(TVPLO) – Hiện nay, khi cuộc CMCN 4.0 ngày càng phát triển, bên cạnh những lợi ích mà nó đem lại cho cuộc sống con người, cũng không thể phủ nhận những hậu quả tiêu cực nặng nề mà mạng xã hội đem đến. Trong đó, bạo lực mạng thường xuyên xuất hiện, trở thành một vấn nạn không hồi kết với những hệ lụy khôn lường.
Ảnh minh hoạ
Có thể thấy, vẫn còn một số bộ phận người dùng nghĩ mạng là thế giới ảo làm sao ảnh hưởng đến cuộc sống thực tế, thế nhưng điều này hoàn toàn sai lầm. Bạo lực mạng diễn ra trực tuyến, nhưng nó ảnh hưởng đến những người ngoại tuyến và có tác động đến thế giới thực, khiến nạn nhân có thể bị sợ hãi, lo lắng hoặc đáng sợ hơn là kẻ xấu chi phối hành động ngoài đời thật của nạn nhân.
Theo đó, tác hại của bạo lực mạng là vô cùng lớn. Đặc biệt, khi câu chuyện gắn với những người nổi tiếng, có tên tuổi và sức ảnh hưởng. Khi đó, bạo lực mạng diễn ra càng đem lại hậu quả to lớn gấp nhiều lần. Bởi, những hot Facebooker, hot TikToker đã có lượng fan theo dõi, ủng hộ riêng, thì họ luôn được những người yêu mến bênh vực, bảo vệ, đôi khi là bất chấp lý lẽ, đúng sai. Để rồi người chịu thiệt thòi nhất chính là người “bị tấn công”.
Mới đây, đại biểu Tô Thị Bích Châu (TP.HCM) bày tỏ sự trăn trở, đã dẫn chứng từ hai vụ việc khá nổi cộm thời gian qua liên quan đến hoa hậu Ý Nhi và phim Đất rừng phương Nam. Điểm chung là cả hai đều bị “cộng đồng mạng dập cho tơi bời”. “Lúc đó, ai bảo vệ và cách bảo vệ như thế nào, hay phải chờ họ khiếu nại, kiến nghị, làm đơn? Kiểu bạo hành “đập cho chết chứ không phải đập cho chừa” này rất nguy hiểm”.
Đồng thời, khi giới trẻ hiện ngày càng phát triển nhanh và tiếp cận sớm với mạng xã hội, những câu chuyện bạo lực mạng không còn xa lạ, đôi khi là diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Không chỉ nhắm đến những người bình thường, bạo lực mạng còn có thể xảy ra với những công ty kinh doanh. Những câu chuyện bạo lực tưởng chừng chỉ diễn ra trên thế giới ảo nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, thể chất, tâm lý…của nạn nhân. Ngay cả với những người mạnh mẽ vượt qua, nhưng có ai dám chắc họ không chịu những tổn thương nào về tinh thần, thậm chí gây ám ảnh.
Chia sẻ về điều này, Ông Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC), Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) cho biết một trong những xu hướng nguy hiểm trên mạng là hành vi ném đá hội đồng, hầu hết từ những “kẻ giấu mặt”. Người dùng dễ dàng tìm thấy nhiều nhóm tẩy chay trên Facebook được lập ra với mục đích chỉ trích, bới móc, thóa mạ… các cá nhân, tổ chức. Bạo lực mạng ở đây là những thông tin xuyên tạc, bôi nhọ, nói xấu người khác trên mạng xã hội. Chúng ta vẫn nghĩ đó là những câu chuyện hết sức bình thường, nhưng hậu quả nó mang đến lại vô cùng to lớn. Những người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội bằng quyền lực của mình, dùng lời lẽ “tấn công” người khác, làm ảnh hưởng không nhỏ đến suy nghĩ, tâm lý, đôi khi là sức khỏe, tinh thần.
Theo ông Hồ Minh Sơn ở lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, việc tranh luận trên mạng xã hội cũng là xu thế và trong nhiều trường hợp là cần thiết. Trước hết, cho thấy khi được trao “quyền”, khán giả đã không thờ ơ trước những sự việc đang diễn ra. Người hâm mộ cất lên tiếng nói mạnh mẽ cũng góp phần cảnh tỉnh, buộc những người làm nghệ thuật, những người nổi tiếng phải cẩn trọng trong từng phát ngôn, hành động nếu không muốn bị khán giả tẩy chay. Có không ít trường hợp, chính cư dân mạng là người phát hiện sai phạm, đưa ra cảnh báo đến cơ quan quản lý, góp phần làm “sạch” môi trường nghệ thuật và tạo ra những tác động tích cực trong xã hội. Tuy nhiên, ranh giới “đập cho chừa” đôi khi rất mong manh, dễ bị lợi dụng, dẫn đến vấn nạn bạo lực trên mạng. Không ít trường hợp nhân danh góp ý, phê bình nhưng thực chất là bới móc đời tư, ném đá, xúc phạm…
Như vậy, bạo lực mạng tưởng không nguy hiểm mà lại nguy hiểm không tưởng. Đã có không ít những hậu quả đáng buồn xảy ra, nhẹ thì bị ảnh hưởng tâm lý, trầm cảm, nặng hơn nữa đôi khi là những hành động nghĩ quẩn, mất đi sự sống. Và ngay cả khi những người bị bạo lực mạng có mạnh mẽ vượt qua những giây phút này, thì đằng sau đó, hệ quả để lại không hề bị mất đi.
Cùng theo ông Hồ Minh Sơn chia sẻ dù công dân có quyền tự do ngôn luận qua các việc đưa thông tin lên mạng xã hội nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật và đạo đức xã hội. Là người sử dụng mạng xã hội văn minh, nói không với bạo lực mạng, người dân cần nhận thức hành vi lợi dụng các diễn đàn, trang mạng xã hội để nhằm mục đích bôi nhọ danh dự nhân phẩm cá nhân, tổ chức là hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại đến các quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức mà pháp luật bảo vệ. Trên thế giới, có nhiều quốc gia đã thiết lập các quy định pháp lý để kiểm soát và trừng phạt hành vi bạo lực mạng. Những hành vi này có thể bị xem xét là vi phạm pháp luật và chịu hình phạt tùy theo mức độ nghiêm trọng của vi phạm.
Cùng với đó, bạo lực mạng không chỉ là một hiện tượng mà còn là một thách thức nghiêm trọng mà xã hội đang phải đối diện trong thời đại số hóa ngày nay. Việc hiểu rõ về bạo lực mạng là bước đầu tiên để chúng ta có thể xây dựng một môi trường trực tuyến an toàn và tôn trọng, nơi mà mọi người có thể thể hiện ý kiến và chia sẻ thông tin mà không cần phải sợ hãi.
Ông Sơn bày tỏ người dùng mạng xã hội cần nhận thức rõ ràng về tác động của bạo lực mạng đối với tâm lý và tâm hồn của con người, đặc biệt là các thế hệ trẻ đang tiếp xúc với môi trường trực tuyến từ sớm. Cần hợp tác, tạo ra các chính sách và quy định để kiểm soát và giảm thiểu bạo lực mạng. Hãy chung tay xây dựng một không gian trực tuyến lành mạnh, nơi mà sự tôn trọng và sự an toàn được đặt lên hàng đầu. Có thể thay đổi tương lai của môi trường trực tuyến bằng việc hiểu rõ về bạo lực mạng và thực hiện những hành động tích cực để giải quyết vấn đề này.
Dẫn chứng luật, ông Hồ Minh Sơn cho rằng pháp luật hiện không có quy định cụ thể về khái niệm bạo lực mạng là như thế nào. Vì lẻ đó, theo cách hiểu thông thường thì bạo lực mạng là việc sử dụng mạng xã hội để thực hiện các hành vi như: đăng tải hình ảnh, nhắn tin, bình luận… nhằm mục đích gây hại, đe dọa, hoặc xâm phạm đến quyền riêng tư, danh dự, nhân phẩm của người khác.
Căn cứ theo quy định tại Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 cụ thể: Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ; Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình. Việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể được thực hiện sau khi cá nhân chết theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc con thành niên; trường hợp không có những người này thì theo yêu cầu của cha, mẹ của người đã chết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác; Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ; Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại. Qua đó danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.
Tương tự, quy định tại Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP) cụ thể như sau: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn; Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc; Cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu;
Cùng với đó, căn cứ khoản 3 Điều 4 Nghị định 15/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi điểm a khoản 5 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP) có quy định như sau: Mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực: bưu chính và giao dịch điện tử đối với cá nhân là 40.000.000 đồng; Mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực: viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, an toàn thông tin mạng đối với cá nhân là 100.000.000 đồng; Mức phạt tiền quy định từ Chương II đến Chương VII tại Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức, trừ quy định tại Điều 106 Nghị định này. Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức. Như vậy, theo quy định, người có hành vi sử dụng dịch vụ mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức cao nhất là 10.000.000 đồng (bằng 1/2 mức phạt tối đa áp dụng với tổ chức). Mặt khác, người thực hiện hành vi sử dụng dịch vụ mạng xã hội xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác còn buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm này. Ông Sơn chia sẻ thêm.
Cũng theo quy định tại khoản 5 Điều 4 Nghị định 15/2020/NĐ-CP Nghị định 15/2020/NĐ-CP (được bổ sung bởi điểm b và c khoản 5 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP) như sau: Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính: Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định tại Nghị định này là 01 năm trừ các hành vi vi phạm quy định tại các điểm a và c khoản 1 Điều 9; điểm b khoản 1 Điều 46; các điểm a và b khoản 2, khoản 3 Điều 51; các khoản 2 và 3 Điều 64; khoản 1 Điều 67; các khoản 2 và 3 Điều 68; các khoản 2 và 3 Điều 69; các khoản 2 và 3 Điều 70; điểm b khoản 1 Điều 76 Nghị định này có thời hiệu xử phạt là 02 năm. Việc xác định hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc, hành vi vi phạm hành chính đang được thực hiện để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được áp dụng theo khoản 1 Điều 8 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2021 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính. Do vậy, theo quy định, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sử dụng dịch vụ mạng xã hội xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác là 01 năm.
Tin rằng, các quy định của pháp luật mang ý nghĩa nền tảng quan trọng, đảm bảo những hành vi vi phạm đều bị xử lý một cách nghiêm minh, công bằng; song song đó cũng là tiền đề góp phần xây dựng văn hóa số, hướng đến mục tiêu cao nhất là bảo vệ mỗi cá nhân và cả cộng đồng. Ở phương diện này, các văn bản quy phạm pháp luật cũng như các thiết chế cần bắt nhịp, thậm chí đi trước một bước so với sự phát triển và luôn phải được cập nhật kịp thời. Với vai trò nhịp cầu nối, Viện IMRIC và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE) và Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ tham vấn pháp lý hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp để hiểu thấu đáo nhằm trang bị các kiến thức, kỹ năng để tăng “sức đề kháng”, biết tự bảo vệ mình, tránh rơi vào bẫy hay trở thành nạn nhân của bạo lực mạng.
Văn Hải – Trần Danh