(TVPLO) – Trong xu hướng phát triển du lịch bền vững hiện nay, du lịch làng nghề được xem là một trong những mục tiêu được nhiều địa phương trong cả nước hướng đến. Trong suốt thời gian gần đây, bên cạnh những loại hình du lịch vốn là thế mạnh của nhiều địa phương như du lịch văn hóa – lịch sử, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái…Du lịch làng nghề đã trở thành một hướng đi triển vọng để thu hút du khách. Thực tế cũng cho thấy, khi các địa phương biết khéo léo kết hợp và phát triển thì du lịch làng nghề sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp “đánh thức” các tiềm năng nội tại.
Các làng nghề truyền thống Bến Tre không chỉ đem lại lợi nhuận kinh tế cho địa phương mà còn góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa đặc sắc, tạo nên nét hấp dẫn cho nhiều du khách tham quan và tìm hiểu. Ảnh top 5 làng nghề truyền thống Bến Tre ấn tượng, thu hút du khách
Cụ thể, nhằm hỗ trợ, phát triển các làng nghề truyền thống, Chính phủ, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Nghị định 52/2018/NĐ-CP và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 7/7/2022 phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 với các giải pháp, đồng bộ để thúc đẩy việc phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề ở các địa phương trong thời gian tới.
Chia sẻ về điều này, Ông Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC), Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) cho rằng du lịch làng nghề có thể hiểu là loại hình du lịch văn hoá tổng hợp thông qua hình thức đưa du khách tới tham quan, cảm nhận các giá trị văn hóa và mua sắm những hàng hóa đặc trưng của các địa phương. Cùng với xu thế hội nhập và mở cửa, đây là tiền đề, cơ hội tốt để các địa phương nơi có làng nghề đi lên cùng sự phát triển của ngành Du lịch. Các làng nghề ở Việt Nam không chỉ có thế mạnh trong phát triển kinh tế với các sản phẩm truyề thống mà còn tạo ra những điểm đến du lịch hấp dẫn. Tuy nhiên, dù đã có nhiều mô hình nhưng sự gắn kết giữa làng nghề và du lịch đến nay vẫn chưa được như kỳ vọng.
Việt Nam hiện có hơn 5.000 làng nghề và làng có nghề, trong đó có với hơn 181 nghề truyền thống, 1.983 làng nghề, làng nghề truyền thống và có 54 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống thì việc khai thác tiềm năng của các làng nghề sẽ góp phần tạo việc làm, thúc đẩy kinh tế, xã hội của địa phương phát triển. Trong những năm qua, nhiều làng nghề đã tận dụng lợi thế sẵn có để khai thác tiềm năng du lịch và đã đạt được những thành công nhất định, trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Thực tế cho thấy, kinh tế làng nghề đã góp phần thay đổi diện mạo nhiều làng quê Việt Nam.
Theo ông Sơn ngoài những loại hình du lịch vốn là thế mạnh của nhiều địa phương như tín ngưỡng thờ cúng; du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, trải nghiệm…Có thể thấy, du lịch làng nghề cũng trở thành một hướng đi triển vọng để thu hút du khách trong và ngoài nước. Với sự đa dạng của các làng nghề, làng nghề truyền thống thì việc khai thác tiềm năng của các làng nghề sẽ góp phần tạo việc làm, thúc đẩy kinh tế, xã hội ở các địa phương phát triển. Qua đó, khi các địa phương biết khéo léo kết hợp và phát triển thì du lịch làng nghề sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp “đánh thức” các tiềm năng sẵn có ở nhiều địa phương. Thế nhưng, dù có nhiều tiềm năng phát triển song du lịch làng nghề còn là những câu chuyện dài bởi thiếu rất nhiều yếu tố thu hút khách. Hiện còn không ít địa phương có nghề truyền thống nhưng lại để tự tìm hướng quảng bá, giới thiệu và tồn tại.
