(TVPLO) – Gần 20 năm qua, Thẩm phán Lại Phước Trường, TAND huyện Bình Chánh, TP.HCM đã thực hiện hàng trăm buổi tuyên truyền pháp luật tại nhiều trường học, địa phương. Đối với ông, hoạt động tuyên truyền không chỉ hỗ trợ công tác chuyên môn mà đây còn là niềm đam mê vô hạn.
Phóng viên Báo Công lý có dịp trò chuyện với Thẩm phán Lại Phước Trường (53 tuổi), công tác tại TAND huyện Bình Chánh, người được ví là đại sứ tuyên truyền pháp luật ở TP.HCM.
Khác với bản tính nghiêm nghị khi ở bàn chủ tọa, Thẩm phán Trường ngoài đời rất vui vẻ, hòa đồng và là người hài hước, dí dỏm. Có lẽ, chính phong thái lạc quan, hoạt ngôn đã giúp vị Thẩm phán này trở thành người truyền cảm hứng cho người nghe trong các buổi tuyên truyền pháp luật của mình.
Thẩm phán Lại Phước Trường vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ
Chia sẻ về cơ duyên gắn bó với hoạt động tuyên truyền pháp luật, Thẩm phán Trường cho biết, trước đây khi ông tham gia ban đại diện cha mẹ học sinh ở trường học của con, nhà trường tổ chức chuyên đề về kỹ năng sống cho học sinh, các chuyên đề phải mời báo cáo viên rất tốn chi phí. Trong khi kinh phí cho hoạt động này không có, từ đó ông suy nghĩ mình nên tự làm việc này cho nhà trường với trình độ hiểu biết của bản thân.
Ngoài công tác là Thẩm phán, ông cũng thỉnh thoảng tham gia giảng dạy nên đã mạnh dạn đề xuất với Ban giám hiệu cho ông được tự nghiên cứu xây dựng đề cương tuyên truyền với các chủ đề theo đề nghị của nhà trường như việc phòng, chống bạo lực học đường, Phòng chống tác hại ma túy, hình phạt đối với trẻ em vị thành niên, tùy theo yêu cầu của nhà trường, hay chuyên đề về “Tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ trong thời đại ngày nay”.
Thông qua vài lần thực hiện thấy hiệu quả tốt, được các em học sinh, thầy cô và phụ huynh đồng tình ủng hộ.
Từ thực tiễn đó, Thẩm phán Trường mạnh dạn đề xuất với nhà trường để ông trực tiếp viết bài và tuyên truyền pháp luật cho học sinh. Kể từ đó, ông dành thời gian nghiên cứu thêm, đọc các tài liệu liên quan đến nội dung yêu cầu của chuyên đề xây dựng kịch bản riêng cho mình thành từng chuyên đề.
Đến nay ông đã xây dựng gần 20 chuyên đề về các thể loại tuyên truyền khác nhau theo từng thời điểm, như ngày Phòng, chống ma túy quốc gia, Ngày Pháp luật Việt Nam (9/1), ông đều có chuyên đề riêng, mỗi chuyên đề gắn nội dung yêu cầu của chuyên đề phải có căn cứ pháp lý, quy định pháp luật chuyên ngành và Hiến pháp.
Tùy thuộc vào nội dung, đối tượng người nghe mà xây dựng bài nói, tuyên truyền sao cho phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi như các em học sinh, các em học phổ thông hoặc học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; các hội phụ nữ.… các ban ngành về tuyên truyền Luật Đất đai năm 2013; chuyên đề về “Phòng, chống bạo lực học đường, Phòng, chống ma túy cho lứa tuổi học sinh”; chuyên đề về “Luật Hôn nhân và gia đình, Phòng, chống bạo lực gia đình”…
Thẩm phán Lại Phước Trường giao lưu, trao đổi trực tiếp với học sinh tại buổi tuyên truyền pháp luật
Trong các buổi tuyên truyền của Thẩm phán Trường, hầu hết mọi người đều tập trung cao độ, theo dõi từng lời nói, cử chỉ của ông bởi cách tuyên truyền của ông không rập khuôn lý thuyết mà chú trọng “người thật, việc thật” thông qua câu chuyện thực tế diễn đạt làm sao đến người nghe hiểu nhanh nhất có thể và nhận thức được hành vi nào là sai trái nguy hiểm cho xã hội.
Khi thấy người nghe hiểu và chia sẻ được, ông vui quên đi mệt mỏi. Ông tâm niệm “đem kiến thức pháp luật đến với mọi người, mọi nơi khi cần là hạnh phúc”.
Suốt nhiều năm qua, ông luôn cố gắng thực hiện tốt hoạt động tuyên truyền mỗi khi nhận được yêu cầu và được sự cho phép của lãnh đạo cơ quan.
Ngoài ra trong công tác chuyên môn việc phân tích pháp luật và phổ biến pháp luật thông qua hoạt động xét xử trong từng vụ án cũng là vấn đề quan trọng, giúp ông đã từng giải quyết được rất nhiều vụ án khó phức tạp một cách hiệu quả cao.
Đặc biệt, ông quan tâm đến việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua công tác hòa giải, đối thoại trong các lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và hành chính nên tỷ lệ án hòa giải thành công rất cao.
Ông tâm sự “Tôi công tác trong Tòa án đã 27 năm, với trình độ chuyên môn là Thạc sĩ, giảng viên, công việc Thẩm phán ngày càng cao, áp lực lớn. Hầu hết thời gian là dành cho công tác chuyên môn, riêng ngày cuối tuần còn tham gia nhiều hoạt động khác, như thỉnh giảng. Khi có yêu cầu về việc “Tuyên truyền pháp luật” thì luôn ưu tiên trên hết, tôi chưa bao giờ từ chối khi được mời”.
Thẩm phán Trường luôn nhận được sự động viên, khích lệ từ các em học sinh, thầy cô và phụ huynh
Với những thành tích đã đạt được, ông được nhận nhiều bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương của Toà án và các cơ quan, đơn vị khác trên địa bàn TP.HCM.
Đặc biệt, năm 2022, ông là một trong 6 cá nhân tiêu biểu của toàn quốc được vinh dự nhận “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích xuất sắc theo chuyên đề, theo đợt thi đua 10 năm thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và 10 năm hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam. Thẩm phán Trường cũng là cá nhân duy nhất của hệ thống Tòa án nhận phần thưởng cao quý này.
Nhận xét về Thẩm phán Lại Phước Trường, bà Hồ Thị Thanh Loan, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chánh án TAND huyện Bình Chánh cho biết, Thẩm phán Trường là người cầu tiến, có tinh thần trách nhiệm cao, ham học hỏi, không ngừng hoàn thiện bản thân để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đặc biệt Thẩm phán Trường luôn tích cực, chủ động, hoàn thành chỉ tiêu về số lượng và chất lượng giải quyết án theo quy định của ngành.
“Thẩm phán Trường có nhiều đóng góp và cống hiến trong việc tuyên truyền pháp luật ở nhiều lĩnh vực thuộc các địa bàn khác nhau, được nhiều cơ quan, đơn vị đánh giá cao”, bà Loan nhận định.
Trước khi về công tác tại TAND huyện Bình Chánh, Thẩm phán Trường từng công tác tại TAND quận 1, TAND quận Bình Tân, TAND huyện Củ Chi. Bất kỳ ở đơn vị công tác nào ông luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.
Quang Trung – Kim Sáng
https://congly.vn/vi-tham-phan-dam-me-tuyen-truyen-phap-luat-404682.html