(TVPLO) – Bài viết tìm hiểu về vai trò trong việc phát triển pháp luật, việc sửa đổi và tuyển chọn án lệ của Tòa án tối cao Nhật Bản.
Tòa án tối cao Nhật Bản – Ảnh: TL
- Án lệ với vai trò phát triển pháp luật
Thời Minh Trị ( 23/10/1868-30/7/1912), Nhật Bản đã cải cách theo hướng phương Tây về luật pháp cũng như tổ chức hệ thống tư pháp. Năm 1875 Đại thẩm viện được thành lập, là cơ quan xét xử cao nhất ở Nhật Bản, tháng 4 /1947 Đại thẩm viện được gọi là Tòa án tối cao, bao gồm 15 Thẩm phán được tổ chức thành một Hội đồng xét xử lớn và ba Hội đồng xét xử nhỏ. Ngay từ 1875, Nhật Bản đã áp dụng chế định án lệ. Các án lệ của Tòa án tối cao đã góp phần quan trọng trong việc phát triển pháp luật ở Nhật Bản. Có thể nêu ra đây trường hợp án lệ của Tòa án tối cao trong việc thúc đẩy việc sửa đổi quy định của Bộ luật Dân sự (BLDS) về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng .
BLDS năm 1889 của Nhật Bản có 15 điều quy định về thiệt hại ngoài hợp đồng ,tại Điều 709 quy định: “Một người vô ý hay cố ý xâm phạm quyền của người khác sẽ chịu trách nhiệm về các thiệt hại bởi hành động đó”. Một trong các yếu tố để cấu thành một vụ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là xác định phạm vi của việc “xâm phạm quyền”: Năm 1914, trong vụ A kiện B một người viết truyện chuyên nghiệp phải bồi thường thiệt hại vì in các ấn bản bán ra ngoài các câu chuyện của mình. Tòa án đã bác đơn kiện vì cho rằng các câu truyện trên là phổ biến, không được điều chỉnh bởi luật bản quyền, A không có quyền nào được quy định trong luật, nên không có việc B xâm phạm quyền của A. Như vây, phạm vi “xâm phạm quyền” ở đây chỉ giới hạn “về quyền” đã được quy định trong pháp luật.
Tuy nhiên, mười năm sau, Tòa án tối cao đã thay đổi quan điểm: Trong vụ kiện của một công ty đã hoạt động lâu đời đối với hành vi có khả năng gây thiệt hại cho họ trong việc xâm phạm nhãn hiệu hàng hóa và nhãn hiệu thương mại được thiết lập và duy trì tại một địa điểm cụ thể. Tòa án cấp dưới đã bác đơn kiện vì cho rằng lợi ích này không cấu thành một quyền hợp pháp. Tòa án tối cao đã lập luận rằng việc áp dụng Điều 709 đối với “một lợi ích là cái mà một người bình thường theo nhận thức về luật pháp của họ, chống lại việc xâm phạm là cần thiết, với một sự bồi thường được dự đoán trước đối với việc vi phạm ngoài hợp đồng”. Kể từ đó , thuật ngữ “xâm phạm quyền của người khác” đã được xác định với phạm vi rộng lớn, được khẳng định như một quyền mới: Một lợi ích hay quyền chống lại việc gây phiền toái, quyền chống lại việc ngăn cản ánh sáng, quyền được hưởng một môi trường trong sạch và nhiều quyền/ lợi ích khác nhau về tính riêng tư hay cá nhân. Quan điểm này được Tòa án thống nhất duy trì trong thời gian dài, và cuối cùng, vào năm 2005, Điều 709 đã được viết lại như sau: “Một người cố ý hay vô ý vi phạm quyền của người khác hay lợi ích hợp pháp của họ sẽ chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại gây ra bởi hành động đó”.(1)
Như vậy, sau khi ban hành án lệ vào năm 1914, mười năm sau Tòa án tối cao Nhật Bản đã sửa đổi án lệ này vào năm 1924 và dẫn đến sửa đổi Điều 709 BLDS vào năm 2005. Đây chỉ là một trong nhiều án lệ của Tòa án tối cao Nhật Bản góp phần sửa đổi ,hoàn thiện pháp luật
2.Sửa đổi và tuyển chọn án lệ
Như đã viết ở trên, việc sửa đổi án lệ được thực hiện thông qua xét xử một vụ án cụ thể. Khi sửa đổi căn bản một án lệ trước đó, thông thường được thực hiện bằng việc xét xử của Hội đồng xét xử lớn. Tuy nhiên, thủ tục này rất phức tạp , nên nhiều trường hợp Hội đồng xét xử nhỏ đã “lách” bằng cách giải thích thu hẹp lại so với giải thích của án lệ trước đó về quy định của pháp luật khi giải quyết vụ án, tức “sửa mà không sửa” (trường hợp này sẽ song song tồn tại và loại trừ giữa các án lệ ).
Án lệ của Tòa án tối cao Nhật Bản được Ủy ban án lệ tuyển chọn để đăng trên Tuyển tập án lệ của Tòa án tối cao. Ủy ban này gồm 6 Thẩm phán từ ba Hội đồng xét xử nhỏ và 41 thẩm tra viên (cũng là các Thẩm phán, nhưng không phải là Thẩm phán tòa án tối cao), họp mỗi tháng một lần để xem xét tuyển chọn đối với khoảng 4000 bản án mỗi năm của Tòa án tối cao. Tuyển tập án lệ phát hành 6 tháng một lần với khoảng 1500 bản, ngoài ra án lệ còn được đăng trên Thời báo Tòa án tối cao (tập sách nhỏ khoảng 10 trang) ra hàng tháng, hai ấn phẩm này phát hành rộng rãi trên thị trường. Những án lệ không được tuyển chọn đăng trên Tuyển tập án lệ thì được tập hợp vào các kỷ yếu Dân sự, Hình sự của Tòa án tối cao phát hành nội bộ khoảng 500 bản mỗi kỳ.
Việc tuyển chọn án lệ không phải là “tuyên bố” một quyết định nào đó là án lệ, mà chỉ là lựa chọn phân loại các án lệ theo mức độ quan trọng của án lệ đó. Việc tuyển chọn án lệ thường ghi các thông tin như tên bản án, số hiệu bản án, các bên đương sự (bị cáo ) được ẩn thông tin cá nhân, nội dung xem xét, trích yếu (trong đó trích yếu chính là phần án lệ được nêu trong bản án), điều khoản tham chiếu, tiếp theo là toàn văn bản án, quyết định. Việc đưa nội dung xem xét và trích yếu lên ngay trang đầu là giúp cho người đọc dễ dàng nhận biết ra án lệ.
Xin giới thiệu dưới đây nguyên văn một án lệ được đăng trên Tuyển tập án lệ của Tòa án tối cao Nhật Bản.( Mục 2 của bản án đã được đưa ra ở phần Trích yếu khi đăng trên Tuyển tập án lệ ).
o Vụ án tội trộm cắp (Quyết định số (A) 882/2004, ngày 25 tháng 8 năm 2004, Phòng xử nhỏ số 3. Bác khiếu nại)
{ Người khiếu nại } Bị cáo
{ Bị cáo }———— Luật sư TAKITANI Hiroshi
{ Sơ thẩm } Tòa án khu vực Osaka, bản án ngày 11 tháng 11 năm 2003
{ Phúc thẩm } Tòa án cấp cao Osaka ,bản án ngày 11 tháng 3 năm 2004
o Nội dung xem xét
Đây là trường hợp hành vi lấy chiếc xắc tay của người khác để quên trên ghế ở công viên có cấu thành tội trộm cắp hay không.
o Trích yếu
Hành vi lấy chiếc xắc tay của người khác để quên trên ghế ở công viên khi người bị hại chỉ rời xa khỏi ghế khoảng 27m trong trường hợp xét xử với các tình tiết về vụ việc nêu sau đây thì cấu thành tội trộm cắp .
{ Xét thấy }
Luật hình sự
Điều 235 : Người nào ăn cắp tài sản của người khác thì bị kết tội trộm cắp, bị phạt tù khổ sai đến mười năm .
Điều 254 : Người nào tham ô vật của người khác đang bị tách rời sự chiếm hữu của người đó như vật bị đánh rơi, vật bị trôi dạt v.v… thì bị phạt tù khổ sai đến một năm, hoặc phạt tiền đến một trăm nghìn yên, hoặc phạt mức nhẹ.
o Quyết định
Bác đơn khiếu nại trong vụ việc này
Số ngày giam giữ được tính vào thời gian chấp hành án là 40 ngày.
o Lý do
Nội dung luật sư TAKITANI Hiroshi nêu trong đơn khiếu nại chỉ xem là về việc vi phạm pháp luật, không đồng tình về thời lượng bản án, không phải là lý do phù hợp để khiếu nại theo Điều 405 Luật Tố tụng hình sự .
Hội đồng thẩm phán xem xét các lập luận để nhận định có cấu thành tội trộm cắp hay không như sau.
1.Từ quyết định phúc thẩm và các bút lục, các tình tiết liên quan trong vụ án được nêu như dưới đây.
(1) Vào lúc 15 giờ 30 phút ngày xảy ra vụ án, người bị hại ngồi trên băng ghế trong công viên gần nhà ga đường sắt trong nội thị thành phố Osaka, để chiếc xắc tay trong vụ án đang đề cập (dưới đây gọi là “chiếc xắc tay “) bên cạnh chỗ ngồi và nói chuyện với bạn.
(2) Bị cáo vừa ra tù sau khi chấp hành án lần trước đang trong tình trạng vô gia cư, đang nhắm đến việc lấy cắp để kiếm tiền thì khoảng 17 giờ 40 phút bắt gặp việc người bị hại đang ngồi nói chuyện với bạn trên băng ghế ở công viên, bên cạnh có để chiếc xắc tay nên định bụng nếu người bị hại để quên chiếc xắc tay sẽ lấy mang đi và giả vờ đọc sách để chờ thời cơ.
(3) Khoảng 18 giờ 20 phút, người bị hại để quên chiếc xắc tay trên băng ghế, đi tiễn bạn đến cửa nhà ga nên đã rời khỏi chỗ ngồi. Bị cáo định bụng sẽ lấy chiếc xắc tay khi người bị hại đi xa hơn chút nữa trong khi người bị hại không hề phát hiện việc để quên chiếc xắc tay, vẫn tiếp tục rảo bước về hướng nhà ga .
(4) Bị cáo theo dõi thấy người bị hại cùng người bạn đi trên cầu vượt ở cổng ra của công viên, cách chỗ ghế ngồi kể trên khoảng 27 mét, ra đến khu vực có bậc cấp, nhận thấy xung quanh không có người nên đã cầm lấy chiếc xắc tay, rời khỏi vị trí vào trong nhà vệ sinh công cộng trong công viên, mở chiếc xắc tay để lấy tiền mặt bên trong.
(5) Lúc này,người bị hại đã qua khỏi cầu vượt nêu trên, đi bộ khoảng 2 phút đến cửa soát vé của nhà ga đường sắt cách đó 200 mét thì nhớ ra việc để quên chiếc xắc tay nên quay trở lại ghế dài ở công viên để tìm, nhưng chiếc xắc tay đã biến mất .
(6) Khoảng 18 giờ 24 phút, bạn của người bị hại cũng đã quay trở lại công viên và nảy ra ý nghĩ gọi vào số điện thoại di động ắt hẳn còn để lại trong chiếc xắc tay. Khi gọi vào số này thì điện thoại đổ chuông trong nhà vệ sinh công cộng ở công viên khiến bị cáo hốt hoảng bỏ chạy ra ngoài, người bị hại giữ lại truy hỏi và bị cáo đã nhận hành vi của mình nên bị giao nộp cho cảnh sát lúc này vừa đến hiện trường, sau khi nhận được điện thoại thông báo vụ việc của người bị hại .
- Với những tình tiết nêu trên, hành vi của bị cáo trong việc chiếm hữu chiếc xắc tay khi người bị hại quên chiếc xắc tay này trên ghế ở công viên, mới chỉ rời xa chỗ ngồi khoảng 27 mét, đang trong tình trạng tạm thời chưa nhớ ra việc để quên chiếc xắc tay và đang bỏ đi khỏi nơi để quên thì vẫn xem là cấu thành tội trộm cắp tài sản. Nội dung như nêu trong quyết định phúc thẩm là chính đáng.
Với lập luận nêu trên, toàn thể Hội đồng Thẩm phán đã thông nhất ý kiến, căn cứ theo Điều 414, điểm 3 khoản 1 Điều 386, quy định bổ sung của khoản 1 Điều 181 Luật Tố tụng hình sự, Điều 21 Luật Hình sự để quyết định như đã nêu.
(Chủ tịch hội đồng thẩm phán KANATANI Toshiro, Thẩm phán HAMADA Kunio, Thẩm phán UEDA Toyozo, Thẩm phán FUJITA Tokiyasu )(2).
NGÔ CƯỜNG
https://tapchitoaan.vn/an-le-cua-toa-an-toi-cao-nhat-ban10376.html