(TVPLO) – Việc cấp lại chứng chỉ hành nghề luật sư không thể đánh giá chính xác năng lực, kỹ năng nhưng đôi khi lại trở thành gánh nặng và hình thành sự đối phó.
Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Luật sư (mới). Trong đó, dự thảo đề cương của dự luật đã bổ sung quy định chứng chỉ hành nghề luật sư có thời hạn 5 hoặc 10 năm và có thể được xem xét gia hạn hoặc cấp lại khi đủ điều kiện quy định (Điều 17).
Tuy nhiên, đề xuất này nên được cân nhắc và đánh giá tác động kỹ hơn.
Chứng chỉ hành nghề luật sư hiện có giá trị vô hạn?
Luật Luật sư 2006 (sửa đổi, bổ sung 2012) quy định việc hành nghề luật sư phải có chứng chỉ hành nghề luật sư. Chứng chỉ hành nghề luật sư do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định cấp khi người đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư có hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ.
Trong khi đó, thẻ luật sư sẽ do Liên đoàn luật sư Việt Nam cấp khi người có chứng chỉ hành nghề luật sư đề nghị gia nhập một Đoàn luật sư để hành nghề luật sư.
Như vậy, chứng chỉ hành nghề luật sư là giấy chứng nhận của Nhà nước về quyền hành nghề luật sư của người được cấp chứng chỉ, còn thẻ luật sư là giấy chứng nhận tư cách thành viên Đoàn luật sư của người được cấp thẻ.
Các luật sư trong những phiên đại án tại TAND TP.HCM. Ảnh: PLO
Luật Luật sư 2006 cũng quy định các trường hợp thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư (Điều 18) như trường hợp thôi hành nghề luật sư theo nguyện vọng; bị kết án mà bản án đã có hiệu lực pháp luật; mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; không gia nhập một Đoàn luật sư nào trong thời hạn hai năm, kể từ ngày được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư…
Nhìn chung, đây là những trường hợp không còn thỏa mãn các điều kiện để hành nghề luật sư, không thực tế hành nghề luật sư hoặc không còn muốn hành nghề luật sư… Khi bị thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư thì đương nhiên không thể tiếp tục công việc luật sư.
Như vậy, trừ các trường hợp bị thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư thì có thể hiểu chứng chỉ hành nghề luật sư có giá trị vô thời hạn. Do đó, dự thảo luật cần cân nhắc khi đưa ra quy định “chứng chỉ hành nghề luật sư có thời hạn 5 hoặc 10 năm và có thể được xem xét gia hạn hoặc cấp lại khi đủ điều kiện”.
Cần phải đánh giá tác động trước khi ban hành
Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì trước khi ban hành một vấn đề pháp lý mới thì cần phải đánh giá tác động. Nếu hiện thực hóa nội dung trên thì hơn 17.000 luật sư (tính đến ngày 31-12-2022, theo báo cáo của Liên Đoàn Luật sư Việt Nam) đang hành nghề ổn định tại Việt Nam hiện nay sẽ chịu sự tác động của quy định này.
Trên thế giới, không phải quốc gia nào cũng quy định về vấn đề thời hạn của chứng chỉ hành nghề luật sư. Tiêu biểu, một quốc gia có số lượng luật sư lớn như Hoa Kỳ với các yêu cầu rất khắt khe khi hành nghề thì cũng không có quy định áp dụng thống nhất cho cả 50 bang về vấn đề thời hạn của chứng chỉ hành nghề luật sư.
Nói cách khác, tùy bang sẽ có quy định khác nhau về thời hạn của chứng chỉ hành nghề luật sư và thời hạn cụ thể. Do đó, vấn đề quy định thời hạn của chứng chỉ hành nghề luật sư là do pháp luật mỗi quốc gia quy định dựa trên cân nhắc nhiều yếu tố chứ thông lệ quốc tế không có sự bắt buộc.
Cũng theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì khi ban hành văn bản, phải đánh giá đến tính hiệu quả về kinh tế, xã hội. Nếu quy định 5 năm phải cấp lại chứng chỉ hành nghề luật sư và giả sử cứ mỗi chứng chỉ cấp lại với chi phí 100.000 đồng thì với hơn 17.000 luật sư số tiền tiêu tốn sẽ lên đến hơn 1,7 tỷ đồng. Đó là chưa kể đến các nguồn nhân lực, vật lực đầu tư cho máy móc, thiết bị, mẫu đơn để cấp lại chứng chỉ hành nghề luật sư. Đây là một khoản chi phí rất lớn và cần được cân nhắc.
Ngoài ra, dự thảo cho rằng việc cấp lại chứng chỉ hành nghề luật sư sẽ giúp rà soát tránh hiện tượng luật sư “ảo” không hành nghề. Tuy nhiên, cần lưu ý là hiện nay Luật Luật sư 2006 đã có quy định thu hồi chứng chỉ luật sư trong trường hợp không gia nhập một Đoàn luật sư nào trong thời hạn hai năm hoặc không làm việc theo hợp đồng lao động cho một tổ chức hành nghề luật sư hoặc đăng ký hành nghề với tư cách cá nhân trong thời hạn ba năm.
Thiết nghĩ, những quy định này cũng đã đủ sức hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng luật sư “ảo” không hành nghề. Vấn đề thực tiễn cần đặt ra là xây dựng cơ sở hạ tầng giúp quản lý, phát hiện và xử lý tình trạng luật sư “ảo” không hành nghề chứ không phải ban hành một quy định mới rồi đi vào vết xe đổ là không thể quản lý.
Luật sư giỏi hay dở hãy để cho xã hội, thân chủ, khách hàng, Đoàn Luật sư đánh giá.
Bổ nhiệm thẩm phán “trọn đời”, luật sư cũng cần áp dụng
Nếu quy định chứng chỉ luật sư có thời hạn thì luật sư sẽ phải “e dè” hơn khi hành nghề, nhất là khi sắp đến kỳ “gia hạn hoặc cấp lại chứng chỉ hành nghề”. Bởi quá trình đi “cãi”, dù làm đúng, bào chữa, bảo vệ theo khuôn khổ pháp luật nhưng thì hình ảnh của họ sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều trong mắt những người trái quan điểm, mà trong đó có thể bao gồm những người có thẩm quyền gia hạn chứng chỉ.
Đây là bất lợi trong hành nghề luật sư, ảnh hưởng đến việc chảy máu chất xám, phí phạm nguồn lực…
Có thể thấy ở ngạch thẩm phán, TAND Tối cao sửa đổi Luật Tổ chức TAND theo hướng sau nhiệm kỳ đầu 5 năm, thẩm phán sẽ được bổ nhiệm lại suốt đời (nếu không vi phạm) nhằm loại trừ yếu tố “trả thù”. Bởi việc không được tiếp tục tái bổ nhiệm là một nỗi lo rất lớn khiến thẩm phán khó có thể độc lập khi xét xử, không thể yên tâm công tác, phụng công thủ pháp.
Thiết nghĩ, cách thức xây dựng đội ngũ thẩm phán như trên cũng cần áp sang cả đối tượng là các luật sư. Họ cần được trao cơ chế tự chủ trong hoạt động nghề nghiệp trong bối cảnh Nhà nước đang khuyến khích tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
TS CAO VŨ MINH, TRƯỜNG ĐH KINH TẾ – LUẬT, ĐHQG TP.HCM
https://plo.vn/luat-su-gioi-hay-do-hay-de-cho-khach-hang-xa-hoi-danh-gia-post792685.html#792685%7Czone-box-home-114%7C0