(TVPLO) – Chiều 28/12, tại trụ sở Đoàn Luật sư TP Hà Nội đã diễn ra Hội nghị giao ban công tác phối hợp năm 2023 và phương hướng công tác phối hợp năm 2024 giữa Sở Tư pháp TP Hà Nội và Đoàn Luật sư TP Hà Nội.
Hội nghị giao ban công tác phối hợp năm 2023 và phương hướng công tác phối hợp năm 2024. Ảnh: Khánh Huy
Tham dự Hội nghị có bà Phạm Thị Thanh Hương – Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội; ông Nguyễn Mạnh Cường – Trưởng phòng Bổ trợ Tư pháp, Sở Tư pháp TP Hà Nội; bà Phan Thị Thu Trang – Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp Pháp lý TP Hà Nội; ông Nguyễn Ngọc Chuyền – Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội cùng các luật sư trong Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội…
Sở Tư pháp đã thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về luật sư
Trình bày báo cáo Kết quả thực hiện Quy chế phối hợp hoạt động năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ năm 2024 giữa Sở Tư pháp và Đoàn Luật sư TP Hà Nội, luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, Phó chủ tịch Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, trong năm 2023, Sở Tư pháp đã thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn TP Hà Nội.
Trong năm, Sở đã thực hiện cấp Giấy đăng ký hoạt động cho 171 tổ chức và chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư, 6 luật sư hành nghề với tư cách cá nhân; thực hiện thay đổi nội dung Đăng ký hoạt động cho 387 tổ chức; chấm dứt hoạt động đối với 15 tổ chức hành nghề luật sư và có 3 tổ chức hành nghề luật sư thông báo tạm dừng hoạt động; tiếp nhận 352 trường hợp đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề luật sư (trong đó có 47 trường hợp tiếp nhận tại bộ phận một cửa theo quy định về thủ tục hành chính) và cung cấp thông tin để Bộ Tư pháp cấp gia hạn Giấy phép hành nghề luật sư cho 11 luật sư nước ngoài theo quy định.
Hiện, Sở Tư pháp TP Hà Nội đang quản lý Nhà nước đối với 1.738 tổ chức hành nghề luật sư; 5.387 luật sư (đang hành nghề).
Sở đã phối hợp với Đoàn Luật sư cung cấp, trao đổi thông tin sau khi Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hoạt động, thay đổi nội dung đăng ký hoạt động, chấm dứt hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư và sau khi Đoàn Luật sư có sự thay đổi (gia nhập, chuyển sinh hoạt, luật sư từ trần, xóa tên, rút tên khỏi danh sách thành viên của Đoàn); phối hợp tốt rà soát, kiểm tra hồ sơ trước khi đề nghị Bộ Tư pháp cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư.
Xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ hàng năm đối với các tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn TP Hà Nội….
Cũng trong năm 2023, Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) Nhà nước đã chú trọng đẩy mạnh việc TGPL cho các đối tượng chính sách, người nghèo, người khuyết tật, quan tâm các địa bàn vùng sâu, vùng xa có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của người dân.
Công tác chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ TGPL tiếp tục được đẩy mạnh, nhất là thực hiện nhiệm vụ trọng tâm TGPL trong lĩnh vực tố tụng, nhiều vụ việc thực hiện có chất lượng, đạt kết quả tốt. Trung tâm TGPL đã tổ chức tổng kết công tác phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng năm 2022, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2023; tham mưu xây dựng kế hoạch kiểm tra liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng năm 2023; cử trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng để bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người trong gần 1.000 lượt đối tượng TGPL; thực hiện 18 vụ việc đại diện ngoài tố tụng; tổ chức 16 hội nghị tập huấn kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ cho trợ giúp viên pháp lý, chuyên viên của Trung tâm…
Bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội. Ảnh: Khánh Huy
Đoàn Luật sư TP Hà Nội thực hiện tốt chế độ báo cáo cải cách tư pháp
Đối với Đoàn Luật sư TP Hà Nội, theo luật sư Nguyễn Ngọc Tiến, Đoàn đã thực hiện tốt quy định của Luật Luật sư. Đoàn lđã tăng cường công tác tự quản kết hợp với việc quản lý Nhà nước trong hoạt động hành nghề luật sư, đảm bảo nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động.
Năm 2023, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cũng đã thực hiện tốt chế độ báo cáo cải cách tư pháp; tổ chức 11 đợt kết nạp cho 467 luật sư; tiếp nhận 753 người đăng ký tập sự hành nghề luật sư; hoàn tất thủ tục xóa, rút tên luật sư thành viên 223 trường hợp (xóa tên 197, luật sư từ trần 10, luật sư nghỉ hành nghề theo nguyện vọng và chuyển đoàn luật sư khác 6).
Hiện Đoàn Luật sư đang quản lý 4.409 người tập sự hành nghề và 5.387 luật sư, với nhiều luật sư có trình độ chuyên môn cao, gồm: 5 giáo sư, 13 phó giáo sư, 143 tiến sĩ, 715 thạc sỹ, 4.477 cử nhân…
Tổ chức 19 khóa bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, số luật sư đã tham gia nghĩa vụ bồi dưỡng trong năm là 1.231 luật sư. Tổ chức 8 khóa bồi dưỡng về kỹ năng hành nghề cho trên 950 người tập sự hành nghề luật sư…
Trong năm, Đoàn Luật sư đã lấy ý kiến đóng góp của đội ngũ thành viên, cử luật sư tham gia trực tiếp trong các buổi hội nghị, hội thảo lấy ý kiến các dự thảo luật như: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); Dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Dự thảo Luật Căn cước; Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi); Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi); Dự thảo Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi); Dự thảo Luật giá (sửa đổi); Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự; Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Dự thảo Luật Đường bộ; Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi); Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)…
Tổ chức trên 40 buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật và TGPL cho người dân, tập trung tuyên truyền về một số chuyên đề đang được xã hội quan tâm: “Học sinh Thủ đô với pháp luật”; “Luật sư Thủ đô với đường Vành đai 4”; “Luật sư Thủ đô đồng hành với nhân dân trong chuẩn tiếp cận pháp luật”; “Luật sư Thủ đô với công tác hòa giải ở cơ sở”…Tăng cường nâng cao chất lượng và cập nhật đầy đủ các chuyên đề “Phổ biến, giáo dục pháp luật”, “Thông tin tuyên truyền”, “Hỏi – đáp pháp luật” trên Cổng thông tin điện tử của Đoàn Luật sư.
Phối hợp với Liên đoàn Luật sư Việt Nam, tham gia TGPL tại trụ sở tiếp công dân Trung ương và tham gia các hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc TP về khiếu nại tố cáo.
Theo số liệu báo cáo của 495/1.738 TCHN có báo cáo năm 2023, Đoàn Luật sư TP Hà Nội đã thực hiện được 26.227 dịch vụ pháp lý, trong đó: số vụ luật sư tham gia tố tụng 1.846 vụ việc bao gồm cả án dân sự, kinh tế, hành chính, lao động; vụ án hình sự mà các luật sư tham gia bào chữa: 1.580 vụ (án mời 896 vụ, án chỉ định 684 vụ); số vụ việc tư vấn pháp luật và dịch vụ pháp lý khác: 21.347 vụ việc (trong đó 9.027 vụ việc tư vấn miễn phí); TGPL miễn phí 2.983 vụ việc. Theo báo cáo của 495 tổ chức hành nghề luật sư, năm 2023, Đoàn Luật sư TP Hà Nội đã đóng góp vào ngân sách Nhà nước số tiền gần 125 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Ngọc Tiến, việc thực hiện Quy chế phối hợp công tác quản lý luật sư và hành nghề luật sư trên địa bàn TP Hà Nội năm 2023 cũng có những hạn chế.
Theo đó, một số luật sư chưa quan tâm chú trọng đến việc bồi dưỡng kỹ năng hành nghề dẫn đến việc luật sư vi phạm pháp luật, quy tắc đạo đức hành nghề luật sư vẫn gia tăng. Một số tổ chức, cá nhân lấy danh nghĩa luật sư của Đoàn Luật sư hoặc tổ chức hành nghề để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng đội ngũ luật sư và Đoàn Luật sư TP Hà Nội. Một số trường hợp đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề luật sư lập hồ sơ chưa đầy đủ thông tin dẫn đến việc phải xác minh nhiều lần gây ảnh hưởng đến thời hạn giải quyết và trả kết quả cho công dân…
Các luật sư cũng có những ý kiến đóng góp, bàn thảo thẳng thắn, sâu sắc và trách nhiệm về các vấn đề liên quan. Ảnh: Khánh Huy
Phối hợp trong hoạt động kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về luật sư
Về việc thực hiện quy chế phối hợp, luật sư Nguyễn Ngọc Tiến cũng cho biết, Sở Tư pháp cùng Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thường xuyên phối hợp trong việc quản lý luật sư và hoạt động hành nghề luật sư, đã thực hiện tốt một số nội dung theo Quy chế phối hợp.
Đơn cử, đã tổ chức Đại hội đại biểu bất thường Đoàn Luật sư thông qua Nội quy của Đoàn Luật sư; phối hợp cung cấp, trao đổi thông tin sau khi Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hoạt động, thay đổi nội dung đăng ký hoạt động, chấm dứt hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư và sau khi Đoàn Luật sư có sự thay đổi; phối hợp tốt trong việc đề nghị Bộ Tư pháp cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư.
Phối hợp trong hoạt động kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về luật sư của các tổ chức hành nghề luật sư, thực hiện tốt Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư…
Đồng thời, luật sư Tiến cũng trình bày phương hướng, phối hợp trong các hoạt động tuyên truyền pháp luật và TGPL trong năm 2024.
Tham gia tại Hội nghị, dưới sự trao đổi của các chuyên viên của Sở Tư pháp, Trung tâm TGPL, các luật sư cũng tham gia nhiều ý kiến về quy chế, cũng như những giải pháp để giải quyết, hạn chế những mặt chưa đạt được trong công tác cũng như quy chế phối hợp.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương ghi nhận những kết quả đạt được, cũng như ghi nhân sự phối kết hợp giữa Sở và Đoàn Luật sư TP Hà Nội. Bên cạnh đó, theo bà Hương, bên cạnh kết quả đạt được Ban chủ nhiệm cần quan tâm, chú trọng và cần có những ý kiến để tìm cách giải quyết, hạn chế những vấn đề còn hạn chế trong hoạt động của các luật sư và các văn phòng…
Tại Hội nghị, các chuyên viên của Sở Tư pháp cùng các luật sư cũng có những ý kiến đóng góp, bàn thảo thẳng thắn, sâu sắc và trách nhiệm về các vấn đề liên quan.
Cũng tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở cho biết, ngày 22/8/2023, Ban Bí thư ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương, trong đó có nội dung giao thực hiện 1 số nhiệm vụ chuyên môn dịch vụ công phù hợp với lĩnh vực hoạt động của hội theo quy định; được Nhà nước hỗ trợ kinh phí thực hiện nhiệm vụ được giao.
Đối với nội dung này, Sở Tư pháp Hà Nội đã báo cáo Đoàn giám sát HĐND TP, đề nghị phối kết hợp với các đơn vị liên quan, tham mưu Chính phủ triển khai… Đây là cơ sở chính thống để giao cho Đoàn Luật sư thực hiện 1 số nhiệm vụ chuyên môn dịch vụ công. “Hy vọng sẽ thực hiện trong năm 2024.” – bà Hương khẳng định.
Minh Dương
https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/so-tu-phap-tp-ha-noi-da-thuc-hien-tot-cong-tac-quan-ly-nha-nuoc-ve-luat-su-365230.html