(TVPLO) – Trong những ngày gần đây, nhiều độc giả và doanh nghiệp đã gửi thư đến Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC); Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE) và Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam yêu cầu hỗ trợ tham vấn pháp lý liên quan đến việc Youtuber đăng tin sai sự thật khi đang ở nước ngoài và quảng cáo sai sự thật, quá đà sẽ bị xử lý như thế nào…?
Dưới góc độ pháp lý, TS. Hồ Minh Sơn dẫn chứng ví dụ điển hình và phân tích các yếu tố pháp lý liên quan, cụ thể sau: Hiện có rất nhiều YouTuber người Việt Nam theo Đoàn bộ hành đi Ấn Độ để ghi lại hành trình trên đường. Thế nhưng, có một số YouTuber được cho là đăng tin sai sự thật, giật tít, câu view, ghim số tài khoản để nhận tiền hỗ trợ. Trong nhóm này có một YouTuber vừa đạt 1 triệu lượt người đăng ký, đồng thời cũng có nhiều video đạt triệu view. Đồng thời, trong những ngày gần đây, qua theo dõi báo chí liên quan đến câu chuyện lùm xùm về việc Tiktoker Hằng Du Mục (Nguyễn Thị Thái Hằng, 30 tuổi), Vlogger Phạm Quang Linh (Quang Linh Vlogs, 28 tuổi) và hoa hậu Thùy Tiên (Nguyễn Thúc Thùy Tiên, 27 tuổi) livestream quảng cáo sản phẩm kẹo rau củ Kera do Công ty Cổ phần Asia Life và Công ty Cổ phần Tập đoàn Chị em Rọt phối hợp sản xuất, phân phối trên thị trường thu hút sự quan tâm lớn của dư luận. Nhiều người chỉ ra sản phẩm Kẹo rau củ Kera có chất lượng, hàm lượng chất xơ không đúng với nội dung quảng cáo và khẳng định nội dung quảng cáo là “quá lố”, sai sự thật.
Trường hợp thứ nhất: Yếu tố pháp lý liên quan YouTuber đăng tin sai sự thật đang ở nước ngoài bị xử lý thế nào?
Cụ thể, YouTuber đạt triệu lượt đăng ký đã đăng tải nhiều video công kích, xâm phạm đời tư cá nhân của nhiều người khác tại Malaysia. Đặc biệt, YouTuber này lợi dụng quyền tự do dân chủ để vu khống, quy chụp, đưa thông tin chưa kiểm chứng lên mạng xã hội làm nhiều người bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo độc giả hỏi: Nếu xác minh cho thấy, YouTuber đưa thông tin lên mạng sai sự thật đang ở nước ngoài, liệu cơ quan chức năng sẽ giải quyết, xử lý như thế nào?
Căn cứ theo Điều 331, Điều 156 hoặc Điều 288 Bộ luật Hình sự, đối với hành vi đưa thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống cá nhân, hoạt động kinh doanh của tổ chức thì có thể bị tội.
Vì vậy, hành vi đưa thông tin trên không gian mạng phải tuân thủ quy định của Luật An ninh mạng và các văn bản pháp luật có liên quan. Qua đó, bất kỳ tổ chức, cá nhân nào đưa thông tin sai sự thật trên không gian mạng mà là người Việt Nam, thực hiện hành vi trên lãnh thổ Việt Nam hoặc ở nước ngoài nhưng đưa thông tin sai sự thật về người Việt Nam, tổ chức cá nhân ở Việt Nam thì đều có thể bị áp dụng pháp luật Việt Nam để xử lý.
Theo đó, nếu có đơn khởi kiện hoặc xét thấy cần thiết thì cơ quan chức năng sẽ làm rõ nguồn tin từ tài khoản nào, xác định hành vi chia sẻ, đưa thông tin sai sự thật của các tổ chức cá nhân để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp kết quả xác minh người đưa thông tin sai sự thật đang ở nước ngoài, cơ quan chức năng cũng sẽ liên hệ, mời, triệu tập về Việt Nam để giải quyết; hoặc ủy thác cho cơ quan tư pháp Việt Nam ở nước ngoài; hoặc đề nghị nước sở tại phối hợp theo Hiệp định tương trợ tư pháp; hoặc theo hình thức ngoại giao để làm rõ xử lý theo quy định của pháp luật.
Đối với hành vi đưa tin sai sự thật thực hiện ở Việt Nam hoặc đối với tổ chức, cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài, hoặc có liên quan đến tổ chức cá nhân ở Việt Nam sẽ được áp dụng theo pháp luật Việt Nam và áp dụng bằng chế tài hành chính hoặc hình sự. Tùy thuộc vào nội dung thông tin sai sự thật và hậu quả do hành vi đưa thông tin sai sự thật gây ra.
Điển hình, trường hợp hành vi đưa thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống cá nhân, đến sức khỏe danh dự nhân phẩm của công dân hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, gây ra dư luận xấu thì người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội: Tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự, hoặc tội “Vu khống” theo Điều 156 Bộ luật Hình sự, hoặc tội “Đưa thông tin trái phép trên mạng internet” theo Điều 288 Bộ luật Hình sự.
Căn cứ theo quy định tại Nghị định số 15/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện. Trong trường hợp hành vi chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng, người thực hiện hành vi này cũng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt có thể đến 30 triệu đồng.
