(TVPLO) – Trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, doanh nghiệp Việt Nam buộc thích ứng trước nhiều cơ hội và không ít những thách thức. Do vậy, chuyển đổi số là yêu cầu, xu hướng tất yếu, khách quan để cộng đồng doanh nghiệpđứng vững và phát triển.
Chuyển đổi số doanh nghiệp trong năm 2023 với mục tiêu thích ứng với nhu cầu ngày càng cao của khách hàng và thúc đẩy tăng trưởng bền vững, hiệu quả. Ảnh minh họa
Nói về điều này, Tiến sĩ Hồ Minh Sơn – Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLPIE), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC), Đại diện Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống phía Nam, Giám đốc Chi nhánh số 1 (Trung tâm tư vấn pháp luật tại TP.HCM) cho rằng doanh nghiệp cần phải xây dựng một chiến lược chuyển đổi số tối ưu, tập trung vào những mục tiêu trọng tâm, giải quyết những bài toán cốt lõi thay vì đầu tư dàn trải. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần sớm hoạch định chiến lược và nhận ra nhằm tránh những cái ‘bẫy’ trong hành trình chuyển đổi số…
Có thể khẳng định, dưới sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, vấn đề sống còn đối với các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp và người tiêu dùng trên toàn thế giới. Nhất là ngay sau sự ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Những sự thay đổi to lớn về năng suất lao động, nhu cầu, tâm lý, thói quen của người dùng và các mô hình sản xuất, kinh doanh mới đang được hình thành cho thấy vai trò và tác động to lớn của chuyển đổi số đến đời sống xã hội và mọi ngành nghề hiện nay.
Như vậy, chuyển đổi số trong doanh nghiệp có thể hiểu là quá trình thay đổi mô hình cũ, mô hình truyền thống sang dạng doanh nghiệp số, dựa trên những ứng dụng công nghệ mới, như: Big data, IoT, điện toán đám mây,… nhằm thay đổi phương thức điều hành, quy trình làm việc và văn hóa lao động trong doanh nghiệp. Mục đích mà các doanh nghiệp chuyển đổi số thường hướng tới bao gồm: Tăng tốc độ thị trường, tăng vị trí cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng doanh thu, tăng năng suất lao động, mở rộng khả năng thu hút và giữ chân khách hàng.
Tiến sĩ Hồ Minh Sơn nhận định, nhiều doanh nghiệp đang đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số để tăng tốc phát triển, nâng cao lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào chuyển đổi cũng thành công. Trước đó, Forbes từng đánh giá rủi ro thất bại trong chuyển đổi kỹ thuật số của các doanh nghiệp là khá cao, lên đến 84%, trong khi các tổ chức nghiên cứu như McKinsey, BCG, KPMG và Bain & Company đánh giá nguy cơ thất bại trong chuyển đổi kỹ thuật số của các doanh nghiệp là từ 70 đến 95%. Tại Việt Nam, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA)vừa công bố báo cáo với con số gần 90%.
Việt Nam hiện đang từng bước xây dựng và áp dụng hệ thống các chính sách phù hợp với xu hướng chuyển đổi số trong doanh nghiệp hiện nay. Trong đó, cũng khuyến khích các ngành nghề, doanh nghiệp, làng nghề áp dụng chuyển đổi số, nhất là chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng, giáo dục, truyền thông,…Cùng với đó, Việt Nam đang trong quá trình xây dựng và đẩy mạnh thực thi chiến lược chuyển đổi số quốc gia nhằm định hướng sự phát triển kinh tế – xã hội số. Trên cơ sở đó, xây dựng các chiến lược chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng doanh nghiệp,… góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa và tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó Nhà nước – doanh nghiệp – trường đại học, viện nghiên cứu giữ vai trò nòng cốt.
Tiến sĩ Hồ Minh Sơn cho biết quá trình chuyển đổi số, các doanh nghiệp mắc phải một số “bẫy” khi áp dụng quá nhiều công cụ mà chưa đánh giá đúng mức độ phù hợp và hiệu quả, gây lãng phí, cũng như thu thập dữ liệu mà không thể sử dụng để gia tăng giá trị cho đơn vị. Không những thế, nhiều doanh nghiệp khi mới áp dụng một phần công nghệ nhưng đã lầm tưởng hoàn thành lộ trình chuyển đổi.
Theo Tiến sĩ Hồ Minh Sơn khuyến nghị có 4 cạm bẫy điển hình trong chuyển đổi số doanh nghiệp: Không đủ trọng tâm và không ưu tiên các nỗ lực chuyển đổi số; Thiếu kinh phí và thời hạn không thực tế; Dịch chuyển quá chậm; Sửa chữa những gì không bị hỏng. Mặt khác nêu, 6 xu hướng chuyển đổi số doanh nghiệp 2023: Chuyển đổi tập trung tối ưu chi phí; Xây dựng văn hóa doanh nghiệp phù hợp với làm việc từ xa; Tự động hóa trong vận hành; mã hóa người sử dụng cuối; Chuyển đổi số tập trung vào tính ổn định, bền vững; Tập trung vào trải nghiệm khách hàng và trải nghiệm nhân viên…
Năm 2023, là một năm sẽ đầy khó khăn và thách thức với hầu hết các doanh nghiệp trong nước. Áp lực từ lạm phát hay những tác động nặng nề từ cuộc khủng hoảng kinh tế được xem là những nguyên nhân chủ đạo gây ra những khó khăn không nhỏ dành cho doanh nghiệp. Ngoài ra, những ảnh hưởng tiêu cực trong chuỗi cung ứng và niềm tin của người tiêu dùng dần suy giảm đều cũng châm ngòi cho những thách thức chung của doanh nghiệp.
Theo Tiến sĩ Hồ Minh Sơn cho hay nhiều doanh nghiệp nên ưu tiên lựa chọn các giải pháp đơn giản với ít các tính năng mở rộng dẫn tới việc rất ít hoặc không thể đáp ứng các nhu cầu nâng cao của doanh nghiệp. Điều này có nghĩa phần mềm sẽ không thể đồng hành trong xuyên suốt vòng đời kinh doanh, bán hàng, để ngỏ khả năng xảy ra những thiếu sót, bất tiện trong quản lý. Đối với các doanh nghiệp trong quá trình mở rộng quy mô kinh doanh, sử dụng phần mềm kém hiệu quả có thể sẽ lãng phí thời gian, chi phí và công sức nhưng không đạt được các mục tiêu quan trọng đã đề ra. Cùng với đó, các doanh nghiệp quá quan tâm chú trọng công nghệ mà quên đi yếu tố văn hóa khi chuyển đổi số. Sự thất bại của các dự án này không phải vì năng lực của công nghệ thông tin mà vì tính thích ứng và sẵn sàng của tất cả các thành viên trong doanh nghiệp.
Song song với đó, Tiến sĩ Hồ Minh Sơn còn nếu thêm 4 vấn đề mà doanh nghiệp cần phải lưu ý: Lâu nay các doanh nghiệp thường cho rằng chuyển đổi số tức là chỉ số hóa là xong. Theo đó, doanh nghiệp ứng dụng phần mềm để số hóa một số khâu chính như kế toán tài chính, bán hàng, hoặc số hóa liên thông các hoạt động và coi như đã chuyển đổi số xong. Thế nhưng, chuyển đổi số không chỉ dừng ở số hóa. Các doanh nghiệp đã đầu tư cho công nghệ thông tin từ rất sớm, đầu tư số hóa nhiều hoạt động, nhưng vẫn không đạt được hiệu quả, tốc độ tăng trưởng không như mong muốn. Trên thực tế nhiều doanh nghiệp Việt Nam, kể cả những doanh nghiệp từng dẫn đầu trong ngành về công nghệ thông tin đã mắc “bẫy” này và hiện nay đang phải xây dựng lại chiến lược chuyển đổi số. Chuyển đổi số đã không còn là một xu hướng mới mẻ đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Doanh nghiệp hiện nay cần thích nghi nhanh chóng để bắt kịp với tốc độ phát triển của thị trường. Đặc biệt là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), ứng dụng các giải pháp phù hợp và hiệu quả sẽ là phương án tối ưu để xây dựng chiến lược chuyển đổi số tiết kiệm và hiệu quả; Các doanh nghiệp cho rằng chuyển đổi số gắn liền với công nghệ thông tin là chính. Do đó, nhiều doanh nghiệp đã giao nhiệm vụ này cho bộ phận phụ trách công nghệ thông tin thực hiện, là đầu mối duy nhất để chủ trì công việc chuyển đổi số; Không có sự tham gia nhất quán của ban lãnh đạo doanh nghiệp. Khi chuyển đổi số, những lãnh đạo doanh nghiệp này cho rằng để thực hiện không cần trực tiếp tham gia mà chỉ cần đồng thuận. Việc chuyển đổi số sẽ được giao hoặc ủy quyền xuống cấp dưới và như thế là đủ để “thu hoạch kết quả; Có rất nhiều doanh nghiệp coi chuyển đổi số là một đích đến. Điển hình, có doanh nghiệp còn đưa ra tiêu chí số hóa 100% quy trình nghiệp vụ, các công đoạn trong quản lý, quản trị và coi chuyển đổi số là để đạt mục tiêu đó.
Nhấn mạnh về 4 yếu tố trên, Tiến sĩ Hồ Minh Sơn nói rõ: “Như vậy, chương trình chuyển đổi số doanh nghiệp sẽ dậm chân tại chỗ, mất thời gian, tiền bạc và cơ hội. Việc này cho thấy, chuyển đổi số có rất nhiều khâu sẽ cần lãnh đạo trực tiếp chỉ huy, gắn liền với chiến lược kinh doanh, nên chỉ có lãnh đạo mới định hướng và đưa ra quyết định đúng đắn”.
Tuy nhiên, bản chất chuyển đổi số là hành trình không ngừng nghỉ, liên tục phải được điều chỉnh và luôn đi theo con đường phát triển của doanh nghiệp. Những doanh nghiệp thường mắc bẫy này khi chưa đặt ra một chiến lược dài hạn cho chuyển đổi số song hành với chiến lược phát triển mà lại coi đó là đích đến. Ở khung thời gian đã ấn định, có thể kế hoạch đã hoàn thành nhưng lại bỏ đó, các chương trình không được đo lường và phát triển tiếp, cuối cùng sẽ lạc hậu, gây lãng phí.
Cũng theo Tiến sĩ Hồ Minh Sơn dẫn chứng, rất nhiều doanh nghiệp cho rằng công nghệ thông tin là một khoản chi phí hoạt động kinh doanh chứ không coi là chi phí đầu tư; coi công nghệ thông tin chỉ phục vụ việc quản trị, quản lý mà không nhận ra nó thay đổi sâu rộng và tạo ra những mô hình kinh doanh mới. Trong đó, có 53% tổ chức đã bắt đầu triển khai tự động hóa quy trình bằng robot (RPA) và dự kiến sẽ tăng lên 72% trong vòng 2 năm tới do nhận thức được tiềm năng của RPA trong việc cải thiện hiệu quả vận hành, tối ưu chi phí của doanh nghiệp. Tính đến cuối năm 2023, 60% doanh nghiệp áp dụng xu hướng vận hành mới này sẽ vượt xa đối thủ tới 80% về tốc độ triển khai chuyển đổi số trong cuộc đua cạnh tranh.
Trong khi đó, Giảng viên Viện Quản trị & Công nghệ FSB; chuyên gia chuyển đổi số Rạng Đông, Viettel, PC1 Phạm Anh Tuấn phân tích, thực hiện chuyển đổi số không phải là một dự án có điểm đầu và điểm kết thúc mà là một hành trình. Theo đó, nhìn chung chuyển đổi số sẽ trải qua 5 giai đoạn. Giai đoạn đầu là tạo ra các nền tảng, bắt đầu tự động hóa các quy trình kinh doanh, vận hành bằng công nghệ thông tin. Sau đó, chương trình ứng dụng triển khai các dự án ở các bộ phận chức năng khác nhau như marketing, nhân sự, kế toán…Các chương trình chuyển đổi riêng lẻ hoặc từng bộ phận tạo ra các sản phẩm, phương thức vận hành ấn tượng nhưng tách biệt. Trong các giai đoạn tiếp theo của chuyển đổi số, các đơn vị sẽ thực hiện đồng bộ hóa từng phần và đồng bộ hóa toàn phần. Sau cùng, các doanh nghiệp tiến tới cất cánh, xây dựng văn hóa lâu dài, bền vững của sự tái tạo kỹ thuật số liên tục. Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn 1 hoặc 2 của quá trình chuyển đổi số. Có rất nhiều mô hình khác nhau về lộ trình chuyển đổi số được các doanh nghiệp đưa ra. Tuy nhiên, một lộ trình chuyển đổi số không xuất phát từ công nghệ mà từ mục tiêu phát triển, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp.
Như vậy, trong hoạt động của doanh nghiệp, có rất nhiều lĩnh vực ở dạng truyền thống “analog” nhưng vẫn tạo ra giá trị quan trọng, công nghệ khó thay thế. Do đó, các bộ phận khác nhau trong doanh nghiệp không nhất thiết phải số hóa đồng tốc mà tùy vào đặc thù, thực trạng, chức năng, nhiệm vụ, mức độ chuyển đổi số sẽ diễn ra khác nhau một cách linh hoạt. Một dự án chuyển đổi số không thành công không chỉ lãng phí nguồn lực và chi phí mà còn gây ảnh hưởng đến quá trình kinh doanh của một doanh nghiệp. Tiến sĩ Hồ Minh Sơn khuyến cáo, các doanh nghiệp cần có những bước đánh giá sự sẵn sàng để biết được đơn vị đã thật sự chuyển mình khi bắt đầu thực hiện chuyển đổi số chưa bởi đây là cả một hành trình thay đổi. Trong khi đó, các doanh nghiệp thường đầu tư nhiều cho vấn đề con người hơn là đầu tư công nghệ. Bởi công nghệ chỉ chiếm khoảng 30%, còn lại là thay đổi quy trình làm việc, văn hóa, tác phong, thói quen làm việc của cả bộ máy doanh nghiệp. Khẳng định, chuyển đổi số vượt ra ngoài vấn đề số hóa, bằng cách tạo ra sự thay đổi toàn diện đối với chiến lược kinh doanh của công ty. Sau triển khai xong ERP không có nghĩa là doanh nghiệp hoàn thành nhiệm vụ chuyển đổi số.
Khuyến cáo về vấn đề này, Tiến sĩ Hồ Minh Sơn cho rằng dù tài chính của doanh nghiệp có khó khăn, song các doanh nghiệp cũng cần phải đầu tư chọn lọc hơn. Dù khó khăn vẫn phải đầu tư, doanh nghiệp vẫn phải chuyển đổi số để không bị tụt hậu, bỏ lỡ cơ hội. Thế nhưng, hướng đầu tư sẽ thiên về liên quan đến kiểm soát thông tin và kiểm soát rủi ro. Chuyển đổi số sẽ giúp cho doanh nghiệp phản ứng nhanh hơn, linh hoạt hơn và kiểm soát rủi ro tốt hơn. Công nghệ là rất quan trọng nhưng không phải là yếu tố quyết định sự thành công của chiến lược chuyển đổi số. Thực tế cho thấy, để chuyển đổi số thành công, đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi nhận thức, tổ chức, thói quen làm việc, phương thức vận hành, người lãnh đạo số và văn hóa doanh nghiệp.
Để tránh bẫy, vượt qua các rào cản, Tiến sĩ Hồ Minh Sơn khẳng định doanh nghiệp cần thay đổi tư duy, luôn coi chuyển đổi số là “quá trình song hành với phát triển”. Doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ, từ những bước đầu tiên như định vị tầm nhìn, mục tiêu và đo lường toàn diện mức độ trưởng thành số.Đặc biệt, doanh nghiệp nên lựa chọn những đơn vị tư vấn độc lập có uy tín để hỗ trợ. Tin rằng, doanh nghiệp sẽ đi đúng hướng ngay từ đầu, có kết quả sớm, được đo lường và hiệu chỉnh hàng năm để đạt mục tiêu mong muốn.
Năm 2023, bài toán kinh doanh được doanh nghiệp vận dụng là tư duy dịch vụ, tư duy lấy khách hàng làm trung tâm được đưa vào các quy trình vận hành. Công nghệ giúp doanh nghiệp hiện thực hóa các bài toán và quy trình đó. Để rồi cùng với văn hóa phục vụ, công ty truyền tải cho khách hàng những trải nghiệm vượt trội. Chắc rằng, đến năm 2026, 60% doanh nghiệp lớn sẽ chuyển đổi mô hình kinh doanh của họ nhằm đạt được mục tiêu ủng hộ nhiệt tình từ nhân viên và xây dựng trải nghiệm khách hàng mang đẳng cấp thế giới.
Văn Hải – Trần Danh