(TVPLO) – Ngay sau thành công của toạ đàm khoa học “Pháp luật về kinh doanh bất động sản&Du lịch nông nghiệp 4.0” tại tỉnh Đắk Lắk. Dưới sự chủ trì của Viện Khoa học chính sách và pháp luật (L.I.P.S) phối hợp với Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE). Theo đó, Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) chuẩn bị tổ chức toạ đàm khoa học “Pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm”. Toạ đàm nhằm phổ biến, tuyên truyền pháp luật đối với thực trạng công tác quản lý chất lượng, xử lý vi phạm hành chính về vệ sinh an toàn thực phẩm qua một số vụ việc gần đây, lưu ý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) trực tiếp ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người…Do đó, vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) luôn là vấn đề được chính quyền các cấp và Nhân dân rất quan tâm. Tuy nhiên, ngoài những gam màu sáng, bức tranh về đảm bảo ATTP vẫn còn nhiều những mảng tối cần được quan tâm. Để có đánh giá, phân tích sâu và cái nhìn đa chiều về vấn đề ATTP…Qua đó, Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) sẽ tổ chức Chương trình Tọa đàm nêu trên dự kiến siễn ra vào ngày 20/11/2023 tới đây tại tỉnh Cà Mau.
Chỉ thị 17 của Ban Bí thư Trung ương xác định: “An ninh, ATTP là vấn đề hệ trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài; tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ Nhân dân, chất lượng giống nòi dân tộc”. Đồng thời, nhấn nhấn mạnh về yêu cầu với các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội và đoàn thể trong việc bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới. Nhấn mạnh này của Ban Bí thư Trung ương một lần nữa khẳng định đảm bảo an ninh, ATTP không phải là trách nhiệm của riêng tổ chức nào hay cá nhân nào, mà là trách nhiệm của toàn xã hội. Đó cũng là thông điệp mà Viện L.I.P.S và Viện IMRIC, Viện IRLIE muốn gửi gắm tại Tọa đàm này.
Theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 thi hành một số điều của Luật ATTP, Sở NN&PTNT quản lý các sản phẩm, hàng hóa theo Phụ lục III. Thời gian qua, hầu hết các địa phương trên cả nước đã thực hiện tốt các quy định của Ban Chỉ đạo liên ngành về tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm. Qua đó, ngành Y tế là cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm ATTP từ Trung ương đến địa phương.Trong đó, đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, từng đơn vị và các địa phương thực hiện việc thanh tra, kiểm tra ATVSTP để tránh sự chồng chéo, trùng lặp và bỏ sót trong quản lý. Công tác thanh tra, kiểm tra đã được giao cho từng ngành, từng địa phương theo sự phân cấp quản lý và theo từng thời điểm, từng lĩnh vực mà ngành, địa phương quản lý…
Trước thực trạng về thực phẩm bẩn, không hợp vệ sinh, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia ATTP giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn 2030. Trước đó, cũng đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định về vấn đề này. Cụ thể: Luật ATTP, Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Luật Thương mại, Luật Quảng cáo, Bộ luật Hình sự, các nghị định, thông tư hướng dẫn các Luật này và các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…
Trong đó, hệ thống pháp luật hiện nay về ATTP là tương đối hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình thực hiện cũng như kiểm soát vệ sinh ATTP. Bên cạnh đó, đã phân công được trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc thực hiện công tác bảo đảm ATTP. Mặc dù vậy, hệ thống pháp luật còn xuất hiện một số tồn tại chưa được giải quyết triệt để như: Khó khăn trong quá trình áp dụng vì có quá nhiều văn bản pháp luật cùng quy định về một vấn đề; có sự chồng chéo giữa các quy định trong các văn bản pháp luật khác nhau; tính áp dụng trên thực tế của các văn bản chưa cao; còn nhiều mặt hàng chưa có quy định cụ thể về quy chuẩn ATTP…
Về những vi phạm trong quá trình sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm, phải kể đến quá trình vận chuyển, sản xuất, bảo quản thực phẩm; việc sử dụng chất phụ gia, chất bảo quản thực phẩm; sử dụng chất cấm, không rõ nguồn gốc; nhân viên sản xuất chưa được đào tạo, tập huấn bài bản… Ngoài ra, trước sự phát triển như vũ bão của cuộc CMCN 4.0 thì xu hướng đặt hàng online ngày càng gia tăng, đặc biệt sau đại dịch Covid-19. Thế nhưng, những bất cập là công đoạn nhập nguyên liệu, chế biến,… của các cơ sở kinh doanh ăn uống thì người tiêu không thể kiểm soát được.
Trong suốt thời gian qua, nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật trong việc quản lý, xử phạt trong lĩnh vực ATTP. Lực lượng quản lý thị trường đã thực hiện kiểm tra, giám sát; thành lập các tổ chuyên trách theo dõi vấn đề ATTP trên các sàn thương mại điện tử, bên cạnh đó phối hợp với các ban, ngành liên quan để quản lý, xử lý vi phạm.Theo đó, mọi hành vi vi phạm ATTP sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.
Hiện nay, các chế tài xử phạt về vấn đề này gồm: Xử phạt vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự. Các trường hợp gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại. Theo Nghị định 115/2018/NĐ-CP, mức xử phạt cao nhất đối với cá nhân là 100 triệu đồng, đối với tổ chức là 200 triệu đồng. Đối với những hành vi có tính chất nguy hiểm, gây thiệt hại nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 318, Bộ luật Hình sự.
Để giải quyết thực trạng về thực phẩm bẩn, không hợp vệ sinh, các quy định có liên quan đến vệ sinh ATTP cần phải có sự phù hợp với tình hình, khắc phục tình trạng chồng chéo; đùn đẩy trách nhiệm làm giảm hiệu lực quản lý nhà nước về những văn bản pháp luật liên quan đến ATTP. Thông qua toạ đàm, các diễn giả, chuyên gia, các doanh nghiệp sẽ cùng nhau trao đổi nêu ra, đề xuất những chính sách nhằm ngăn chặn các sản thực phẩm nguy hại từ bên ngoài vào nước ta; gây những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người dân. Từ đó, Viện L.I.P.S và Viện IMRIC, Viện IRLIE và Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) sẽ làm nhịp cầu nối, kiến nghị đến các cơ quan thẩm quyền liên quan không ngừng phải tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động của tất cả cơ sở sản xuất kinh doanh (chăn nuôi, giết mổ động thực vật, trồng trọt, cơ sở chế biến…), xử phạt nghiêm khắc đối với các đối tượng vi phạm vệ sinh ATTP.
Nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng về ATVSTP, toạđàm này kỳ vọng góp phần nhỏ vào việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng; thành lập các mô hình phụ nữ thực hiện ATVSTP, chuỗi hàng hóa sản phẩm nông sản, thực phẩm sạch…, góp phần nâng cao sức khỏe, chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Mới đây, tại Thông báo số 382/TB-VPCP ngày 16/9/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu rà soát lại toàn bộ hệ thống quản lý an toàn thực phẩm trong tất cả các khâu (từ sản xuất đến tiêu dùng) và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian còn lại của năm 2023. Các bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiến hành rà soát, đánh giá các nghị định, thông tư có liên quan để tiếp tục hoàn thiện, bảo đảm phù hợp với yêu cầu quản lý an toàn thực phẩm hiện nay, trong đó chú trọng quy định về phân công trách nhiệm quản lý cho rõ ràng, tránh trùng chéo; áp dụng mức chế tài phù hợp, bảo đảm tính răn đe đối với các trường hợp vi phạm…
Thông báo nêu rõ, các bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam rà soát, hoàn thiện các quy định về trách nhiệm của người quảng cáo, người phát hành quảng cáo, sản phẩm quảng cáo thực phẩm (trong đó có trách nhiệm của nghệ sĩ, người nổi tiếng tham gia quảng cáo); kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm các vi phạm trong quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các lực lượng chức năng thuộc các bộ: Công an, Quốc phòng (Biên phòng, Cảnh sát biển), Công thương (Quản lý thị trường), Tài chính (Hải quan) tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu thực phẩm, phòng, chống nhập lậu và các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm an toàn.
Vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm không chỉ là vấn nạn của Việt Nam mà bất kỳ quốc gia nào trên thế giới cũng phải đối phó với thực trạng này song rõ ràng mỗi nơi sẽ có những cách tiếp cận khác nhau. Tại Mỹ, một trong những ưu tiên hàng đầu để xử lý vấn đề này là minh bạch nguồn gốc thực phẩm, được thể hiện rõ ở các qui định chặt chẽ về ghi nhãn thực phẩm. Thiết lập cơ sở dữ liệu để có thể truy nhanh nguồn gốc, xuất xứ của thực phẩm, nguyên liệu làm ra thực phẩm và nhận diện khâu nào trong chuỗi cung ứng thực phẩm có vấn đề, kịp thời thu hồi sản phẩm lỗi ra khỏi các kênh phân phối trên thị trường. Công tác tuyên truyền, giáo dục về an toàn vệ sinh thực phẩm rất được chú trọng. Theo qui định pháp luật về an toàn thực phẩm của Mỹ, khi một người muốn mở quán ăn hay kinh doanh xe bán thực phẩm lưu động thì bắt buộc phải học qua lớp tìm hiểu các quy định về an toàn thực phẩm hay như việc người bị thiệt hại do thực phẩm không an toàn có quyền khởi kiện vụ án dân sự tại tòa án để yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Tại Liên minh châu Âu (EU) cũng có hệ thống tiêu chuẩn và qui định về an toàn thực phẩm hết sức nghiêm ngặt và hoàn chỉnh do nhu cầu của người tiêu dùng về sản phẩm sạch và an toàn rất cao. Đặc biệt, khu vực này rất chú ý tới việc xác định và kiểm soát mối nguy trong chế tạo, gia công, sản xuất, chuẩn bị và sử dụng thực phẩm, thiết lập nguyên tắc bảo đảm môi trường sản xuất an toàn, sạch sẽ.
Như vậy, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đóng vai trò rất quan trọng trong chiến lược bảo vệ sức khỏe con người, vừa cấp bách, vừa mang tính lâu dài, đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội. Chỉ khi mỗi người dân, nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm đều có ý thức cao về vấn đề này và đóng góp hết mình trong công tác giải quyết, chúng ta mới có thể đảm bảo sức khỏe cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, thể hiện nếp sống văn minh của một đất nước.
Văn Hải – Phú Lợi