(TVPLO) – Ngày 19/03/2025, Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) phối hợp Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE) tổ chức buổi tham vấn pháp lý cho các doanh nghiệp thành viên Câu lạc bộ Doanh nghiệp IMRIC – IRLIE cùng các độc giả.
Tại buổi tham vấn pháp lý, các doanh nghiệp và độc giả đã trao đổi với các luật gia, luật sư, các tư vấn viên pháp luật. Đặc biệt, xoay quanh hai trường hợp được nhiều người sử dụng mạng xã hội quan tâm, như: Thứ nhất vụ ‘1 viên kẹo Kera bằng đĩa rau’ sẽ bị sử lý ra sao…Thứ hai vụ hai người phụ nữ tạo dáng trên đường ray dù tàu hỏa đang di chuyển đến gần đang gây xôn xao dư luận có thể sẽ bị xử lý thế nào?
Dưới góc độ pháp lý, TS. Hồ Minh Sơn đã trực tiếp dẫn chứng và phân tích, tham vấn pháp lý cụ thể như sau:
Trường hợp thứ nhất: Yếu tố pháp lý về việc vụ ‘1 viên kẹo bằng đĩa rau’ như thế nào?
Điển hình, về việc lập biên bản xử phạt hành chính với Phạm Quang Linh (Quang Linh Vlogs) và Nguyễn Thị Thái Hằng (Hằng Du Mục) vì quảng cáo không đúng, gây nhầm lẫn về chất lượng kẹo rau củ Kera, có thể bị xử phạt 60 – 80 triệu đồng theo quy định tại Nghị định 38 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo. Cạnh đó, những biện pháp xử phạt bổ sung có thể được áp dụng.
Căn cứ theo Nghị định 147 của Chính phủ, cần phải nhắc nhở chú ý hơn trong việc tuân thủ các quy định pháp luật về quảng cáo và các quy định cung cấp thông tin trên mạng đối với Hoa hậu Thùy Tiên.
Hiện nay, pháp luật đã có một số quy định điều chỉnh việc người nổi tiếng quảng cáo trên mạng. Trong đó, phải thông báo trước cho người tiêu dùng về việc mình được tài trợ để cung cấp thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Bảo đảm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp và chương trình đánh giá, xếp hạng liên quan (nếu có). Chịu trách nhiệm liên đới về việc cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.
Có thể thấy, trong thời đại 4.0 và kỷ nguyên AI, người tiêu dùng không nên chỉ phụ thuộc vào pháp luật để bảo vệ mình mà hãy trở thành người tiêu dùng thông thái bằng cách chủ động tự tìm hiểu kiến thức liên quan đến sản phẩm mình có ý định mua và sử dụng, nhất là các sản phẩm liên quan đến sức khỏe. Sự thông thái của người tiêu dùng tạo ra áp lực cho người bán hàng phải công khai, minh bạch, thậm chí chứng minh những thông tin quảng cáo là đúng sự thật; báo cáo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những hành vi sai phạm của người bán hàng trên mạng…
Trường hợp thứ hai: Vấn đề pháp lý vụ 2 người phụ nữ tạo dáng trên đường ray, xử lý như thế nào?
Điển hình, một video lan truyền trên mạng xã hội vào ngày 15/03/2025 cho thấy hai phụ nữ tạo dáng chụp ảnh trên đường ray khi tàu hỏa đang tiến đến chỉ còn cách 10m. Bất chấp còi tàu liên tục, họ vẫn không di chuyển cho đến khi tàu chỉ còn cách 5 mét.Nhân viên lái tàu đã hắt nước để bày tỏ sự bức xúc.
Dưới góc độ pháp lý, hình ảnh hai người phụ nữ trong clip đùa giỡn trước mũi tàu đường sắt là hành vi rất phản cảm, thể hiện ý thức coi thường pháp luật, mặc dù chưa gây tai nạn nghiêm trọng nhưng gây nguy cơ mất an toàn đường sắt, gây rối trật tự công cộng, đây là hành vi vi phạm pháp luật nên sẽ bị xem xét xử lý kỷ bằng chế tài nghiêm khắc.
Được biết, cơ quan chức năng hiện đang vào cuộc xác minh làm rõ danh tính của hai người phụ nữ này, làm rõ động cơ mục đích, khả năng nhận thức, ý thức của hai người phụ nữ này để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật. Hành vi đi phải đứng trên đường sắt như hai người phụ nữ trong clip là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm điều cấm của luật đường sắt nên những người này sẽ phải chịu chế tài hành chính hoặc chế tài hình sự tùy thuộc vào tính chất của hành vi, động cơ mục đích, nhận thức và phụ thuộc vào hậu quả đã gây ra.
Căn cứ theo quy định tại điều 49 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định hợp nhất số 03 năm 2022 của Chính phủ) với mức xử phạt từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng. Trong khi đó, nếu đã bị xử phạt vi phạm hành chính rồi mà còn vi phạm hoặc nếu gây ra tai nạn thì hoàn toàn có thể bị xử lý hình sự về tội vi phạm quy định an toàn đường sắt.
Mặt khác, căn cứ theo quy định tại điều 7, Nghị định 144 của chính phủ thì hành vi này cũng được xác định là hành vi gây rối trật tự công cộng nên người vi phạm cũng có thể bị xem xét xử lý về hành vi gây rối trật tự công cộng. Vì vậy, sự việc của hai người phụ nữ trong clip nêu trên, chắc chắn cơ quan chức năng sẽ làm rõ danh tính, hành vi, vấn đề nhận thức, động cơ mục đích và hậu quả của sự việc để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật, tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra. Song song đó,hành vi vi phạm như thế này cần phải xử lý nghiêm để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.
CTVTVPL Bùi Văn Hải (Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm)