(TVPLO) – Mới đây, rất nhiều độc giả và cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm đên việc mua bán vàng trên không gian mạng xã hội và nghĩa vụ chứng minh của đường sự trong tố tụng dân sự…Theo đó, đã gửi thư về Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE); Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam. Dưới góc độ pháp lý, TS. Hồ Minh Sơn đã có bài lạm bàn về hai vấn đề nêu trên…
Trường hợp thứ nhất: Mua bán vàng trên ‘chợ mạng’ – Vi phạm pháp luật, nhiều rủi ro rình rập
Điển hình, theo Công an TP Hà Nội thông tin, gần đây xuất hiện nhiều trường hợp khách hàng mua vàng trên mạng xã hội nhưng nhận được sản phẩm giả hoặc kém chất lượng. Qua đó, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.Hà Nội cũng vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can Lê Thị Thái, Chủ tịch Công ty cổ phẩn Trang sức Coco Lee Diamond Hà Nội (SN 1984, trú tại TP.HCM, hiện ở phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) để điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo cáo buộc của cơ quan điều tra, trong thời gian giá vàng tăng cao, bà Thái đã bán vàng thỏi giả cho khách hàng để chiếm đoạt tiền. Ngoài ra, bà Thái còn có dấu hiệu lừa đảo thông qua hình thức huy động vốn, sử dụng vàng giả (vàng thỏi và cây bonsai mạ vàng… ) làm tài sản đối ứng nhằm tạo niềm tin với khách hàng. Trước đó ngày 22/2, Công ty Bảo Tín Minh Châu cũng đưa ra cảnh báo về việc vàng nhẫn tròn trơn của thương hiệu này bị làm giả. Cụ thể, một trường hợp đã mua của người lạ trong nhóm Facebook một vỉ vàng nhẫn tròn trơn, trọng lượng 1 chỉ làm giả nhẫn tròn trơn vàng rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu, với giá rẻ hơn thị trường mà không có bất kỳ giấy tờ đảm bảo nào. Khi người mua đến bán vỉ nhẫn này tại một tiệm vàng ở Bắc Ninh, được kiểm tra, soi chiếu mới biết đó là vàng đã bị làm giả tem mác, chất liệu…
Có thể thấy, có nhiều nguyên nhân khiến thị trường vàng “chợ đen” vẫn hoạt động mạnh, đặc biệt khi giá vàng biến động. Nguyên nhân đầu tiên là chênh lệch giá giữa thị trường chính thức và “chợ đen”. Khi giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới hoặc có sự chênh lệch giữa các hệ thống kinh doanh được cấp phép, người dân tìm đến chợ đen để mua bán với giá tốt hơn.
Sau đó, hệ thống kinh doanh vàng chính thức còn hạn chế. Các doanh nghiệp hiện được cấp phép mới có thể kinh doanh vàng miếng, trong khi nhu cầu thực tế của người dân lại cao hơn số lượng cửa hàng được cấp phép. Đồng thời, tâm lý tích trữ vàng của người dân khi vàng từ lâu được coi là tài sản trú ẩn an toàn. Khi có biến động kinh tế, nhu cầu mua vàng tăng mạnh, kéo theo hoạt động mua bán ngoài luồng.
Do vậy, khi mua – bán vàng “sang tay”, người mua được lợi vài trăm đến 1 triệu đồng/lượng, nhưng tiềm ẩn nguy cơ mua phải vàng giả, vàng nhái, vàng kém chất lượng…Cạnh đó, đây cũng là hành vi vi phạm pháp luật khi vàng là mặt hàng Nhà nước quản lý rất kỹ lưỡng, chỉ được giao dịch ở những cơ sở được cấp phép.
Căn cứ theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ, chỉ các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp phép mới có quyền kinh doanh mua bán vàng miếng. Việc cá nhân hoặc tổ chức không được cấp phép thực hiện giao dịch vàng miếng là trái pháp luật.
Mặt khác, vàng giao dịch trên “chợ đen” có thể không rõ ràng về nguồn gốc, không đạt chuẩn chất lượng theo quy định của Nhà nước. Người mua rất dễ gặp tình trạng vàng kém tuổi, vàng giả hoặc vàng pha tạp chất, làm giảm giá trị thực tế của tài sản. Chưa kể việc không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ khiến người mua rất khó chứng minh quyền sở hữu hoặc khiếu nại nếu xảy ra tranh chấp.
Với việc mua bán qua “chợ đen” cũng khó kiểm soát giao dịch, tiềm ẩn nguy cơ trốn thuế. Lý do là các giao dịch vàng trên “chợ đen” không được kê khai thuế, gây thất thu ngân sách Nhà nước. Nếu mua vàng miếng từ các tổ chức, cá nhân không có giấy phép, người mua cũng có thể vô tình tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật.
Cũng theo Nghị định 88/2019, người dân mua bán vàng miếng với các đơn vị không có giấy phép kinh doanh vàng miếng bị phạt cảnh cáo hoặc 10-20 triệu đồng nếu vi phạm nhiều lần. Đối với doanh nghiệp, nếu mua bán vàng miếng nhưng không có giấy phép, họ có thể bị phạt 300-400 triệu đồng.
TS. Hồ Minh Sơn cũng khuyến nghị cần mở rộng hệ thống kinh doanh vàng hợp pháp; xem xét việc cấp phép thêm cho các doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện, giúp người dân tiếp cận kênh giao dịch chính thức dễ dàng hơn. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần siết chặt quản lý, xử phạt mạnh các trường hợp kinh doanh vàng trái phép. Đây là nâng cao nhận thức của người dân, tuyên truyền về rủi ro khi mua vàng “chợ đen” để người dân lựa chọn kênh giao dịch an toàn.
Mặc dù vậy, dù thị trường vàng chợ đen có thể mang lại lợi ích trước mắt về giá cả, nhưng rủi ro pháp lý và tài chính luôn rình rập. Người mua cần thận trọng, lựa chọn giao dịch tại các đơn vị được cấp phép để đảm bảo quyền lợi và tránh những rủi ro trên thị trường.
Trường hợp thứ hai: Nghĩa vụ chứng minh của đương sự trong tố tụng dân sự
Căn cứ theo Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) 2015 đã có quy định cụ thể về nghĩa vụ chứng minh của đương sự, tuy nhiên, không phải ai cũng nắm rõ quyền và nghĩa vụ của mình với tư cách là đương sự trong vụ án, vụ việc nên đã chậm trễ trong việc cung cấp chứng cứ, tài liệu. Đây có thể là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tồn đọng án, làm cho quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự chưa được bảo đảm, hiệu quả thực thi pháp luật chưa cao.
Theo khoản 1 Điều 91 BLTTDS 2015 quy định về nghĩa vụ chứng minh trong tố tụng dân sự: “Đương sự có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp…”.
Thế nhưng, thực tiễn hoạt động xét xử cho thấy nhận thức pháp luật của các bên đương sự tham gia vụ việc dân sự còn chưa đầy đủ, rõ ràng và việc thực hiện nghĩa vụ chưa đầy đủ, hoặc cố tình thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ chứng minh của mình, nhất là việc thu thập chứng cứ để chứng minh của đương sự khi chứng cứ đó không có sẵn mà ở các cơ quan quản lí nhà nước có thẩm quyền, hoặc đương sự không đủ điều kiện để thu thập chứng cứ, hay việc yêu cầu cung cấp chứng cứ của đương sự đối với các cơ quan có thẩm quyền hiện nay rất hạn chế… và nghĩa vụ chứng minh của bị đơn trong những trường hợp vừa nêu là rất khó khăn.
Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 97 BLTTDS 2015 thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình thu thập tài liệu, chứng cứ bằng biện pháp “yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cho sao chép hoặc cung cấp những tài liệu có liên quan đến việc giải quyết vụ việc mà cơ quan, tổ chức, cá nhân đó đang lưu giữ, quản lý”.
Cũng tại Điều 106 BLTTDS 2015 quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ cho đương sự trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu; trường hợp không cung cấp được thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người có yêu cầu” và “Trường hợp đương sự đã áp dụng các biện pháp cần thiết để thu thập tài liệu, chứng cứ mà vẫn không thể tự mình thu thập được thì có thể đề nghị Tòa án ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp cho mình hoặc đề nghị Tòa án tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự đúng đắn…”.
Căn cứ tại Điều 7 BLTTDS 2015 quy định “trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền” là một trong những nguyên tắc cơ bản của hoạt động tố tụng dân sự.Cùng đó, đôi khi trên thực tế, theo nguyên tắc đương sự có nghĩa vụ chứng minh thì Tòa án chỉ giải quyết vụ án dựa vào các chứng cứ mà các bên cung cấp. Bên nào không cung cấp hoặc cung cấp chứng cứ yếu hơn sẽ bị chịu bất lợi. Qua đó, đương sự cung cấp chứng cứ đến đâu Tòa án xét xử đến đó. Chân lý trong tố tụng dân sự luôn là chân lý cụ thể và tương đối. Khả năng chứng minh của bên nào cao hơn và thuyết phục hơn sẽ thắng cho dù sự thật diễn ra trên thực tế chưa chắc đã đúng là như vậy. Vấn đề tưởng như đơn giản, nhưng trên thực tế, các thẩm phán chưa được tập làm quen với cách phán xử như vậy”.
Căn cứ theo khoản 1 Điều 214 BLTTDS 2015, Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự khi “Cần đợi kết quả thực hiện ủy thác tư pháp, ủy thác thu thập chứng cứ hoặc đợi cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án mới giải quyết được vụ án”.
Vì vậy, có một số vụ án tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất, Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án kéo dài đến 2 – 3 năm mà không ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án vì cơ quan, tổ chức chưa cung cấp tài liệu, chứng cứ nên không giải quyết vụ án được.
Tại Điều 106 BLTTDS 2015 quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện yêu cầu của Tòa án mà không có lý do chính đáng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nhưng hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn việc xử lý đối với cơ quan, tổ chức không cung cấp hoặc cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án không đúng thời hạn theo quy định của BLTTDS 2015, dẫn đến Tòa án giải quyết vụ án chậm, kéo dài, gây bức xúc cho đương sự. Vì vậy, BLTTDS 2015 cũng đã bổ sung các quy định về thời hạn cung cấp chứng cứ nhằm nâng cao trách nhiệm chứng minh của đương sự.
Theo khoản 5 Điều 96 BLTTDS 2015 về nghĩa vụ chuyển giao tài liệu, chứng cứ giữa các đương sự luôn là hình thức khi mà BLTTDS 2015 không quy định về thời hạn các đương sự có nghĩa vụ chuyển giao tài liệu, chứng cứ cho nhau và hậu quả pháp lý khi các bên đương sự không thực hiện nghĩa vụ chuyển giao.
Trên thực tế, dù đã có quy định về nghĩa vụ chuyển giao tài liệu, chứng cứ cho bên đối tụng nhưng do chưa có chế tài cụ thể nên nghĩa vụ này thường bị “bỏ quên” khiến quyền lợi của các đương sự đôi khi cũng bị ảnh hưởng. Do đó, để phát huy vai trò của đương sự trong hoạt động tố tụng, bảo đảm quyền được biết thông tin của đương sự để có thể tổ chức việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình cũng như phù hợp pháp luật tố tụng dân sự của các nước trên thế giới, cần thiết bổ sung vào BLTTDS 2015 quy định về thời hạn thực hiện nghĩa vụ trao đổi chứng cứ, tài liệu của các bên đương sự cho nhau trước khi mở phiên tòa và các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đó.
CTV TVPL Bùi Văn Hải – Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm