(TVPLO) – Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã từng chỉ đạo, các cơ quan chức năng cần phải tiếp tục tạo điều kiện để phát huy tối đa năng lực, phẩm chất, trí tuệ của người Việt Nam trong mỗi doanh nhân; đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân, doanh nghiệp.
Nhân kỷ niệm 18 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10. Vào ngày 29/10/2022 tới đây, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) phối hợp Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLPIE) tổ chức Lễ vinh danh chủ đề “Doanh nhân tài năng hội nhập quốc tế” lần I năm 2022. Chương trình này hứa hẹn sự thu hút hơn 300 doanh nhân tham dự. Theo đó, chúng tôi có dịp trao đổi với Thạc sỹ, Nhà báo – Luật gia Hồ Minh Sơn – Chủ tịch HĐQL Viện IRLPIE, Viện trưởng Viện IMRIC, Giám đốc Chi nhánh số 1 (Trung tâm tư vấn pháp luật tại TP.HCM), đại diện Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống phía Nam về chủ đề này…
Theo ThS. Nhà báo – Luật gia Hồ Minh Sơn chia sẻ kinh tế Việt Nam đã bước vào giai đoạn phát triển mới khi nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với nhiều cơ hội mới mở ra cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Để vượt qua những khó khăn, trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, bản thân các doanh nghiệp Việt Nam phải đóng vai trò nòng cốt, nắm bắt được những chuẩn mực của khu vực và quốc tế.
Có thể thấy, “Dư âm” của đại dịch Covid-19 và những bất ổn về địa chính trị tại một số quốc gia có tác động lên hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam. Vì vạy, bản lĩnh doanh nhân lại càng được tôi luyện và đòi hỏi phải ứng biến nhanh nhạy để bắt kịp diễn biến thị trường cũng như phát triển mạnh mẽ hơn.
ThS Hồ Minh Sơn cho biết Việt Nam là nước có nền kinh tế mới nổi, doanh nghiệp (DN) là bộ phận quan trọng nhất, đóng góp quyết định đến tăng trưởng và phát triển kinh tế đất nước. Hiện nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ thương mại với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Đồngthời, ThS. Hồ Minh Sơn, nhấn mạnh “Hội nhập không phải tất cả đều màu hồng và có rất nhiều áp lực, thách thức đặt ra cho cộng đồng doanh nghiệp và nông dân…Từ đó, không hề có giới hạn trong năng lực sản xuất nếu như chúng ta có cơ hội thị trường và điều kiện để tổ chức tái cơ cấu các ngành nghề theo quy mô lớn gắn với việc hình thành các chuỗi giá trị…
Trong khi đó, trong 9 tháng qua, Việt Nam có số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là hơn 104,3 nghìn doanh nghiệp, bình quân mỗi tháng có 13 nghìn doanh nghiệp rời “cuộc chơi” trên thương trường. Thế nhưng, thương trường là những biến động không ngừng nghỉ, cơ hội với doanh nghiệpnày khép lại có thể mở ra cơ hội cho doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, trong 9 tháng qua, hơn 149,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm 2021, bình quân một tháng có 18,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và trở lại thị trường. Qua đó, cộng đồng doanh nhân Việt Nam vẫn giữ ý chí kiên cường, quyết tâm khôi phục sản xuất, kinh doanh và vươn lên.
Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện cuộc khảo sát cho thấy, ViệtNam có gần 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động cùng với khoảng 15,3 nghìn hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã mạnh dạn tạo đột phá trong quản trị doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh với nhiều dự án tham vọng, vươn xa ra thị trường quốc tế. Việt Nam đã xuất hiện một số tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp tư nhân có quy mô, tiềm lực tài chính lớn, năng lực quản trị tốt, công nghệ hiện đại trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như sản xuất ô tô, hàng không, công nghệ thông tin, viễn thông, dịch vụ, bất động sản, nông nghiệp…
Hiện nay, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã lên đến hàng triệu người. Trong đó, Việt Nam đã có 6 doanh nhân lọt vào top “tỷ phú USD” toàn cầu năm 2021. Việt Nam có 124 doanh nghiệp với 283 sản phẩm là thương hiệu quốc gia, một số thương hiệu gây được tiếng vang và khẳng định giá trị thương hiệu trên thị trường khu vực và thế giới như: Viettel, Vinamilk, VinFast, Thaco, TH, gạo ST25…
Chia sẻ về điều này, ThS. Hồ Minh Sơn cho biết môi trường kinh doanh cho DN tư nhân liên tục được cải thiện với nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ DN phát triển như các nghị quyết của Chính phủ (từ các năm 2014, 2015, 2016) và Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020. Trong đó, mục tiêu mà Chính phủ đặt ra là xây dựng DN Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, cả nước có ít nhất 1 triệu DN hoạt động, trong đó có các DN có quy mô lớn, nguồn lực mạnh.
Đặc biệt, với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030 đã đề ra nhiệm vụ phải phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân cả về số lượng lẫn chất lượng; khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế; phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt từ 60-65%. Song song đó, những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao về nâng cao năng lực, phẩm chất, chất lượng nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý, quản trị doanh nghiệp; xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân đủ tài, đủ tâm và đủ tầm đáp ứng được những thay đổi và thách thức ngày càng lớn của môi trường kinh doanh trong nước và quốc tế.
ThS Hồ Minh Sơn cho hay, với những kết quả trên cho thấy sự tăng trưởng đạt được rất đáng phấn khởi…Mặc dù vậy, chất lượng của tăng trưởng vẫn còn những tồn tại cần được giải quyết triệt để. Mặt khác, sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua vẫn còn gặp nhiều khó khăn và chưa đạt như kỳ vọng. Phát triển doanh nghiệp về số lượng chưa đạt mục tiêu đề ra và con số 1,5 triệu doanh nghiệp đến năm 2025 vẫn là thách thức lớn. Chất lượng doanh nghiệp, doanh nhân và năng lực doanh nghiệp tham gia vào các chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất toàn cầu còn hạn chế, vẫn chưa tận dụng được hết các cơ hội mang lại từ các hiệp định FTA mà Việt Nam đang tham gia. Vì lẽ đó, trong bối cảnh mới, các doanh nhân càng phải thể hiện bản lĩnh, ứng phó với mọi thay đổi.
Cũng về sự phát triển của doanh nghiệp, ông Trương Nhật Đăng – CEO Cty TNHH Đất Gốc (Khánh Hoà) chia sẻ, các doanh nghiệp, doanh nhân cần khẳng định thành công ở chính thị trường trong nước, từ đó khẳng định vị trí trên thị trường quốc tế. Điều đầu tiên là luôn khẳng định về cam kết hướng tới khách hàng và mang lại giá trị cho khách hàng. Điều này, rất cần sự thống nhất trong đạo đức kinh doanh và đạo đức nghề nghiệp, cũng như uy tín và cam kết của doanh nghiệp, doanh nhân trong các lĩnh vực kinh doanh. Tuy nhiên, để tiếp tục phát triển, nhất là trong bối cảnh còn nhiều khó khăn từ chuỗi cung ứng, thị trường tài chính… thì các doanh nghiệp cần thêm sự hỗ trợ hiệu quả từ các cơ quan quản lý.
Cũng theo ông Trương Nhật Đăng cho hay, hầu hết các doanh nhân hiện vẫn thích làm cái gì dễ và trong phạm vi đất nước mình vì đơn giản, dễ xử lý, nên cộng đồng doanh nhân chọn xuất khẩu luôn luôn ít hơn cộng đồng doanh nhân chọn nội địa. Do đó, ông Trương Nhật Đăng khuyến nghị cần truyền thông hỗ trợ để doanh nhân xem thị trường nước ngoài như thị trường trong nước, hỗ trợ doanh nhân đầu tư tăng chất lượng sản phẩm để vươn ra quốc tế.
Trong khi đó, ThS. Hồ Minh Sơn lại cho rằng, quý daonh nhân cần tìm ra giải pháp để tăng năng suất lao động ngang tầm với các công ty trên toàn cầu thì mới trụ vững trong chuỗi doanh nghiệp toàn cầu, các doanh nhân cần tìm hiểu sâu rộng để đầu tư về cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Doanh nhân cần nghiên cứu, hoạch định chiến lược truyền thông, xây dựng hình ảnh doanh nghiệp làm sao để tiếp tục tạo ra sự bứt phá, khác biệt và lối đi mới đưa doanh nghiệp tới nấc thang phát triển cao hơn một cách bền vững trong bối cảnh cạnh tranh và nhiều thách thức như hiện nay là điều mà cộng đồng doanh nhân Việt luôn tiếp tục duy trì. Ngoài ra, cộng đồng doanh nhân cùng nhau ứng dụng chuyển đổi số vào công tác quản trị sản xuất kinh doanh; Lấy con người làm chiến lược trọng tâm, phát triển đào tạo nội bộ ngay chính trong đơn vị, coi trọng đào tạo thực tiễn là chính, tập hợp và khai thác được trí tuệ tập thể cũng như tạo điều kiện để mỗi cá nhân có thể phát huy cao nhất khả năng và sở trường của mình để tạo ra giá trị chung và hơn hết thảy là đội ngũ lãnh đạo phải luôn hiểu và đánh giá được giá trị của doanh nghiệp mình, nhận diện cơ hội và nắm bắt cơ hội để phát triển tập thể mạnh hơn, bền vững hơn.
Tin rằng, với lực lượng doanh nghiệp đã có những bước phát triển rất đáng tự hào, trở thành lực lượng xung kích, chủ lực trong thay đổi cơ cấu kinh tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.Tăng cường công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các đơn vị có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; có kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng công tác, có tư duy đổi mới, khát vọng cống hiến, tinh thần sáng tạo, đoàn kết, ý thức tổ chức kỷ luật cao, tận tụy, trách nhiệm với công việc được giao. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp; xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, đạo đức, lối sống tốt; có năng lực lãnh đạo, quản lý; quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của người lao động, có trách nhiệm với cộng đồng và toàn xã hội.
Văn Hải – Trần Danh