(TVPLO) – Vừa qua, Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE) đã nhận được thư của một số tổ chức và cá nhân, doanh nghiệp thành viên nhờ hỗ trợ tham vấn pháp lý liên quan đến người đang chấp hành án phạt tù…
Dưới góc độ pháp lý, Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) xin phúc đáp cụ thể sau: Người đang chấp hành án phạt tù bị hạn chế một số quyền nhất định. Thế nhưng, họ vẫn có quyền lập di chúc để lại tài sản cho người khác. Ngoài ra, biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú và bảo lĩnh có nhiều điểm khác nhau về điều kiện áp dụng, nghĩa vụ cam đoan…
Lập di chúc với người đang chấp hành án phạt tù
Ảnh minh. hoạ
Căn cứ tại các Điều 609, Điều 610 và Điều 625 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì “cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình”; “Mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật”.
Qua đó, người đã thành niên có quyền lập di chúc, trừ trường hợp người đó bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình. Trong trường hợp người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.
Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC), pháp luật hiện hành không có quy định nào cấm phạm nhân, tức là những người đang chấp hành án phạt tù tại các cơ sở giam giữ phạm nhân không được lập di chúc.
Căn cứ tại điểm e Khoản 1 Điều 27 Luật thi hành án hình sự năm 2019 cũng quy định phạm nhân có quyền: “Được tự mình hoặc thông qua người đại diện để thực hiện giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật”. Do đó, người đang chấp hành án phạt tù mà đáp ứng được các điều kiện tại Điều 609, 610 và 625 Bộ luật Dân sự thì vẫn có quyền được lập di chúc theo quy định của pháp luật.
Như vậy, để đảm bảo giá trị pháp lý của di chúc, người đang chấp hành án phạt tù cần lập di chúc bằng văn bản và có xác nhận của người phụ trách cơ sở đang giam giữ mình. Khi đó di chúc này sẽ có giá trị như di chúc được công chứng hoặc chứng thực.
Cùng được tại ngoại nhưng cấm đi khỏi nơi cư trú và bảo lĩnh khác nhau gì?
Ảnh minh hoạ
Hai biện pháp này ngăn chặn này đều cho phép người bị áp dụng được tại ngoại trong quá trình bị điều tra, truy tố, xét xử. Tuy nhiên, về điều kiện áp dụng, nghĩa vụ cam đoan… thì hai biện pháp ngăn chặn này nhiều điểm khác nhau.
Căn cứ tại điều 123 BLTTHS 2015 quy định cấm đi khỏi nơi cư trú là biện pháp ngăn chặn có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng nhằm bảo đảm sự có mặt của họ theo giấy triệu tập của CQĐT, VKS, tòa án.
Trong khi đó, tại điều 121 BLTTHS 2015 có quy định bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn áp dụng khi căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của bị can, bị cáo, CQĐT, VKS, tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lĩnh.
Theo đó, có thể thấy biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú được áp dụng đối với bị can, bị cáo có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng; còn bảo lĩnh áp dụng sẽ căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của bị can, bị cáo,
Mặt khác, biện pháp bảo lĩnh còn quy định cơ quan, tổ chức có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là người của cơ quan, tổ chức mình. Đối với cá nhân là người đủ 18 tuổi trở lên, nhân thân tốt, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, thu nhập ổn định và có điều kiện quản lý người được bảo lĩnh thì có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là người thân thích của họ và trong trường hợp này thì ít nhất phải có 2 người. Do đó, khác với biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, biện pháp bảo lĩnh cần có cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đứng ra bảo lĩnh cho bị can, bị cáo.
Điển hình, hai biện pháp này đều yêu cầu bị can, bị cáo phải làm giấy cam đoan thực hiện 3 nghĩa vụ sau: Có mặt theo giấy triệu tập, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan;Không bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội; Không mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; không tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; không đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.
Tuy nhiên, khác với bảo lĩnh, ngoài 3 nghĩa vụ trên thì biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú còn buộc bị can bị cáo phải cam đoan “Không đi khỏi nơi cư trú nếu không được cơ quan đã ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú cho phép”. Theo quy định này cho thấy biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú có yêu cầu khắt khe hơn ở chỗ “bị can, bị cáo không đi khỏi nơi cư trú nếu không được phép”. Trong khi đó, biện pháp bảo lĩnh yêu cầu cả cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận bảo lĩnh phải cam đoan không để bị can, bị cáo vi phạm các nghĩa vụ trên.
Đối với hậu quả pháp lý, nếu vi phạm nghĩa vụ cam đoan thì dù bị áp dụng “cấm đi khỏi nơi cư trú” hay “bảo lĩnh” đều sẽ bị thay đổi biện pháp ngăn chặn thành “tạm giam”. Bên cạnh đó, đối với biện pháp bảo lĩnh thì cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận bảo lĩnh để bị can, bị cáo vi phạm nghĩa vụ đã cam đoan còn bị phạt tiền thì tùy tính chất, mức độ vi phạm.
Với vai trò nhịp cầu nối của Viện IMRIC phối hợp với Viện IRLIE đã giao Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý tại các địa phương trong năm 2024. Xác định hoạt động trợ giúp pháp lý có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, nhất là đối với người nghèo, người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người già cô đơn không nơi nương tựa, trẻ em…Qua đó, giúp người dân nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần đảm bảo an ninh trật tự…
Từ đó, Trung tâm TTLCC sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Tư pháp các địa phương trên cả nước tổ chức nhiều buổi toạ đàm, hội thoại khoa học, các khoá đào tạo ngắn hạn để tuyên truyền, phổ biến pháp luật…Đồng thời, tư vấn, giải đáp những vướng mắc pháp luật cho người dân tại các địa phương.Tin rằng, thông qua các đợt tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý cho nhân dân, Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) mong muốn người dân và doanh nghiệp nhận thức và hiểu biết pháp luật, để tự tin hơn khi tham gia vào các quan hệ pháp luật và góp phần tích cực cùng các ngành, các cấp trong việc giải tỏa một số vướng mắc liên quan đến pháp luật của nhân dân trong đời sống hàng ngày. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật, kiến thức pháp luật cho người dân, hạn chế các vụ khiếu nại, khiếu kiện không đáng có, góp phần giữ vững an ninh trật tự, phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.
Nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý cho nhân dân và doanh nghiệp, trong thời gian tới, Trung tâm TTLCC tiếp tục phối hợp với các ban, ngành đoàn thể ở các địa phương triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý cho nhân dân, doanh nghiệp góp phần nâng cao kiến thức và hiểu biết pháp luật trong nhân dân, hạn chế những tranh chấp trong cộng đồng dân cư, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người yếu thế trong xã hội (người nghèo, cac đối tượng chính sách, trẻ em) và nhân dân. Góp phần nhỏ vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tư an toàn xã hội tại các địa phương, tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, góp phần vào sự nghiệp cải cách hành chính, cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Phạm Trắc Long (Phó viện trưởng Viện IRLIE, Phó GĐ Trung tâm TTLCC)