(TVPLO) – Trong xã hội hiện nay, nhà giáo có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giúp hình thành nhân cách, nuôi dưỡng tâm hồn, xây dựng phẩm chất đạo đức và định hướng tri thức cho thế hệ trẻ. Trong bối cảnh nền giáo dục hiện nay đang ngày càng phát triển theo hướng mở, hiện đại và đa dạng hóa, vai trò của nhà giáo không chỉ đơn thuần là truyền đạt kiến thức như trước đây, mà còn là dẫn dắt – truyền cảm hứng, giúp phát huy năng lực, khơi dậy khát vọng sáng tạo trong người học, nhằm tạo ra những giá trị tri thức mới và những thay đổi tích cực trong cộng đồng, xã hội và toàn cầu.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, để cho sứ mệnh cao cả và trách nhiệm trọng đại của đội ngủ nhà giáo có thể được thực hiện được một cách hiệu quả, đồng bộ và toàn diện nhằm bảo đảm cho việc duy trì và phát triển một hệ thống giáo dục chất lượng cao, tạo tiền đề cho sự đột phá trong giáo dục mang tính đổi mới – sáng tạo, góp phần xây dựng một nền giáo dục tiên tiến tiệm cận với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới, thì cần phải có sự hỗ trợ của một hành lang pháp lý đặc thù trong khuôn khổ một hệ thống pháp luật chuyên ngành.
Thế nên, trong bối cảnh toàn ngành giáo dục tiếp tục thực hiện “Đổi mới căn bản và toàn diện” theo tinh thần của Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (ngày 04/11/2013), cùng với trách nhiệm thực hiện các nội dung về phát triển giáo dục và đào tạo theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chỉ thị số 21-CT/TW (ngày 4/5/2023) của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp và định hướng Chiến lược quốc gia về phát triển giáo dục giai đoạn hiện nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; trước những yêu cầu ngày càng cao của xã hội đối với đội ngũ nhà giáo, trước những thách thức mang tính thời đại của giáo dục và đào tạo, việc xây dựng và cho ra đời một Luật Nhà Giáo vừa mang tính toàn diện và vững mạnh, vừa mang tính linh hoạt nhưng vẫn bảo đảm tính đặc thù nghề nghiệp là một nhiệm vụ cấp thiếp của toàn hệ thống chính trị.
Việc xây dựng Luật Nhà Giáo theo những yêu cầu nêu trên và dựa trên những quy định của Luật Viên chức, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học, Luật Giáo dục Nghề nghiệp và một số Luật liên quan khác trong bối cảnh hiện nay là sự mong đợi của đội ngủ nhà giáo của nước nhà. Trong khuôn khổ bài tham luận này chỉ tập trung vào những vấn đề trọng tâm trong phát triển đội ngũ Nhà giáo Giáo dục Nghề nghiệp khi xây dựng Luật Nhà Giáo.
THỰC TRẠNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG KHI XÂY DỰNG LUẬT NHÀ GIÁO TRONG HỆ THỐNG GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP
Theo Luật Giáo dục Nghề nghiệp, Nhà giáo Giáo dục Nghề nghiệp (GDNN) là những người làm việc trực tiếp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (trung tâm GDNN, trường trung cấp, trường cao đẳng), có nhiệm vụ đào tạo người học ở trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ. Người học sau khi được đào tạo tại các cơ sở GDNN sẽ có năng lực hành nghề tương ứng với trình độ đào tạo, có đạo đức – sức khỏe, có tinh thần trách nhiệm với nghề nghiệp, có khả năng sáng tạo – thích ứng với môi trường làm việc trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần nâng cao năng suất lao động và chất lượng nguồn nhân lực quốc gia.
Hiện nay, đội ngũ nhà giáo GDNN nói riêng và nhà giáo trong hệ thống giáo dục quốc dân nói chung, đang đối diện với nhiều thách thức và vấn đề thực tiễn trong quá trình phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Điều này tạo động lực và góp phần thúc đẩy yêu cầu cấp thiết phải xây dựng Luật Nhà Giáo nhằm tạo điều kiện cho nhà giáo thuộc hệ thống GDNN phát huy vai trò và sứ mệnh trong việc đào tạo ra lực lượng lao động có tay nghề cao, góp phần thực hiện thành công các đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
GS.TSKH. Dương Quý Sỹ phát biểu trong phiên họp góp ý “Chiến lược Quốc gia về Phát triển Giáo dục đào tạo Giai đoạn 2020-2030 và tầm nhìn đến 2045” của Hội đồng Quốc gia Giáo dục & PTNL do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì tại Văn phòng Chính phủ (Hà Nội, tháng 3/2024).
Thiếu hụt về nguồn nhân lực chất lượng cao
Trong một số cơ sở GDNN, việc bổ sung và duy trì ổn định đội ngũ nhà giáo có trình độ và năng lực cao đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng. Do vậy trong lĩnh vực GDNN, Luật Nhà Giáo cần phải đặt trọng tâm đến việc quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo GDNN phục vụ cho các ngành, nghề trọng điểm; nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo GDNN, cán bộ quản lý GDNN theo hướng hiện đại, chất lượng cao, tiếp cận chuẩn của các nước tiên tiến. Điều này giải quyết được sự thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao trong một số ngành nghề, tại một số khu vực và một số địa phương; góp phần thiết lập sự cân bằng trong phân bố nguồn nhân lực chất lượng cao trong cả nước.
Điều kiện làm việc không thuận lợi
Trong thời gian qua, đội ngũ nhà giáo GDNN đã tăng nhanh về số lượng và chất lượng; cả nước hiện có khoảng 85.000 giảng viên, giáo viên dạy nghề đang công tác tại hơn 1.880 cơ sở GDNN. Mặc dù trong 5 năm qua, quản lý nhà nước về GDNN được tăng cường, các bậc trình độ đào tạo GDNN được hình thành theo hướng mở, liên thông, phù hợp với hệ thống GDNN các nước trên thế giới; tuy nhiên thể chế, chính sách về nhà giáo GDNN vẫn chưa được hoàn thiện, chưa đồng bộ với sự phát triển của mạng lưới cơ sở GDNN và mô hình tổ chức bộ máy hệ thống GDNN đề cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và kiểm định ngoài. Thế nhưng, đội ngũ nhà giáo công tác tại các cơ sở GDNN vẫn chưa được bảo đảm điều kiện làm việc về cơ sở vật chất, môi trường học thuật, thiếu hụt các điều kiện tài nguyên – học liệu góp phần bảo đảm chất lượng; thậm chí thiếu sự hỗ trợ về cơ chế – chính sách từ phía hệ thống GDNN. Điều này đã ảnh hưởng rất nhiều đến sự nhiệt huyết và cam kết của nhà giáo đối với nghề nghiệp và trách nhiệm đối với người học theo hướng đổi mới nội dung, chương trình, phương thức đào tạo, bảo đảm “học đi đôi với hành”.
Do vậy, Luật Nhà Giáo với những điều khoản liên quan đến đối tượng là nhà giáo GDNN cần phải giúp tạo động lực và thể chế hóa các quy định trong việc tạo ra môi trường làm việc thuận lợi cho nhà giáo GDNN, thể chế hóa cơ chế đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, người dạy nghề cho các ngành – nghề trọng điểm; đi kèm với việc luật hoá cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện đào tạo để bảo đảm chất lượng mang tính đặc thù ngành nghề, theo vùng miền và đối tượng người học, đặc biệt đối tượng người học yếu thế, người dân tộc thiểu số.
GS.TSKH. Dương Quý Sỹ góp ý về chế độ chính sách cho giáo viên giảng dạy tiếng Khmer trong buổi làm việc của đoàn công tác Hội đồng Quốc gia Giáo dục & PTNL tại tỉnh Trà Vinh (tháng 6/2024).
Chế độ tiền lương và phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp chưa thỏa đáng
Mặc dù vai trò của nhà giáo GDNN rất quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân nhằm đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; nhưng so với điều kiện kinh tế – xã hội hiện nay, mức lương của nhà giáo nói chung và nhà giáo GDNN nói riêng là không tương xứng với công việc và trách nhiệm; đặc biệt trong một số ngành nghề độc hại và lĩnh vực đặc thù như sư phạm, y tế, văn hóa & nghệ thuật; hoặc nhà giáo GDNN làm nhiệm vụ đào tạo cho người học nghề là học sinh – sinh viên người dân tộc thiểu số và ở những vùng còn nhiều khó khăn về phát triển kinh tế – xã hội. Sự trả công không tương xứng về mức lương gây ra sự không hài lòng và có thể làm giảm động lực làm việc của nhà giáo GDNN.
Do đó, trong định hướng xây dựng Luật Nhà Giáo áp dụng cho đối tượng là nhà giáo GDNN, cần thể chế việc ưu tiên nguồn lực cho việc phát triển đội ngũ nhà giáo GDNN; đề cao vị trí, vai trò của nhà giáo GDNN, đặc biệt là nhà giáo tham gia đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, các ngành, nghề trọng điểm, mũi nhọn, đào tạo cho đối tượng người học nghề yếu thế, người đồng bào dân tộc. Cần thể chế hóa các quy định về đặt hàng, giao nhiệm vụ cho nhà giáo GDNN trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ngành nghề trọng điểm từ nguồn ngân sách, nguồn xã hội hoá, hay hợp tác công – tư nhằm giúp cho nhà giáo GDNN phát huy hiệu tối đa hiệu quả, vai trò và trách nhiệm trong đào tạo nguồn nhân lực, tạo sự bình đẳng giữa nhà giáo GDNN công lập và ngoài công lập.
Thiếu hỗ trợ trong quá trình tự đào tạo và phát triển nghề nghiệp
Nhiều nhà giáo nói chung và đội ngũ nhà giáo GDNN luôn cảm thấy thiếu các chính sách thể hiện sự quan tâm và hỗ trợ trong đào tạo liên tục về chuyên môn nghiệp vụ – kỹ năng, đào tạo nâng cao trình độ và liên thông giữa các trình độ nghiệp vụ theo hướng mở từ phía hệ thống văn bản pháp quy trong giáo dục GDNN; đây là cơ sở pháp lý giúp nhà giáo GDNN được cập nhật kiến thức chuyên môn theo xu hướng đa ngành nghề và ngành nghề mũi nhọn theo nhu cầu thị trường lao động, nâng cao các kỹ năng mới về khoa học công nghệ – đổi mới sáng tạo, đồng thời giúp nhà giáo GDNN phát triển sự nghiệp của mình theo hướng liên thông lên đào tạo người học có bậc học cao hơn của hệ thống giáo dục quốc dân theo khung trình độ 8 bậc quy định tại Luật Giáo Dục hiện hành.
Vì vậy, Luật Nhà Giáo trong quá trình xây dựng cần phải bao phủ các chính sách đặc thù liên quan đến nhà giáo GDNN nhằm bảo đảm quyền học tập và tự do nghiên cứu giúp bảo vệ quyền lợi của nhà giáo được tham gia vào việc nghiên cứu, phát triển chương trình giảng dạy và tham gia các hoạt động học tập mà không gặp rào cản nhằm mục tiêu bảo đảm chất lượng giáo dục và đề cao trách nhiệm của nhà giáo trong việc cung cấp giáo dục kỹ năng – tay nghề – phẩm chất chất lượng và tiên tiên cho người học trong hệ thống GDNN; đây là một trong những trụ cột then chốt về đào tạo nguồn lực lao động chất lượng cao bảo đảm cho công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước trong thời đại kỹ thuật số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hội nhập và toàn cầu hóa GDNN.
Luật Nhà Giáo cần phải có những nội dung quy định rõ chính sách hỗ trợ đào tạo và phát triển nghề nghiệp của nhà giáo GDNN. Luật Nhà Giáo phải có khung pháp lý bảo đảm cho nhà giáo GDNN được hưởng các chính sách hỗ trợ đào tạo và phát triển nghề nghiệp như đã nêu trên, nhằm chủ động – tích cực tham gia vào phát triển và triển khai chương trình đổi mới GDNN theo chiến lược phát triển giáo dục quốc gia trong giai đoạn 2025 -2030 và tầm nhìn đến 2045; đặc biệt những cơ chế chính sách về hỗ trợ tài chính trong học tập suốt đời, tự học tập nâng cao giúp phát triển nghề nghiệp trong các lĩnh vực GDNN đặc thù, cho các đối tượng chuyên biệt, yếu thế cần phải được thể chế hóa trong Luật Nhà Giáo ở các nội dung có liên quan, đồng bộ với các quy định Luật khác trong phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng.
Môi trường làm việc chưa mang tính đồng đẳng và nhiều áp lực
Các nhà giáo đang làm việc trong hệ thống GDNN (hơn 85.000 nhà giáo làm việc trên 1.880 cơ sở GDNN trong cả nước) phải đối mặt với áp lực từ nhiều phía, bao gồm áp lực từ người học với nhiều trình độ đầu vào khác nhau và loại hình học tập khác nhau, mong đợi của phụ huynh, hướng nghiệp từ trường trung học cơ sở hoặc trung học phổ thông, kỳ vọng tay nghề và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của nhà tuyển dụng và thị trường lao động ngày càng đòi hỏi cao hơn; vừa phải bảo đảm các yêu cầu của chính sách giáo dục bảo đảm chất lượng trong GDNN và Luật Giáo Dục Nghề Nghiệp. Những yếu tố nội tại đặc thù này cộng với vấn đề về điều kiện đời sống kinh tế, sự hài hòa trong mối quan hệ gia đình và yêu cầu công việc, đã dẫn đến sự lo lắng và căng thẳng kéo dài của nhà giáo các bậc học nói chung và của GDNN nói riêng; làm ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất & tinh thần và hiệu suất làm việc, động lực phát triển của đội ngũ nhà giáo GDNN.
Luật Nhà Giáo cần phải thể chế hóa các quy định về các tiêu chuẩn điều kiện làm việc, bao gồm môi trường làm việc an toàn, mang tính đồng đẳng với sự hỗ trợ công bằng – bình đẳng cho nhà giáo của các tổ chức công đoàn – xã hội và có quan tâm đến nhà giáo là đối tượng yếu thế và đào tạo các ngành nghề đặc thù như y tế – giáo dục, vă hóa – nghệ thuật, ngôn ngữ dân tộc thiểu số; luật hóa về điều kiện làm việc nơi công sở, việc cung cấp trang thiết bị và vật liệu dạy – học tập cần thiết, các quy định về giờ làm việc và nghỉ ngơi, chế độ phụ cấp thỏa đáng và đặc thù theo ngành nghề đào tạo. Đặc biệt là nhà giáo GDNN hiện nay chủ yếu là làm việc theo chế độ hợp đồng dưới dạng viên chức giáo dục nên Luật nhà giáo cần phải tính đến việc bảo vệ về cho nhà giáo về mặt pháp lý trong trường hợp tranh chấp lao động, bao gồm các quy định về việc giải quyết tranh chấp, bảo vệ chống phân biệt đối xử, và quyền lợi khi nghỉ hưu hoặc bị thương tật – tai nạn nghề nghiệp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ hoặc khi tham gia hỗ trợ người học trong các điều kiện thiên tai, hỏa hoạn và thậm chí đặc thù nghề nghiệp có nguy cơ tổn thương về thể chất; tạo ra một môi trường làm việc tích cực và hỗ trợ tối đa cho đội ngũ nhà giáo GDNN về mặt pháp lý.
GS.TSKH. Dương Quý Sỹ thăm trường tiểu học Huyện Mường Ảng – Tỉnh Điện Biên, trong một chuyến công tác của đoàn Hội đồng Quốc gia Giáo dục & PTNL (tháng 6/2024).
NHỮNG NỘI DUNG VÀ QUAN ĐIỂM CHỦ ĐẠO CỦA LUẬT NHÀ GIÁO TRONG VIỆC PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ NHÀ GIÁO GIA1O DỤC NGHỀ NGHIỆP
Vấn đề phát triển đội ngũ giáo viên – giảng viên GDNN nói riêng và nhà giáo trong hệ thống giáo dục quốc dân nói chung, đã được quan tâm và đưa vào dự thảo Luật Nhà Giáo; đây là một trong những cơ sở pháp lý quan trọng trong việc nâng cao chất lượng chất lượng giáo dục và tạo sự đột phá về chiến lược giáo dục quốc gia trong tương lai.
Đào tạo liên tục và phát triển nghề nghiệp nhà giáo GDNN
Luật Nhà Giáo cần phải tại tiền đề và điều kiện cho nhà giáo GDNN được các cơ sở GDNN, doanh nghiệp tham gia đào tạo quan tâm đầu tư vào đào tạo chuyên môn và nghiệp vụ cho nhà giáo thông qua hành lang pháp lý về việc cung cấp các chương trình đào tạo liên tục và chất lượng cao cho giáo viên – giảng viên GDNN của bên thứ ba và mang tính liên thông các khung bậc trình độ giảng viên theo khung trình độ quốc gia theo hướng mở, linh hoạt, đa chiều cho cùng một ngành nghề, bao gồm cả kiến thức chuyên môn và kỹ năng dạy nghề, kiến thức đặc thù về về pháp luật quản lý GDNN theo quy định của Luật Giáo dục Nghề nghiệp và quy định nhà giáo là viên chức theo Luật Viên chức.
Luật Nhà Giáo cũng cần phải xây dựng cơ sở pháp lý quy định rõ ràng về các chương trình đào tạo và phát triển nghề nghiệp cho nhà giáo GDNN theo hướng mở và liên thông, chuyển đổi giữa các ngành nghề mang tính đặc thù và công nhận tương đương trong việc bảo đảm điều kiện cấp chứng chỉ và bằng cấp.
Cơ chế tài chính bảo đảm phát triển đội ngủ nhà giáo GDNN
Luật Nhà Giáo cần phải có quy định pháp lý về chính sách hỗ trợ tài chính – phụ cấp cho việc đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ cho nhà giáo GDNN, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển nghề nghiệp của nhà giáo theo một khung chương trình đào tạo chuyên biệt; các cơ sở pháp lý trong dự thảo Luật Nhà Giáo phải đảm bảo rằng tất cả các nhà giáo đều có cơ hội tiếp cận các chương trình đào tạo nâng cao, chất lượng tốt nhất mà không bị hạn chế bởi vấn đề tài chính.
Luật Nhà Giáo cũng cần phải thể chế hóa cơ chế hỗ trợ và tài trợ cho đào tạo nghề nghiệp chuyên sâu và nâng cao. Luật Nhà Giáo cần cung cấp hành lang pháp lý bảo đảm các cơ chế hỗ trợ và tài trợ cho việc đào tạo nghề nghiệp của nhà giáo, bao gồm học phí, học bổng, và các chương trình hỗ trợ tài chính khác nhau, xã hội hóa trong phát triển nhà giáo GDNN.
Phát triển đội ngủ nhà giáo GDNN theo hướng đổi mới – sáng tạo
Luật Nhà Giáo phải tạo động lực và cơ sở pháp lý cho đội ngũ nhà giáo GDNN tham gia nghiên cứu – đổi mới sáng tạo và phát triển các kỹ năng chuyên môn về khoa học công nghệ, năng lực làm chủ trí tuệ nhân tạo và số hóa trong hoạt động chuyên môn, khả năng hội nhập khu vực và quốc tế dựa trên kỹ năng chuyên môn về ngoại ngữ và kiến thức phong phú – đa chiều về văn hóa hội nhập, theo xu hướng toàn cầu hóa nguồn nhân lực nghề nghiệp, đặc biệt các ngành nghề mũi nhọn và chuyên sâu.
Tạo môi trường thuận lợi phát triển nhà giáo GDNN và tôn vinh
Luật Nhà Giáo tạo điều kiện thuận lợi và môi trường làm việc tích cực cho nhà giáo GDNN; các cơ sở GDNN phải có trách nhiệm tuân thủ theo luật định việc xây dựng một môi trường làm việc khuyến khích sự sáng tạo, sự đổi mới và phát huy trách nhiệm chuyên môn của nhà giáo theo tinh thần chủ động; tạo hành lang pháp lý về cơ hội thăng tiến và phát triển sự nghiệp cho nhà giáo; kiện toàn cơ sở pháp lý để các văn bản dưới Luật Nhà Giáo thực thi cơ chế khuyến khích, thi đua khen thưởng, tôn vinh cho những nhà giáo có thành tích xuất sắc, thành quả đột xuất, đóng góp tích cực vào sự phát triển của GDNN trên mọi phương diện. Những nội dung này khi được đưa vào Luật Nhà Giáo cần phải được triển khai thực hiện đồng bộ và phù hợp hoặc thậm chí là phải điều chỉnh khi cần các khác như Luật Viên Chức, Luật Giáo dục Nghề nghiệp, Luật Thi đua Khen thưởng, nhằm tạo động lực và tính đột phá trong việc hoàn thiện cơ chế pháp luật trong việc xây dựng và thúc đẩy các quy định và luật lệ mang tính pháp lý trong lĩnh vực phát triển đội ngủ nhà giáo GDNN.
Tạo động lực phát triển nghề nghiệp liên tục và năng lực lãnh đạo GDNN
Luật Nhà Giáo cần khuyến khích và hỗ trợ phát triển nghề nghiệp liên tục cho nhà giáo GDNN sau khi nhà giáo đã hoàn thành các chương trình đào tạo ban đầu. Các chương trình phát triển nghề nghiệp có thể bao gồm việc tham gia vào các chương trình đào tạo chuyên sâu khác nhau để nâng cao trình độ chuyên môn và cập nhật kiến thức.
Luật Nhà Giáo cần đảm bảo rằng các nhà giáo GDNN có môi trường học tập và làm việc chuyên nghiệp, bao gồm cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục, và các nguồn lực hỗ trợ. Môi trường GDNN cần tạo điều kiện cho sự sáng tạo, sự phát triển cá nhân và sự tiến bộ chuyên môn của nhà giáo.
Ngoài kiến thức chuyên môn, Luật Nhà giáo cần có định hướng pháp lý cho việc phát triển kỹ năng mềm và kỹ năng lãnh đạo cho nhà giáo thông qua các chương trình đào tạo phát triển các kỹ năng giao tiếp hiệu quả và lãnh đạo nhóm.
Bảo vệ nhà giáo GDNN trước các vấn đề xã hội
Luật Nhà Giáo cần xem xét các biện pháp bảo vệ nhà giáo GDNN trước các vấn đề xã hội như bạo lực học đường, sự phân biệt đối xử, và chấn thương tâm lý do căng thẳng tinh thần kéo dài. Do vậy, Luật Nhà Giáo cần quy định các biện pháp bảo vệ an toàn và sức khỏe cho nhà giáo trong môi trường làm việc, bao gồm việc đảm bảo điều kiện làm việc an toàn, bảo vệ trước nguy cơ bạo lực và hành vi xâm hại, cũng như cung cấp hỗ trợ tinh thần khi cần thiết.
Luật Nhà Giáo cần thể chế hóa các quy định về biện pháp bảo vệ nhà giáo nói chung và nhà giáo GDNN nói riêng, khỏi sự xâm hại và quấy rối từ phía người học, phụ huynh hoặc cộng đồng xã hội, thậm chí cộng đồng mạng theo những quy định của Luật Thông tin Truyền thông. Bên cạnh đó, dựa trên những quy định của Luật Nhà Giáo, cần có một hành lang pháp lý trong việc bảo vệ nhà giáo khỏi sự cạnh tranh không phù hợp về nguồn nhân lực và những áp lực từ phía người học là những đối tượng yếu thế hay đặc thù, hoặc các bên liên quan khác như doanh nghiệp và nhà tuyển dụng.
Luật Nhà Giáo cần phải có khung pháp lý giúp bảo vệ đội ngũ nhà giáo GDNN không bị phân biệt đối xử dựa trên bất kỳ đặc điểm nào như giới tính, tuổi tác, dân tộc, tôn giáo, hoặc tình trạng hôn nhân. Việc xây dựng chính sách và quy định phù hợp có thể giúp ngăn chặn sự phân biệt đối xử và đảm bảo tính đồng đẳng trong môi trường làm việc. Đặc biệt Luật Nhà Giáo cũng cần phải chú trọng đê việc cung cấp hỗ trợ pháp lý và tư vấn cho nhà giáo khi họ gặp phải các vấn đề xã hội, pháp lý hoặc đạo đức nghề nghiệp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trong những điều kiện đặc thù. Việc có các cơ chế pháp lý hỗ trợ này có thể giúp nhà giáo GDNN tự tin hơn khi đối mặt với các tình huống phức tạp trong thực thi công vụ.
Tạo điều kiện phát triển môi trường làm việc và học tập tích cực
Luật Nhà Giáo cần đảm bảo môi trường làm việc trong các cơ sở GDNN theo định hướng hỗ trợ và khuyến khích sự sáng tạo và phát triển của nhà giáo GDNN; bao gồm việc cung cấp cơ sở vật chất hiện đại, thiết bị giảng dạy và hỗ trợ kỹ thuật có tính công nghệ cao, cũng như các chương trình hỗ trợ tâm lý và tư vấn pháp luật phù hợp nhằm giúp nhà giáo GDNN bảo đảm khả năng cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân. Do tính đặc thù của GDNN, Luật Nhà Giáo cần có khung pháp lý hướng dẫn việc thực hiện các quy định về thời gian làm việc linh hoạt, nghỉ ngơi và nghỉ phép, cũng như cung cấp các chương trình hỗ trợ về quản lý thời gian và cân bằng cuộc sống.