Căn cứ theo quy định tại Điều 592 của Bộ luật Dân sự năm 2015, người bị đưa thông tin sai sự thật có thể yêu cầu người thực hiện hành vi bồi thường thiệt hại do danh dự nhân phẩm uy tín bị xâm phạm.
Đối với những người chia sẻ thông tin sai sự thật cũng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Nếu hành vi là cố ý, biết rõ thông tin là giả, sai sự thật nhưng vẫn cố tình đưa tin thì có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự tùy thuộc vào nhận thức và hậu quả của hành vi.
Có thể thấy, nhu cầu xem và tạo video ở Việt Nam thời gian qua hiện tăng trưởng mạnh. Theo thống kê của YouTube, Việt Nam hiện có hơn 400 kênh trên một triệu lượt đăng ký. Bên cạnh các kênh YouTube với nội dung hữu ích, nhiều kênh bị đánh giá là nhảm nhí, có thể ảnh hưởng xấu đến người xem.
Trường hợp thứ hai: Quảng cáo quá đà, sai sự thật, có thể xem xét trách nhiệm hình sự
Trong những ngày gần đây, liên quan câu chuyện lùm xùm về việc Tiktoker Hằng Du Mục (Nguyễn Thị Thái Hằng, 30 tuổi), Vlogger Phạm Quang Linh (Quang Linh Vlogs, 28 tuổi) và hoa hậu Thùy Tiên (Nguyễn Thúc Thùy Tiên, 27 tuổi) livestream quảng cáo sản phẩm kẹo rau củ Kera do Công ty Cổ phần Asia Life và Công ty Cổ phần Tập đoàn Chị em Rọt phối hợp sản xuất, phân phối trên thị trường thu hút sự quan tâm lớn của dư luận. Trong đó, nhiều người chỉ ra sản phẩm Kẹo rau củ Kera có chất lượng, hàm lượng chất xơ không đúng với nội dung quảng cáo và khẳng định nội dung quảng cáo là “quá lố”, sai sự thật.
Tiếp nhận thông tin, các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Công thương và Bộ Y tế đã được chỉ đạo để xác minh, làm rõ chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm này. Công an tỉnh Đắk Lắk cũng tiến hành kiểm tra hoạt động sản xuất của Công ty Asia Life tại TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) còn đại diện Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết cũng sẽ xử phạt các cá nhân trên về hành vi quảng cáo sai sự thật.
Độc giả đặt câu hỏi: Với việc hàng loạt cơ quan chức năng cùng vào cuộc, các tổ chức, cá nhân liên quan có thể bị xử lý ra sao theo quy định pháp luật?
Căn cứ theo Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015, ngoài việc xử phạt hành chính, người có hành vi quảng cáo sai sự thật nếu tiếp tục tái phạm có thể bị xử lý hình sự về tội Quảng cáo gian dối.
Có thể thấy, việc quảng cáo thiếu chọn lọc, không chính xác đối với các sản phẩm trên không gian mạng đang diễn ra theo chiều hướng phức tạp hóa, tác động tới nhiều người và tiềm ẩn những hệ lụy tiêu cực tới xã hội. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm tới nay vẫn chưa đủ triệt để, chưa đủ tính răn đe, cảnh tỉnh.
Điển hình, tình trạng quảng cáo quá đà, sai sự thật hiện còn gia tăng khiến việc xử lý gặp khó khăn, dù pháp luật đã có quy định đầy đủ chế tài đối với hành vi này.
Căn cứ theo Điều 8 Luật Quảng cáo 2012, các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động quảng cáo bao gồm quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục cấm quảng cáo; thiếu thẩm mỹ, trái truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam; xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân hay quảng cáo không đúng, gây nhầm lẫn về chất lượng, giá, công dụng… của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố…
Căn cứ theo khoản 1, Điều 10 Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2023, tổ chức, cá nhân kinh doanh không được phép lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua việc cung cấp thông tin sai lệch, không đầy đủ, không chính xác về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh bán, cung cấp.
Do đó, đối chiếu các quy định của pháp luật, việc các nghệ sĩ, người nổi tiếng hay KOLs quảng cáo “quá lố”, sai sự thật về các sản phẩm là hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo, bảo vệ người tiêu dùng và có thể bị áp dụng các chế tài xử lý theo quy định của pháp luật.
Căn cứ theo khoản 5 Điều 34 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ, người có hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về chất lượng, công dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố có thể bị áp dụng mức phạt tiền 60-80 triệu đồng. Còn theo khoản 4, Điều 5 Nghị định này, mức phạt đối với tổ chức vi phạm sẽ bằng 2 lần mức phạt trên, tức 120-160 triệu đồng.
Trong trường hợp tổ chức, cá nhân đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này nhưng vẫn tiếp tục tái phạm, họ có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội Quảng cáo gian dối theo Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015. Mức phạt đối với tội danh này là phạt tiền 10-100 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị xử phạt bổ sung với số tiền 5-50 triệu đồng và cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm.
Tin rằng, Công ty Asia Life, cơ quan chức năng sẽ tiến hành kiểm tra, làm rõ nhiều vấn đề như quy trình sản xuất sản phẩm ra sao, đã đảm bảo quy định về an toàn thực phẩm hay chưa, có dấu hiệu của việc gian dối, lừa dối khách hàng hay phối hợp, giúp sức cho hoạt động quảng cáo gian dối hay không…Từ kết quả xác minh sơ bộ, các cơ quan quản lý có thẩm quyền sẽ tiếp tục giải quyết theo quy định của pháp luật.
CTVTVPL Bùi Văn Hải – Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm