(TVPLO) – Nếu muốn thay đổi biển số xe trên giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đúng với biển số định danh mới cấp thì chủ xe cần liên lạc với cơ quan đăng kiểm để được hướng dẫn một cách cụ thể. Đồng thời, lực lượng CSGT tăng cường kiểm tra và xử lý người điều khiển giao thông vi phạm nồng độ cồn trong suốt thời gian qua.
Gần đây, nhiều tổ chức, cá nhân và cộng đồng doanh nghiệp thành viên Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE) về việc mua bán xe lướt, biển xe được định danh theo chủ cũ và đi xe đạp có bị xử phạt nông độ cồn hay không…Theo đó, dưới góc độ pháp lý, trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) xin phúc đáp như sau:
Mua xe lướt, biển xe được định danh theo chủ cũ sẽ bị xử phạt như thế nào?
Ảnh minh hoạ
Căn cứ Thông tư 24/2023/TT-BCA quy định về cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới được Bộ Công an ban hành ngày 1/7/2023, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2023 thì: Biển số xe sẽ được cấp và quản lý theo mã định danh của chủ xe (gọi chung là “biển số định danh”). Qua đó, chủ xe cần chấp hành các quy định của pháp luật về đăng ký xe. Bên cạnhđó, cần thực hiện đầy đủ các thủ tục đăng ký xe trên cổng dịch vụ công, cung cấp, kê khai trung thực đầy đủ, chính xác thông tin quy định về đăng ký xe.
Ngoài ra, cần đưa xe đến cơ quan đăng ký xe quy định để kiểm tra đối với xe đăng ký lần đầu, đăng ký sang tên, di chuyển xe, cải tạo, thay đổi màu sơn; trường hợp chứng nhận đăng ký xe, biển số xe bị mờ, hỏng hoặc bị mất, chủ xe phải khai báo và làm thủ tục cấp đổi chứng nhận đăng ký xe, biển số xe, cấp lại chứng nhận đăng ký xe, biển số xe theo quy định.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo hoặc thay đổi thông tin về tên chủ xe hoặc thay đổi địa chỉ trụ sở, nơi cư trú sang tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác hoặc khi hết thời hạn chứng nhận đăng ký xe, chủ xe phải đến cơ quan đăng ký xe để làm thủ tục cấp đổi hoặc thủ tục thu hồi chứng nhận đăng ký xe, biển số xe (gọi chung là thủ tục thu hồi) theo quy định.
Thế nhưng, vẫn có một số trường hợp “sang tên đổi chủ” biển số định danh lại vấp phải một số vấn đề như khi mua ô tô cũ và đã tiến hành các thủ tục để cấp biển số mới, vẫn còn hơn một năm nữa mới tới hạn đăng kiểm, trong giấy chứng nhận và tem đăng kiểm vẫn ghi biển số cũ của xe…
Theo Nghị định 100 ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ, việc sử dụng giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường đang còn hạn sử dụng không đúng với biển số xe không thuộc một trong những hành vi vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông và cũng không thuộc một trong các phạm vi lỗi về xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ. Vì lẻ đó, chủ phương tiện sẽ không bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Qua đó, nếu muốn thay đổi biển số xe trên giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đúng với biển số định danh mới cấp thì chủ xe cần liên lạc với cơ quan đăng kiểm để được hướng dẫn.
Căn cứ Điều 1 của Nghị định số 30 năm 2023 của Chính Phủ, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2018/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, quy định các trung tâm đăng kiểm chưa thực hiện kiểm định đối với các trường hợp: Không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; Quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm mà chủ xe, người vi phạm không đến trụ sở của người có thẩm quyền để giải quyết, xử lý; các trường hợp bị cảnh báo trên chương trình quản lý kiểm định.
Đi xe đạp có bị phạt nồng độ cồn không?
Ảnh minh hoạ
Căn cứ Điều 8 Nghị định 100/2019 có quy định về xử phạt người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác vi phạm quy tắc giao thông đường bộ. Vì vậy, người điều khiển xe đạp, xe đạp điện, xe máy điện khi vi phạm nồng độ cồn sẽ bị xử phạt với mức phạt sau: Phạt tiền 80.000-100.000 đồng nếu người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/lít khí thở.
Trong đó, phạt tiền 300.000-400.000 đồng (sửa đổi, bổ sung bởi điểm K khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) nếu người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50-80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25-0,4 mg/lít khí thở; Phạt tiền 400.000-600.000 đồng nếu người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức 80 mg/100 ml máu hay vượt quá 0,4 mg/lít khí thở; hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ.
Căn cứ vào khoản 1 Điều 82 Nghị định 100/2019 về tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm có quy định như sau: Để ngăn chặn ngay vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt được phép tạm giữ phương tiện tối đa đến bảy ngày trước khi ra quyết định xử phạt đối với những hành vi vi phạm nồng độ cồn nêu trên. Cùng. Với đó, người điều khiển xe đạp mà vi phạm nồng độ cồn vẫn bị xử phạt với mức phạt 80.000-600.000 đồng và có thể bị tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm.
Trợ giúp pháp lý là một trong những chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước ta. Bên cạnh việc quy định trách nhiệm của Nhà nước đối với hoạt động trợ giúp pháp lý, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 có chính sách thu hút các nguồn lực thực hiện trợ giúp pháp lý. Viện IMRIC và Viện IRLIE, đặc biệt Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) là một chủ thể có thể tham gia trợ giúp pháp lý sẵn sàng hỗ trợ các tổ chức, cá nhân và người dân trong hoạt động tư vấn pháp luật trong công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật để mọi người dân luôn thượng tôn pháp luật…
Luật sư Phan Đức Hiếu – Phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC)