(TVPLO) – Trong suốt những ngày qua, Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC), Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE), Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) đã nhận được thư của người dân là chủ doanh nghiệp, giám đốc các doanh nghiệp thành viên, các tổ chức cá nhân gửi về xoay quanh những vấn đề, cụ thể: Chồng vay tiền của người thân để mua nhà, khi ly hôn có phải chia cho vợ hoặc ai sẽ là người trả số nợ đã vay khi mua nhà hay như bố mẹ vợ có được chia di sản thừa kế là căn nhà đang trả góp hay không? Trong thời gian chờ Tòa án giải quyết ly hôn thì người chồng không may bị tai nạn và qua đời. Người vợ có được quyền hưởng thừa kế tài sản của chồng?…Dưới góc nhìn pháp lý, ông Phạm Trắc Long – Phó Chánh Văn phòng Viện IMRIC, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) sẽ tham vấn về những thắc mắc trên.
Ảnh minh hoạ
Đối với việc người chồng vay tiền người thân mua nhà, khi ly hôn có phải chia nhà cho vợ?
Theo Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về tài sản chung của vợ chồng: Tài sản chung của vợ chồng gồm: Tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung; Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
Đồng thời, theo Khoản 1 Điều 40 Luật Hôn nhân và gia đình quy định trong trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng thì phần tài sản được chia, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác. Phần tài sản còn lại không chia vẫn là tài sản chung của vợ chồng. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
Tương tự, theo Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng; tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.
Theo đó, căn cứ các quy định trên thì căn nhà của vợ chồng quý doanh nghiệp dù là vay tiền của bấtcứ ai để mua nhưng không có văn bản thỏa thuận là tài sản riêng. Như vậy, căn nhà vẫn là tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Khi ly hôn, vợ bạn vẫn có quyền yêu cầu chia căn nhà theo quy định của pháp luật. Cũng theo Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định về trách nhiệm liên đới của vợ chồng. Qua đó, vợ hoặc chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện trong trường hợp giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình. Nếu khoản nợ được xác định là nợ chung thì hai vợ chồng cùng liên đới phải trả. Quý doanh nghiệp và người thân chứng minh đầy đủ giấy tờ về số tiền vay là để mua nhà thì tòa sẽ xem xét giải quyết theo đúng quy định pháp luật.
Đối với việc mua nhà trả góp, cha mẹ liệu có được chia thừa kế?
Theo Điều 612 Bộ luật Dân sự 2015) đối với di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác. Theo Điều 33 Luật Hôn nhân gia đình 2014 có thể xác định đây là tài sản chung của vợ chồng bạn. Điều 615 Bộ luật dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ thực hiện tài sản do người chết để lại, điển hình: Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trong trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại. Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân. Theo khoản 2 Điều 125 Luật Nhà ở 2014 quy định về mua bán nhà trả chậm, trả dần: Bên mua nhà ở trả chậm, trả dần chỉ được thực hiện các giao dịch mua bán, tặng cho, đổi, thế chấp, góp vốn nhà ở này với người khác sau khi đã thanh toán đủ tiền mua nhà ở, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.Trường hợp trong thời hạn trả chậm, trả dần mà bên mua nhà ở đã chết thì người thừa kế hợp pháp được thực hiện tiếp các quyền, nghĩa vụ của bên mua nhà ở và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận sau khi người thừa kế đã trả đủ tiền mua nhà cho bên bán.
Đối với trường hợp chuẩn bị ly hôn có được thừa kế tài sản của chồng?
Trong trường hợp này, căn cứ Luật Hôn nhân và gia đình thì quan hệ hôn nhân chấm dứt trong các trường hợp sau: Chấm dứt do ly hôn: trường hợp này thì thời điểm chấm dứt kể từ ngày bản án hoặc quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật; Chấm dứt do một bên vợ hoặc chồng chết…Đốivới trường hợp của quý doanh nghiệp thì Tòa án chưa giải quyết vụ việc ly hôn, chưa có bản án hoặc quyết định ly hôn có hiệu lực pháp luật…Trước khi người chồng chết thì hai người vẫn là vợ chồng. Sau khi chồng chết vẫn được hưởng thừa kế phần di sản mà chồng mình để lại theo quy định của pháp luật.
Di sản trong trường hợp này có thể là tài sản riêng của chồng hoặc trong khối tài sản chung của vợ chồng. Cùng với đó, việc gia đình nhà chồng yêu cầu quý doanh nghiệp phải trả lại tất cả tài sản của người chồng là không có căn cứ pháp luật. Bởi, Bộ luật Dân sự có quy định, những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của chồng có thể gồm có: người vợ và bố mẹ đẻ của người chồng; những người này có quyền và nghĩa vụ ngang nhau đối với di sản và đối với các khoản nợ do người chồng để lại (nếu có); di sản này sẽ là tài sản của ai thì phải dựa trên cơ sở thỏa thuận phân chia của những người thừa kế, nếu họ không tự thỏa thuận phân chia được thì có thể yêu cầu Tòa án phân chia. Tuy nhiên, đây là quan hệ pháp luật dân sự và một trong những nguyên tắc của pháp luật dân sự là mọi giao dịch phải được xác lập dựa trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi giao dịch trái với nguyên tắc trên sẽ bị vô hiệu.
Song song đó, quý doanh nghiệp có thể liên hệ với luật sư của Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) hoặc đội ngũ những chuyên gia của Viện IMRIC, Viện IRLIE làm nhịp cầu nối để tham vấn pháp lý cho những người trong gia đình nhà chồng nhằm dựa vào cơ sở để hướng cùng thảo luận việc thỏa thuận phân chia di sản này là hữu hiệu nhất. Quý doanh nghiệp cần phải cho gia đình nhà chồng hiểu được là mình không có ý định chiếm dụng tài sản do chồng để lại bởi trên thực tế quý doanh nghiệp đang là người chiếm hữu, sử dụng tài sản trong khi đó người trong gia đình nhà chồng cũng có thể có quyền hưởng phần di sản đó. Đặc biệt, trong trường hợp không tự thỏa thuận để giải quyết được thì quý doanh nghiệp có thể khởi kiện ở Tòa án để yêu cầu chia di sản theo quy định của pháp luật…
Trần Danh