(TVPLO) – Trong thời gian gần đây, nhiều độc giả, doanh nghiệp đặc biệt quan tâm đến việc người khuyết tật bị tát và người 16 tuổi chặn đường cướp tài sản. Theo đó, yêu cầu Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE) và Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC); Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam; Tạp chí điện tử Việt Nam Hương Sắc yêu cầu tham vấn pháp lý…
Có thể thấy, hành động tát người khuyết tật của thanh niên đi xe máy ở trường hợp thứ nhất là không thể chấp nhận được, dù không gây thương tích…Bên cạnh đó, ở trường hợp thứ hai quy định xử lý trách nhiệm hình sự giữa đối tượng từ đủ 16 tuổi trở lên và đủ 16 tuổi có sự khác biệt rất lớn.
Trường hợp thứ nhất: Một cái tát nhiều hệ luỵ pháp lý, cần tránh
Cụ thể, cộng đồng mạng mới đây rất phẫn nộ clip ghi lại người đàn ông bị tật nguyền di chuyển bằng xe lăn trên đường Hồ Văn Nhánh, TP Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) thì bất ngờ từ phía sau có 2 người đi xe máy, không đội mũ bảo hiểm lướt qua. Tiếp đó, người ngồi sau xe đã dùng tay tát vào đầu người đàn ông đi xe lăn với thái độ đùa giỡn.
Theo đó, nhìn nhận hành động của thanh niên ngồi xe máy dù không gây thương tích, nhưng đã gây tổn thương đến nhân phẩm và danh dự của người bị đánh. Bởi người khuyết tật vốn đã phải đối diện với rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, việc bị đánh không gây thương tích nghiêm trọng nhưng cũng là hình thức làm nhục nhất định.
Đồng thời, tùy thuộc tính chất mức độ nghiêm trọng của hành vi mà người có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Căn cứ theo quy định tại điều 7 Nghị định 144/2021, người có hành vi “khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác” sẽ bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng. Hoặc sẽ xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật liên quan đến luật an ninh mạng, mức phạt cụ thể sẽ tùy thuộc vào hành vi vi phạm.
Căn cứ theo điều 155 Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về tội làm nhục người khác, khung khởi điểm nêu ra: “Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10-30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Ngoài ra, cấu thành tội làm nhục người khác có thể bằng lời nói hoặc hành động nhằm hạ thấp nhân cách, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Hành vi đánh vào đầu người khuyết tật có thể cấu thành tội làm nhục người khác, đặc biệt nếu hành động này diễn ra công khai và gây tổn thương tinh thần nghiêm trọng cho nạn nhân.
Về tình tiết người điều khiển giao thông, là 2 người ngồi xe máy không đội mũ bảo hiểm thể hiện trong clip. Theo quy định hiện nay là xử phạt từ 400.000 – 600.000 đồng. Cùng với đó, pháp luật cũng có những quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của người khuyết tật. Luật Người khuyết tật 2010 tại điều 14 nêu ra những hành vi bị nghiêm cấm gồm; kỳ thị, phân biệt đối xử người khuyết tật, xâm phạm thân thể, nhân phẩm, danh dự, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của người khuyết tật.
Như vậy, đối với hành vi đánh vào đầu người khuyết tật là hành vi không chỉ vi phạm quyền con người mà còn đi ngược lại với tinh thần bảo vệ và hỗ trợ người khuyết tật, đi ngược với giá trị đạo đức văn hóa…Các hành vi như vậy cần phải bị xử lý nghiêm khắc để bảo vệ sự tôn trọng, quyền lợi và danh dự của người khuyết tật, nhóm người yếu thế dễ bị tổn thương trong xã hội .
Trường hợp thứ hai: Người 16 tuổi chặn đường cướp tài sản bị xử lý thế nào?
Điển hình, vào hồi 22h30, ngày 10/2/2025, tại ngõ 5 Lã Côi, xã Yên Viên, huyện Gia Lâm, cháu K (SN 2007) bị 3 đối tượng đi xe máy chặn xe dùng dao uy hiếp cướp 1 chiếc điện thoại iPhone 11 Pro.Dau đó, vào khoảng 23h5 cùng ngày, cháu T (SN 2009) cũng bị 3 đối tượng đi xe máy chặn xe, dùng dao uy hiếp cướp 1 chiếc điện thoại iPhone 11 tại xóm 8 Lã Côi, xã Yên Viên, huyện Gia Lâm. Đến ngày 13/2/2025, các đơn vị đã làm rõ 3 đối tượng gây án. Tang vật thu giữ gồm: 1 điện thoại iPhone 11, 1 điện thoại iPhone 11 Pro, 1 xe máy nhãn hiệu Honda SCR màu bạc, 1 dao loại gọt hoa quả. Tại cơ quan công an, các đối tượng đã khai nhận hành vi phạm tội của mình.
Theo dõi diễn biến vụ việc trên các cơ quan báo chí, hành vi của các đối tượng táo tợn, liều lĩnh hết sức nguy hiểm. Chỉ trong thời gian ngắn thực hiện nhiều hành vi đặc biệt nguy hiểm, dùng hung khí nguy hiểm đe dọa tính mạng của người khác nhằm mục đích cướp, chiếm đoạt tài sản. Hành vi xâm phạm nhiều khách thể được Bộ luật hình sự bảo vệ, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự tại địa phương, bức xúc trong dư luận.
Căn cứ vào khoản 2 điều 168 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 với các tình tiết định khung như: Sử dụng vũ khí nguy hiểm, phạm tội có tổ chức, hành vi phạm tội gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội và có thể đối diện với khung hình phạt cao nhất tới 15 năm tù. Do vậy, căn cứ theo quy định tại điều 9 Bộ luật hình sự, các đối tượng phạm tội rất nghiêm trọng.
Thế nhưng, các đối tượng phạm tội đều sinh năm 2009, tính thời điểm gây án đủ 16 tuổi. Theo quy định tại điều 12, điều 101 Bộ luật hình sự, chính sách, quy định xử lý trách nhiệm hình sự giữa đối tượng từ đủ 16 tuổi trở lên và đủ 16 tuổi có sự khác biệt rất lớn (từ đủ là tính đến thời điểm ngày sinh nhật, còn đủ là tính đến thời điểm theo chuyển giao năm).
Trong đó, đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định; Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định.
Vì vậy, theo các quy định này, tính đến ngày 10/02/2025, nếu đối tượng nào đã qua sinh nhật, bước sang tuổi thứ 16 thì phải chịu trách nhiệm hình sự nặng hơn những đối tượng khác. Căn cứ quy định tại Bộ luật hình sự việc quyết định hình phạt đối với từng đối tượng phụ thuộc vào vai trò, vị trí, tính chất phạm tội của từng đối tượng và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Căn cứ quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự và các văn bản có liên quan, để xác định chính xác tuổi của các bị can, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần phải áp dụng mọi biện pháp để xác định chính xác ngày, tháng, năm sinh của những đối tượng này như căn cứ vào một trong các giấy tờ, tài liệu được thu thập theo trình tự, quy định của pháp luật: Giấy chứng sinh; Giấy khai sinh; Chứng minh nhân dân; Thẻ căn cước công dân; Sổ hộ khẩu; Hộ chiếu.
Song song đó, căn cứ quy định tại điều 215 Bộ luật tố tụng hình sự, để xác định thiệt hại/giá trị tài sản bị cướp, tính chất phạm tội, Cơ quan tiến hành tố tụng hình sự cần tiến hành thủ tục định giá nhằm xác định giá trị các điện thoại bị cướp là bao nhiêu?
TS. Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện IMRIC, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm