(TVPLO) – Gần đây, các doanh nghiệp vận tải thành viên của Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE) liên quan đến giao thông. Theo đó, Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) xin phúc đáp cụ thể như sau:
Hiện nay, không có quy định về giới hạn số lần đổi màu sơn xe ô tô, tuy nhiên chủ phương tiện cần thực hiện thủ tục theo đúng quy định pháp luật. Nếu tự ý thay đổi màu sơn xe khác với màu được ghi trong giấy đăng ký xe sẽ bị phạt từ 300.000 – 800.000 đồng. Đồng thời, việc cấp biển hiệu, phù hiệu xe kinh doanh vận tải như xe tải, xe ô tô chở khách… được quy định như thế nào?
Xe ô tô dán giấy trang trí với họa tiết sặc sỡ, liệu có bị phạt không?
Ảnh minh hoạ
Theo quy định thì màu sơn, màu sắc xe được ghi trong giấy chứng nhận đăng ký ô tô và sổ chứng nhận kiểm định, nếu chủ sở hữu xe tự ý thay đổi màu sơn, màu sắc sẽ gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc xử lý vi phạm và quản lý. Vì vậy, khi muốn thay đổi màu sơn, thay áo cho ô tô, chủ xe cần làm thủ tục pháp lý đổi màu sơn xe ô tô theo đúng quy định.
Qua đó, căn cứ theo khoản 2, Điều 30, Nghị định 100/2019 (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt), khi chủ sở hữu xe ô tô tự ý thay đổi màu sơn xe khác với màu được ghi trong Giấy đăng ký xe sẽ áp dụng mức phạt từ 300.000 – 400.000 đồng (đối với cá nhân), 600.000 – 800.000 đồng (đối với tổ chức).
Bên cạnh đó, khi tự ý thay đổi kết cấu phương tiện, bên cạnh bị phạt hành chính, chủ xe sẽ không được đăng ký, đăng kiểm và cấp phép lưu hành để tham gia giao thông. Ngoài ra, phải khôi phục lại hiện trạng ban đầu của xe để không ảnh hưởng đến việc thẩm định của CSGT. Do đó, để đổi màu sơn xe ô tô mà không bị phạt thì chủ xe phải tuân thủ đầy đủ thủ tục đổi màu sơn xe ô tô theo quy định.
Căn cứ theo thông tư số 15/2014/TT-BCA (quy định về đăng ký xe) cũng có quy định về thủ tục và các bước như sau: Tờ khai đề nghị cấp lại màu sơn (mẫu số 2 ban hành kèm thông tư số 15) và Giấy đăng ký xe có thông tin chủ xe (tên chủ xe, địa chỉ thường trú, số CMND hoặc CCCD) và thông tin xe (dòng xe, màu sơn, biển số, năm sản xuất, số máy, số khung…); Các loại giấy tờ tùy thân bao gồm: CMND, CCCD hoặc sổ hộ khẩu bản photo công chứng cách thời điểm làm hồ sơ không quá 3 tháng;Sổ hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng hoặc hộ chiếu còn thời hạn đối với chủ xe là người ngoại quốc; Giấy chứng nhận đăng ký xe cũ.
Hồ sơ được nộp trực tiếp tại cơ quan CSGT địa phương. Chủ xe đưa xe đến cơ quan đăng ký là Phòng CSGT, Phòng CSGT đường bộ – đường sắt, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cán bộ CSGT kiểm tra xe; Cán bộ CSGT tiến hành kiểm tra xe, đối chiếu số máy, số khung theo quy định. Chủ xe trình bày lý do đổi màu sơn và đề xuất màu sơn muốn thay đổi. Cán bộ CSGT sẽ xác nhận màu sơn mới, thay đổi thông tin và cấp giấy đăng ký xe mới.
Đóng lệ phí và lấy giấy hẹn: Theo khoản 1 Điều 4 Thông tư số 127/2013/TT-BTC (quy định chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp giấy đăng ký và biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ), mức lệ phí đổi Giấy đăng ký xe ô tô tại khu vực I, II, III là 150.000 đồng. Thời gian thực hiện thủ tục không quá 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Sơn lại màu đã được đăng ký mới: Sau khi hồ sơ được chấp nhận, chủ xe được phép sơn lại xe tại các gara uy tín, sau đó quay trở lại cơ quan Cảnh sát giao thông để đổi lại giấy chứng nhận đăng ký có màu sơn mới. Khi tới kỳ kiểm định, cơ quan Đăng kiểm sẽ đổi lại màu sơn của xe trong sổ chứng nhận kiểm định.
Hiện Luật Giao thông đường bộ không có quy định giới hạn về số lần đổi màu sơn. Chủ xe có thể thay đổi màu nhiều lần tùy theo nhu cầu với thủ tục đơn giản. Tuy nhiên, khi thay đổi màu sơn thì cần làm các thủ tục theo quy định như trên.
Quy định cấp biển hiệu, phù hiệu xe tải, xe ô tô mới nhất
Ảnh minh hoạ
Căn cứ theo Khoản 1 Điều 22 Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định đơn vị kinh doanh có Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô được cấp phù hiệu, biển hiệu cho xe ô tô phù hợp với loại hình kinh doanh đã được cấp phép và đảm bảo nguyên tắc sau: Tại một thời điểm, mỗi xe chỉ được cấp và sử dụng một loại phù hiệu hoặc biển hiệu tương ứng với một loại hình kinh doanh vận tải; Xe ô tô có phù hiệu “XE CÔNG-TEN-NƠ” được vận chuyển công-ten- nơ và hàng hóa khác. Xe có phù hiệu “XE TẢI” hoặc “XE ĐẦU KÉO” không được vận chuyển công-ten-nơ; Doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định được Sở Giao thông vận tải hai đầu tuyến cấp phù hiệu xe ô tô trung chuyển.
Căn cứ tại Khoản 2 Điều 22 Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định thời hạn có giá trị của phù hiệu xe ô tô như sau: Phù hiệu cấp cho xe ô tô kinh doanh vận tải, phù hiệu cấp cho xe trung chuyển có giá trị 07 năm hoặc theo đề nghị của đơn vị kinh doanh vận tải (thời gian đề nghị trong khoảng từ 01 năm đến 07 năm) và không quá niên hạn sử dụng của phương tiện; Phù hiệu “XE TUYẾN CỐ ĐỊNH” cấp cho các xe tăng cường giải tỏa hành khách trong các dịp Tết Nguyên đán có giá trị không quá 30 ngày; các dịp Lễ, Tết dương lịch và các kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia, tuyển sinh đại học, cao đẳng có giá trị không quá 10 ngày.
Căn cứ tại Khoản 4 Điều 22 Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định hồ sơ đề nghị cấp phù hiệu phải đảm bảo đủ các thành phần như sau: Giấy đề nghị cấp phù hiệu theo quy định; Bản sao giấy đăng ký xe ô tô hoặc bản sao giấy hẹn nhận giấy đăng ký xe ô tô của cơ quan cấp đăng ký. Trường hợp phương tiện không thuộc quyền sở hữu của đơn vị kinh doanh vận tải thì xuất trình thêm bản sao một trong các giấy tờ sau: Hợp đồng thuê phương tiện bằng văn bản với tổ chức, cá nhân hoặc hợp đồng dịch vụ giữa thành viên và hợp tác xã hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Căn cứ theo Khoản 5 Điều 22 Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục cấp phù hiệu: Đơn vị kinh doanh vận tải gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp phù hiệu đến Sở Giao thông vận tải nơi đã cấp Giấy phép kinh doanh cho đơn vị. Trường hợp hồ sơ cần sửa đổi, bổ sung, cơ quan cấp phù hiệu thông báo trực tiếp hoặc bằng văn bản hoặc thông báo qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến những nội dung cần bổ sung hoặc sửa đổi đến đơn vị kinh doanh vận tải trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ; Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ khi nhận hồ sơ đúng quy định, Sở Giao thông vận tải cấp phù hiệu cho các xe theo đề nghị của đơn vị kinh doanh vận tải. Trường hợp từ chối không cấp, Sở Giao thông vận tải trả lời bằng văn bản hoặc trả lời thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến và nêu rõ lý do.
Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm cập nhật thông tin trên hệ thống dữ liệu giám sát hành trình của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, thực hiện kiểm tra và chỉ cấp phù hiệu khi thiết bị giám sát hành trình của xe đáp ứng đầy đủ các quy định về lắp đặt, truyền dẫn dữ liệu.
Việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan cấp hoặc qua đường bưu điện hoặc hình thức phù hợp khác theo quy định. Trường hợp tiếp nhận hồ sơ trực tiếp tại cơ quan cấp hoặc qua đường bưu điện, cán bộ tiếp nhận hồ sơ cập nhật thông tin của các hồ sơ đúng theo quy định vào hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Giao thông vận tải.
Cơ quan cấp thực hiện việc xử lý hồ sơ và cấp phù hiệu trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Giao thông vận tải; Cơ quan cấp kiểm tra thông tin về Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với các xe ô tô để đảm bảo phương tiện đủ điều kiện kinh doanh vận tải trên hệ thống Đăng kiểm Việt Nam; Cơ quan cấp kiểm tra thông tin về tình trạng của phương tiện trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Giao thông vận tải và hệ thống dữ liệu giám sát hành trình của Tổng cục Đường bộ Việt Nam để thực hiện theo các trường hợp sau:
Trường hợp phương tiện chưa có trên hệ thống thì thực hiện cấp phù hiệu: Trường hợp phương tiện đã có trên hệ thống, Sở Giao thông vận tải nơi tiếp nhận hồ sơ thực hiện gửi thông tin qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến đến Sở Giao thông vận tải đang quản lý phương tiện để đề nghị xác nhận và gỡ bỏ phương tiện khỏi hệ thống. Trong thời gian 02 ngày làm việc, Sở Giao thông vận tải nhận được đề nghị phải trả lời, trường hợp không đồng ý gỡ thông tin của phương tiện phải nêu rõ lý do. Sở Giao thông vận tải nơi tiếp nhận hồ sơ thực hiện cấp phù hiệu, biển hiệu sau khi phương tiện được gỡ bỏ khỏi hệ thống.
Căn cứ tại Khoản 10 Điều 22 Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định đơn vị kinh doanh vận tải bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu một trong các trường hợp sau đây: Thu hồi phù hiệu, biển hiệu đối với tất cả phương tiện của đơn vị kinh doanh vận tải khi đơn vị kinh doanh vận tải bị cơ quan có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh vận tải; Thu hồi phù hiệu, biển hiệu của phương tiện vi phạm đối với trường hợp khi trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của mỗi phương tiện trong 01 tháng cho thấy có từ 05 lần vi phạm tốc độ/1000 km xe chạy (không tính các trường hợp vi phạm tốc độ từ 05 km/h trở xuống); Thu hồi phù hiệu của các xe ô tô kinh doanh vận tải theo tuyến cố định khi doanh nghiệp, hợp tác xã không hoạt động kinh doanh vận tải trên tuyến trong thời gian 60 ngày liên tục.
Trong đó, phù hiệu được cấp lại khi hết hạn, khi bị mất hoặc bị hư hỏng, khi thay đổi chủ sở hữu phương tiện hoặc thay đổi đơn vị kinh doanh vận tải. Hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp lại phù hiệu thực hiện theo quy định nêu trên. Thời hạn của phù hiệu được cấp lại theo quy định tại Khoản 2 Điều 22 Nghị định 10/2020/NĐ-CP nêu trên. Trường hợp cấp lại phù hiệu khi hết hạn, đơn vị kinh doanh vận tải được đề nghị cấp lại phù hiệu trong khoảng thời gian 15 ngày tính đến ngày hết hạn phù hiệu; Phù hiệu được cấp lại khi bị thu hồi. Sau khi hết thời hạn bị thu hồi phù hiệu, nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng phương tiện tham gia kinh doanh vận tải thì đơn vị kinh doanh vận tải phải làm thủ tục để được cấp lại phù hiệu theo quy định. Hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp lại phù hiệu thực hiện theo quy định nêu trên; Hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp, cấp lại biển hiệu xe ô tô vận tải khách du lịch thực hiện theo quy định tại Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch 2017; trường hợp đề nghị cấp lại biển hiệu do bị thu hồi hoặc bị tước quyền sử dụng, trong hồ sơ phải có thêm tài liệu chứng minh việc khắc phục vi phạm là nguyên nhân bị thu hồi hoặc bị tước quyền sử dụng biển hiệu.
Nhằm phát huy những kết quả đạt được trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về việc thực hiện các quy định của pháp luật thời gian qua của Viện IMRIC phối hợp với Viện IRLIE và Trung tâm TTLCC về vận tải hành khách bằng xe ô tô…Trong đó, đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải cần thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về thời gian lái xe trên đường, điều kiện của lái xe và điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông; không tự ý cải tạo kết cấu, hình dáng, kích thước của xe không đúng kích thước của nhà sản xuất hoặc thiết kế đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; không chở quá số người quy định; chạy đúng tuyến, lịch trình vận tải; đón, trả khách đúng nơi quy định; không mở cửa xe khi xe đang chạy; không để hàng hóa trên khoang chở hành khách. Khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, không vi phạm quy định về nồng độ cồn hoặc sử dụng các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng…; chấp hành nghiêm chỉnh các quy định khác của Luật Giao thông đường bộ như: quy định về tốc độ, làn đường, biển báo…ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông và có trách nhiệm khi xảy ra tai nạn giao thông.
Với việc phúc đáp những việc liên quan của cộng đồng doanh nghiệp nói chung, cộng đồng doanh nghiệp thành viên Viện IMRIC và Viện IRLIE, Trung tâm TTLCC cũng là cơ sở quan trọng để các tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh vận tải bằng xe ô tô tiếp thu, gắn với trách nhiệm “Chấp hành, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong kinh doanh vận tải bằng xe ô tô”, góp phần xây dựng văn hóa giao thông hực hiện Nghị quyết số 149 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 23 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT.
Tin rằng, thông qua hỏi đáp, của Viện IMRIC và Viện IRLIE, Trung tâm TTLCC nhằm tuyên truyền để trang bị những kiến thức cơ bản về lĩnh vực giao thông đường bộ cho các tổ chức, cá nhân; góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, phòng ngừa vi phạm và tai nạn giao thông.
Văn Hải – Tuấn Tú (CTV TVVPL thuộc Trung tâm TTLCC)