Có thể thấy, với những tiềm năng có sẵn du lịch làng nghề đang đem lại lợi ích kép đối với sự phát triển du lịch cũng như khả năng bảo tồn, khôi phục đối với các làng nghề truyền thống. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế, tiềm năng có được du lịch làng nghề hiện nay vẫn còn khá nhiều “điểm nghẽn” cần được khai thông. Việc phát triển du lịch làng nghề trong thời gian qua, còn mang tính tự phát. Số làng nghề được chọn làm điểm du lịch, còn hạn chế so với số lượng các làng nghề truyền thống hiện nay.
Cũng theo ông Sơn cho rằng hầu hết, các làng nghề chưa được đầu tư về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật; khả năng tổ chức, quản lý, vốn kiến thức thị trường và kỹ năng marketing, truyền thông ở địa phương còn thiếu và yếu. Thự tế, du lịch làng nghề từ lâu đã là sản phẩm hấp dẫn với du khách. Qua đó, việc phát triển du lịch làng nghề còn manh mún, rất cần sự vào cuộc tích cực của các địa phương. Mặc dù vậy, để khai thác phát triển du lịch làng nghề theo hướng bền vững cần phải bảo đảm hiệu quả trên các mặt kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái. Việc đầu tiên là mỗi người dân làng nghề phải được giáo dục về văn hóa du lịch. Mỗi làng nghề cần lựa chọn và phục dựng lại những nét văn hóa đặc sắc của làng để tạo điểm nhấn thu hút du khách. Chính quyền địa phương cần quan tâm tới việc thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, hệ thống khách sạn, nhà hàng, ngân hàng, viễn thông, các dịch vụ giải trí và đẩy mạnh hợp tác với các đơn vị du lịch, lữ hành…
Ông Hồ Minh Sơn, nhấn mạnh: “Cần phải chú trọng đến công tác vệ sinh môi trường ở các làng nghề. Tạo thiện cảm cho du khách từ không gian sản xuất gọn gàng, sạch sẽ đến những phương án xử lý để không ảnh hưởng đến môi trường chung. Xây dựng các quy định về môi trường ở các làng nghề truyền thống trên cơ sở Luật Bảo vệ môi trường và Luật Du lịch”. Du khách đến với làng nghề không chỉ mua hàng mà người ta còn muốn xem quy trình sản xuất. Bên cạnh đó, nhiều làng nghề đã mời du khách cùng trải nghiệm góp phần tăng lượng khách và thể hiện được tính hấp dẫn cao của làng nghề. Du lịch làng nghề muốn khai thác hiệu quả thì phải nghiên cứu thị hiếu của du khách xem du khách cần gì ở làng nghề. Từ đó chúng ta mới có cái chiến lược về thị trường để đáp ứng được du khách.
Theo tìm hiểu Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE) cho thấy quan trọng nữa là phải có chính sách hấp dẫn để phát triển du lịch làng nghề. Nhiều nơi đã áp dụng du lịch làng nghề thành công nhưng hầu hết chỉ đóng khung du lịch. Thậm chí người ta chỉ chú ý phát triển làng nghề chứ chưa thật sự chú trọng du lịch.
Ông Sơn cho rằng cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phải quảng bá sớm để du khách quốc tế muốn tìm hiểu về những làng nghề của chúng ta. Làng nghề truyền thống tích hợp nhiều giá trị văn hóa, mang tiềm năng phát triển du lịch. Quan trọng là làm thế nào để đánh thức những tiềm năng này. Đây không phải là bài toán đơn giản và cần có sự tham gia của cả ngành văn hóa, các địa phương, doanh nghiệp và sự đoàn kết, quyết tâm của người dân làng nghề. Chỉ khi sống được với nghề thì làng nghề mới có thể tồn tại và lưu giữ những nét đẹp của cha ông. Việc bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch là một việc làm có ý nghĩa và cần thiết. Đặc biệt với làng nghề, đó là các doanh nghiệp nhỏ, những hộ kinh doanh nhỏ nên chọn thương hiệu cá nhân và để họ tự kể câu chuyện của họ bằng nhiều cách, kể cả kể về câu chuyện bằng hình ảnh và chạm tới trái tim của khách hàng chính là hướng đi để bảo tồn và phát triển làng nghề, từ đó tìm kiếm cơ hội phát triển du lịch ở chính các làng nghề này…
Đồng thời, ngoài việc phát huy tiềm năng, lợi thế vốn có thì cần có các sản phẩm phụ trợ, dịch vụ đi kèm để thu hút du khách quay trở lại; phải kể đến xây dựng kịch bản chương trình hấp dẫn, các tour, tuyến, lịch trình phù hợp với từng dòng du khách, tạo được các điểm nhấn đáng nhớ đối với du khách khi đến tham quan, trải nghiệm. Ngoài ra, triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường phát triển du lịch gắn với trải nghiệm hoạt động làng nghề kết hợp nâng cao chất lượng các sản phẩm hàng lưu niệm, quà tặng du lịch từ đó tôn vinh, quảng bá sản phẩm, sản vật đặc trưng của các địa phương với du khách.
Ông Hồ Minh Sơn cho hay, mục tiêu đến năm 2025, các địa phương cần chuẩn hóa các điểm du lịch và sản phẩm du lịch nông thôn vì chúng ta có nhiều lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái; các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; các điểm du lịch nông thôn được công nhận phải thực hiện số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số…
Viện IMRIC và Viện IRLIE tìm hiểu cho thấy câu chuyện phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch, nhìn từ các mô hình thành công có thể thấy, khi người dân thu được lợi ích từ hoạt động du lịch, dịch vụ thì bản thân họ sẽ tự giác tham gia một cách hiệu quả. Mặt khác, chính quyền địa phương tích cực vào cuộc ủng hộ cũng là “đòn bẩy” để nghề truyền thống được phát triển và nâng tầm. Một trong các giải pháp khác được đặt ra là tại các di tích văn hóa, làng nghề cần đa dạng hóa các hoạt động, trong đó chú trọng đến trình diễn các loại hình nghệ thuật, nhất là nghệ thuật truyền thống để thu hút du khách. Từ đó, sẽ tác động mạnh đến hình ảnh của các di tích văn hóa, làng nghề.
Dịp này, ông Sơn khẳng định với xu hướng tự do hóa và mở cửa thị trường, phát triển kinh tế kèm theo nhu cầu nâng cao mức sống, quá trình phát triển tầng lớp trung lưu diễn ra nhanh chóng cùng tốc độ đô thị hóa sẽ dẫn đến những nhu cầu mới về chất lượng, giá trị vật chất, giá trị văn hóa, tính độc đáo của các sản phẩm, yêu cầu sản phẩm thân thiện với môi trường, an toàn và có lợi cho sức khỏe con người. Song song đó, nhu cầu về du lịch, thủ công mỹ nghệ, dịch vụ phục vụ đời sống, dịch vụ môi trường…hứa hẹn sẽ phát triển rất mạnh, mở ra triển vọng to lớn cho các làng nghề và kinh tế nông thôn nói chung. Vì lẻ đó, để phát triển làng nghề cần xác định quan hệ giữa kinh tế làng nghề và kinh tế đô thị, với dịch vụ du lịch và bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống….
Mặt khác, xây dựng quy hoạch làng nghề với quy mô, cơ cấu sản phẩm, trình độ công nghệ hợp lý, đảm bảo môi trường bền vững và phù hợp với điều kiện của vùng. Trên cơ sở lợi thế so sánh của các địa phương, gắn với dự báo thị trường tương lai, xây dựng quy hoạch để thu hút đầu tư vào các làng nghề, làng dịch vụ; phát huy vai trò của cộng đồng và các tổ chức dân sự để gắn kết sản xuất và dịch vụ nghề với du lịch nông thôn, du lịch văn hóa. Tiến hành các chương trình nghiên cứu và xây dựng lực lượng tư vấn nhằm xác định lợi thế và thị trường cho các sản phẩm của làng nghề. Hỗ trợ các làng nghề phát triển nghề của làng, phát triển thị trường, tiếp thu công nghệ để nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của hàng hóa. Xây dựng và triển khai chương trình “bảo tồn và phát triển mỗi một làng nghề, ông Sơn nói.
Khuyến nghị thêm, Phát triển làng nghề phải gắn với du lịch là xu hướng của nhiều quốc gia trên thế giới nhằm quảng bá và phát triển du lịch đồng thời giới thiệu hình ảnh văn hóa, lịch sử đất nước. Việt Nam cũng đã nhận thức được điều này nên từ cách đây 10-15 năm, định hướng phát triển du lịch làng nghề đã được đặt ra như một hướng đi của làng nghề. Phát triển du lịch làng nghề không chỉ đem lại lợi nhuận kinh tế mà còn là một cách thức để bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; đây còn là một phương thức giới thiệu sinh động về mỗi vùng miền, địa phương trên đất nước, ông Sơn chia sẻ.
Khẳng định, Ông Hồ Minh Sơn cho rằng: “Chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước có tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như sự phát triển bền vững của ngành thủ công mỹ nghệ. Để tạo được bước đột phá, phải có những bước đi tiên quyết, đảm bảo một hành lang pháp lý thuận lợi, một môi trường kinh doanh thông thoáng, phát huy những mặt tích cực, giảm thiểu những mặt hạn chế trong thời gian qua. Song song đó, thực hiện pháp luật là một trong những nội dung quan trọng nhằm thay đổi thói quen, lề lối hoạt động của làng nghề và nó cũng là cơ sở pháp lý để đưa sản phẩm của làng nghề vào quá trình hội nhập quốc tế một cách sâu rộng. Cầnhành lang pháp lý thuận lợi, một môi trường kinh doanh thông thoáng, phát huy những mặt tích cực, giảm thiểu những mặt hạn chế. Ban hành các quy định pháp luật phù hợp với tình hình thực tế làng nghề tại nước ta hiện nay sẽ góp phần làm thay đổi tích cực vào sự phát triển và hội nhập của làng nghề trong tương lai…Cụ thể, sẽ bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc bảo tồn, phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống, hạn chế thấp nhất tình trạng thất truyền hoặc mai một những nghề truyền thống có giá trị cao về văn hóa; thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, khai thác lợi thế so sánh và những tiềm năng sẵn có của mỗi địa phương, giảm tình trạng ly nông, ly hương, di dân đến các đô thị vì mưu sinh.
Như vậy, để các làng nghề phát huy giá trị riêng vốn có, phù hợp với các tuyến du lịch trọng điểm của tỉnh và địa phương, các làng nghề cần chú trọng phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch có chất lượng, sự khác biệt gắn với bản sắc, đặc trưng vùng miền, phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng du khách, đồng thời chú trọng phát triển sản phẩm mới, có tính cạnh tranh, bắt kịp với xu hướng, thị hiếu, tăng sự hấp dẫn, thu hút khách du lịch. Năm 2024, Viện IMRIC sẽ phối hợp với Viện IRLIE và Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) sẽ tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, nhất là tổ chức các buổi toạ đàm khoa học về phât triển du lịch, du lịch làng nghề và pháp lý để bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống bởi là một trong những nguồn tài nguyên du lịch hết sức quan trọng không chỉ mang lại những lợi ích về kinh tế, xã hội mà còn góp phần bảo tồn và phát huy những bản sắc văn hoá độc đáo của mỗi địa phương, mỗi dân tộc trên cả nước.
Văn Hải – Ngọc Danh