(TVPLO) – Sáng ngày 02/01/2025, một số người dân gọi điện đến Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE) thắc mắc và nhờ tham vấn pháp lý liên quan Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt (được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP) và BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); Bộ luật Dân sự 2015.
Nêu lại câu hỏi mà người dân và doanh nghiệp quan tâm như sau: Con điều khiển xe gây tai nạn chết người, cả hai cha con đều bị khởi tố, vì sao?. Đồng thời, bên cho vay đã qua thời hạn trả nợ nhiều năm thì chủ nợ có quyền khởi kiện đòi tiền đã cho vay nữa hay không?. Tôi muốn khởi kiện người này để đòi lại tiền nhưng có người nói đã hết thời hiệu khởi kiện rồi. Tôi xin hỏi khi hết thời hiệu khởi kiện tôi có được khởi kiện đòi tiền không?.
Dưới góc độ pháp lý, TS. Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện IMRIC, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) xin phúc đáp như sau:
Vì sao con chạy xe gây tai nạn chết người, cha cũng bị khởi tố?
Điển hình, cơ quan CSĐT Công an huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với NTH (16 tuổi, ngụ ấp Lợi An, xã Đồng Thạnh, huyện Gò Công Tây) về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Công an cũng ra quyết định khởi tố bị can đối với cha ruột của H về tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Từ vụ án này nhiều bạn đọc thắc mắc là tại sao con gây tai nạn, cha cũng bị khởi tố?
Pháp luật không chỉ đặt ra trách nhiệm đối với người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm luật giao thông mà còn xử lý cả hành vi giao phương tiện cho người chưa đủ điều kiện tham gia giao thông. Pháp luật cũng không loại trừ người giao phương tiện là cha mẹ của người tham gia giao thông.
Căn cứ theo Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt (được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP) hành vi giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 58 của Luật Giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông sẽ bị phạt từ 800 nghìn đến 2 triệu đồng đối với cá nhân, từ 1,6 triệu đồng đến 4 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô. Do đó, việc cha mẹ giao xe hoặc để con chưa đủ tuổi điều khiển mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự như mô tô tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền từ 800 nghìn đồng đến 2 triệu đồng.
Mặt khác, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 264 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Cụ thể, điều luật này quy định: người nào giao cho người mà biết rõ người đó không có giấy phép lái xe hoặc đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp như: làm chết người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;… thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Do đó, việc cha, mẹ giao xe cho con chưa đủ tuổi điều khiển gây tai nạn làm chết người có thể bị truy cứu về tội trên.
Căn cứ tại khoản 2 Điều 586 BLDS 2015 quy định người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình. Nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần lưu ý nâng cao nhận thức về trách nhiệm của mình trong việc giáo dục, quản lý con cái, tuyệt đối không giao xe cho con, em khi chúng chưa đủ điều kiện tham gia giao thông.
Quá thời hạn trả nợ 5 năm, kiện đòi tiền được không?
Căn cứ theo Điều 154 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.
Tại Điều 429 Bộ luật Dân sự 2025 thì thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Trong khi đó, tại Điều 155 của bộ luật này cũng có quy định thời hiệu khởi kiện không áp dụng trong trường hợp sau đây: Yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản; Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác; Tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai; Trường hợp khác do luật quy định.
Cạnh đó, tại mục 2.II trong công văn 02/TANDTC-PC ngày 2-8-2021 về việc giải đáp một số vướng mắc trong xét xử có nêu tình huống, ví dụ: Ông A vay của Ngân hàng 1 tỷ đồng, thời hạn vay 1 tháng kể từ ngày 02-01-2017, lãi suất 2% tháng. Sau thời hạn 01 tháng ông A không trả được nợ gốc và lãi. Trong thời hạn 03 năm kể từ ngày 03-02-2017 đến ngày 03-02-2020, Ngân hàng không khởi kiện yêu cầu ông A trả nợ. Hiện tại, Ngân hàng khởi kiện yêu cầu ông A trả nợ thì ông A có được quyền yêu cầu áp dụng quy định về thời hiệu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc hay không?
Theo quy định Điều 429 của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì “Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm”. Căn cứ quy định này thì thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng đã hết. Thế nhưng, tại khoản 2 Điều 155 của Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện trong trường hợp “yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”.
Vì lẻ đó, Ngân hàng có thể khởi kiện ông A yêu cầu đòi lại tài sản (nợ gốc) và Tòa án thụ lý, giải quyết vụ án mà không phụ thuộc vào việc các bên có yêu cầu áp dụng thời hiệu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc hay không. Do đó, từ các quy định trên bạn đọc có quyền khởi kiện người vay tiền bạn ra tòa để đòi lại tiền nợ gốc, còn phần lãi (nếu có) thì bạn không còn quyền khởi kiện.
Hồ Vĩnh Chung – PCVP Viện IRLIE, CVP Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm