(TVPLO) – Thấu hiểu hậu quả chất độc da cam là một vấn đề có ý nghĩa to lớn với các nạn nhân, toàn xã hội và nhân loại tiến bộ. Hướng đến kỷ niệm 62 năm ngày thảm hoạ Da cam ở Việt Nam (10/08/1961 – 10/08/2023) và hưởng ứng “Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam”…Đây là hoạt động rất ý nghĩa nhằm góp phần thực nhỏ vào việc ‘xoa dịu nỗi đau da cam’ cho các nạn nhân đã có sự chung tay của toàn xã hội, sự ủng hộ, giúp đỡ tích cực của bạn bè quốc tế…
Ông Hồ Minh Sơn phát biểu tại chương trình
Sáng ngày 12/08/2023, tại Trung tâm Hội nghị Toàn Thịnh (toạ lạc số 156, đường Trần Hưng Đạo, khóm 2, phường 2, thành phố Sóc Trăng), Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống, Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE) đã phối hợp với Hội nạn nhân chất độc da cam (NNCDDC) Thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng tổ chức trao quà thiện nguyện cho các nạn nhân tiêu biểu…
Được biết, Việt Nam có 4,8 triệu người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, hơn 3 triệu người là nạn nhân. Hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, hàng trăm nghìn người đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo. Có thể thấy, chất độc da cam/dioxin có khả năng gây tổn thương đa dạng và phức tạp trên tất cả các bộ phận của cơ thể, gây ung thư da, tổn thương da, gan, tuyến giáp, đái tháo đường; làm tổn thương hệ thống hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa, nội tiết, thần kinh; gây đột biến gen và nhiễm sắc thể, gây dị tật bẩm sinh, tai biến sinh sản.
Ông Hồ Minh Sơn thăm hỏi, trao quà cho các hội viên Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin
Đặc biệt, chất độc da cam có thể di truyền qua nhiều thế hệ, ở Việt Nam đã truyền sang thế hệ thứ 4. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có hơn 75.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 2; hơn 35.000 nạn nhân ở thế hệ thứ 3 và hơn 2.000 nạn nhân thế hệ thứ 4 bị ảnh hưởng của chất độc da cam từ thế hệ thứ nhất.
Qua đó, đời sống vật chất, tinh thần của hầu hết nạn nhân chất độc da cam còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Để chung tay “xoa dịu” nỗi đau của nạn nhân da cam và gia đình, hàng năm, Nhà nước đã dành khoản ngân sách hơn 10.000 tỷ đồng để trợ cấp hàng tháng, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng; hỗ trợ những vùng đặc biệt khó khăn do bị ảnh hưởng chất độc da cam. Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách dành cho người có công với cách mạng, trong đó đó có người hoạt động kháng chiến, con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học.
Đại tá Nguyễn Huy Thưởng – Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Sóc Trăng trao thư cảm ơn cho đại diện Viện IMRIC, Viện IRLIE và các doanh nghiệp thành viên
Trong suốt 20 năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam nói chung, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Sóc Trăng, thành phố Sóc Trăng đã chủ động vận động các mạnh thường quân, cộng đồng doanh nghiệp chung tay góp sức nhiều tỷ đồng để chăm sóc nạn nhân và gia đình của họ để hỗ trợ, kịp thời bổ sung vào nguồn quỹ chăm sóc sức khỏe, làm nhà, hỗ trợ sinh kế, động viên nạn nhân vượt khó vươn lên. Thế nhưng, hành trình “chiến đấu” với chất độc da cam của các nạn nhân và gia đình vẫn còn dài với nhiều nỗi lo.
Nhiều năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, các tổ chức đoàn thể và bà con dân phố đều có các hoạt động quan tâm, động viên và thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin có hoàn cảnh khó khăn. Điểm lại kết quả hoạt động của hội 6 tháng đầu năm, các cấp hội trong thànhphố, phối hợp với các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức từ thiện thực hiện chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật thông qua việc tổ chức các chương trình…; vận động các mạnh thường quân, nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí hỗ trợ trao quà; khám bệnh, hỗ trợ sinh kế… cho hội viên, nạn nhân da cam, người khuyết tật…
Đại tá Nguyễn Huy Thưởng – Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Sóc Trăng tặng bằng khen cho các hội viện có thành tích xuất sắc
Định hướng nhiệm vụ thực hiện 6 tháng cuối năm 2023, Đại tá Nguyễn Huy Thưởng nêu những nhiệm vụ trọng tâm cần quan tâm thực hiện, đồng thời phát huy tốt vai trò tham mưu cho Thành ủy, UBND TP Sóc Trăng tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến nạn nhân da cam và người khuyết tật. Không ngừng củng cố, kiện toàn tổ chức hội…Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Vì nạn nhân chất độc da cam” với nhiều hình thức, biện pháp nhằm khơi dậy tinh thần “tương thân, tương ái” cộng động. Các cấp hội tiếp tục chủ động rà soát nắm tình hình thực hiện chính sách đối với nạn nhân da cam, kịp thời phản ánh với cơ qan chức năng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp nạn nhân da cam…
Tại buổi gặp mặt, các đại biểu đã ôn lại lịch sử ngày đầu tiên khi đế quốc Mỹ rải chất độc Da cam/Dioxin xuống đất nước Việt Nam cũng như chặng đường đấu tranh giành công lý cho các nạn nhân Da cam/Dioxin Việt Nam, đồng thời khẳng định thảm họa Da cam ở Việt Nam để lại hậu quả hết sức nặng nề; công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học với môi trường và sức khỏe con người là vấn đề lâu dài, là trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị…
Viện IMRIC, Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống, Viện IRLIE cùng BCH Hội chụp ảnh lưu niệm
Chia sẻ tại buổi gặp mặt, Đại tá Nguyễn Huy Thưởng – Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Sóc Trăng cho biết cái khó của nạn nhân chất độc da cam hiện nay chính là công tác y tế, đặc biệt là chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân tại gia đình cũng như tại các trung tâm và cộng đồng. Một số lượng khá lớn con và cháu của nạn nhân hiện nay bị bệnh nặng nhưng không có nơi nương tựa, hội đã không ngừng chăm lo giúp đỡ, nuôi dưỡng. Về lâu dài, vẫn cần có chính sách cụ thể, thống nhất từ Trung ương đến địa phương để chăm lo khi bố mẹ các em qua đời. Các nạn nhân chất độc da cam rất mong muốn, các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm giúp đỡ, tạo điều kiện cho họ có được một công việc ổn định để họ tự trang trải cuộc sống.
Hai đơn vị thành viên Cty Giáo dục Edupay và nhóm thiện nguyện Nắng Mới trao quà cho bà con bị nhiễm chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn
Thực hiện Chỉ thị 43 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, trong thời gian qua Hội nạn nhân chất độc Da cam/Dioxin TP Sóc Trăng đã tập trung hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm: Tăng cường công tác tuyên truyền để các tổ chức đoàn thể, mọi người dân trên địa bàn biết và hiểu về chính sách trợ giúp của Đảng và Nhà nước về trách nhiệm chăm sóc, giúp đỡ, qua đó góp phần thực hiện tốt công tác giúp đỡ các nạn nhân và gia đình nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin; tích cực vận động hội viên tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương, nỗ lực vươn lên hòa nhập cộng đồng, phát triển kinh tế; vận động các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm chăm sóc tốt đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên da cam.
Xúc động tại buổi gặp mặt, Tiến sĩ Hồ Minh Sơn mong rằng đây chỉ là chút tấm lòng của Tập thể CBVC trong hai Viện IMRIC và Viện IRLIE cùng các doanh nghiệp thành viên sẽ phần nào xoa dịu được những thiệt thòi của các bác cựu chiến binh tại TP. Sóc Trăng. Không chỉ vậy, Viện IMRIC – Viện IRLIE trong chuyến công tác tại Liên bang Nga, Pháp, Ý vào ngày 20/08/2023 tới đây sẽ tiếp tục vận động cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục chung tay góp sức cùng tỉnh Sóc Trăng…Qua đó, luôn cố gắng để có thể lan tỏa sự quan tâm của quý nhà mạnh thường quân đến với những mảnh đời éo le bằng những hành trình sắp tới trong tương lai. Hướng tới sự phát triển bền vững trong việc ứng dụng khoa học công nghệ, tuyên truyền lan toả các sản phẩm làng nghề, cơ sở sản xuất trong nước để kiến tạo nên giá trị cốt lõi làm nền tảng.
Đối với Viện IMRIC – Viện IRLIE, yếu tố con người, lịch sử được đặt lên hàng đầu cho mọi sự cải tiến và phát triển trong tương lai. Tại đây, Viện IMRIC – Viện IRLIE đã chính thức gặp gỡ các cựu chiến binh và các nạn nhân chất độc da cam tại TP. Sóc Trăng để giao lưu và tặng quà, với tổng số tiền gần 80.000.000VND (gồm tiền mặt, quà, phiếu học điện tử) do Viện IMRIC – Viện IRLIE phối hợp Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống vận động Bệnh viện Răng Hàm Mặt Sài Gòn; Cty Bất động sản Đất Gốc Khánh Hoà; Cty Giáo dục Edupay và Nhóm thiện nguyện Nắng Mới tài trợ, Ông Sơn thông tin thêm.
Các thành viên hai Viện chụp ảnh lưu niệm với bà con bị nhiễm chất độc da cam
Cuộc kháng chiến đã qua từ rất lâu nhưng trong thân thể, da thịt các nạn nhân chất độc da cam “lửa chiến tranh” vẫn ngày đêm âm ỉ. Việc xoa dịu nỗi đau da cam không chỉ là vấn đề từ thiện nhân đạo mà chính là hoạt động thiết thực để đền ơn đáp nghĩa đối với những người có công với nước; thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Đó cũng chính là lương tâm và trách nhiệm của không chỉ Viện IMRIC và Viện IRLIE, Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống mà của mỗi người dân Việt Nam; cả xã hội cần chung tay, chung tấm lòng để sẻ chia, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam.
Trắc Long – Liên Trần