(TVPLO) – Trong quá trình hoạt động, ngoài công tác chuyên môn, Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE) phối hợp Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC); Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam luôn xác định công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần tập thực hiện, nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục phát luật, phát huy vai trò, hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật. Qua đó, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) ngày càng đi vào chiều sâu, trọng tâm, thống nhất, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Cụ thể, vào sáng ngày 21/07/2025, tại số 412, đường Huỳnh Tấn Phát, phường Tân Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh, Viện IMRIC; Viện IRLIE và TC DN&TTVN giao Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) tổ chức buổi PBGDPL cho độc giả, các doanh nghiệp thành viên Câu lạc bộ Báo chí Truyền thông&Chính sách pháp luật (Viện IRLIE) và Câu lạc bộ Doanh nhân IMRIC – IRLIE (Viện IMRIC) bằng hình thức trực tuyến và trực tiếp…
Với đội ngũ luật gia, luật sư, các báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật là lực lượng nòng cốt đi đầu, đưa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với mọi tầng lớp Nhân dân, nên đội ngũ này thường xuyên được rà soát, củng cố, kiện toàn và hoạt động phát huy hiệu quả. Theo đó, các luật gia, luật sư, các báo cáo viên pháp luật công tác ở nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau, có trình độ từ cử nhân trở lên, nhiều người trong số đó là thạc sỹ, tiến sỹ, chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực pháp luật; báo cáo viên pháp luật thường xuyên được bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng phổ biến pháp luật, kỹ năng biên soạn tài liệu, kỹ năng nói chuyện trước công chúng…nhờ đó hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện bài bản, khoa học, hiệu quả hơn.
Đồng thời, việc xây dựng, nhân rộng các mô hình điểm, có hiệu quả về PBGDPL được các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm nghiên cứu thực hiện, lựa chọn những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong công tác PBGDPL để thực hiện nhân rộng thực hiện, tổ chức biên tập và đăng tải chương trình sách nói pháp luật trên các trang mạng xã hội, trang tin điện tử trực thuộc như: www.bestlife.net.vn; www.huongnghiepthitruong.vn; www.chinhsachphapluat.vn; www.thamvanphapluat.vn; www.tuvanphapluatvietnam.vn; www.doanhnghiepnongnghiep.vn; www.nghiencuupldautu.vn; www.phattrienspcongnghe.vn và trên hai đặc san, Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam (in), góp phần tuyên truyền đến với các cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó có các Trường đặc biệt dành cho những người yếu thế;…
Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã được các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm, tập trung đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả, phát huy được vai trò, tầm quan trọng của công nghệ thông tin vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong tình hình mới. Cạnh đó, góp phần triển khai nhanh chóng, chính xác, kịp thời các chủ trương, chính sách hỗ trợ của Đảng và pháp luật Nhà nước đến toàn thể Nhân dân và doanh nghiệp.
Xin trích lược hai tình huống được các luật gia, luật sư, các tư vấn viên pháp luật của Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) trực tiếp thực hiện như sau:
Tình huống 1: Có thể đối diện mức án 15 năm tù đối với lái xe gây tai nạn có nồng độ cồn vượt mức kịch khung
Thành viên Câu lạc bộ Báo chí Truyền thông&Chính sách pháp luật quan tâm: Liên quan vụ tai nạn liên hoàn tại phường Dương Nội, Thành phố Hà Nội khiến 4 người thương vong, điều dư luận quan tâm là lái xe có nồng độ cồn rất cao gây tai nạn có thể đối diện hình phạt nào?
Qua theo dõi báo chí, cơ quan CSĐT – Công an thành phố Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố bị can và Lệnh tạm giam 4 tháng đối với tài xế Lê Minh Giáp, lái xe ô tô gây tai nạn liên hoàn xảy ra tại phường Dương Nội
Dưới góc độ pháp lý, hành vi của tài xế Lê Minh Giáp có dấu hiệu cấu thành tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, theo Điều 260 Bộ luật Hình sự. Qua đó, người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này thì bị phạt tiền từ 30 – 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 – 5 năm.
Trong trường hợp làm chết 2 người hoặc gây thương tích/ tổn hại sức khỏe cho 2 người trở lên với tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 122 – 200% sẽ bị phạt tù từ 3 – 10 năm. Nếu làm chết 3 người trở lên hoặc gây thương tích/ tổn hại sức khỏe cho 3 người trở lên với tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 201% trở lên… người phạm tội sẽ bị phạt tù từ 7 – 15 năm.
Theo thông tin từ các cơ quan báo chí, Lê Minh Giáp đã điều khiển xe ô tô trong tình trạng có nồng độ cồn rất cao (0,861 mg/ lít khí thở), gây tai nạn với hậu quả đặc biệt nghiêm trọng (1 người chết, 3 người bị thương nặng) nên lái xe có thể đối diện mức án rất nghiêm khắc theo quy định. Ngoài ra, việc điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là một tình tiết tăng nặng.
Bên cạnh hình phạt tù, đối tượng này còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 – 5 năm.
Qua tham chiếu Nghị định 168/2024/NĐ-CP, lái xe còn có thể bị xử phạt hành chính do vi phạm nồng độ cồn với mức phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 đến 24 tháng. Ngoài ra, tài xế Lê Minh Giáp sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại về vật chất (chi phí mai táng, viện phí, thu nhập bị mất, thiệt hại tài sản), tinh thần cho gia đình nạn nhân tửvong và những người bị thương, chủ sở hữu phương tiện bị hư hỏng.
Có thể thấy, trong thời gian qua các vụ “xe điên” gây tai nạn liên hoàn do người cầm lái vi phạm nồng độ cồn vẫn diễn ra khá phổ biến. Mặc dù, pháp luật hiện hành đã có những quy định rõ ràng và nghiêm khắc, song để hạn chế tình trạng này, ngoài việc xử lý nghiêm lái xe vi phạm, các cơ quan, tổ chức cần quản lý chặt chẽ cán bộ của mình bằng nội quy, quy chế, điều lệ về việc sử dụng rượu bia trong giờ làm việc, khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc tiếp theo
Tình huống 2: Liên quan vụ ẩu đả giữa cô gái Việt Nam và phụ nữ Hàn Quốc – Người nước ngoài có thể bị xử lý thế nào?
Qua theo dõi báo chí, những ngày qua, vụ việc xô xát giữa hai cô gái người Việt Nam và hai vị khách người Hàn Quốc tại một quán photobooth trên địa bàn phường Mễ Trì, Hà Nội đã thu hút sự quan tâm lớn từ dư luận.
Nguyên nhân được cho là do mâu thuẫn khi sử dụng dịch vụ chụp ảnh, nhóm khách Hàn Quốc nhiều lần hối thúc nhóm khách Việt Nam rời phòng chụp dù chưa hết giờ, dẫn đến lời qua tiếng lại, sau đó xảy ra xô xát.
Cùng với đó, Công ty Hàn Quốc có nhân viên liên quan đến vụ việc này cũng đã chính thức lên tiếng xin lỗi, cam kết xử lý nghiêm người vi phạm và phối hợp với cơ quan chức năng Việt Nam để làm rõ sự việc.
Dưới góc độ pháp lý, bản chất vụ việc là hành vi xâm phạm sức khỏe, nhân phẩm và danh dự của người khác, có dấu hiệu bạo lực nơi công cộng. Trong trường hợp mức độ thương tích nhẹ, không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự, vụ việc sẽ bị xử lý theo hướng vi phạm hành chính.
Căn cứ điểm c, khoản 1, Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, người nước ngoài vi phạm hành chính trong lãnh thổ Việt Nam sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế có quy định khác.
Tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định rõ: Cá nhân, tổ chức nước ngoài vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam sẽ bị xử lý theo quy định hiện hành.
Tại điểm a, khoản 5, Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, hành vi cố ý gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe người khác, dù không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, vẫn có thể bị xử phạt hành chính từ 5 đến 8 triệu đồng.
Bên cạnh việc phải chịu trách nhiệm hành chính, người vi phạm có thể phải chịu trách nhiệm dân sự về bồi thường thiệt hại cho người bị hại theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Tại Điều 663 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về phạm vi áp dụng pháp luật đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Khi hành vi vi phạm xảy ra tại Việt Nam, pháp luật Việt Nam sẽ được áp dụng.
Tại Điều 687 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Nếu không có thỏa thuận khác giữa các bên, pháp luật của nơi xảy ra hậu quả thiệt hại sẽ được áp dụng đối với các tranh chấp liên quan đến bồi thường ngoài hợp đồng.
Qua đó, nếu có dấu hiệu hành vi xâm phạm sức khỏe và trật tự công cộng, người nước ngoài hoàn toàn có thể bị xử lý theo pháp luật Việt Nam và bị trục xuất nếu vi phạm. Thế nhưng, vụ việc đặt ra yêu cầu về bảo vệ danh dự, quyền lợi hợp pháp của công dân Việt Nam, song song đó cần xử lý minh bạch để tránh hiểu lầm trong quan hệ đối ngoại giữa hai nước…
Viện trưởng Viện IMRIC, TS. Hồ Minh Sơn – Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm