(TVPLO) – Ngày 21 tháng 11 năm 2024 vừa qua, tại TP.HCM, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo về giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng hoạt động hành nghề quản lý, thanh lý tài sản và tập huấn bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức pháp luật cho đội ngũ Quản Tài Viên.
Trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng phát triển và hội nhập, việc quản lý và xử lý tài sản trong trường hợp doanh nghiệp phá sản trở nên vô cùng quan trọng. Quản Tài Viên là một trong những nhân tố không thể thiếu trong quy trình này. Bài viết dưới đây sẽ đề cập đến vai trò, chức năng và cơ chế hoạt động của Quản Tài Viên theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay.
Tác giả trình bày tham luận tại Hội thảo
Quản tài viên – Anh là ai?
Để thực hiện chức năng kiểm soát, giám sát, quản lý và thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán thì, tại Việt Nam, Luật phá sản doanh nghiệp năm 1993 giao việc này cho hai đơn vị là Tổ quản lý tài sản do Tòa án thành lập và Tổ thanh lý tài sản do Cơ quan Thi hành án Dân sự thành lập.
Khi Luật phá sản năm 2004 ra đời, việc quản lý và thanh lý tài sản chỉ còn giao cho Toà án. Thẩm phán có quyền thành lập tổ quản lý và thanh lý tài sản.
Tới năm 2014, rút kinh nghiệm từ các quy định trước đó, để tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình giải quyết phá sản doanh nghiệp theo hướng đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tiếp thu tiến bộ của pháp luật phá sản hiện đại trên thế giới, trong Luật phá sản năm 2014 một thiết chế mới đã được ra đời, đó là thiết chế quản tài viên.
Luật này đưa ra khái niệm: “Quản tài viên là cá nhân hành nghề quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán trong quá trình giải quyết phá sản”, “Doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản là doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán trong quá trình giải quyết phá sản”.
Như vậy, Luật phá sản hiện nay trao quyền quản lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị mở thủ tục phá sản cho một cá nhân là Quản tài viên hoặc cho một Doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. Quản tài viên được phép hành nghề với tư cách cá nhân hoặc hành nghề trong Doanh nghiệp quản lý và thanh lý tài sản. Quản tài viên là người đóng vai trò trung gian quản lý và giám sát tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán từ thời điểm tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản và chỉ định Quản tài viên.
Lý do xây dựng chế định Quản tài viên tại Việt Nam hiện nay.
Quản tài viên là nghề nghiệp yêu cầu đòi hỏi chuyên môn cao, do đó họ phải có chứng chỉ hành nghề do Bộ Tư pháp cấp. Những người được cấp Chứng chỉ hành nghề quản tài viên gồm Luật sư, Kiểm toán viên; Người có trình độ cử nhân luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng và có kinh nghiệm 05 năm trở lên về lĩnh vực được đào tạo. Do đó, khi một Doanh nghiệp, Hợp tác xã bị Toà tuyên mở thủ tục phá sản và chỉ định Quản tài viên tham gia giám sát, kiểm soát doanh nghiệp thì các bên liên quan từ doanh nghiệp, chủ nợ, cổ động, người lao động… đều yên tâm vì đã có bên thứ ba có đủ trình độ, kỹ năng để làm trung gian quản lý, giám sát giúp họ.
Khi lâm vào trạng thái mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn như nợ lương người lao động, nợ tiền mua nguyên phụ liệu cho sản xuất, nợ thuế, nợ trả cổ tức… thì các nhà quản lý doanh nghiệp thường hoang mang, lúng túng… đôi khi dẫn tới các hành vi liều lĩnh, vi phạm pháp luật hoặc buông xuôi. Họ cũng có tâm lý cho rằng các tài sản đó trước sau gì cũng cũng bị kiểm kê, bán thanh lý để trả cho các chủ nợ, nên họ không còn quan tâm gìn giữ, bảo quản tài sản nữa.
Bên cạnh đó, nhiều chủ doanh nghiệp, hợp tác xã cố tình che giấu, chuyển dịch, tẩu tán tài sản với hi vọng có thể trốn tránh được trách nhiệm thanh lý các tài sản đó để thực hiện nghĩa vụ trả nợ của mình. Trong các tình huống như vậy, nếu không có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ thì chắc chắn khó bảo toàn được khối tài sản để các doanh nghiệp, hợp tác xã đó thực hiện nghĩa vụ của “con nợ” dẫn đến các chủ nợ bị thiệt hại. Do đó cơ chế Quản tài viên góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, nơi các doanh nghiệp yên tâm tham gia các giao dịch mà không lo ngại về rủi ro từ việc không thể thu hồi nợ.
Quản tài viên là người trung gian, độc lập, giúp bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các bên, bao gồm cả bên “chủ nợ” và bên “con nợ”; bảo vệ việc làm cho người lao động; đảm bảo việc phân chia tài sản được thực hiện công bằng và minh bạch; hỗ trợ họ trong việc thực hiện thủ tục phá sản và tránh tình trạng bị lợi dụng bởi các chủ nợ không tuân thủ pháp luật. Với các quyền như xác minh, thu thập, quản lý tài liệu, chứng cứ liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã; Lập bảng kê tài sản, danh sách chủ nợ, danh sách người mắc nợ; Bảo quản tài sản; ngăn chặn việc bán, chuyển giao tài sản mà không được phép của Thẩm phán… thì rõ ràng cơ chế Quản tài viên là rất hiệu quả để phòng ngừa các rủi ro xảy ra sau khi doanh nghiệp, hợp tác xã bị Toà án quyết định mở thủ tục phá sản.
Ngoài ra, trong một số trường hợp, Quản tài viên còn có thể giúp doanh nghiệp tái cấu trúc hoạt động kinh doanh, giảm nguy cơ phá sản hoàn toàn và bảo vệ việc làm cho người lao động. Khi doanh nghiệp, hợp tác xã bị yêu cầu mở thủ tục phả sản thì không phải là tất yếu sẽ dẫn đến bị tuyên bố phả sản. Do vậy, Quản tài viên là người có kiến thức, kỹ năng cao về tài chính, luật…nên có thể góp phần vực dậy doanh nghiệp.
Về hoạt động tố tụng thì Quản tài viên hỗ trợ Toà án trong việc giải quyết các vụ việc phá sản, giảm tải công việc và tăng cường tính chuyên nghiệp trong quản lý tài sản. Đẩy nhanh tiến trình xử lý phá sản, giúp giảm thiểu thiệt hại cho các bên liên quan.
Thủ tục yêu cầu Quản tài viên.
Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án ra quyết định tuyên bố phá sản, trước khi bị tuyên bố phá sản thì Toà án sẽ mở thủ tục phá sản. Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn. Các khoản nợ bao gồm nợ vay, nợ tiền hàng, nợ cổ tức, nợ lương người lao động…
Chủ thể có quyền nợp đơn yêu cầu Toà án mở thủ tục phá sản bao gồm chủ nợ không có bảo đảm hoặc chủ nợ có bảo đảm một phần; người lao động, đại diện tổ chức người lao động; người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã; Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên.
Trong đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì người yêu cầu có thể đề xuất một Quản tài viên là cá nhân hoặc một Doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản nào đó để Toà án xem xét chỉ định người này tham gia thực hiện cơ chế quản tài viên. Nếu không có đề nghị Quản tài viên thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định mở thủ tục phá sản, Thẩm phán có trách nhiệm chỉ định Quản tài viên hoặc Doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản theo danh sách được công bố bởi Bộ Tư pháp.
Việc đưa ra hai lựa chọn là Quản tài viên là cá nhân hoặc Quản tài viên là Doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản đem lại sự linh động cần thiết cho nhu cầu quản lý tài sản của doanh nghiệp bị mất khả năng thanh toán. Đối với các vụ việc đơn giản, tài sản của doanh nghiệp không nhiều, các giấy tờ, tài liệu liên quan đến tài sản của doanh nghiệp không phức tạp thì việc chỉ định Quản tài viên là cá nhân là hợp lý. Tuy nhiên, đối với những vụ việc phá sản phức tạp, tài sản của doanh nghiệp có giá trị lớn, hồ sơ, sổ sách tài chính của doanh nghiệp có nhiều vấn đề nghiên cứu thì việc chỉ định Quản tài viên là Doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản là cần thiết. Đặc thù của cơ chế Quản tài viên là doanh nghiệp thì họ có quyền thuê tổ chức, cá nhân khác là những người có chuyên môn chuyên sâu để giúp họ trong công việc trong khi Quản tài viên là cá nhân thì không được áp dụng quy chế này.
Tóm lại, Quản tài viên đóng vai trò không thể thiếu trong các vụ việc liên quan đến tài sản và phá sản tại Việt Nam. Họ là cầu nối đảm bảo tính minh bạch, công bằng và đúng pháp luật trong quá trình giải quyết tranh chấp, thanh lý tài sản. Hiểu rõ vai trò, quy trình và thủ tục tiếp cận quản tài viên là bước quan trọng để cá nhân, doanh nghiệp bảo vệ quyền lợi của mình và các bên liên quan.
Luật sư, Quản Tài Viên: Thạc sĩ Lê Hồng Quang – Giám đốc DNTN Quản lý và Thanh lý tài sản Hà Phi