(TVPLO) – Dù đã có nhiều đơn thư và bằng chứng gửi đến Ban Trị sự GHPGVN quận Bình Thạnh, việc xử lý lại bị kéo dài và thiếu minh bạch. Đáng chú ý, các cuộc họp giải quyết đơn tố cáo thường kết thúc bằng lời khuyên “giải quyết nội bộ” nhưng không có hành động cụ thể. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng có dấu hiệu bao che cho sai phạm?
Tôn nghiêm nơi tôn giáo bị ảnh hưởng, gây xói mòn niềm tin
Chùa Bát Nhã, một trong những ngôi chùa lớn tại quận Bình Thạnh, TP.HCM, được biết đến như nơi tu học và gìn giữ truyền thống Phật giáo, hiện đang trở thành tâm điểm của các cáo buộc vi phạm nghiêm trọng về Giới luật Phật giáo và pháp luật.
Mới đây, nhiều sự việc xoay quanh Vị trụ trì Chùa Bát Nhã – Đại đức Thích Nhuận Từ. Từ việc không minh bạch trong quản lý tài chính và sử dụng đất chùa. Cho đến việc Vị trụ trì chùa còn bị tố cáo phá giới, quan hệ bất chính có con riêng.
Theo đơn tố cáo của Đại đức Thích Nhuận Định và các chứng cứ đi kèm, ông Thích Nhuận Từ đã cho thuê đất tôn giáo của Chùa Bát Nhã để mở các quán cà phê, tiệm rửa xe, và thậm chí cả quán nhậu. Đáng chú ý, tại Vi bằng số 477/2024/VB-TPL, các hình ảnh và ghi nhận thực tế đã cho thấy rõ sự tồn tại của các cơ sở kinh doanh ngay trong khuôn viên đất chùa.
Điều này vi phạm nghiêm trọng tinh thần của Luật Đất đai 2013, quy định rằng đất tôn giáo chỉ được sử dụng đúng mục đích đã đăng ký, phục vụ lợi ích tôn giáo và cộng đồng. Việc sử dụng đất chùa – một không gian linh thiêng dành cho tu học và phụng sự cộng đồng – để kinh doanh các dịch vụ thương mại đã gây bức xúc trong dư luận.
Bên cạnh đó, việc các hoạt động thương mại này diễn ra trong không gian thiền môn còn làm giảm đi sự tôn nghiêm vốn có, ảnh hưởng đến niềm tin của Phật tử vào sự trong sạch và thuần khiết của ngôi chùa.
Nghiêm trọng hơn, ông Thích Nhuận Từ bị tố cáo vi phạm “Giới đại dâm dục” khi có quan hệ bất chính với phụ nữ và có con riêng. Theo các chứng cứ ghi âm lập vi bằng, ông đã thừa nhận hành vi này nhưng biện minh rằng đây chỉ là “sự cố ngoài ý muốn”.
Không minh bạch trong thu chi, có dấu hiệu biển thủ công quỹ
Một trong những cáo buộc nghiêm trọng nhất là việc ông Thích Nhuận Từ bị tố cáo quản lý tài chính không minh bạch, sử dụng tài khoản cá nhân để nhận tiền cúng dường thay vì thông qua tài khoản chính thức của chùa.
Theo các chứng cứ từ Vi bằng 477/2024/VB-TPL, ông Nhuận Từ đã công khai kêu gọi quyên góp từ thiện trên mạng xã hội nhưng yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản của cá nhân mang tên Nguyễn Văn Phi.
Ngoài ra, ông Nhuận Từ bị tố cáo chưa bao giờ tổ chức họp công khai về các khoản thu chi của chùa, dẫn đến sự bất bình trong nội bộ và sự rời đi của nhiều tu sĩ. Việc này vi phạm quy định của Hiến chương GHPGVN, yêu cầu minh bạch tài chính tại các cơ sở tôn giáo.
Những hành động này không chỉ thiếu minh bạch, mà còn đi ngược lại tinh thần của đạo Phật, vốn luôn đề cao sự thanh tịnh và minh bạch. Có dấu hiệu vi phạm pháp luật của hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo Bộ luật Hình sự.
Minh bạch tài chính là nền tảng để xây dựng niềm tin trong bất kỳ tổ chức nào, đặc biệt là tổ chức tôn giáo. Hành vi thiếu minh bạch không chỉ làm xói mòn niềm tin của Phật tử mà còn mở đường cho những nghi ngờ về mục đích sử dụng nguồn tài chính.
“Sự việc đã kéo dài hơn 11 năm, nhưng không một ai dám lên tiếng vì sợ bị trù dập, chèn ép nhưng con không thể đứng nhìn sự việc cứ tiếp diễn như vậy vì Chùa Bát Nhã là do Sư phụ chúng con khai sơn, là Tổ đình, là ngôi nhà chung của tất cả các huynh đệ, đó cũng chính là lý do tại sao con tha thiết mong mỏi xin lập Ban Quản Trị để điều hành, quản lý mọi việc một cách minh bạch, trả lại sự tinh khiết cho Chùa theo đúng những gì Sư phụ căn dặn trước lúc viên tịch, con xin khẳng định những điều con làm hoàn toàn không phải vì mục đích vụ lợi cho cá nhân mình mà làm phiền đến quý Ngài, và quý Cơ quan, làm cho mọi việc ồn ào như vậy”, Đại đức Thích Nhuận Định giải bày.
Những lùm xùm tại Chùa Bát Nhã không chỉ là câu chuyện nội bộ mà đã trở thành vấn đề lớn, gây ảnh hưởng đến toàn bộ Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Hành động quyết liệt từ các cấp Giáo hội và cơ quan chức năng không chỉ cần thiết để xử lý sai phạm mà còn để bảo vệ sự trong sạch, uy tín của Phật giáo trong lòng công chúng. Chỉ khi có sự minh bạch và công lý, niềm tin của Phật tử mới có thể được khôi phục.
Ngọc Thạnh
https://tapchivietnamhuongsac.vn/hoat-dong-dia-phuong/tru-tri-chua-bat-nha-tp-ho-chi-minh-bi-to-cao-pham-gioi-va-bien-thu-cong-quy