(TVPLO) – Ngày 19/03/2025, Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) phối hợp Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE) tổ chức buổi tham vấn pháp lý cho các doanh nghiệp thành viên Câu lạc bộ Doanh nghiệp IMRIC – IRLIE cùng các độc giả.
Dưới góc độ pháp lý, Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) xin phúc đáp cụ thể: Để hợp thức hóa trước khi chuyển tài sản cho các con, cần thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế tại phòng công chứng hoặc UBND cấp xã nơi có tài sản. Trường hợp ông bà muốn thay mặt cha mẹ thực hiện thủ tục chuyển trường cho cháu thì phải có giấy ủy quyền hợp pháp từ cha mẹ hoặc người giám hộ.
Trường hợp thứ nhất: Vợ mất, chuyển tài sản ở Việt Nam cho các con thế nào?
Độc giả đặt câu hỏi tại buổi tham vấn pháp lý: Tôi là người gốc Việt quốc tịch Mỹ. Tôi và vợ tôi kết hôn năm 2015, thời gian đó tôi và vợ có mua một số tài sản ở Việt Nam và để cô ấy đứng tên vì tôi không có giấy tờ ở Việt Nam. Đến năm 2023 vợ tôi mất, giờ tôi muốn chuyển tài sản đó cho các con thì phải làm thế nào?
Căn cứ theo Điều 33 và Điều 43 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, cần xác định quyền sở hữu tài sản sau khi vợ mất, tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân được xác định như sau: Tài sản chung là tài sản do vợ chồng tạo lập trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc tài sản được tặng cho, thừa kế riêng; Tài sản riêng là tài sản có trước hôn nhân, được thừa kế, tặng cho riêng hoặc có thỏa thuận là tài sản riêng.
Qua câu hỏi, thì các tài sản này được mua trong thời kỳ hôn nhân (2015-2023), nếu không có thỏa thuận về tài sản riêng thì chúng được coi là tài sản chung của hai vợ chồng, dù chỉ đứng tên vợ. Vì vậy, khi vợ mất, tài sản chung sẽ được chia theo nguyên tắc một nửa thuộc về chồng (tài sản của người còn sống trong hôn nhân), một nửa thuộc về vợ và sẽ được chia thừa kế theo pháp luật.
Căn cứ theo Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015, nếu vợ không để lại di chúc, di sản sẽ được chia theo pháp luật theo hàng thừa kế thứ nhất, gồm chồng, các con chung của hai người, cha, mẹ ruột của vợ (nếu còn sống). Do đó, nếu cha mẹ vợ còn sống, họ cũng có quyền hưởng thừa kế cùng bạn và các con. Nếu họ đã mất, phần tài sản của vợ bạn sẽ chia đều cho bạn và các con.
Ngoài ra, thủ tục khai nhận di sản thừa kế như sau: Để hợp thức hóa tài sản trước khi chuyển cho các con, bạn cần thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế tại phòng công chứng hoặc UBND cấp xã nơi có tài sản.
Độc giả cần chuẩn bị hồ sơ khai nhận di sản thừa kế gồm: Giấy chứng tử của vợ, giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản (sổ đỏ, giấy đăng ký xe, v.v.), giấy đăng ký kết hôn của hai vợ chồng, giấy khai sinh của các con (để chứng minh quan hệ thừa kế), CMND/CCCD/Hộ chiếu của bạn và các con, giấy tờ chứng minh cha mẹ vợ (nếu họ còn sống).
Thế nhưng, nếu tất cả những người thừa kế đều đồng ý nhường phần tài sản thừa kế cho các con, họ có thể lập văn bản từ chối nhận di sản. Nếu có tranh chấp giữa những người thừa kế, cần khởi kiện ra tòa án để giải quyết.
Mặt khác, tài sản cho các con, sau khi hoàn tất thủ tục khai nhận di sản thừa kế, tài sản sẽ được sang tên theo một trong hai cách: Các con trực tiếp đứng tên nếu tất cả đồng thừa kế đồng ý tặng toàn bộ phần của mình cho các con, phòng công chứng sẽ làm thủ tục sang tên; Nếu quý độc giả đứng tên rồi tặng lại cho con, nếu độc giả muốn đứng tên trước rồi sau đó tặng lại cho con, có thể thực hiện thủ tục chuyển nhượng hoặc tặng cho tài sản tại văn phòng công chứng.
Chính vì vậy, cần làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế tại văn phòng công chứng. Nếu không có tranh chấp, bạn và các con có thể thỏa thuận chia tài sản. Tài sản sau khi sang tên có thể để con đứng tên hoặc bạn tặng lại cho con sau này.
Trường hợp thứ hai: Ông bà chuyển trường cho cháu có cần giấy ủy quyền của cha mẹ không?
Câu hỏi của doanh nghiệp: Vợ chồng tôi đang làm việc tại TP.HCM, nhưng gửi con ở quê nhờ ông bà chăm sóc. Nay, gia đình muốn chuyển trường cháu đến một trường gần nhà ông bà để tiện đưa đón. Xin hỏi ông bà chuyển trường cho cháu có cần giấy ủy quyền của cha mẹ trẻ không?
Có thể thấy, trong bối cảnh giáo dục hiện nay, việc học sinh phải chuyển trường là điều thường xuyên xảy ra và có thể do nhiều lý do khác nhau như thay đổi nơi ở, sự thay đổi trong hoàn cảnh gia đình hoặc đơn giản là sự lựa chọn của học sinh và gia đình.
Căn cứ theo Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT và Điều 4 Công báo số 683 + 684 văn bản hợp nhất Sở giáo dục và đào tạo quy định về thủ tục chuyển trường, một trong những yêu cầu cơ bản khi làm thủ tục chuyển trường là đơn xin chuyển trường phải được ký bởi cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của học sinh.
Đơn này, sẽ ghi rõ các thông tin của học sinh như tên, lớp, lý do chuyển trường và thông tin về trường mà học sinh muốn chuyển đến.
Căn cứ vào các quy định hiện hành, chỉ có cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp mới có quyền ký vào đơn xin chuyển trường và thực hiện các thủ tục hành chính liên quan.
Cạnh đó, nếu ông bà không phải là người giám hộ hợp pháp của cháu thì không thể trực tiếp thực hiện nếu không có giấy ủy quyền từ cha mẹ hoặc người giám hộ của học sinh.
Song song đó, trường hợp ông bà muốn thay mặt cha mẹ thực hiện thủ tục chuyển trường cho cháu thì phải có giấy ủy quyền hợp pháp từ cha mẹ hoặc người giám hộ. Việc này nhằm đảm bảo sự minh bạch, hợp pháp trong các thủ tục hành chính và bảo vệ quyền lợi của học sinh.
Trưởng VPGD tại Phú Quốc Phạm Vũ Thiên Thi – Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm