(TVPLO) – Trong thời gian gần đây, cộng đồng người Việt Nam ở Hàn Quốc và một số công nhân đã gửi thư về Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE) liên quan đến việc muốn ly hôn ở nước ngoài…Đồng thời, công nhân đang. Nuôi con nhỏ bị công ty cho nghỉ việc. Theo đó, Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) xin phúc đáp cụ thể sau:
Hôn nhân giữa người Việt Nam và người nước ngoài được pháp luật tôn trọng và bảo vệ, tuy nhiên khi mối quan hệ hôn nhân chấm dứt những cuộc hôn nhân có yếu tố nước ngoài sẽ khó giải quyết hơn những vụ việc trong nước. Trường hợp người lao động đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng, mà công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là trái với quy định của pháp luật.
Trường hợp người Việt Nam muốn ly hôn tại nước ngoài như thế nào?
Ảnh minh hoạ
Căn cứ theo quy định tại khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình, ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Theo đó, quan hệ vợ chồng của hai vợ chồng đăng ký kết hôn tại Việt Nam. Để chấm dứt quan hệ vợ chồng do pháp luật Việt Nam bảo vệ thì do Tòa án có thẩm quyền tại Việt Nam giải quyết.
Căn cứ theo Điều 123 Luật Hôn nhân gia đình 2014. Thẩm quyền giải quyết các vụ việc hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài: Thẩm quyền đăng ký hộ tịch liên quan đến các quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài được thực hiện theo quy định của pháp luật về hộ tịch; Thẩm quyền giải quyết các vụ việc hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài tại Tòa án được thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
Căn cứ theo Điều 470 Bộ luật tố tụng Dân sự 2015. Thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam: Những vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài sau đây thuộc thẩm quyền giải quyết riêng biệt của Tòa án Việt Nam: Vụ án dân sự đó có liên quan đến quyền đối với tài sản là bất động sản có trên lãnh thổ Việt Nam; Vụ án ly hôn giữa công dân Việt Nam với công dân nước ngoài hoặc người không quốc tịch, nếu cả hai vợ chồng cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài ở Việt Nam; Vụ án dân sự khác mà các bên được lựa chọn Tòa án Việt Nam để giải quyết theo pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và các bên đồng ý lựa chọn Tòa án Việt Nam.
Theo Điều 472 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015. Trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu hoặc đình chỉ giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài trong trường hợp đã có thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận lựa chọn Tòa án nước ngoài hoặc đã có Tòa án nước ngoài, Trọng tài hoặc cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài giải quyết hoặc đương sự được hưởng quyền miễn trừ tư pháp:
Tòa án Việt Nam phải trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu hoặc đình chỉ giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài nếu vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền chung của Tòa án Việt Nam nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây: Các đương sự được thỏa thuận lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài và đã lựa chọn Trọng tài hoặc Tòa án nước ngoài giải quyết vụ việc đó; Trường hợp các bên thay đổi thỏa thuận lựa chọn Trọng tài hoặc Tòa án nước ngoài bằng thỏa thuận lựa chọn Tòa án Việt Nam hoặc thỏa thuận lựa chọn Trọng tài hoặc Tòa án nước ngoài bị vô hiệu hoặc không thể thực hiện được, hoặc Trọng tài hoặc Tòa án nước ngoài từ chối thụ lý đơn thì Tòa án Việt Nam vẫn có thẩm quyền giải quyết; Vụ việc không thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam quy định tại Điều 470 của Bộ luật này và vụ việc thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án nước ngoài có liên quan; Vụ việc không thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam quy định tại Điều 470 của Bộ luật này và đã được Trọng tài hoặc Tòa án nước ngoài thụ lý giải quyết;
Như vậy, nếu thuộc trường hợp các bên lựa chọn Tòa án Việt Nam để giải quyết thì sẽ Tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết. Trường hợp nếu 2 bên chọn Tòa án Nhật Bản thì Tòa án Nhật Bản sẽ giải quyết.
Căn cứ theo điều 127 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về Ly hôn có yếu tố nước ngoài: Việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam theo quy định của Luật này; Trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú ở Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú chung thì giải quyết theo pháp luật Việt Nam; Việc giải quyết tài sản là bất động sản ở nước ngoài khi ly hôn tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó.
Công ty cho nghỉ việc khi đang nuôi con nhỏ, có đúng luật?
Ảnh minh hoạ
Căn cứ theo Khoản 3 Điều 37 Bộ luật Lao động 2019 quy định trường hợp người lao động (NLĐ) nữ mang thai; NLĐ đang nghỉ thai sản hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ.
Căn cứ theo Điều 39 Bộ luật Lao động quy định những trường hợp đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật là trường hợp chấm dứt HĐLĐ không đúng quy định tại các điều 35, 36 và 37 bộ luật này.Khi người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật thì phải thực hiện một số nghĩa vụ đối với NLĐ được quy định tại Điều 41 Bộ luật Lao động.
Điển hình, người sử dụng lao động phải nhận NLĐ trở lại làm việc theo HĐLĐ đã giao kết; phải trả tiền lương, đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày NLĐ không được làm việc và phải trả thêm cho NLĐ một khoản tiền ít nhất bằng hai tháng tiền lương theo HĐLĐ.
Ngay sau khi được nhận làm việc trở lại, NLĐ hoàn trả cho người sử dụng lao động các khoản tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm nếu đã nhận của người sử dụng lao động. Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong HĐLĐ mà NLĐ vẫn muốn làm việc thì hai bên thỏa thuận để sửa đổi, bổ sung HĐLĐ.
Cũng Theo khoản 3 Điều 155 Bộ luật Lao động thì người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi (trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động).
Do đó, đối với trường hợp đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng mà công ty đơn phương chấm dứt HĐLĐ với là trái với quy định của pháp luật. Công ty phải nhận bạn theo HĐLĐ đã giao kết hoặc nếu không còn vị trí đã giao kết trong HĐLĐ thì hai bên thỏa thuận để sửa đổi, bổ sung HĐLĐ.
Tin rằng, với vai trò nhịp cầu nối, xúc tiến đầu tư, hoạch định chiến lược truyền thông, xây dựng thương hiệu Viện IMRIC và Viện IRLIE, Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) xem việc tư vấn cho nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn được trang bị kiến thức cơ bản về gia đình, những vấn đề liên quan đến tâm lý, tình yêu, hôn nhân và gia đình, kiến thức về giới, về quyền của phụ nữ, sức khỏe tình dục, sức khoẻ sinh sản; kỹ năng sống, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình và xây dựng mối quan hệ gia đình, bình đẳng giới trong gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. Đồng thời, tư vấn những vấn đề liên quan đến hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài cho công dân Việt Nam; Tư vấn, giúp đỡ người nước ngoài tìm hiểu về ngôn ngữ, văn hóa, phong tục tập quán, pháp luật về hôn nhân và gia đình của Việt Nam; Cấp giấy xác nhận cho công dân Việt Nam sau khi đã được tư vấn, bồi dưỡng theo quy định. Sẵn sàng hợp tác với Tổ chức Di dân Hàn Quốc tổ chức trang bị kiến thức về phong tục, tập quán, văn hoá, pháp luật về hôn nhân và gia đình, về nhập cư cho nữ công dân Việt Nam kết hôn di dân. Hợp tác với Hàn Quốc thực hiện hoạt động giới thiệu kết hôn: Giúp đỡ các bên kết hôn tìm hiểu các vấn đề về hoàn cảnh cá nhân, gia đình, xã hội của mỗi bên và các vấn đề khác liên quan mà các bên yêu cầu, tạo điều kiện để họ tiến tới hôn nhân tự nguyện, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Trong đó, tư vấn, hỗ trợ, hoàn tất hồ sơ đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật của Viện IMRIC và Viện IRLIE, Trung tâm TTLCC không chỉ giúp người lao động nâng cao kiến thức mà còn góp phần ổn định quan hệ lao động tại doanh nghiệp. Song song đó, sẵn sàng phối hợp với các Công đoàn cấp tuyên truyền về các chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng và nhà nước đến NLĐ một cách nhanh chóng, kịp thời”.
Nhà báo – Luật gia Hoàng Thanh Quý – Viện trưởng Viện IRLIE, PGĐ Trung tâm TTLCC