Luật Nhà Giáo cần có chính sách khuyến khích và hỗ trợ sự phát triển nghề nghiệp của nhà giáo thông qua các chương trình đào tạo, chứng chỉ nghiệp vụ quốc gia, giấy phép hoạt động nghề nghiệp chuyên ngành và cơ hội thăng tiến. Điều này giúp tạo ra một môi trường làm việc tích cực và động viên nhà giáo phát triển sự nghiệp của mình thông qua việc cho phép nhà giáo GDNN tham gia vào quá trình ra quyết định, xây dựng chính sách và đóng góp vào sự phát triển của hệ thống GDNN. Điều này có thể bao gồm việc luật hóa các cơ chế tư vấn và đại diện cộng đồng, cũng như tạo điều kiện cho sự tham gia vào các nhóm làm việc và các dự án cải cách GDNN theo hướng phục vụ cộng đồng – doanh nghiệp và xã hội; tạo điều kiện cho sự tương tác giữa các bên liên quan và sự hợp tác trong khuôn khổ pháp lý giữa nhà giáo GDNN, người học, gia đình và cộng đồng.
Qua đó, tạo điều kiện làm việc tích cực cho nhà giáo nói chung và GDNN nói riêng là một phần quan trọng của việc xây dựng Luật Nhà Giáo trong hệ thống GDNN. Đảm bảo rằng nhà giáo có một môi trường làm việc mang thuộc tính khuyến khích, hỗ trợ và động viên sẽ giúp nâng cao chất lượng GDNN và phát triển bền vững của GDNN theo hướng tiên tiến và hiện đại.
Trong bối cảnh của việc xây dựng Luật Nhà Giáo trong điều kiện kinh tế – xã hội hiện nay của đất nước với những yêu cầu cao hơn trong thời gian sắp đến về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và sự phát triển mang tính đột phá của đội ngũ nhà giáo GDNN được cụ thể hóa trong các Nghị quyết và Chỉ thị TW và được điều chỉnh bởi nhiều Luật khác nhau. Việc hoàn thiện dự thảo và xây dựng hoàn chỉnh Luật Nhà Giáo là một bước quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục và bảo vệ quyền lợi của nhà giáo các bậc đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân và đặc thù của hệ thống GDNN. Việc luật hóa những quy định rõ ràng và minh bạch trong chức năng – nhiệm vụ, nghĩa vụ và quyền lợi, khen thưởng và kỷ luật không chỉ giúp tạo ra một môi trường làm việc tích cực mà còn thúc đẩy sự phát triển đội ngũ nhà giáo GDNN mang tính chuyên nghiệp, giàu học thuật, đầy đủ kỷ năng khoa học công nghệ và đa chiều về văn hóa, nhằm tạo sự đột phá trong chiến lược GDNN. Luật Nhà Giáo ra đời với những chính sách pháp luật hỗ trợ cho nhà giáo GDNN sẽ là bước đi đúng đắn trong việc xây dựng một hệ thống GDNN ngày càng hoàn thiện và phát triển, liên thông và gắn kết chặt chẽ với giáo dục phổ thông và giáo dục đại học.
Việc xây dựng Luật Nhà Giáo không chỉ là việc thiết lập các quy định và chính sách pháp luật, mà còn là quá trình tôn trọng và đánh giá cao vai trò của nhà giáo nói chung và nhà giáo GDNN nói riêng trong việc đóng góp của lực lượng nhà giáo vào sự phát triển xã hội. Trên cơ sở của Luật Nhà Giáo được xây dựng và ban hành, cùng với những nỗ lực hợp tác từ các cơ quan quản lý giáo dục chuyên trách là Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, các tổ chức xã hội và cộng đồng doanh nghiệp, cũng như sự cam kết trách nhiệm và đóng góp năng lực của chính nhà giáo, chúng ta có thể xây dựng một hệ thống giáo dục nghề nghiệp mạnh mẽ, linh hoạt và đáp ứng được nhu cầu của thời đại mới; việc đặt nhà giáo vào trung tâm của quá trình xây dựng, góp ý của dự thảo Luật Giáo dục Nghề nghiệp sẽ giúp cho việc bảo đảm trong tương lai đất nước có được một hệ thống giáo dục tiên tiến, chất lượng và bền vững, mang lại lợi ích cho cả người học, nhà giáo và toàn xã hội./.
GS.TSKH. Dương Quý Sỹ – UVHĐ QG Giáo dục & PTNL Việt Nam; Phó trưởng Tiểu ban Giáo dục Nghề nghiệp; HĐKH Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (Viện chủ quản)