(TVPLO) – Việt Nam với dân số gần 100 triệu người và là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất nhì khu vực, dân số trẻ năng động và có khả năng tiếp cận công nghệ cao nhanh chóng, đây là thời cơ, tiềm năng rất lớn trong việc chuyển đổi số. Đồng thời, là cơ hội mạnh mẽ để các doanh nghiệp, người dân tạo ra sự đột phá trên thị trường nhờ vào chuyển đổi số.
Chuyển đổi số hướng đến tiện ích cho người dân và doanh nghiệp. Ảnh minh hoạ
Trong thời gian gần đây, chúng ta thường nghe đến khái niệm “chuyển đổi số” được nhắc đến rất nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Chuyển đổi số là một trong những mục tiêu được quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam. Chính phủ Việt nam cũng đặc biệt quan tâm đến vấn để chuyển đổi số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…
Điển hình, tại cổng dx.gov.vn, Bộ Thông tin và Truyền thông tập hợp, đăng tải các bài toán, câu chuyện chuyển đổi số, cung cấp những khóa bồi dưỡng kỹ năng chuyển đổi số qua nền tảng học trực tuyến mở đại trà OneTouch; hướng dẫn kỹ năng an toàn cho người dân…Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, nhấn mạnh: “Bộ Thông tin và Truyền thông đã hành động và sẽ hành động để cùng đồng hành với các tổ chức, cá nhân trên hành trình chuyển đổi số. Hy vọng nhận được sự chung tay, góp sức của cộng đồng để chúng ta cùng nhau tạo nên một câu chuyện đáng để kể về chuyển đổi số Việt Nam”.
Cụ thể, vào sáng ngày 9/10/2022 vừa qua, tại Hà Nội Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) chủ trì, Bộ Thông tin và Truyền thông bảo trợ, Tạp chí điện tử VietTimes đã tổ chức thực hiện Hội thảo chủ đề”Tăng tốc chuyển đổi số: Vì lợi ích thiết thực của người dân, doanh nghiệp”. Tại đây, TS. Nguyễn Minh Hồng – Chủ tịch Hội truyền thông số cho rằng mục đích của hội thảo nhằm đánh giá việc tăng tốc chuyển đổi số ở các tổ chức chính trị, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp vì lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp; trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp triển khai những sáng kiến số.
Chia sẻ về điều này, Nhà báo – Luật gia Hồ Minh Sơn – Chủ tịch HĐQL Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLPIE), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC), Giám đốc Chi nhánh số 1 (Trung tâm tư vấn pháp luật tại TP.HCM), đại diện Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống phía Nam cho rằng với sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của một doanh nghiệp, tận dụng các công nghệ để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp các giá trị mới cho khách hàng của doanh nghiệp đó cũng như tăng tốc các hoạt động kinh doanh. Chuyển đổi số cũng là một sự thay đổi về văn hóa của các doanh nghiệp, đòi hỏi các doanh nghiệp phải liên tục thay đổi, thử nghiệm cái mới và thoải mái chấp nhận các thất bại.
Có thể thấy, khái niệm “Chuyển đổi số” hiện nay thường được hiểu theo nghĩa là quá trình thay đổi từ mô hình doanh nghiệp truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet cho vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)… nhằm thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty. Điều này khẳng định không chỉ có vai trò quan trọng tại các doanh nghiệp mà chuyển đổi số còn đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực khác của xã hội như chính phủ, truyền thông đại chúng, y học, khoa học…
Mới đây, Cục Chuyển đổi số quốc gia có thống kê cho thấy, tính đến tháng 6/2022, tỷ trọng kinh tế số trong GDP đã đạt 10,41%, tăng so với mức 9,6% cuối năm 2021. Tuy nhiên, kết quả trên vẫn còn cách khá xa mục tiêu đề ra là 20% GDP vào năm 2025…Năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông xác định là năm đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng lấy người dân làm trung tâm, toàn dân và toàn diện. Từ nay đến năm 2025 sẽ là giai đoạn tăng tốc chuyển đổi số, với những hành động cụ thể theo từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương.
Theo Nhà báo – Luật gia Hồ Minh Sơn cho hay chuyển đổi số đang ngày một thay đổi nhận thức của những nhà lãnh đạo, những người có khả năng quyết định hướng đi và khả năng chuyển đổi thành công của tổ chức. Bộ máy chính quyền của nhiều quốc gia sau khi nhận ra tầm quan trọng của chuyển đổi số trong việc gia tăng hiệu quả hoạt động và đảm bảo an ninh quốc gia, đã lập tức bước vào một “cuộc đua” mới trong việc áp dụng chuyển đổi số.
Trước đây, các công nghệ kiểu cũ thì chỉ có các công ty lớn, có rất nhiều tiềm lực kinh tế mạnh mới có thể tiếp cận được công nghệ đó. Do vậy, các công ty này luôn dẫn đầu thị trường, ít nhất là một vài bước. Tuy nhiên, hiện dù công ty nhỏ hay những startup mới đều có thể tiếp cận được công nghệ không thua kém gì các những công ty lớn.
Cũng theo Nhà báo – Luật gia Hồ Minh Sơn cho rằng kinh tế số cho phép mỗi người dân có thể tiếp cận toàn bộ thị trường một cách nhanh chóng theo cách chưa từng có. Nếu như trước đây, người dân mang hàng ra chợ bán thì chỉ tiếp cận được vài chục đến vài trăm người trong khu vực địa lý hạn chế của mình. Tuy nhiên, với thương mại điện tử, người dân hiện có thể bán hàng cho hàng triệu người, trên toàn thế giới. Mỗi người dân với một chiếc điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình một đường cáp quang là có thể trở thành một doanh nghiệp, là có thể tiếp cận cả thế giới.
Như vậy, chuyển đổi số đã trở thành hướng đi chiến lược cho các doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Các doanh nghiệp nên bắt đầu bằng cách xác định lộ trình phù hợp; thiết lập cơ cấu tổ chức chuyên trách điều hành giúp tăng tốc quá trình chuyển đổi số. Qua đó, tận dụng xu hướng công nghệ điện toán đám mây để tối ưu chi phí, cùng với quá trình phối hợp các đơn vị chuyên môn nhằm tháo gỡ những vướng mắc…
Tương tự, ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia khẳng định, định hướng trọng tâm của chuyển đổi số quốc gia là đưa người dân, doanh nghiệp lên môi trường số, thông qua phổ cập dịch vụ trực tuyến; phổ biến nền tảng số phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục vụ nhu cầu thiết yếu; phổ cập sàn thương mại điện tử; phổ cập nền tảng hỗ trợ tư vấn sức khỏe.
Dịp này, Nhà báo – Luật gia Hồ Minh Sơn chia sẻ thêm chuyển đổi của doanh nghiệp cần phải tập trung từ khâu quản trị, giám sát đến kiến tạo môi trường làm việc số. Cùng với đó, không gian làm việc số cung cấp cho nhân viên các công cụ, nền tảng và dịch vụ công nghệ thông tin để làm việc mọi lúc, mọi nơi, từ đó thúc đẩy năng suất. Ngoài ra, nếu doanh nghiệp không có không gian làm việc số, việc chuyển đổi số của doanh nghiệp sẽ gặp hàng loạt trở ngại, điển hình: Độ trễ và sự minh bạch trong trao đổi công việc giữa các cấp; chất lượng, tốc độ phối hợp công việc bị hạn chế; tính liên thông dữ liệu kém hơn, phát sinh nhiều tác vụ thủ công, tốn nguồn lực và tạo nhiều lỗ hổng trong đồng bộ thông tin…
Đồng thời, Nhà báo – Luật gia Hồ Minh Sơn còn cho rằng việc trực tiếp sử dụng hệ thống trên các thiết bị di động giúp người dân dễ dàng trực tiếp tiếp cận thông tin chính thống, minh bạch, hai chiều từ cơ quan quản lý nhằm tránh nguy cơ sản xuất mập mờ sẽ dẫn đến được mùa, mất giá. Song song đó, hệ thống giúp người dân dễ dàng thực hiện các thủ tục hành chính để đăng ký chăn nuôi, cây trồng…Mặt khác, việc tuân thủ các quy định về quản lý trong chăn nuôi, cây trồng sẽ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và đầu ra cho các sản phẩm do người dân làm ra…
Văn Hải – Trần Danh