử dụng lao động của xã hội”.
Nhằm triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh phổ thông, ngày 14/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 522/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong GDPT giai đoạn 2018 – 2025” (sau đây gọi tắt là Đề án 522), trong đó xác định mục tiêu chung của công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh là “Tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và địa phương, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực quốc gia, hội nhập khu vực và quốc tế”.
Viện trưởng Hồ Minh Sơn chia sẻ kỷ năng mềm cho sinh viên trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông
Nhiều năm qua, nhiều trường PTTH trên cả nước đặc biệt chú trọng đến công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh. Trải qua nhiều năm tiếp xúc, tổ chức toạ đàm, bà Nguyễn Thị Huyền cho biết: “Trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT, các trường đã đẩy mạnh hoạt động tư vấn tuyển sinh cho học sinh khối 12, chủ động mời các chuyên gia của các trường đại học, các tập đoàn tuyển sinh du học và lao động hoặc các cựu học sinh thành đạt trong các lĩnh vực nghề nghiệp về trao đổi thông tin, tư vấn cho học sinh trong các buổi chào cờ hoặc tư vấn trực tiếp tại các lớp 12”. Bên cạnh đó, nhiều trường còn lồng ghép công tác hướng nghiệp cho học sinh trong nội dung các môn học; tổ chức tuyên truyền trên Internet, phát triển trên nền Fanpage của nhà trường và các trang tư vấn tuyển sinh, tư vấn nghề.
Bà Nguyễn Thị Huyền cho rằng nhà trường còn có những biện pháp tâm lí giáo dục để phát hiện và đánh giá những năng lực về nhiều mặt của học sinh, nhằm giúp học sinh chọn nghề có cơ sở vững chắc. Các trường cũng từ đó đưa ra những tư vấn nghề nghiệp phù hợp với năng lực của mỗi học sinh.Để công tác hướng nghiệp hiệu quả, không thể bỏ qua vai trò của đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, thầy cô bộ môn rất quan trọng. Bởi, họ là những người sát sao với học trò, hiểu rõ hoàn cảnh, tính cách, tâm tư nguyện vọng của từng em. Từ đó, phân tích, định hướng và khơi dậy những tiềm năng ở mỗi học trò.
BLĐ Viện IMRIC và Viện IRLIE tham luận tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp do Sở LĐTB&XH tỉnh Đắk Nông tổ chức
Chia sẻ về vai trò hướng nghiệp của các trường phổ thông, bà Nguyễn Thị Huyền, nhấn mạnh: “Hướng nghiệp là một trong những nội dung quan trọng của nhà trường. Các chủ đề được các trường PTTH lựa chọn hướng nghiệp cho học sinh lớp 12 là chọn ngành, chọn nghề, chọn trường. Ngoài ra, gần đây các trường còn phối hợp với một số trường đại học tổ chức ngày hội trải nghiệm và hướng nghiệp; tư vấn các ngành nghề học sinh. Qua tìm hiểu, hầu hết khóa học nào cũng vậy ngay từ khi vào trường, BGH, giáo viên sẽ tổ chức phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh để các em lựa chọn khối học theo nhu cầu, năng lực cá nhân. Các em cũng được giáo viên, tổ tư vấn hướng nghiệp giới thiệu về các nghề nghiệp, xu thế phát triển các nghề nghiệp trong xã hội hiện nay.
Triển khai thực hiện Đề án 522 vào thực tiễn hoạt động của ngành, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã chỉ đạo, tổ chức nhiều hoạt động mang lại những kết quả bước đầu khả quan, trong đó hoạt động giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh được đưa vào thành một nội dung quan trọng trong Chương trình GDPT(GDPT) 2018. Bà Nguyễn Thị Huyền cho rằng giáo dục hướng nghiệp ở phổ thông bao gồm toàn bộ các hoạt động của nhà trường phối hợp với gia đình và xã hội nhằm trang bị kiến thức, hình thành năng lực định hướng nghề nghiệp cho học sinh, từ đó giúp học sinh lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực, tính cách, sở thích, quan niệm về giá trị của bản thân, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của gia đình và phù hợp với nhu cầu của xã hội. Giáo dục hướng nghiệp có ý nghĩa quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở cũng như sau trung học phổ thông.
BLĐ Viện IMRIC và Viện IRLIE tham gia buổi trao đổi kỷ năng mềm tại trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau
Bà Nguyễn Thị Huyền nhận định hướng nghiệp cung cấp thêm nhiều góc nhìn và nhiều thông tin cho học sinh, phụ huynh trong quá trình lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực cũng như nhu cầu xã hội. Trong đó, học sinh cũng xây dựng được kế hoạch học tập để chinh phục được trường, ngành mình mong muốn…Viện IMRIC, Viện IRLIE và Trung tâm TTLCC cam kết sẽ tiếp tục đồng hành với các trường PTTH để mời các chuyên gia, các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp thành viên nhằm hỗ trợ các trường PTTH nâng tầm và đổi mới, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cơ quan quản lý giáo dục và các cơ sở GDPT, cha mẹ học sinh, học sinh và toàn xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Đưa nhiệm vụ giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông vào chủ trương, kế hoạch chỉ đạo phát triển kinh tế – xã hội; Tăng cường các thông tin về nghề nghiệp, thị trường lao động; Tăng cường phối hợp với các ngành, các cấp, các tổ chức xã hội tổ chức các hoạt động tuyên truyền về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng cho học sinh phổ thông như: Ngày hội tư vấn, hướng nghiệp; thi tìm hiểu về thế giới nghề nghiệp; các hoạt động giao lưu của học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục với các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nhân.
Toàn cảnh buổi chia sẻ kỷ năng mềm tại Hội trường trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau
Bà Huyền cũng nhận định cần chú trọng phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong các trường trung học. Các cơ sở đào tạo, giáo viên quan tâm nghiên cứu, xây dựng chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm công tác giáo dục hướng nghiệp theo từng cấp học. Không chỉ các hoạt động ở nhà trường, hoạt động hướng nghiệp, trải nghiệm còn có thể tổ chức các chuyến đi ra bên ngoài để học sinh có cái nhìn thực tế. Tuy nhiên, bên cạnh những trường làm tốt thì lại có ý kiến là cách tổ chức hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp một số nơi không khác gì một chuyến đi chơi dã ngoại. Trong đó, vẫn có những lo ngại, sẽ có nơi lợi dụng hoạt động đưa học sinh ra ngoài hướng nghiệp, trải nghiệm để trục lợi từ việc thu phí của học sinh. BàHuyền khuyến nghị, các nhà trường sẽ phải thật rõ ràng, minh bạch khi tổ chức các hoạt động này và chỉ tổ chức nếu được sự đồng thuận của học sinh và phụ huynh.
Viện trưởng Viện IMRIC phát biểu tham luận tại toạ đàm “Hành trang vào đời” ở trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau
Tin rằng, khi định hướng nghề nghiệp được thực hiện tốt, học sinh sẽ có nhận thức, lựa chọn đúng đắn, phát huy được năng lực, sở trường của bản thân. Điều đó góp phần tạo ra sự thành công của các thế hệtương lai của đất nước./.
Thuỳ Duyên – Quang Huy