(TVPLO) – Mới đây, một số cá nhân, doanh nghiệp đã gửi thư đến Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập quan tâm đến trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên. Đồng thời, tiền trúng vé số có phải là tài sản chung hay tài sản riêng của vợ hoặc chồng?. Theo đó, Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) xin phúc đáp như sau:
Trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên
Ảnh minh hoạ
Căn cứ theo Khoản 1 Điều 12 Bộ Luật Hình sự 2015 quy định về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự:Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác. Trong đó, đối với tội trộm cắp tài sản, theo quy định tại Điều 173 Bộ luật hình sự 2015 như sau: Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; Tài sản là di vật, cổ vật…
Qua đó, cần căn cứ vào kết luận điều tra để xem xét trách nhiệm hình sự. Theo khoản 1 Điều 51 BLHS 2015. Bộ luật Hình sự 2015 tại Điều 91. Nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 Chương này: Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, trừ tội phạm quy định tại các điều 134, 141, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật này. Căn cứ theo quy định trên, nếu người dưới 18 tuổi, phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục hậu quả phần lớn thì căn cứ theo nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội có thể được xem xét giảm hoặc miễn trách nhiệm hình sự theo cáo trạng, tranh tụng tại Tòa án và xem xét của Tòa án theo thực tế vụ án.
Tiền trúng số phải tài sản chung hay tài sản riêng của vợ hoặc chồng?
Ảnh minh hoạ
Căn cứ quy định tại Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và Điều 9, Điều 10 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP thì tài sản chung của vợ chồng gồm: Tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh; Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng (trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng thì phần tài sản được chia, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác) gồm: Hoa lợi phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng là sản vật tự nhiên mà vợ, chồng có được từ tài sản riêng của mình; Lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng là khoản lợi mà vợ, chồng thu được từ việc khai thác tài sản riêng của mình. Cùng với đó, thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân gồm: Khoản tiền thưởng, tiền trúng thưởng xổ số, tiền trợ cấp (trừ khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng); Tài sản mà vợ, chồng được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật Dân sự đối với vật vô chủ, vật bị chôn giấu, bị chìm đắm, vật bị đánh rơi, bị bỏ quên, gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước; Tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. Căn cứ quy định nêu trên thì tiền trúng thưởng xổ số trong thời kỳ hôn nhân được xác định là tài sản chung của vợ chồng.
Viện IMRIC và Viện IRLIE, Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) luôn xem công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nhất là các quy định về giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong quan hệ dân sự, kinh tế, hôn nhân gia đình…, giải quyết khiếu nại, các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực học đường, công tác quản lý, giáo dục pháp luật cho người chưa thành niên cũng như việc phân định tài sản chung hay riêng của vợ hoặc chồng… Bởi, đây là những nguyên nhân này ảnh hưởng rất lớn đến lối sống, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật khi họ khởi nghiệp, phát triển kinh doanh, xây dựng thương hiệu cá nhân, doanh nghiệp và hoặc định chiến lược truyền thông…
Ông Phạm Trắc Long – Phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC)