(TVPLO) – Ngay sau khi các cơ quan báo chí thông tin về vụ vụ bé gái học ở Trường mầm non Thiên Hương (Hải Phòng) bị bắt cóc khiến dư luận xôn xao, lo lắng. Ngay sau đó, nhiều độc giả và doanh nghiệp đã liên hệ đến Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE), Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) đặt câu hỏi: Bắt cóc là gì? Gần đây, đọc báo có thấy xảy ra vụ bắt cóc trẻ em. Tình trạng này làm nhiều người rất hoang man, lo cho sự an toàn của con, cháu mình. Về vấn đề này, muốn hỏi, hành vi như thế nào thì được xem là bắt cóc và pháp luật quy định về hành vi này như thế nào?
Phân tích dưới góc độ pháp lý, TS. Hồ Minh Sơn cho biết bên cạnh việc truy cứu trách nhiệm đối với kẻ lạ mặt, cơ quan chức năng cũng cần xem xét việc truy cứu trách nhiệm đối với phía nhà trường. Theo đó, hành vi của đối tượng bắt cóc không những gây hoang mang lo lắng cho gia đình về sự an toàn của cháu bé, mà còn gây mất trật tự an ninh trên địa bàn, cần phải xử lý nghiêm…
Cụ thể, chiều ngày 14/01/2025 vừa qua, sau một ngày bị người phụ nữ lạ mặt đưa ra khỏi Trường mầm non Thiên Hương, bé gái N.T.M 4 tuổi đã được tìm thấy ở khu vực đường Lương Khánh Thiện, quận Ngô Quyền, Hải Phòng. Công an xác định, người đưa bé gái ra khỏi trường là Đồng Thị Thu, 18 tuổi, phường Hoàng Lâm, TP Thủy Nguyên, Hải Phòng. Trước đó, khoảng 16 giờ ngày 13/1, Công an TP Thủy Nguyên, Hải Phòng nhận được trình báo về việc một cô gái lạ vào trường học, đọc tên bé gái 4 tuổi rồi nói cô giáo cho đón về. Thấy vậy, bé gái chạy theo người này ra tủ lấy đồ cá nhân rồi cùng rời trường. Gia đình chỉ biết việc này khi 16 giờ 30 phút cùng ngày, mẹ bé thuê người đến đón lại được cô giáo báo con đã về.
TS. Hồ Minh Sơn phân tích trong sự việc này, may mắn cháu bé đã được cơ quan chức năng tìm thấy, an toàn, sức khỏe ổn định. Chắc chắn rằng, cơ quan chức năng sẽ làm rõ nguyên nhân, động cơ, mục đích của người phụ nữ dẫn cháu bé đi để có căn cứ xử lý theopháp luật. Bắt cóc là hình thức bí mật bắt giữ người trái pháp luật nhằm thực hiện một mục đích hoặc âm mưu nào đó về kinh tế, chính trị.
Căn cứ theo Điều 169 Bộ luật hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018) sẽ bị định tội theo khía cạnh pháp luật hình sự thì hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Cụ thể: Người nào bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm; Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Dùng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; Đối với người dưới 16 tuổi; Đối với 02 người trở lên; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người bị bắt làm con tin mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%; Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tái phạm nguy hiểm, TS. Sơn dẫn chứng.
Đồng thời, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 18 năm: Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người bị bắt làm con tin mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên. Cạnh đó, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên; Gây rối loạn tâm thần và hành vi của 02 người trở lên mà tỷ lệ của mỗi người 46% trở lên; Làm chết người. Ngoài ra, người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, TS. Sơn phân tích.
Theo TS. Hồ Minh Sơn khuyến nghị, có thông tin cho rằng người phụ nữ này có dấu hiệu bệnh lý tâm thần, do vậy, cơ quan chức năng cũng sẽ ra quyết định trưng cầu giám định tâm thần đối với người này. Căn cứ vào Điều 49 Bộ luật hình sự thì nếu kết quả cho thấy người này mắc bệnh tâm thần, không có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi thì sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Thế nhưng, cơ quan chức năng có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Mặt khác, xét hành vi của đối tượng đã xâm phạm đến quan hệ về quyền được chăm sóc, nuôi và sống chung với cha mẹ, quyền được bảo vệ của trẻ em. Tuy nhiên, nếu kết quả giám định cho thấy người này có đủ nhận thức và khả năng điều kiện hành vi, đủ năng lực trách nhiệm hình sự thì cơ quan chức năng sẽ điều tra, xác minh, làm rõ động cơ, mục đích thực hiện hành vi của người này để xử lý theo quy định. Điển hình, nếu có hành vi bắt cóc trẻ em làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 169 Bộ luật hình sự.
Căn cứ Điều 153 Bộ luật hình sự, nếu dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác chiếm giữ hoặc giao cho người khác chiếm giữ trẻ em, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi. Căn cứ khoản 1 Điều 153 Bộ luật Hình sự, đối tượng là người không quen biết, không được gia đình đồng ý đón cháu đã tự ý vào trường đưa cháu bé thoát khỏi sự quản lý của bố mẹ, gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến quan hệ về quyền được chăm sóc, nuôi và sống chung với cha mẹ, quyền được bảo vệ của trẻ em, đã phạm vào tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi chắc chắn là có căn cứ. TS. Sơn nhận định, nếu xét thấy đối tượng có biểu hiện tâm lý bất thường, cơ quan điều tra sẽ xem xét đối tượng đã từng điều trị bệnh để có căn cứ trưng cầu giám định khả năng nhận thức và điều khiển hành vi trước, trong và sau khi phạm tội. Song song đó, cơ quan điều tra sẽ làm rõ động cơ, mục đích của đối tượng và có hay không đồng phạm trong vụ việc này để xử lý.
Cũng theo TS. Hồ Minh Sơn phân tích ở trường hợp này, vì cháu bé đã may mắn được tìm thấy an toàn, không tổn hại đến sức khỏe, nên phía nhà trường (giáo viên phụ trách) sẽ không bị xem xét trách nhiệm. Căn cứ theo quy định tại Điều 360 Bộ luật hình sự, nếu để xảy ra hậu quả nghiêm trọng như gây tổn hại sức khỏe của cháu bé từ 61% trở lên… giáo viên phụ trách có thể sẽ bị cơ quan điều tra truy cứu trách nhiệm hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Qua đó, đây cũng là bài học nhắc nhở đối với các cơ sở giáo dục, các nhà trường trong việc quản lý, trông giữ trẻ. Tuyệt đối không được cho người lạ vào trường cũng như tiếp cận trẻ, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.
TS. Hồ Minh Sơn phân tích rõ thêm dấu hiệu nhận biết tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản thông qua các yếu tố sau:
Chủ thể: Cá nhân có có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ độ tuổi theo quy định (từ đủ 16 tuổi trở lên); Cá nhân từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị có năng lực trách nhiệm hình sự phạm tội thuộc khoản 2, Khoản 3 hoặc Khoản 4 Điều 169 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017).
Khách thể: Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản cùng một lúc xâm phạm đến hai khách thể, đó là quan hệ sở hữu và quan hệ nhân thân. Thông thường tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt, người bị bắt cóc là người bị xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự; còn người bị xâm phạm tài sản lại là những người thân của người bị bắt cóc.
Mặt khách quan: Tội phạm này thể hiện ở việc bắt và giữ người trái pháp luật. Thông thường hành vi bắt người làm con tin được thực hiện một các lén lút và đưa người bị bắt đến một nơi nào đó rồi tìm cách thông báo cho người thân của người bị bắt cóc biết, cùng với yêu cầu người thân của họ phải nộp một số tiền thì mới thả người bị bắt cóc, nếu không nộp tiền hoặc tài sản thì người bị bắt cóc sẽ bị nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm.
Hành vi bắt người trái pháp luật được thực hiện bằng nhiều thủ đoạn khác nhau như: dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc bằng những thủ đoạn khác như cho uống thuốc ngủ, thuốc mê, xịt Ether (ête), lừa dối… để bắt được người làm con tin. Bắt giữ người trái phép ở đây không thuộc những trường hợp bắt giữ người, tạm giữ, tạm giam người theo quy định của pháp luật. Tội phạm được coi là hoàn thành kể từ thời điểm thực hiện hành vi bắt cóc con tin và đe dọa đòi người khác phải đưa tài sản.
Mặt chủ quan: Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp. Do đó, tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi phạm tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản sẽ bị xử lý theo các khung hình phạt khác nhau. Mức phạt tù từ 02 năm và có thể lên tới 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền lên tới 100 triệu đồng, quản chế, cấm cư trú hoặc tịch thu tài sản.
Có thể thấy, tình trạng bắt cóc trẻ em, nhà trường và các bậc phụ huynh cần nâng cao cảnh giác, tránh để các đối tượng lạ mặt tiếp xúc trẻ, dụ dỗ trẻ em nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật. Cần nâng cao giáo dục trẻ em không được tiếp xúc với người lạ, không tự ý đi theo người lạ… để hạn chế những tình huống xấu xảy ra…
Hồ Vĩnh Chung (PCVP Viện IRLIE, CVP Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm)