(TVPLO) – Ngày 12/01/2025, Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) phối hợp với Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE) tổ chức buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các doanh nghiệp thuộc Câu lạc bộ Doanh nghiệp IMRIC – IRLIE và các phóng viên, nhà báo thành viên Câu lạc bộ báo chí Truyền thông – Chính sách pháp luật (thuộc Viện IRLIE). Tại đây, các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm đến việc pháp luật thực định quy định về trình tự, thủ tục sa thải người lao động và gần đây có một số đối tượng mạo nhận là phóng viên, nàh báo để lừa chạy án…
Các doanh nghiệp đặt câu hỏi về việc khi nào người sử dụng lao động được phép sa thải người lao động và trình tự, thủ tục sa thải người lao động như thế nào? Chuyên gia pháp lý đã đưa ra lời giải đáp…Các đối tượng không có nghề nghiệp nhưng lại tự nhận là phóng viên ở các cơ quan báo chí uy tín để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhiều người sẽ bị xử lý như thế nào?.
Phân tích dưới góc độ pháp lý, TS. Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện IMRIC, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) cho biết:
Phân tích pháp luật thực định quy định về trình tự, thủ tục sa thải người lao động
Bên cạnh các hình thức xử lý như khiển trách, kéo dài thời gian nâng lương, cách chức thì sa thải là hình thức xử lý kỷ luật nặng nhất trong các hình thức xử lý kỷ luật lao động mà người sử dụng lao động (NSDLĐ) áp dụng với người lao động (NLĐ). NSDLĐ chỉ được sa thải NLĐ khi thuộc một trong các trường hợp mà pháp luật quy định và phải theo một trình tự, thủ tục nhất định.
Căn cứ theo quy định tại Điều 125, Bộ luật Lao động năm 2019 thì NSDLĐ chỉ được áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải NLĐ khi thuộc một trong các trường hợp sau: NLĐ có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý tại nơi làm việc; NLĐ có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của NSDLĐ, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của NSDLĐ hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động; NLĐ bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương hoặc cách chức mà tái phạm trong thời gian chưa xoá kỷ luật. Tái phạm là trường hợp NLĐ lặp lại hành vi vi phạm đã bị xử lý kỷ luật mà chưa được xoá kỷ luật theo quy định tại Điều 126 của Bộ luật này; NLĐ tự ý bỏ việc 5 ngày cộng dồn trong thời hạn 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong thời hạn 365 ngày tính từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng. Trường hợp được coi là lý do chính đáng bao gồm: thiên tai, hoả hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động.
Căn cứ vào quy định tại Điều 125, Bộ Luật lao động năm 2019. Nếu không thuộc một trong các trường hợp được xác định ở trên mà NSDLĐ vẫn áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải NLĐ thì trường hợp này, NSDLĐ đang có hành vi sa thải trái pháp luật.
Tại Điều 123, Bộ luật Lao động năm 2019 và Điều 70, Nghị định 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ thì trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động được thực hiện như sau:
1, Lập biên bản vi phạm, thu thập chứng cứ chứng minh vi phạm: khi phát hiện NLĐ có hành vi vi phạm kỷ luật lao động tại thời điểm xảy ra hành vi vi phạm, NSDLĐ tiến hành lập biên bản vi phạm và thông báo đến tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở mà NLĐ là thành viên, người đại diện theo pháp luật của NLĐ chưa đủ 15 tuổi. Trường hợp NSDLĐ phát hiện hành vi vi phạm kỷ luật lao động sau thời điểm hành vi vi phạm đã xảy ra thì thực hiện thu thập chứng cứ chứng minh lỗi của NLĐ.
2, Gửi thông báo về việc tổ chức phiên họp xử lý kỷ luật lao động cho những người có quyền và nghĩa vụ liên quan: theo quy định của pháp luật hiện hành thì trước khi tiến hành một cuộc họp xử lý kỷ luật NLĐ, NSDLĐ phải gửi thông báo bằng văn bản về việc tham dự cuộc họp cho những thành phần có quyền và nghĩa vụ liên quan đến việc xử lý kỷ luật lao động, trong đó có NLĐ. Thông báo này cần phải được gửi đến những thành phần liên quan trước khi tiến hành cuộc họp xử lý kỷ luật lao động ít nhất là 5 ngày làm việc và phải đảm bảo người được thông báo nhận được thông báo.
3, Tổ chức phiên họp xử lý kỷ luật sa thải NLĐ: NSDLĐ tiến hành họp xử lý kỷ luật theo thời gian, địa điểm đã thông báo. Trường hợp một trong các thành phần phải tham dự họp không xác nhận tham dự cuộc họp hoặc vắng mặt thì NSDLĐ vẫn tiến hành họp xử lý kỷ luật lao động. Nội dung cuộc họp xử lý kỷ luật lao động phải được lập thành biên bản, thông qua trước khi kết thúc cuộc họp và có chữ ký của người tham dự cuộc họp, trường hợp có người không ký vào biên bản thì người ghi biên bản nêu rõ họ tên, lý do không ký (nếu có) vào nội dung biên bản.
Mạo nhận phóng viên, lừa đảo chạy án bị truy cứu thế nào?
Gần đây, các đối tượng không có nghề nghiệp nhưng lại tự nhận là phóng viên ở các cơ quan báo chí uy tín để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhiều người.
Điển hình, vào ngày 27/12/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tuyên Quang đã ra quyết định khởi tố bị can và Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Đức Hoàn (SN 1989, trú tại xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) và Võ Thành Đạt (SN 2000, trú tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Các khung hình phạt đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự:
Khung 1: Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
Khung 2: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; Tái phạm nguy hiểm; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
Khung 3: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
Khung 4: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
Hình phạt bổ sung: Căn cứ Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017), người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Mức phạt hành chính với tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Trường hợp hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản chưa đủ các điều kiện để truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), thì người có hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính.
Căn cứ theo khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác thì sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Trong đó, người có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn phải chịu hình phạt bổ sung và thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, cụ thể như sau: Hình phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính; Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Văn Hải – Tuấn Tú (CTVTVPL Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm)